Lời thưa,
Văn chương là điều hết sức lạ lùng, nó đã gây ấn tượng với tôi ngay từ những năm tháng còn học cấp hai. Bấy giờ tại miền Nam đã có những tờ báo dành cho thanh thiếu niên như: Thiếu Nhi (chủ bút: Nhật Tiến, anh ruột của nhà văn Nhật Tuấn), Thằng Bờm (chủ nhiệm: nhà thơ Nguyễn Vỹ)… tôi đọc ngấu nghiến tập tành viết lách và có thơ in. Bài thơ đầu tiên của tôi là bài Em tôi (in trên tuần báo Thiếu Nhi ra ngày 13-5-1973). Năm đó tôi 14 tuổi. bài thơ như sau:
Em tôi bé nhỏ
Bầu bĩnh dễ thương
Trên môi son đỏ
Nụ cười trầm hương
Cắp sách đến trường
Cô dạy A,B,C
Về nhà tập đọc
Mai học chữ C
Thấy ai làm hề
Là cười hớn hở
Ai mà dọa ma
Thì tìm đến ba
Em thích hát ca
Những bài cộng đồng
Má sẽ không la
Như chim sổ lồng
THUỞ MƠ LÀM... THI SĨ
LÊ MINH QUỐC
Năm lớp bảy, suốt ba tháng hè được nghỉ học tôi tha hồ trốn nhà theo lũ bạn đi tắm biển Mỹ Khê, Thanh Bình. Lần nọ, khi hay tin tôi suýt chết đuối, ba tôi bực lắm. Biết chắc thế nào chiều về cũng bị một trận đòn nên thân, tôi láu cá xin mẹ cho lên nhà ông ngoại tôi tìm chỗ náu thân. Ở đây, ngày qua ngày tôi tha hồ thẩn thơ dạo chơi trong vườn cây xanh, xem hoa nở, nghe chim hót... Riết rồi cũng chán. Tôi vào chui vào phòng ngủ của ông cậu tìm sách đọc. Bất kỳ sách nào lọt vào tay là tôi đọc. Để giết thời gian. Không hiểu cũng đọc. May mắn, có những bài thơ in trên tạp chí Phổ Thông do nhà thơ Nguyễn Vỹ làm chủ nhiệm thì tôi hiểu chút đỉnh.
“Bằng bằng, trắc trắc, bằng bằng...”. Cái nhịp điệu khoan thai ấy đã đi vào trong trí nhớ từ lúc nào cũng không rõ nữa. Đến một lúc, tôi bắt đầu tập tễnh... làm thơ. Bấy giờ, tờ báo Thằng Bờm cũng của nhà thơ Nguyễn Vỹ đã ra đời. Tôi bắt đầu gửi những bài thơ đầu tiên của mình đến tờ báo này, nhưng không được in. Ít lâu sau, tờ báo Thiếu Nhi của ông chủ nhà sách Khai Trí cũng góp mặt trong làng báo. Tờ báo do nhà văn Nhật Tiến làm chủ bút. Tôi lại gửi thơ của mình về cái địa chỉ mà đến nay tôi vẫn còn nhớ như in trong óc “159 Thiệu Trị, Phú Nhuận, Sài Gòn”Gửi thơ cộng tác với báo như gieo hạt. Chờ ngày hạt nẩy mầm. Chờ từng số báo. Mỗi kỳ báo ra là hồi hộp lật từng trang báo còn thơm mùi mực in để xem bài mình có được in hay không? Sau nhiều lần thất vọng, lần đầu tiên tôi rú lên khi thấy cái bút hiệu của mình năm chình ình trên mặt báo. Sướng nhé. Sướng suốt mấy ngày liền. “Tác phẩm” đầu tiên của tôi được in trên báo là bài Em tôi - in trên báo Thiếu nhi số 89 (13.5.1973). Năm đó tôi 13, 14 tuổi.
Sau này, trong một lần lang thang tại các hiệu sách cũ, tôi mua lại được tờ báo này và đọc ngấu nghiến. Như gặp lại người bạn thuở ấu thời. “Em tôi bé nhỏ/ Bầu bĩnh dễ thương/ Trên môi son đỏ/ Nụ cười trầm hương...”. Nay đọc lại những bài thơ của cái thuở ấy, tôi thấy mình làm thơ ngày một... tiến bộ. Bằng chứng là sau đó tôi liên tục có thơ in trên báo này - mà thơ ngày càng hay thế có chết không chứ! Này nhé! “Mười ba tuổi tập tập làm thơ/ Ngồi trong lớp học ngẩn ngơ nhìn trời/ Lắng nghe chim hót đầy vơi/ Quên lời cô giảng được xơi trứng gà”; hoặc “Quê nhà buổi sáng tinh sương/ Con gà trống gáy sau vườn ó o/ Xa xa bác mặt trời to/ Như vừa thức giấc tròn vo là tròn”...
Ít lâu sau, tôi lại gửi thơ của mình đến các báo khác như tờ Tuổi Hoa, Mây Hồng phát hành hàng tuần và các nhật báo khác... Và tất nhiên cũng được đăng. Oách quá đi chứ! Nhưng khổ nỗi là thuở ấy dù có thơ in nhưng tôi cũng không hề được tòa soạn gửi tặng báo biếu hoặc nhuận bút gì sất! Chả cần, mình “phục vụ cho văn học nghệ thuật” (!) thì cần quái gì ba cái chuyện lẻ tẻ ấy? Nghĩ thế, tôi ưỡn ngực về phía trước, ngếch mặt nhìn lên trời mà mơ mộng và tiếp tục làm thơ.
Mà hồi đó, tôi cũng đã “nổi tiếng” lắm chứ chẳng đùa. Bằng chứng là trên tờ báo Thiếu Nhi, ngay bìa 2 có quảng cáo số báo Xuân Giáp Dần phát hành ngày 8.1.1974, giá bán 160 đồng như sau. Khoan, để khỏi mang tiếng “nổ” cho phép tôi chép lại nguyên văn: “Nội dung là cả một một công trình biên soạn của các cây bút quen thuộc đã góp mặt vẻ vang trên Thiếu Nhi trong những năm qua”. Trong đó liệt kê những tên tuổi như Nguyễn Hùng Trương, Nhật Tiến, Minh Quân, Đỗ Phương Khanh, Nguyễn Đình Toàn... còn có Thiên Bất Hủ nữa chứ! Bút danh của tôi đó!
Chẳng nhớ vì sao tôi lại ký bút danh này. Có lẽ ảnh hưởng từ một tuồng cải lương nào chăng? Chắc chắn là thế, vì bấy giờ cả xóm chỉ mỗi nhà tôi là sắm được cái truyền hình - chỉ nhỏ bằng cái màn hình vi tính như hiện nay, mỗi lúc có phát cải lương là cả xóm lũ lượt kéo đến xếp hàng ngồi xem! Sau này tôi mới biết, thế hệ cùng làm thơ với tôi hoặc nhích hơn tôi một vài tuổi cũng đều ký bút danh, chứ ít ai dùng tên thật. Chẳng hạn, anh Nguyễn Đông Thức năm 11 tuổi đã làm thơ, ký Long Nhi; anh Phạm Sỹ Sáu ký Ngy Xuân Sơn; anh Nguyễn Nhật Ánh ký Hoài Mộng Diễm Thư; anh Nguyễn Thái Dương ký Nguyễn Mặt Trời, anh Đoàn Thạch Biền ký Nguyễn Thanh Trịnh... Riêng anh Đoàn Vị Thượng, lúc này đang sống ở Quảng Ngãi ký tên thật Trần Quang Đoàn dưới nhiều bài thơ in trên tờ Tuổi Hoa, Thiếu Nhi...
