1.
Máu ngàn đời vẫn tươi
Tôi không thể sống thiếu người đã mất
Tôi sống bằng cái chết của bạn tôi
Tổ quốc nặng sâu hơn bởi tình yêu mảnh đất
Đất bên ngoài Tổ quốc, Việt Nam ơi!
(Đoàn Tuấn)
Có một nơi, nếu trở lại thời trai trẻ, nếu cần, tôi sẽ tự nguyện tiếp tục lên đường. Cầm súng. Đối diện với cái chết. Chấp nhận cái chết đầy ý nghĩa mà bất kỳ người trẻ nào của thế hệ nào cũng hướng đến vì sự hồi sinh của một dân tộc anh em, sát liền với non sông gấm vóc nước Việt: Campuchia. Thời ấy, trong tâm trí của thế hệ chúng tôi đã ý thức đó chính là trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế. Lúc bước chân vào chiến trường, ngày đầu tiên có mặt trên quê hương chùa tháp, chính trị viên đại đội đã quán triệt, từ đây, chúng tôi chỉ được tận hưởng ba thứ: không khí, củi rừng và nước sông. Tuyệt đối không được tơ hào bất kỳ thứ gì của nhân dân. Phải nói ngay rằng, do chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, hình ảnh người lính tình nguyện Việt Nam rất đẹp trong mắt người dân nước bạn.
Bây giờ, dù đã xa, rất xa ngày tháng ấy, nhưng lạ thay trong giấc ngủ thỉnh thoảng tôi vẫn còn nhớ về. Nhớ tiếng pháo gầm rung chuyển cả căn hầm chữ A khoét sâu dưới đất. Nhớ tiếng mìn nổ, chỉ vấp chân, đạp phải thì lập tức cả nửa thân người bị xén ngang, thịt xương tan tác trăm nơi. Vẫn còn ám ảnh. Vẫn nhớ. Làm sao thế hệ chúng tôi - những người lính nhập ngũ từ sau ngày diễn ra chiến tranh biên giới Tây Nam có thể nhẫn nại, bền lòng đi hết một hành trình xương máu, nếu không có sự cưu mang, đùm bọc của chính các bà mẹ, người chị, người em Khmer?
Vì lẽ đó, thỉnh thoảng chúng tôi lại có những chuyến “về thăm lại chiến trường xưa”. Về, để tưởng nhớ người đã khuất: “Tôi luôn nhớ đồng đội tôi hóa đất/ Đất bên ngoài Tổ quốc... phía xa kia.../ Lòng tôi mãi thuộc địa hình nơi đó/ Ngầm Sa-em, đền Prếch Vi-hia/ Sườn Đăng-rếch, những con đường xe đổ.../ Đồng đội tôi tình nguyện nằm xuống đó” (Đoàn Tuấn). Về, còn để tri ân những tấm lòng của người Campuchia đã đồng hành cùng chúng tôi suốt thời gian truy quét tàn quân diệt chủng.
2.
Mười năm trước, 2009, chúng tôi đã đến Phnom Penh. Có một điều gì rờn rợn tâm linh, khi chúng tôi về đến Phnom Penh bỗng gặp một người đàn bà tên là Chan Thou. Chị quê ở Prey Veng, trong năm tháng chống Mỹ, gia đình chị là nơi bộ đội Việt Nam thường lui tới mà chị nhớ nhất là các anh Viết, Gia, Lập... Trong một lần đi công tác cả ba anh bị địch phục kích giết chết. Gia đình chị đứng ra lo mai táng. Sau này, khi những tên đồ tể cầm quyền, thi hành chính sách diệt chủng thì chị trốn lên Phnom Penh sinh sống.
Một ngày kia, từ nhiều nguồn thông tin gia đình liệt sĩ Viết từ Việt Nam liên hệ được với chị và ngỏ ý muốn chị đưa hài cốt ba liệt sĩ quy cố hương. Chị nhận lời, đơn giản chỉ vì dưới thời Khmer Đỏ, dòng tộc của chị có đến 43 người bị giết, mất xác. Chị thấm thía nỗi đau tột cùng này nên tất tả quay về quê cũ và tìm mọi cách tìm ba hài cốt ấy. Chị bảo: “Sau khi làm việc này, đời sống của tôi thay đổi đến mức tôi không thể tưởng tượng được. Từ một người không đủ ăn, đủ mặc đến nay tôi đã có một gia tài lớn. Đó là do anh linh bộ đội Việt Nam phù hộ”.
Tôi cũng nghĩ như thế và không cầm được nước mắt trong những lần vào chiêm bái Angkor Wat, Angkor Thom... Năm tháng chiến tranh, đồng đội tôi có thời gian trực tiếp bảo vệ di tích này, nhưng rồi vĩnh viễn không bao giờ họ được đến lại nơi đây. Họ đã ngã xuống vì mìn KP2, 45.2A, vì lồng ngực thanh tân đã hứng trọn quả B40 trong một ngày nhạt nắng, trong một chiều mưa trút gió: “Tôi gai ốc đến ngàn sau. Rùng mình ngửa mặt nhìn vào hư không/ Đá sừng sững. Đá lặng câm...”. Đá lặng câm hay “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau?”.
Tôi không thích siêu hình và triết lý, chỉ biết rằng, từ ngày ấy đến nay giữa người dân chùa tháp và người lính chúng tôi vẫn còn mối quan hệ khắng khít. Khi chị Chan Thou biết chúng tôi vốn là quân tình nguyện, thế hệ sau của các liệt sĩ Viết, Gia, Lập thì lập tức cả gia đình chị cũng dành một tình cảm cực kỳ quý mến như đã thân thiết từ lâu lắm rồi.
