(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười ngày 1.7.2019)
Khi nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”, tôi nghĩ, ông bàn về tính dễ dãi, “một bó lý không bằng một tí tình”, dĩ hòa vi quý, thôi thì cứ cười một phát cho xong, xí xóa mọi việc - chứ không phải bàn về nghệ thuật cười của người Việt.
Nói cách khác, để có được tiếng cười, muốn có thể há miệng ra cười một cách sảng khoái; hoặc cay đắng mà cười thì người Việt thường chọn cách nói là ít ra người nghe cũng phải ngẫm nghĩ, ngẫm ngợi trong chốc lát. Tức là chọn cách nói ẩn dụ, ngụ ý ngụ tình cỡ như “nói chuyện Hà Tây chết cây Hà Nội”, nói xa xa gần gần, nói bóng nói gió, rào trước đón sau, chứ không huỵch toẹt sổ sàng. Chọn cách nói này, trong chừng mực nào đó cũng là một cách “thủ thế”, ngừa sự “phản đòn” của đối phương. Theo tôi, đây là một nghệ thuật thâm hậu đã ăn sâu vào máu thịt như một lẽ tự nhiên.
Trong vòng 10 năm (1827-1837) đã có tới bốn lần vua Minh Mạng ra chỉ dụ về trang phục, trong đó có “Cấm quần không đáy người ta hãi hùng”. Dân đen đã cười cợt, phản ứng lại bằng cách nào? Bằng tiếng cười. Nếu cười trực diện, không khéo bị gông cổ như chơi, do đó, họ chỉ nói: “Có quần ra đứng bán hàng/ Không quần ra đứng đầu làng xem quan”. Không phải đứng ở xó nhà, xó bếp mà tổng tồng ngồng nơi đông đúc người qua kẻ lại, xét ra đã là một sự thách thức nhưng thâm thúy trào lộng đến bậc thượng thừa là nhằm mục đích… “xem quan”!
Quan vốn trang nghị, trang nghiêm, quần lượt áo là, thế mà dân lại “trần như nhộng” đúng trố mắt ra nhìn thì hoạt cảnh đó không… cười cũng uổng. Lưu ý, câu trên, đắc địa nhất vẫn là từ “xem”. Chỉ xem chứ không hề “manh động” thế thì làm gì được nhau? Thử hỏi, có phải là một cách châm chọc, trêu ngươi đấy không?
Một khi bất bình, bị đè nén thì dân đen thường phản ứng lại bằng cách trêu chọc, cười cợt như một thứ vũ khí chống lại. Chẳng hạn, khi đả kích Tri phủ Vĩnh Tường, nhà thơ Nguyễn Thiện Kế cho biết hắn ta đã từng cõng bà đầm Tây: “Hai tay bưng đít mặt hầm hầm”, thế mà vẫn lấy làm khoái, làm sướng bởi: “Ngửi tay tủm tỉm miệng cười thầm”. Không cần giải thích gì thêm, ắt ai cũng cười phá lên bởi lối xỏ xiên cực đểu.
Với người Việt, một khi đã cười thường chú trọng về chữ. Dùng chữ thật đắc địa để người nghe ngầm hiểu qua nghĩa khác mà bật ra tiếng cười. Thì đấy, ai dám bảo sinh thực khí không phải là từ tục? Do đó, chẳng ai nói toẹt ra thô thiển mà phải ẩn giấu bằng nhiều cách gọi hoa mỹ hơn. Thế mà vẫn gây cười đấy. Thiên hạ bảo: “Nhất vợ nhì trời”, tại sao thế? Cụ Nguyễn Khuyến lý giải: “Vợ chỉ hơn trời có cái trai”. Cái trai là cái gì, nghĩ ra bèn hiểu thế là… cười!