Ngoảnh lại đã mấy chục năm trời. Viết dăm dòng chung vui với bạn đọc Áo Trắng trong dịp xuân Kỷ Sửu (2009), cho phép tôi chép lại bài thơ của Thiên Bất Hủ đã in trên tờ Thiếu Nhi Xuân Ất Mão (1975):
KHAI DÒNG
Hát khúc ca viết từ nỗi nhớ
Xuân đã về cúc nở đầy hoa
Mừng năm mới tươi cười như nắng vỡ
Trong vòng tay cầu chúc mẹ cha
Lên chùa nghe kinh kệ thiết tha
Bé hồn nhiên môi cười rạng rỡ
Cầm tay bà hái lộc xanh mới nở
Tung tăng đùa nghe chuông đổ ngân nga
Mồng một Tết về thăm quê nội
Cắn hạt dưa môi đỏ màu son
Bé như chim mãi hát véo von
Bên dòng sông đậm đà ngăn trí nhớ
Đứng trong vườn mù sương hơi thở
Nhìn bướm ngoan vui hội mùa xuân
Bé nghe ông nhắc về kỷ niệm
Chợt cõi lòng cũng thấy bâng khuâng
Mùng hai Tết đi chúc láng giềng
Đầy hoa mai nở thắm đầu tiên
Cùng cô bạn nhỏ chơi u mọi
Lén ba me uống rượu sầu riêng
Năm mới đi lên chúc cô thầy
Ngoài trời nắng ấm có mưa bay
Bạn bè dăm đứa bưng trà rượu
Chúc thầy cô hạnh phúc đắm say
Thầy cảm ơn nước mắt rưng rưng
Chúc môn đệ học hành tấn tới
Như phấn thông hương rừng năm mới
Tình thầy trò ngát nắng mùa xuân
Mùa xuân đó, tôi học lớp chín. Đây là bài thơ cuối cùng tôi được in trên báo chí Sài Gòn. Ít lâu sau miền Nam được giải phóng. Tôi vẫn tiếp tục làm thơ và trước ngày đi bộ đội, tôi bắt đầu ký tên thật dưới các bài thơ in trên báo Quảng Nam, Tin Sáng... Lần đầu tiên trong đời tôi được nhận nhuận bút là của báo Tin Sáng, tòa soạn trả tôi 13 đồng cho ba bài thơ in trên ba số báo trong năm 1976. Đến nay, tôi vẫn giữ được thư chuyển tiền, đánh máy có chữ ký của nhà báo lừng danh Hồ Ngọc Nhuận.
L.M.Q
(http://tuoitre.vn/Ao-trang/296323/Thuo-mo-lam-thi-si.html)
Những bài thơ không có nhuận bút
Bài thơ đầu tiên của tôi được đăng trên báo vào năm 1972. Lúc đó, tôi còn là một cậu học sinh trung học của ngôi trường Tây Hồ - tên hiệu của nhà ái quốc nổi tiếng Phan Châu Trinh tại thành phố Đà Nẵng.
Không giống như bây giờ, bất cứ một sáng tác nào của bạn đọc được in trên báo đều có nhuận bút, có báo biếu được đóng dấu “kính biếu” son đỏ tươi thơm mùi giấy mới mà khi áp vào lồng ngực thì vẫn còn vọng lại niềm vui. Thời của tôi, điều đó, đừng mơ tưởng đến.
Tuy nhiên, đối với một cậu học trò, được in bài thơ trên báo đã là một vinh dự. Bạn bè nhìn bằng con mắt nể nang. Và trong những lần làm “báo tường” thì bao giờ cũng được thầy giáo chỉ định vào “ban tổ chức” hoặc ưu tiên chọn đăng bài.
Còn nhớ, những buổi chiều tháng chín, dù vòm trời ở miền Trung xám xịt những cơn mưa nhòe nhoẹt, tôi cũng ngoan ngoãn đội áo mưa đi ra những sạp báo. Tay run run. Lòng hồi hộp. Mắt láo liêng. Rụt rè lật từng trang báo, từng trang. Để rồi thất vọng. Để rồi vỡ òa niềm sung sướng. Bài thơ của mình kỳ này có được tòa soạn chọn đăng hay không?
Còn nhớ, những ngày báo ra trễ, lòng nôn nóng. Chờ đợi, chợt nghe văng vẳng bên tai tiếng rao lanh lảnh của những đứa bán báo. “Báo mới đây! Thiếu Nhi! Tuổi Hoa! Thằng Bờm đây!”. Thế là lòng rộn rã, tôi chạy ùa ra đường phố để mua cho bằng được tờ báo mà mình yêu thích.
Bây giờ, thỉnh thoảng được đọc những bản thảo của các bạn để viết “nên vần nên điệu” cho Mực Tím - không hiểu sao, tôi lại thấy bóng dáng của các bạn trẻ ấy là tôi của những ngày đã xa. Đó là tôi miệt mài làm thơ và mua tem để gửi qua đường bưu điện.
Những bài thơ được gửi đi và còn hy vọng sẽ được tòa soạn chọn đăng. Và không hề có nhuận bút. Vậy cũng vui lắm rồi. Mới đó thôi, vậy mà, cứ tưởng đã xa…
LÊ MINH QUỐC
(nguồn: Báo Mực Tím số 106 - 10.1.1994)
Năm ấy tôi 16
Năm 16 tổi, chưa biết thơ là gì nhưng tôi đã biết làm thơ. Năm 16 tuổi chưa biết thất tình, nhưng tôi đã hoài niệm về cuộc tình đã mất. Đó là cái tuổi trẻ còn nuôi nhiều ước mơ, sống với nhiều mộng mị. Làm thơ về chuyện tình yêu cũng là một cách bắt chước “thú đau thương” của những người đi trước mà mình đã học và ảnh hưởng, chứ thuở ấy chú nhóc là tôi nào có biết gì về mắt biếc và môi hồng.
Tuy nhiên, có một dấu ấn sâu đậm khó quên, còn hằn trong trí nhớ của tôi thuở ấy vẫn là những bài hát “phản chiến” của Trịnh Công Sơn hoặc những ca khúc của nhóm Du ca. Hầu như trên cái dải đất miền Trung không ngày nào không có xuống đường, biểu tình…. Không khí phản kháng tràn vào trong trường học. Những lú đó, vui nhất là được nghỉ học, lũ học trò chúng tôi cũng lon ton theo anh chị học lớp lớn hơn “xuống đường” để biết thế nào là lựu đạn cay, để nhặt những truyền đơn rải trắng phố phường. Cũng hò reo, cũng chạy tán loạn một cách vui vẻ. Để rồi đêm về, chìm trong giấc ngủ là quên tất. Cái tuổi 16 thuở ấy của học trò miền Nam là vậy. Vậy mà ý thức về tình yêu quê hương, về tự tình dân tộc hình thành dần trong trí óc non nớt một cách tự phát.
Ngày tháng dần qua.
Tôi vẫn thường xuyên có những bài thơ học trò đăng đều đặn trên báo Thiếu Nhi do ông Nguyễn Hùng Trương (chủ nhà sách Khai Trí) và nhà văn Nhật Tiến chủ trương. Những bài thơ này hoàn toàn không có nhuận bút và báo biếu. Được in thơ và nhất là được nhìn thấy cái bút hiệu “Thiên Bất Hủ” rất oách của mình dưới mỗi bài thơ là một niềm vui tột cùng. Rồi cũng như các anh chị học lớp lớn hơn, năm 16 tuổi, tôi đã cùng bạn bè biết thức trắng đêm (tất nhiên không cần cà phê) để… làm báo! Đó là những tờ báo tường được trình bày một cách chỉn chu, đầy “sáng tạo” để thi đua giữa các lớp với nhau. Không dừng lại đó, chúng tôi lại làm… báo in! Oách quá đi chứ! Gọi là báo in nhưng thật ra chỉ là một cách nói. Chúng tôi quay roneo các sáng tác của nhau để… tặng nhau! Đôi lúc tôi thầm ước ao rằng, làm sao có thể tìm được những tập san vụng dại ấy nhỉ? Dù vụng dại nhưng đã là một phần đời, một phần kỉ niệm yêu dấu không quên của tuổi học trò năm 16 tuổi.