Mới đây thôi, đồng đội Nguyễn Điền - lính Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 - đã đi từ Sisophon vào tận Svay Chek thăm bà mẹ nuôi. Kể với tôi, anh không giấu được tiếng sụt sùi, xúc động: “Khi tôi đến nhà thì em Nhanh đang lễ chùa gần đó. Nghe tin có khách Việt Nam đến, em tất tả chạy về, trên tay bế một đứa trẻ chừng hai tuổi. Là Nhanh đây ư, em đây ư? Gần 40 năm rồi nên em khác nhiều quá khiến tôi không thể nào nhận ra. Ngày tôi về nước, em mới 14 tuổi, mỗi khi tôi đến nhà, em lại ôm lấy tay tôi, chạy theo tôi nhõng nhẽo và ra chiều tự hào với lũ bạn cùng phum rằng mình có một người anh là bộ đội Việt Nam. Vậy mà giờ đây gặp lại em đã 53 tuổi. Em đã trở thành một người mẹ của bảy đứa con, là bà nội, bà ngoại, một người đàn bà Khmer già nua, khắc khổ đến tội nghiệp. Có một điều rất lạ là khi chạy từ chùa về, thoạt nhìn thấy tôi, em chẳng hề lạ lẫm, bình thản gọi tôi với giọng thật trìu mến, như thể em vẫn nghĩ sẽ có ngày tôi trở lại: “Boòng Điền… nức ná. (Anh Điền, nhớ lắm)”.
Em cười, một nụ cười thật rạng rỡ. Rồi liền sau đó, ngay trước mặt chú Minh và mấy bà hàng xóm, em chẳng ngại ngần ôm chầm lấy tôi, đôi mắt rơm rớm. Rồi em khóc. Giữa tiếng nức nở em nói với tôi: “Boòng, me bất hời… Boòng nức me tê? (Anh, mẹ mất rồi… Anh có nhớ mẹ không?)”. Tôi cũng khóc. Một thằng lính đã bước qua cả một cuộc chiến chinh gian khổ ở xứ sở này chưa bao giờ biết khóc, kể cả những lúc phải chứng kiến đồng đội hy sinh thì chúng tôi cũng chỉ bặm môi lại chịu đựng. Vậy mà khi nghe em hỏi vậy, tôi không thể cầm được nước mắt, tôi ôm lấy vai em, tấm thân gầy gò dựa hẳn vào vai tôi”.
Những bà mẹ, người em hiền hậu ấy, suốt năm tháng ở chiến trường K, đi ngang dọc và lên tận vùng Đông Bắc - sát biên giới Thái Lan, chúng tôi đã kết nghĩa với họ. Lúc ở Choămsre, khi nhìn thấy bà mẹ Khmer đã già, khốn khổ, tội nghiệp ngồi bệt dưới chân nhà sàn nhai trầu bỏm bẻm nhưng không có vôi, không hiểu sao chúng tôi cùng buột miệng gọi: “Mẹ ơi!”.
Hình ảnh dung dị, quê mùa ấy khiến ai nấy đều nhớ da diết đến mẹ mình ở quê nhà. Từ trong sâu thẳm đã bật lên một tình cảm gần gũi, thân thiết vô cùng. Hình ảnh ấy, trở thành cảm xúc để Đoàn Tuấn viết lên những câu thơ mà lính Trung đoàn 29, Sư đoàn 307 chúng tôi vẫn còn nhớ đến bây giờ: “Con mới đi chưa hết một cánh rừng/ Mới giúp mẹ trồng được mùa lúa chín/ Những đỉnh núi mây mù con sẽ đến/ Để mẹ ăn trầu với hoa trắng quê hương”. Ở Campuchia người dân rất quý vôi. Khi xin vôi ăn trầu, họ gọi vôi là hoa trắng.
3.
Trở về thăm lại chiến trường xưa, bao giờ chúng tôi cũng tìm đến con đường đẹp nhất của thủ đô Phnom Penh, nơi ấy đã dựng lên tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Hình ảnh người lính tình nguyện Việt Nam sát cánh cùng người lính Hoàng gia Campuchia lấy thân mình che chở cho người dân, cho trẻ em. Cần nói thêm là hiện nay đã có đến 17 tượng đài tương tự được trùng tu, tôn tạo và xây mới tại Campuchia. Dưới chân các tượng đài này, ai đã khóc, đã ngậm ngùi nhưng rồi lại bừng lên ánh sáng của một tình yêu vì Con Người?
Sự thật của lịch sử là điều bất biến, không ai có thể làm sai lệch. Tòa án quốc tế kết án Pol Pot và đồng bọn tội diệt chủng đã cho thấy chính nghĩa của Việt Nam qua hành động nghĩa hiệp đưa quân vào Campuchia tiêu diệt Khmer Đỏ. Với thế hệ chúng tôi - những người lính nhập ngũ từ năm tháng ấy - mỗi lần về thăm lại chiến trường xưa, trong tôi luôn bật ra câu hỏi: “Tại sao trên đất nước chùa tháp rất mộ đạo lại sinh ra những tên đồ tể như Pol Pot, Khieu Samphan, Ieng Sary?”. Hỡi ôi, bây giờ lại là câu hỏi khác, có tính thời sự: “Tại sao Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lại cho rằng Việt Nam đã “xâm lược Campuchia”?
Năm tháng đã đi qua, nhưng xin đừng quên “Hoa một ngày đã héo/ Máu ngàn đời vẫn tươi”. Những giọt máu oan khuất của người dân Campuchia đã chết dưới bàn tay đồ tể của bọn diệt chủng, máu quân tình nguyện Việt Nam vẫn còn đó. Một sự thật hiển nhiên.
LÊ MINH QUỐC
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 7.6.2019)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|