Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (11.11.1924-29.6.2015)
PHAN HUỲNH ĐIỂU - Tình nhạc duyên thơ
“Thơ tôi tìm từng câu
Nhạc anh rung từng nốt”
Câu thơ của Tế Hanh dành tặng tri kỷ Phan Huỳnh Điểu ít nhiều cho thấy mối duyên thơ - nhạc. Nhiều nhạc sĩ có tài phổ thơ, nhờ vậy, ca khúc ấy sống bền theo năm tháng, thậm chí công chúng quên cả tác giả thơ. Tuy nhiên, không phải nhạc sĩ nào phổ thơ cũng thành công. Nếu có chăng chỉ là những khuôn nhạc cứng đơ trên trang giấy, không đi vào lòng người, tự nó đã chết. Sự khắt khe của nghệ thuật ràch mạch, rõ ràng, dù có phù phép bằng âm thanh, giọng ca của ca sĩ diva đi nữa nhưng một khi công chúng không nhớ đến, không hát, tự nó đã chết.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhiều thơ. Trong đó, có một số ca khúc vẫn “đứng lại” giữa dòng chảy xoáy cuốn về phía lãng quên của thời gian.
Có lẽ ca khúc phổ thơ đầu tiên của ông là “Những người đã chết” (thơ Tế Hanh, 1946). Rồi sau đó, “Điệu buồn” (thơ Huy Cận, 1949)… Nhưng phải đến thập niên 1970 với “Bóng cây kơnia” (thơ Ngọc Anh), “Cuộc đời vẫn đẹp sao” (thơ Dương Hương Ly), “Hành khúc ngày và đêm” (thơ Bùi Công Minh)… rõ ràng, các ca khúc ấy đã đi vào trí nhớ của người yêu nhạc. Với “Bóng cây kơnia”, nhà thơ Tế Hanh nhận xét: “Từ bài Cây kơnia/ Sương tan và mây tỏa/ Khắp rừng núi Tây Nguyên/ Điệu rông-chiêng rộn rã”.
Cảm hứng về thơ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu còn tiếp tục với “Nhớ” (thơ Nông Quốc Chấn), “Tình yêu thì thầm” (thơ Diệp Minh Tuyền)… nhưng được nhiều người yêu thích nhất vẫn là “Anh ở đầu sông em cuối sông” (thơ Hoài Vũ), “Sợi nhớ sợi thương” (thơ Thúy Bắc). Có một điều bất ngờ, đầu năm 1980, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nổi bật với những ca khúc phổ thơ Xuân Quỳnh như “Thơ tình cuối mùa thu”, “Thuyền và biển”, “Sóng”. Trong khi đó, những ca khúc khác lại ít ai biết đến như “Nếu em là biển rộng” (thơ Nguyễn Thị Ngọc Tú), “Tiếng hát tình yêu” (thơ Lê Chí), “Tình thủy văn” (thơ Khương Hữu Dụng), “Giai điệu quê mình” (thơ Thế Hùng)…
Với người nhạc sĩ, tự họ luôn có ý thức tìm đến cái mới như một sự thử thách trong sáng tạo. Riêng năm 1988, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lần lượt công bố một loạt ca khúc phổ những bài thơ thuộc hàng kinh điển trong nền thi ca Việt Nam như “Bạn đến chơi nhà”, “Mùa thu câu cá” (Nguyễn Khuyến), “Cái quạt” (Hồ Xuân Hương); năm 1989, lại có “Của nặng hơn người” (Nguyễn Bỉnh Khiêm), “Thiếu nữ” (Hồ Xuân Hương), “Qua đèo Ngang” (Bà Huyện Thanh Quan), “Làm cây thông reo” (thơ Nguyễn Công Trứ)… Thậm chí, có những bài thơ xuất sắc trong phong trào Thơ mới đã có nhiều người phổ trước đó nhưng ông vẫn thử sức một lần nữa, chẳng hạn, “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử), “Vàng rơi” (Bích Khê), “Tương tư chiều” (Xuân Diệu), “Tiếng thu” (Lưu Trọng Lư)…
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng cho biết: “Ngày nào cũng vậy, ngoài chuyện nghe nhạc, tôi còn cần phải đọc thơ và chép nếu phát hiện bài thơ hay. Thú vị nhất là khi đọc được một bài thơ hay vừa mới in trong sách hay báo, khác nào nhà thiên văn vừa phát hiện được một ngôi sao mới trong bầu trời. Phần nhiều họ có nhiều suy nghĩ, cảm xúc rất táo bạo, mới mẻ, nhiều hình ảnh rất sinh động, gợi trong đầu tôi nhiều liên hệ đến âm nhạc”; và “Thơ và nhạc là hai chị em song sinh”. Có thể xem đây là quan niệm về thơ phổ nhạc của Phan Huỳnh Điểu.
Thời buổi này, sự thành công của một ca khúc tùy thuộc vào nhiều yếu tố, có thể nó đến ngoài tài năng của người sáng tạo ra nó. Chẳng hạn, một công nghệ lăng-xê rầm rộ của thời nghe nhìn có thể đẩy ca khúc hạng bét lên hàng ăn khách. Trong khi đó, có những ca khúc như con tằm nhả tơ lại có một số phận khác. Âu cũng là lẽ thường tình. Ở nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, không chỉ thơ phổ nhạc, tôi nghĩ rằng chỉ mỗi một “Giải phóng quân” viết năm 1945, ca khúc đó đã định hình vị trí không thể thiếu của ông khi nhìn lại tiến trình phát triển của nền âm nhạc nước nhà.
Lê Minh Quốc
(nguồn: Báo Người lao động - số 30.6.2015)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|