Tuổi học trò đi qua như gió. Như nắng. Như mưa. Bỗng nhiên một ngày nọ, tôi thấy mình lớn hẳn lên. Mình đã lớn. Đó là lúc nửa khuya cả nhà thức dậy, mẹ tôi đọc kinh Phật lâm râm và nguyện cầu. Ba tôi đứng ngoài sân nhìn về phía xa xăm. Còn tôi, tôi đang nằm trong hầm lắng tai nghe tiếng đại bác dội về thành phố Đà Nẵng. Chiến tranh đã đến tận trong ngõ ngách phố thị. Rồi cảm nhận ấy qua mau, bởi tôi ngủ thiếp đi. Và sáng mai thức dậy, tôi đã thấy rợp phố phường là những ngọn cờ nửa xanh, nửa đỏ. Lũ học trò thì thầm với nhau “Việt cộng đã về”. Nhớ lại lòng tôi lúc ấy, tôi không vui và cũng không buồn, bởi trong lòng chưa có một ý thức chính trị rõ rệt. Chỉ dăm ngày sau, chúng tôi lại tập trung đi học. Vẫn ngôi trường ấy. Vẫn chỗ ngồi ấy. Nhưng người thầy đã khác. Bài học thuộc lòng đầu tiên của năm giải phóng với thế hệ chúng tôi là bài thơ viết về dòng sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh. Bài hát tập thể đầu tiên không phải do thầy giáo dạy, mà lại do một chú bộ đội tập cho chúng tôi hát. Bài Trường em. Nay tôi còn nhớ như in. “Trường em lợp ngói đỏ. Bên hàng cây xanh. Ngày ngày vang tiếng hát. Chúng em vui học hành. Chúng em thi nhau viết. Thật đẹp tên Bác Hồ. Chúng em thi nhau vẽ. Ngôi sao trên lá cờ”. Sau này, tôi cố gắng đi tìm tên tác giả bài hát này qua nhiều tư liệu, nhưng bất lực.
Tuổi 16 của tôi lẫn lộn trong cái tuổi học trò của một thế hệ. Và chỉ ba năm sau, tôi đi bộ đội. Sau lưng vẫn là những ngày còn nuôi nhiều ước mơ, sống với nhiều mộng mị.
Lê Minh Quốc
(nguồn: Tập sách Thời mực tím của người nổi tiếng - NXB Giáo Dục - 2008)
EM TÔI
Em tôi bé nhỏ
Bầu bĩnh dễ thương
Trên môi son đỏ
Nụ cười trầm hương
Cắp sách đến trường
Cô dậy A, B
Về nhà tập đọc
Mai học chữ C
Thấy ai làm hề
Là cười hớn hở
Ai mà dọa ma
Thì tìm đến ba
Em thích hát ca
Những bài cộng đồng
Mẹ sẽ không la
Như chim sổ lồng
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi số 89 ngày 13.5.1973)
CHO TRƯỜNG XƯA
Cắn bút làm thơ tặng mái trường
Kỷ niệm êm đềm nhớ vấn vương
Giờ chơi chạy nhảy đi tìm bướm
Hoang nghịch hồn nhiên ôi dễ thương
KÍNH TẶNG THẦY
Con viết bài thơ để nhớ thầy
Công ơn chưa trả người đà về mây
Tình thân ái cầm chặt giữa muôn dây
Chừ đây đã hết con mắt cay
CHO BẠN CŨ
Tuổi học trò dệt vần thơ tặng bạn
Nét ngoan hiền trong trái me chua
Hờn giận buồn vui cả bốn mùa
Như con chim nhỏ tìm về rừng mơ
CHO MÌNH
Lang thang nhìn những lục bình
Hững hờ trôi nổi như mình rời xa
Bỏ trường trong ánh nắng tà
Cho con chim nhỏ, hoa cà hết vui
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi số 20.5.1973)
HẠ, MÙA PHƯỢNG NỞ
Hạ lại về cánh bướm tha hương
Gởi lại trời mây gió bốn phương
Đôi dòng tâm sự là quà tặng
Cho bạn thân yêu dưới mái trường
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi số 100 ngày 29.7.1973)
GIÂY PHÚT ÊM ĐỀM
Ngồi gần lại siết chặt tay thân ái
Trẻ mồ côi, chị cài hoa hướng dương
Xinh tươi nhất và thơm ngát tình thương
Cho đỡ tủi sầu trong cô nhi viện
Còn cha mẹ và mơ làm những việc thiện
Xích lại gần chị cài đóa hồng tươi
Rồi em ơi hãy thích thú vui cười
Như chim nhỏ giữa trái rừng ngọt lịm
Còn bạn bè thường mơ về kỷ niệm
Mơ tà áo bay vờn trong ánh nắng
Chị sẽ cài cho hoa giấy màu trắng
Tuổi học trò ôm tiếng hát vành khuyên
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi số 100 ngày 3.8.1973)
LỄ VU LAN
Hương trầm thơm lẫn tiếng ca
Lên chùa lễ Phật thương cha mẹ già
Thời son vừa tuổi ngọc ngà
Như màu mắt mẹ quê nhà mến yêu
Chừ đây vóc dáng mỹ miều
Công ơn chưa trả tóc nhiều muối tiêu
THIÊN BẤT HỦ
(báo Thiếu Nhi số 102 ngày 10.8.1973)
NGHĨA MẸ NHƯ NƯỚC Ở NGOÀI BỂ ĐÔNG
Mẹ dậy từ sáng tinh sương
Mưa rơi nặng hạt con thương vô cùng
Trong chăn con nghĩ mông lung
Mai sau xa cách vẫy vùng với ai
Mẹ tìm về chốn thiên thai
Quy y đức Phật trên đài hoa sen
Mẹ đây cực khổ trăm chiều
Thức khuya dậy sóm lo nhiều cho con
Rồi mai sức sống mỏi mòn
Phượng hoàng gẫy cánh chừ còn vui đâu
Tóc tiên ôi! Đã đổi màu
Công ơn chưa trả tâm hồn bơ vơ
Con thì tuổi hãy còn thơ
Siêng năng gắng học để cho mẹ mừng
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu nhi số 102 ngày 10.8.1973)
CHỢT MÙA THU ĐẾN
Ve sầu đã hết chuỗi ngày son
Phượng đỏ chừ dây chỉ sống mòn
Muôn tà áo trắng bay về tổ
Dưới mái trường xanh hót véo von
Những bướm vàng em ép chưa xong
Ba tháng hè trôi đau đớn lòng
Giã từ đồi núi cùng bãi biển
Bạn bè gặp lại hết nhớ mong
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi 104 ngày 24.8.1973)
NGÀY MỚI
Mùa khai trường đến
Chim hót véo von
Học trò dễ mến
Thương chuỗi ngày son
Trường thay áo mới
Rực rỡ hẳn lên
Nắng vàng vừa tới
Rộn bước chân chim
Em đi theo mẹ
Tâm hồn hoang mang
Chân chim bước nhẹ
Em nhớ đến làng
Thu đến lá vàng
Bạn bè gặp nhau
Nhớ thương ngút ngàn
Chừ đây hát vang
Mùa kha trường đến
Chim hót véo von
Học trò dễ mến
Thương chuỗi ngày son…
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi số 105 ngày 31.8.1973)
CHO TA
Êm đềm thu sang
Rơi lá thu vàng
Lối về mưa đổ
Chân bước lang thang
CHO THU
Mây họa vần thơ
Trong cảnh mộng mơ
Tặng mùa thu tới
Chân nai ngẩn ngơ
VÀ NẮNG
Dồng hoa cỏ xanh
Chân em bước nhanh
Đùa trong nắng sớm
Ôi! Nắng vàng hanh