Đã thế, lắm lúc họ còn đem “cái đó” ra cười giữa thiên thanh bạch nhật nhưng đố ai bảo là thô tục. Ta hãy nghe/ đọc một cảnh miêu tả của cụ Nguyễn Khuê (182501896), thi nhân đất Bình Định: “Gành hào lún phún rêu mờ đá/ Bãi hạc lao xao sóng trổ hoa/ Kiến ngỡ mưa giông tha trứng chạy/ Cóc ngờ lụt ói cõng con ra”. Tả cảnh lụt lội chăng? Không. Đó là cảm nghĩ khi tình cờ nhìn thấy người đẹp: “Hai tay khe khẽ trụt quần là”. Ai dám bảo là không mẫn thiệp và… gây cười cực kỳ hóm hỉnh?
Ơ hay, vậy hóa ra chỉ những ai hay chữ, nhiều chữ mới có thể vận dụng được kiểu cười bóng gió thế này? Không. Đã người Việt, ai cũng thừa khả năng đó, không ít thì nhiều. Chẳng hạn, ngày nọ trên dòng sông nọ có cô đò đưa khách qua sông, giữa trời xanh mây nước, một anh chàng nọ đắm đuối nhìn cô rồi láu lĩnh cất lên tiếng ngâm sang sảng: “Hoa kia tươi tốt rườm rà/ Tuy rằng tươi tốt nhưng mà ong châm”. Ai nấy cười ầm lên. “Đã thuộc Truyện Kiều ắt nhớ câu: “Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về”. “Ong châm” là hiểu theo cái nghĩa đó - cái nghĩa “hoa tàn nhụy rữa”.
Với lối trêu ba trợn ba trạo, phản ứng ra làm sao hỡi cô lái đò? Mọi người hồi họp chờ đợi, không phải đợi lâu, lập tức cô cứ tỉnh bơ như không, cất tiếng véo von: “Hoa tàn nhưng nhụy không tàn/ Muốn xem chị vén bức màn cho xem”. Hoa thì rõ nghĩa rồi,nhưng màn là cái gì? Là cái váy chứ còn gì nữa. Thế thì cho xem cái gì đây? Bị trả đũa bằng lối chơi chữ quá ư ấn tượng, anh chàng kia chỉ có nước ngồi in thin thít, thẹn chín người giữa tiếng cười rộn lên của mọi người chung chuyến đò.
Vẫn chưa hết đâu, ta hãy nghe ông Tú Xương miêu tả lễ xướng danh khoa thi Hương tại trường Nam năm 1897: “Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt/ Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng”. Không rõ người ngoại quốc khi đọc hai câu này, họ có thể bật ra tiếng tiếng cười khanh khách hay không? Sẽ là không, nếu họ không hiểu rõ nghĩa của hai từ “ngoi” và ngỏng” cực kỳ ấn tượng.
Nhà thơ Xuân Diệu có lời bình độc đáo: “Những bà đầm công sứ, bà đầm tòa án, bà đầm lục lộ, bà đầm chủ dây thép… những con mẹ “ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao” ấy ngồi bảnh chọe trên ghế, thỉnh thoảng muốn khoe sang, khoe oai vệ, lại ngoi đít vịt một cái, để thấy rằng ta đây ngồi đã thật nặng, thật vững. Chúng nó thỏa mãn! Trong khi đó, trên lễ đài cái đít đầm động đậy theo chiều ngang thì “dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng” cử động theo chiều dọc, đội mũ cánh chuồn, ngẩng lên sụp xuống lạy tạ. Lạy ai? Lạy những cái đít đầm! Nhưng tựu trung, Tú Xương cũng trả thù ngầm cho các ông cử bằng chữ “ngỏng” (Các nhà thơ cổ điển Việt Nam - NXB Văn học 1987, tr.124).
Hehe, các ông cử “ngỏng đầu rồng” nhưng xin hỏi “đầu rồng” là cái gì vậy ta?
T.N
Ghi chú:
Tiểu Nhị là bút danh của Lê Minh Quốc, đã từng ký từ thời cộng tác với báo Làng Cười - hơn mười năm trước
< Lùi | Tiếp theo > |
---|