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi 106 ngày 7.9.1973)
LỤC BÁT HỒN NHIÊN
CON VỊT
Ao nhà nuôi lũ vịt con
Le te từng đám bơi theo lục bình
Hoa màu tim tím nở xinh
Lũ con vịt tưởng nhà mình là đây
CON CHIM
Sáng mai có chú chim con
Trên cành phượng hót véo von đón chào
Ngoài đồng ngọn cỏ lao xao
Chim con vỗ cánh hương đào thoảng bay
CON TRÂU
Con trâu giúp việc nhà nông
Sáng chiều cày ở ngoài đồng đất khô
Lưa thưa là những nấm mồ
Nhà nông cực khổ mơ hồ lúa reo
CHÓ, MÈO NGOAN
Ngày xưa nhà bố me nghèo
Nuôi hai con vật: chó, mèo ngoan ngoan
Siêng năng đôi bạn hát vang
Chiều chiều đón bố đầu làng mừng vui
Vào nhà cậu chó vẫy đuôi
Con mèo nằm nghĩ đánh mùi cá kho
CON GÀ TRỒNG
Quê nhà buổi sáng tinh sương
Con gà trống gáy sau vườn ó o
Xa xa bác mặt trời to
Như vừa thức giấc tròn vo là tròn
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi số ngày 2.11.1973)
HOA MẪU ĐƠN
(Tặng mẹ yêu quý của con)
Mẹ làm nội trợ trong nhà
Trăm chiều khổ cực mặt đà nhăn nheo
Trồng cây, nuôi vịt, gà, heo
Mong con học giỏi mẹ reo tiếng cười
Ngày rằm mắt mẹ sáng ngời
Lên chùa lễ Phật mở lời từ bi
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi số 116 ngày 7.12.1973)
CÂY THÔNG
Khung trời hồng chim trắng bay
Bồ câu nối những bàn tay thái bình
Rừng thông hoa cỏ lung linh
Thiếu nhi tập họp xinh xinh vòng tròn
ĐÊM LỄ NOEL
Đêm Noel sương sa
Chuông nhà thờ ngân nga
Đám con chiên ngoan đạo
Thánh thót muôn lời ca
ĐÊM NOEL
(Tặng Kim)
Đường phố nhộn nhịp xa hoa
Nhà thờ bài hát thánh ca êm đềm
Mừng Chúa, bé đứng trước thềm
Vỗ tay đón bố - chào đêm thanh bình
THIÊN BẤT HỦ
(báo Thiếu Nhi số 117 ngày 19.12.1973)
XUÂN QUÊ HƯƠNG
Lạy trời cho lúa trổ bông
Mẹ cha sung sướng nhìn đồng lúa reo
Nuôi thêm những vịt, gà, heo
Tạ ơn tiên tổ được điều bình yên
Chúc ông bà thô vạn niên
Trồng nêu ăn Tết vui bên sân đình
Trong nhà dán giấy, dán hình
Những câu đối đỏ xinh xinh dịu dàng
Năm nay đấu vật ở làng
Chao ơi! Thích quá họ hàng đi xem
Sách vở tạm để một bên
Mùa Xuân dân tộc chúng em đón mừng
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi số 118-119 ngày 8.1.1974)
TRẦM TÍCH
Xuân về một thoáng tình man dại
Hoa cúc chiều nay đã nở vàng
Hương trầm thoảng ngát chân e ngại
Nhung nhớ về đây pháo nổ vang
Ngày xưa thơ ấu mơ cổ tích
Như cánh chim về hót miên man
Bờ môi thơm sữa thương quê ngoại
Chiều hương đồng nội khẽ phím loan
Mười ba mơ mộng chuyện thần tiên
Như nàng công chúa ngủ triền miên
Vườn hồng ngọt lịm - ông hoàng tử
Hôn nhẹ bờ môi như chim quyên
Hoa cỏ mùa xuân xót xa đưa
Ca dao quê mẹ ấm giao thừa
Tình thân kỷ niệm Ôi! Triều mến
Võng ấu thời ca nhịp đong đưa
Như phấn thông vàng bay lả lơi
Lên chùa xin lộc mộng tuyệt vời
Trăm nghìn hạnh phúc chừ nhung nhớ
Kỷ niệm vàng son mộng một đời
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi số 120 ngày 1.2.1974)
NHƯ GIỌT SƯƠNG ĐÊM
Ca dao bát ngát
Lúa trổ đầy hoa
Thầy dạy con hát
Tình thương lời ca
Mắt nai hồn nhiên
Tóc cài hoa dại
Như loài chim khuyên
Ngoan hiền e ngại
Vòng tay trìu mến
Thầy dậy dỗ con
Như bướm vàng vũ
Mong con lớn khôn
Rồi sớm mai hồng
Hoa thiên lý nở
Đời thầy bềnh bồng
Rơi chuỗi ngày mơ
Ánh nắng vàng hoe
Phượng hoàng vỗ cánh
Đường bay lá me
Nước mắt lóng lánh
Như giọt sương đêm
Rơi nhẹ bên thềm
U hoài yên ngủ
Mơ chốn êm đềm
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi số 121 ngày 15.2.1974)
ĐI HỌC ĐẦU XUÂN
(Tặng Mừng Hoang Vu)
Tháng giêng nắng tô hồng thêm sách vở
Chân em ngoan nhảy nhót bước đến trường
Ngăn tim nhỏ chứa tin yêu rạng rỡ
Mắt hồ thu rộn rã nắng niềm thương
Tà áo bay như muôn ngàn cánh bướm
Thắp hoa hồng nở mộng ước trinh nguyên
Em bước chậm nhìn mặt trời tuổi nhỏ
Tóc vờn bay tìm về bình yên
Dừng chân ngắm lúa reo xanh tuổi mộng
Tuổi học trò như chim sáo hồn nhiên
Lòng êm ái trong khung trời gió lộng
Họa vần thơ dấu mực tím triền miên
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi số 121 ngày 15.2.1974)
MẸ VÀ LỊCH SỬ
Quê hương ta lúa reo thơm ngan ngát
Mẹ hiền trồng đồi sắn nương khoai
Nuôi anh bộ đội miền Nam chống Pháp
Mồ hôi trồng lúa sẽ nở đầy bông
Nắng ấm lên cao - nắng ngày tươi hồng
Ngàn chim về réo gọi hót mênh mông
Phù sa đất thắm muôn hoa đua nở
Rừng dậy men mùa như nước dòng sông
Vua Quang Trung lịch sử ghi đậm nét
Từng đại thắng chớp nhoáng lũ quân Thanh
Đầu mùa xuân vào Thăng Long - Hà Nội
Áo hoen hồng thuốc súng những ngày xanh
Con nước Việt - nữ nhi nam hùng dũng
Triệu Nữ Vương đánh đuổi bọn giặc Tàu
Nước Trung Quốc sợ hãi đến ngàn sau
Lý Thường Kiệt đã bình Chiêm, đánh Tống
Rồi có một ngày nêu cao truyền thống
Mẹ mỉm cười nhìn đàn cháu thân yêu
Đừng nhìn Việt Nam trên bản đồ giấy
Chim trắng rợp trời dấu lá cô liêu
THIÊN BẤT HỦ
(Câu “Nuôi anh bộ đội miền Nam chống Pháp”
Bị cắt bỏ khi in trên báo Thiếu Nhi số 124 ngày 1.5.1974)
LỤC BÁT NGÀY RỜI XA MÁI TRƯỜNG
Đây là những bài thơ được chọn in trong tập thơ Phù Sa do Gia đình Thiếu Nhi ở Đà Nẵng thực hiện, quay ronéo vào năm 1974. Tôi còn nhớ là ngoài bìa nhờ Huỳnh Hương (nay ở Mỹ) vẽ một cô gái tóc dài xõa tóc đứng trước biển. Chúng tôi có tổ chức vào tận lớp của các trường Tây Hồ, Nguyễn Tri Phương… xin thầy cô cho năm mười phút để giới thiệu về tập thơ và rao bán, thu tiền. Cách làm này khá phổ biến thời đó.
Đến nay, tôi vẫn còn giữ nhiều tập thơ quay ronéo tương tự, đáng chú ý nhất là tập Trái sầu chín từ nỗi chết của Lữ Tùng Anh. Anh chàng này từ Đà Lạt xuống Đà Nẵng và bán tập thơ này tại trường Tây Hồ, lúc đó, tôi đang học lớp 7. Mở ngoặc, khi viết những dòng này, tôi lên goolge tìm hú họa thông tin về Lữ Tùng Anh, ai ngờ lại gặp trang thơ tác giả này. Chao ôi! Là thế giới mạng. Đóng ngoặt.
Cỏ Non, bút danh của Nguyễn Văn Sanh, hiện nay ở Đà Nẵng. Anh của Sanh là Nguyễn Văn Nhân cũng làm thơ ký bút danh Bạc Hà. Sau này, Nguyễn Văn Nhân có xuất bản vài tập thơ.
Hoàng Dũ Linh, bút danh của Nguyễn Văn Phú (Phú De) hiện ở Sài Gòn.
Hoài Nguyên Giang, bút danh của Nguyễn Phát ở Đà Nẵng, đã chết, đúng như câu thơ Phát đã viết: “Đôi ta cách biệt phương trời”.
Mừng Hoang Vu, bút danh của Phan Vân Sơn, trưởng gia đình Thiếu Nhi ở Đà Nẵng. Nay vẫn còn ở Đà Nẵng.
Lương Văn Bình, có thể là tên thật của Hùng Vỹ, trong gia đình Thiếu Nhi ở Quảng Tín, Tam Kỳ. Không rõ nay thế nào, tôi chưa biết mặt.
Nguyễn Trường Anh tên thật là Nguyễn Lặc ở Diên Khánh (Nha Trang). Sau đó, anh đổi bút danh là Nguyễn Tường Anh. Không rõ nay thế nào, tôi chưa biết mặt.
Đằng Linh trong gia đình Thiếu Nhi ở Quảng Tín, Tam Kỳ. Không rõ nay thế nào, tôi chưa biết mặt.
Khi in xong tập thơ Phù Sa, chúng tôi đã gửi tặng nhà văn Nhật Tiến ở Sài Gòn và ông đã chọn trang thơ này in trên báo Thiếu Nhi số 125 ra ngày 1.6.1974.
(Sài Gòn tháng V.2012)
1. THIÊN BẤT HỦ
Bé ghi kỷ niệm ngày xanh
Bao nhiêu thương nhớ trên nhành yêu thương
Gọi lòng tình nghĩa vấn vương
Bé ghi lưu bút xanh hương học trò
2. CỎ NON
Lá me bay, tóc hoa cài
Xếp cho nhung nhớ ẩn hoài ngăn tim
Kỷ niệm chừ cũng làm thinh
Sân ga sáng sớm một mình về quê
3. HOÀNG DŨ LINH
Hạ ơi! Ta gửi đôi lời
Nhắn cùng nhành phượng và mời chú ve
Đừng sầu bi thảm sang hè
Cho tình ta gửi gió nghe trộm lời
4. HOÀI NGUYÊN GIANG
Vòng tay siết chặt bên nhau
Trao nhau lưu bút lệ sầu vương rơi
Đôi ta cách biệt phương trời
Trong ba tháng hạ đầy lời nhớ mong
5. MỪNG HOANG VU
Thơ làm em tặng trường xưa
Rong rêu lá phủ thầy xa, bạn về
Hè sang ve hát lê thê
Còn em sân nắng buồn ghê là buồn
6. LƯƠNG VĂN BÌNH
Mây chiều lộng nắng vàng hoe
Bước chân giẫm nát cây hè phượng rơi
Đưa tay ôm lấy gió trời
Bỏ quên sách vở tình khơi giữa hè
7. NGUYỄN TRƯỜNG ANH
Trong đôi mắt thơ dại khờ
Một niềm lưu luyến mong chờ hè sang
Hàng dương rũ bóng chiều tan
Hàng cây phượng đỏ theo làn tóc mây
8.ĐẰNG LINH
Nhớ thương ơi! Những đợi chờ
Dãy bàn năm cũ phai mờ mực chưa?
Trường yêu xa mấy cho vừa
Tình thương thầy, bạn bây giờ vời xa
(Trong Phù Sa của bút nhóm Trẻ)
(Báo Thiếu Nhi số 125 ngày 1.6.1974)
THẦY VÀ MẮT BÉ
Vườn xanh há vang tiếng cười rộn rã
Trong giờ chơi nhìn các bé đùa ca
Thầy chợt mến thương tuổi nhỏ thiết tha
Mơ kỷ niệm thoáng về trong ký ức
Tháng ngày xưa thơm ngon như kẹo mứt
Thầy hiền như chim sáo hót ngẩn ngơ
Ngày hạ về tâm hồn thầy náo nức
Thích phượng hồng, bươm bướm thích mộng mơ
Trong măt bé vẫn hoài xanh thơ ấu
Cho thầh tìm dấu cỏ dại- hồn nhiên
Ngày rong chơi xin ngàn đời yêu dấu
Ủ hương nồng tươi mát chốn thần tiên
THIÊN BẤT HỦ
(báo Thiếu Nhi 126 ngày 1.7.1974)
LỤC BÁT THIÊN BẤT HỦ
CON BƯƠM BƯỚM
Dễ thương ơi cánh bướm vàng
Bé đang tập múa như đàn bươm bay
Kìa, con bướm ngó mê say
Nó đập nhẹ cánh lung lay đóa hồng
CON NHỀN NHỆN
“Tò vò ngồi khóc tỉ ti
Nhện ơi! Nhện hỡi mày đi đường nào?”
Con nhền nhện nó tự hào:
Thân mình tự lập mới chào bạn quen
Nghe qua vò có lởi khen:
Ráng làm sự nghiệp chớ mon men về
CON CHÓ
Ban trưa còn chén cơm thừa
Chủ nhà để chó mới vừa ăn no
Mặt con mực thoáng buồn xo
Ăn không lạt miệng- cá kho đâu rồi?
CON CHUỘT
- Chuột sa chỉnh gạo chị ơi
Em đang múc gạo trông thời khiếp ghê
Chuột kêu chít chít bồn bề
Em kêu con mực mau về mà… “săn”
CON VOI
Chú voi già có cái vòi
Mồm chú nho nhỏ ăn hoài cỏ xanh
Đến trường cố gắng học hành
Kẻo mang tiếng dốt tập tành bạn chê
Trong sở thú làm trò hề
Giúp người giải trí đi về cười vui
CON HEO
Mập như heo nái, lợn sề
Con heo ủn ỉn đi trề mũi ra
Thường thường đi bảy nằm ba
Ăn chung nồi cám kêu la chí chòe
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi số 126 ngày 1.7.1974)
VÀNG SON XƯA
(Tặng Hùng Vỹ Lương Văn Bình)
Canh nước biển, ca rêu đồng
Xin em sống lại ngày hồng ấu thơ
Bông phù sa nở ngẩn ngơ
Sóng reo nước biển ngập bờ ruộng nương
Tim non nở ngát tình thương
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi số 129 ngày 15.9.1974)
ĐÔNG VỀ CHỢT NHỚ DÁNG XƯA
Hơi gió lạnh len lén vào áo ấm
Lớp học buồn cô bé nhớ me chua
Dáng xưa nào thân ái thích ganh đua
Tìm hoa nở trong sương mù giăng lạnh
Tuổi học trò tuyệt vời đông vừa đến
Cơn bệnh lười trong chăn gối miên man
Thương thầy cô, bè bạn đóa hoa vàng
Những kỷ niệm êm đềm hay hờn dỗi
Ngày đi trại về quê “thăm” đào ổi
Áo trắng bay tự bướm, hát như chim
Đã quên đi lục bình trôi hờ hững
Và niềm vui nầy rộn rã con tim
CỤ ĐỒ NHO
(Tặng chú họa sĩ Vi Vi)
Hạt mưa trắng xóa nhẹ vờn bay
Trầm hương thơm ngát quyện sầu mây
Ông tôi ngồi viết câu đối đỏ
Men rượu ngày xuân chớm hơi say
THIÊN BẤT HỦ
(báo Thiếu Nhi ngày 1.10.1974)
THƯƠNG CHA MẸ
Thương con, cha mẹ dầm mưa
Sáng tinh sương dậy, ban trưa ngoài đồng
Chiều về nhạt ánh nắng hồng
Đường quê lúa trổ- vợ chồng con vui
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi 131 ngày 15.10.1974)
BÉ VÀ DĨ VÃNG
(Tặng Kim)
Bé nhỏ ơi! Mắt nai ngọt ngào
Trong vườn bông cỏ reo lao xao
Đón chân bé đến vườn hoa mộng
Cho trái mơ hông cũng đỏ au
Bé nhỏ ơi! Mắt nai rêu nhung
Vàng thu đã đến mát vô cùng
Có ủ hồn người trăm sợi nắng
Cho ấu thời xưa nhớ trong lòng
Dấu cỏ hiền ngoan mờ trong sương
Đi giữa mùa trăng ngập mây vương
Bé - nàng công chúa nghe cổ tích
Nhớ kỷ niệm hồng đầy yêu thương
THIÊN BẤT HỦ
(báo Thiếu Nhi số 133 ngày 15.12.1974)
ĐÊM LỄ NOEL
Đêm Giáng sinh hát nhạc hồng
Bé dâng lên Chúa trong lòng hân hoan
Lời ca hòa nhịp phím loan
Tuổi thơ bé nhỏ hiền ngoan đời đời
NOEL
(Cho Kim)
Đêm Noel bé hát
Vang huyền thoại nhã nhạc
Trong đêm mờ sương bay
Khúc ca nào ngơ ngác…
MẸ VÀ NGÀY GIÁNG SINH
Đông về trên đỉnh trầm hú gió
Bé trở về như thoáng mây qua
Xin một lần buồng tim mở ngỏ
Môi mẹ già héo hắt nở hoa
Mẹ long đong như tình biển mặn
Hương nội thành một thuở truân chuyên
Nuôi con bú sữa tình mầu nhiệm
Ủ trong lòng chút máu hồn nhiên
Mùa đông về lại có Giáng sinh
Bé trăm năm cầu nguyện thái bình
Mẹ ngồi nhìn hoa bay trước ngõ
Mơ quê nhà trong cõi vô minh
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi số 133 ngày 15.12.1974)
MỘNG MƠ
Mười ba tuổi tập làm thơ
Ngồi trong lớp học ngẩn ngơ nhìn trời
Lắng nghe chim hót đầy vơi
Quên lời cô giảng được xơi trứng gà
NGẨN NGƠ
Tan trường áo trắng bay vờn
Như ngàn cánh bướm chập chờn muôn phương
Lối về hoa phượng ngát hương
Nhớ nhung một thuở mái trường thân yêu
THIÊN BẤT HỦ
ĐÊM XUÂN HỒNG TUỔI THƠ
Trong vòng tay mẹ ngủ vùi
Đêm ba mươi Tết ngậm ngùi tháng năm
Lửa reo nồi bánh tình thâm
Con nghe sung sướng nhang trầm thơm sao
Chị Kim ửng má hồng đào
Ngồi bên chân ngoại thì thào nửa đêm
Con nằm trên cỏ ấm êm
Nhìn trăng mơ tưởng cánh chim bay về
Pháo hồng rộn rã đam mê
Vòm trời thơ ấu đêm khuya rực hồng
Cuối năm hát khúc ca lòng
Nghe hồn nhung nhớ tháng cùng đã qua
Đêm ba mươi nhớ xót xa
Vàng son dĩ vãng bướm hoa thiên đường
Trồng cây nêu nhớ vô thường
Dưa hành, thịt mỡ, mai vàng nghinh xuân
Đêm ba mươi nấu bánh chưng
Trầm hương thơm ngát lòng bừng nở bông
Con say sưa giấc mơ hồng
Vùi trong thơ ấu bềnh bồng yêu thương
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi số 136 phát hành ngày 15.3.1975)
XUÂN TRONG TRÍ NHỚ
Chiều ba mươi thoáng xuân về hạnh phúc
Mấy nhành hoa đã nở nụ lao xao
Lòng con đây rực vàng như đám cúc
Nở rộn ràng tim bé nhỏ nao nao
Con còn nhớ Tết năm xưa quê cũ
Đầu hiên nhà treo mấy cụm phong lan
Ngoại mình ngồi bên cháu ngoan đông đủ
Kể chuyện xuân nghe pháo nổ vang vang
Sau vườn đào nấu bánh chưng thơm ngát
Lửa reo hồng rạo rực chút mộng mơ
Mẹ mỉm cười nhìn chúng con đùa hát
Trên cỏ xanh mẹ hẳn tiếc tuổi thơ
Chiều ba mươi gió thơm trầm man dại
Ngoại treo câu đối đỏ cửu lý hương
Nhờ ông đồ vẽ vài tranh đại cát
Dán phên nhà con nghe nhớ vấn vương
Thâm tình xưa mang mang rồi dĩ vãng
Mơ cánh đồng bông ngọt ấu thơ xa
Con mơ tưởng xuân về trong trí nhớ
Khơi nỗi buồn đầy nẳng vỡ thiết tha…
THIÊN BẤT HỦ
(Báo Thiếu Nhi số Xuân Ất Mão ra ngày 21.2.1975)
NGẬM NGÙI
Nắng hạ về đong đầy trên mắt nai của cô bé hồn nhiên. Hoa phượng nở ngan ngát, mỗi cánh hồng như môi son bé nhỏ. Tà áo dài theo gió tung bay - để rồi hạ về mang một chút gì luyến tiếc; mái tóc thẹn thùng, đùa bay từng sợi nhịp nhàng như cung đàn phím nhạc đắm say…
Ngoan hiền đôi mắt em thơ
Ươm đầy kỷ niệm dỗi hờn dễ thương.
Hạ về một thoáng mây vương
Chia tay bè bạn - mái trường thân yêu
Hạ về - một chút ngậm ngùi trong ngăn tim tuổi nhỏ. Với nụ hồng nở thật tươi trên bờ môi, cô bé ngỡ ngàng vẫy tay chào cô thầy ở lại. (Để mai sau này nghe hồn nhung nhớ và nuối tiếc giấc mơ hồng thời vàng son thơ ấu).
Mây trắng về giăng sương mù trên non cao bình yên. Cô bé u hoài suy tư trong khúc hoan ca của ve sầu, hiền ngoan. Mang một thoáng hương xưa tìm về nhòa nhạt trong ký ức triền miên.
Ngập đầy nuối tiếc trong tim
Bé mơ làm một cánh chim tròi hồng
Ấu thời ngát nụ phấn thông...
Đôi chân của hạ trắng ngập ngừng, tập lưu bút nằm ngoan hiền đôi tay xinh. Bé có nghe chăng! Sợi nắng mùa hạ trong vàng - giăng tơ vương nõn nà trên nhánh phượng triền miên. Nhạc ve sầu vang vang trong ngút ngàn nỗi nhớ, mùa biệt ly như hạt nước mắt viền mi. Bé cúi xuống nhặt cánh phượng rơi ép trong tập lưu bút. Bé thương làm sao những dòng mực tím xinh xinh, ghi lại kỷ niệm hồn nhiên - của bè bạn với tấm lòng chân thật và xúc động thật nhiều...
Mái trường rêu xanh ơi! Mùa hè về, bé chào tạm biệt - nghe tâm hồn một chút xuyến xao. Thời thơ ấu êm đềm như cánh hoa rơi trên dòng nước xanh mơ. Bỏ trường ra đi trong niềm luyến tiếc, và thương thật nhiều từ cánh bướm vàng đến sợi nắng ấm trong khu vườn...
Cổ tích ngày đời để lại đây:
Bờ tường đá lâu đời rêu bám xanh
Từng nhánh lá cổ thụ uốn bò quanh
Ẩm ướt ôi buồn rơi giọt nước
Nắng hạ về đây sưởi ấm chân thành
THIÊN BẤT HỦ
(nguồn: báo Thiếu Nhi 1.4.1974)
Thoáng ngậm ngùi trong ngăn tim bé nhỏ
Đà Nẵng ngày 18 tháng 3 năm 1974
Chị Đỗ Phương Khanh dấu ái,
Em viết thư này đến chị với niềm tin mãnh liệt. Đã hai ngày nay, THIẾU NHI vẫn chưa hiện diện trên các sạp báo. Chúng em nôn nóng bàn tán, vì có bao giờ THIẾU NHI trễ hẹn đâu?
Cũng như mọi lần, chiều thứ bảy nào, Cỏ Non cũng xuống nhà em để đi mua THIẾU NHI. Đang nằm đọc sách - hay làm bất cứ việc gì - mà nghe tiếng chú bé bán báo reo vang thì chúng em vội vã ra phố (bất kỳ nắng hay mưa).
Chiều nay ngồi viết thư cho chị, em buồn vô hạn. THIẾU NHI chết. Biết bao nhiêu tin tưởng lòng thành của phụ huynh, nhà giáo… Chừ đây tan vỡ… Ôi! Còn đâu một tờ báo giáo dục lành mạnh. Để các em học sinh giải trí vui tươi sau những ngày giờ say mê bên sách vở. Để các bậc phụ huynh hồi tưởng về những ngày tháng nồng hương thơ ấu.
Ngay từ số chào đời, Bác Chủ nhiệm Nguyễn Hùng Trương đã nêu lên đường hướng:
- Tất cả tâm trí chúng tôi cũng như bạn NHẬT TIẾN cùng các cộng sự viên khác là làm sao cho tờ báo THIẾU NHI xứng đáng là món ăn tinh thần cho các em, mầm non của đất nước, để các em trở thành người hữu dụng cho xứ sở.
Và được các thân hữu, văn nghệ sĩ hoan nghênh nhiệt liệt. Đó là một ngày tươi sáng cho tất cả THIẾU NHI VIỆT NAM ngước mặt lên cao mỉm cười với mặt trời hồng, cám ơn Thượng đế.
Trong TN số 3, thân hữu Lê Văn Hoàn đã viết - bằng những lời thành thật:
- Trong khi mọi lĩnh vực đều phân hóa, và văn hóa càng ngày càng sa đọa mà được một tuần báo như thế này thật là quí và đáng khuyến khích.
Hay như tuần báo Khởi Hành sau khi xem qua nội dung và hình thức của Thiếu Nhi, nhất là hình bìa với tác phẩm rực rỡ như đóa hoa xuân của chú Vi Vi, đã đặt bút phê bình:
- Với tác giả “Những người áo trắng”, “Chim hót trong lồng”,v.v… đủ để gieo tin tưởng vào các bậc phụ huynh về nội dung cũng như đường hướng của tờ báo.
Đáng kính nhất là cụ Uyên Ba Đỗ Ngọc Hồ, năm nay đã bảy mươi ba tuổi - niên trưởng gia đình Thiếu Nhi - ngay từ Thiếu Nhi số 3 người đã họa những vần thơ, để gieo tin tưởng và thiện chí trên vai nhóm chủ trương, trong đó có câu:
Giang Sơn mà thịnh hay suy
Đều do thế hệ Thiếu Nhi sau này.
Thưa chị Đỗ Phương Khanh,
Con phượng hoàng gãy cánh, là một thiệt thòi lớn cho Thiếu Nhi Việt Nam. Đâu còn một tờ báo xứng đáng là hành trang lên đường của tuổi trẻ. Chúng em thành thật khâm phục sức chịu đựng bao khó khăn của các chú bác trong tòa soạn. Sức người có hạn. Thiếu Nhi đã anh dũng góp mặt với đời trong bốn năm qua. Đây là một tờ báo rất xứng đáng trong số báo giáo dục hiện nay. “Nó” bổ túc thêm việc học nhà trường với mục Thắc mắc của em, Tò Mò, Khảo cứu Lịch sử, v.v… của các chú Đặng Hoàng, Trường Kỳ Huy Yên, Lê Xuân Nho, Đỗ Thị Thuấn, bé Xuân Thảo… Và các bài Sưu tầm hữu ích của độc giả. Đáng kể nhất là Thiếu Nhi vẫn giữ mãi lập trường, không theo thị hiếu, dục vọng của tuổi trẻ sa đọa.
Chị Khanh ơi,
Chúng em tiếc quá, Thiếu Nhi rất xứng đáng là một tờ báo trong tủ sách gia đình. Phải nói rằng: Kẻ tài hoa bao giờ cũng yểu mệnh - là trường hợp tờ Thiếu Nhi của chúng ta. Chị ơi, đường còn dài biết bao chông gai nhưng không thể nào làm cản trở bước chân của con tim thiện chí. chúng em hay nói đúng hơn là toàn thể Thiếu Nhi Việt Nam, và các bậc phụ huynh mong muốn: Thiếu Nhi vẫn có mặt, không bao giờ bỏ dở đoạn đường đi đến vinh quang. “Và ngọn lửa hồng hôm nay sẽ biến thành ngọn lửa thiêng ngày mai” như thân hữu Trương Kế Vinh đã nói. Chị ơi, với bao khó khăn hiện nay, nếu Thiếu Nhi không thể góp mặt được, chúng em xin chị và các chú bác cố gắng nuôi đứa con tinh thần đến số 130 rồi hãy giã từ - cho nó đủ bộ 13. Chị ơi, hay là TN trở thành nguyệt san trong giai đoạn cầm cự (chờ một ngày tươi hồng vùng dậy ra hàng tuần như những năm xưa…) xin chị đồng ý cho ước nguyện của chúng em và toàn thể Thiếu Nhi Việt Nam bất khuất.
Thưa chị, thư đã dài chị cho em dừng bút. Cầu chúc TN giữ vững niềm tin đi trên con đường đầy chông gai, dù phải “Chống gậy mà đi”.
Kính thư
Em Thiên Bất Hủ
(nguồn: Báo Thiếu Nhi số 1.4.1974)
Đóa hoa hồng tuyệt vời cho Gia ĐÌnh
BỐ kính yêu !
Con xin tặng bố một đóa hoa hồng, để đáp đền công ơn THÁI SƠN, bố đã dành cả cuộc đời cho con. Này bố, mỗi lần đọc nhật trình thì bố phải đeo kính, chắc mắt bố kém lắm phải không bố? Tóc bố đã muối tiêu, bố gầy hơn trước nhiều vì bố lo lắng cho chúng con? Nếu là tiên, con sẽ hóa bố trẻ đẹp hơn, gia đình ta sung túc và hạnh phúc tràn đầy. Sung sướng quá phải không bố?
MẸ kính yêu !
Buổi sáng tinh sương không khí thoảng mùi hương thơm ngát, đã làm con bâng khuâng và nuối tiếc ngày bé bỏng.
Con tung tăng chân sáo ra vườn, con lựa một đóa hoa hồng đẹp nhất để tặng mẹ. Mẹ ơi!
Công ơn của mẹ thật bao la, con lớn lên trong tình thương biển cả của mẹ, nơi quê hương yêu dấu mà con không sao quên được. Con thương mẹ nhiều lắm, bây giờ con thích nằm trong lòng mẹ, mẹ ơi! Hôn con thật nhiều nha.
CHỊ yêu dấu !
Thấm thoát đã một năm học rồi, em báo cho chị một tin mừng là năm nay em có phần thưởng. Em được lãnh đấy là nhờ chị đã giảng dạy thêm cho em.
Chị ơi,
Em xin tặng chị một đóa hoa hồng và kèm thêm nụ cười xin nhất của em để “đáp ơn”.
Sáng nay trời đẹp, chị có nghe tiếng chim hót trên cây ổi đầu nhà không? Chắc là có chị nhỉ! Vậy em xin chúc chị trẻ hơn năm, cười như hoa… héo. Em lém quá phải không chị?
EM dễ thương,
Đi học chưa, ở nhà đừng làm nũng đòi mẹ mua kẹo nữa nhé!
Em vẫn ngộ nghĩnh như ngày xưa. Con mèo Mi-lu vẫn còn làm bạn với em không? Này em ơi, nhắm mắt lại chị cho cái này… bí mật lắm. Một, hai, ba. Ô kìa! Một túi kẹo và một đóa hoa hồng nở thắm. Chắc em hớn hở lắm phải không? Để ngày về chị sẽ thưởng cho. Gắng học đi nhé! Hãy cười vui lên em.
THIÊN BẤT HỦ
(GĐTNĐN - BNSM)
(Nguồn: báo Thiếu Nhi số 91 ra ngày 27/5/1973)
Suối mơ
Thùy thức dậy, khi mặt trời còn ngủ trong hơi ấm. Ngoài cửa sổ những hạt sương còn đọng trên kẽ lá, mọi vật đều im lìm trong bóng tối.
Thùy ngồi trên giường của mẹ, lấy chăn quấn tới cổ. Thùy cảm thấy vui vui, nó thầm nghĩ giờ này chắc tiếng Suối đang chảy róc rách, những cây bông lau bị gió thổi theo một chiều. Chắc bác Sỏi đang giận khẽ:
- Giờ này sao cô bé chưa đến nhỉ?
Hay chú chim non trách nhẹ:
- Cô bé nhỏ làm mình chờ lâu quá. Chắc cô bận việc chứ gì?
Mỗi lúc trời mỗi sáng, xa xa mặt trời đang ló dạng. Thùy nhanh nhảu nhảy xuống giường, nó chạy ngay ra con suối nhỏ. Thùy ngâm chân xuống nước, bác Sỏi trách:
- Sao cô bé chừ mới đến, chắc ngủ quên chứ gì?
Thùy tươi cười đáp lại:
- Thôi bác Sỏi hay giận thế, bé mới đến trễ mà giận rồi, thôi huề cả làng nhé!
Bác Sỏi tươi mặt lại ngay. Lúc bấy giờ chim đua nhau hót, những con bướm đua nhau hút nhụy hoa, con màu xanh con màu đỏ đốm trắng… con màu gì cũng có hết. Thật là nên thơ.
Thùy thấy lòng mình tràn trề vui sướng, nó chạy nhảy hết cả đồi thông. Rồi xin bác Sỏi, chú chim non đi về…
THIÊN BẤT HỦ
(nguồn: báo Thiếu Nhi số 79, 4/3/1973)
HẠNH PHÚC
Nắng hồng mát lúa quê hương
cây ngon trái ngọt ruột vườn bao la
Biển đông bồi đắp phù sa
Mẹ cười sung sướng tóc ngà đơm bông
Bé mơ - mộng ước bình thường
Hoa rau muống nở vấn vương tình người
Chị ngồi giặt lụa mỉm cười
Bờ ao nuôi sống hoa tươi lục bình
Ban mai chim nhỏ xinh xinh
Véo von chào hót nối tình dân quê
HỒN NHIÊN
Ban chiều theo cậu bắn chim
Bé hoang trốn cậu đi tìm nhành vông
Trèo lên hái trái mơ hồng
Hái ăn ngon ngọt trong lòng hân hoan
VƯỜN NGOẠI
Sau vườn ngoại có trồng đào
Nở bông xanh ngát dạt dào hương thơm
Trưa hè treo võng sau vườn
Nghe ông kể chuyện hoang đường tích xưa
LÊ MINH QUỐC
(Nguồn: tạp chí Tuổi Hoa số đặc biệt XUÂN Ất Mão 1975)
(KHÔNG NHỚ IN BÁO NÀO, KHOẢNG 1973-1974)
VẦN THƠ CHO CHA MẸ
Công cha: núi Thái cao hùng vĩ
Nghĩa mẹ: trùng dương thật bao la
Đứa con hiếu thảo ngọc ngà
Một lần phụng dưỡng mẹ cha về vườn
QUÊ MẸ
Thuở thơ ấu thích rong chơi
Nơ quê hương mẹ tuyệt vời bao la
Nằm trong tay mẹ hát ca
Uống dòng sữa mẹ xóa nhòa trong mơ
Những chiều thật đẹp nên thơ
Tung tăng chân sáo trên bờ ruộng xanh
Chim vành khuyên hót trên cành
Em hồn nhiên nghĩ mộng lành ngày mai
ĐƯỢC LÊN HẠNG CAO
Tháng này em học thật chăm
Từ hạng ba sáu lên năm thật mừng
Ông ngoại vuốt tóc cháu cưng
Khuyên rằng: “Gắng học chớ đừng thụt lui”
Mẹ ngồi uống nước mãi vui
Lòng thì thỏa mãn mỉm cười vu vơ
Ba thì dừng bút làm thơ:
”Học hành cho giỏi cứ chờ chầu kem”
Bây giờ nghĩ lại còn thèm
Em siêng năng học mơ kem quá “chời”
QUÊ NHÀ YÊU DẤU
(Thân ái về quê mẹ, cho Phú, Thanh, Thuận, Tân…)
Tuổi mười ba trường làng còn đi học
Kỷ niệm đầy sung sướng biết bao
Tuổi hăng say một thời ngang dọc
Những trưa hè bơi lội dưới ao
Tình bạn bè đậm đà cao quý
Đi học thường gói trộm mo cơm
Vào trong lớp cùng nhau nhấm nhí
Mắm dưa thì bay thoảng phức thơm
Bọn ngũ quỷ thường hay phá phách
Vừa hái đào, trộm những cốc xanh
Ưa đấm đá tự xưng kiếm khách
(Mẹ đánh đòn nước mắt chảy nhanh)
Ve réo rắt gọi hè thức dậy
Lũ học trò vộ vã tìm cây
Khắc thật đẹp tên mình trên ná
Đi bắn chim để rô ty quay
Đâu còn nữa một hôm lên tỉnh
Xa quê nhà dưới nắng bình minh
Mẹ tôi khóc bạn bè đưa tiễn
Tôi nghẹn ngào trong áo mới tinh
THIÊN BẤT HỦ
(TVĐ Việt Nam)