Có một điều khó có thể lý giải, tại sao từ ngàn xưa đến nay, hễ những ai được làm ba/mẹ thì bỗng nhiên từ trong tiềm thức vọng đến lời ru? Lời ru ấy bấy lâu nay, họ không hề nhớ đến nhưng tại sao nay lại trỗi dậy để rồi họ cất lên ầu ơ ru con mình? Theo tôi, đó chính là dấu vết thân thiện đầu đời đã ăn sâu vào trí não non nớt mà họ đã nghe từ lúc vừa lọt lòng. Nghe từ thuở ấy, thật kỳ diệu vì mãi mãi về sau vẫn không mất đi. Nay, lại nhớ. Như lửa ấm giấu dưới tàn tro, hễ có dịp là lại bùng lên như bập bùng lửa ấm. Thế thì, trải qua bao thăng trầm trải dài theo năm tháng, lời ru ấy vẫn tồn tại mãi.
Nay, sự việc này đã có xu hướng thay đổi.
Quan sát từ những cuộc tranh luận trên cộng đồng mạng của các bỉm sữa, tôi thích thú nhận ra rằng, đã chia làm hai “phe” riêng biệt có ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Một, đa phần cho biết, họ không có thời gian để tỉ tê, tâm sự, trò chuyện, kể cả ru con. Cơm, áo, gạo, tiền với công việc mệt nhọc hằng ngày đã chiếm hết thời gian, tâm trí nên họ không thể. Hai, có ý kiến thẳng thắn là họ không thể ru con bằng những lời xưa cũ như thuở xa xăm mẹ đã ru mình, đơn giản chỉ vì nội dung ấy không phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.
Chẳng hạn, bạn Linh Tran 32 tuổi (TP.Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: “Tại sao phải hát ru? Những lời ru như là những lời nói hộ của nỗi lòng người mẹ buồn đau trong chuyện làm dâu, làm vợ ngày xưa: "Chim đa đa đậu nhánh đa đa/ Chồng gần không lấy, đi lấy chồng xa/ Một mai cha yếu mẹ già/ Chén cơm đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng....". Tôi không ru con mình như vậy, tôi không ở trong hoàn cảnh đó, tôi hát sẽ không hay. Mà những lời buồn bã như vậy, hát cho con nít nghe có tội nó không? Người Việt mình quen cái kiểu buồn bực gì thì về kể cho con nghe, hoặc lôi con ra trút giận. Thấy thương tụi nhỏ. Tôi thuộc rất nhiều bài hát ru, nhưng tôi không ru con ngủ theo kiểu đó. Con tôi đúng giờ là phải vào giường nằm, tôi đọc truyện thiếu nhi cho con nghe, hát bài 3 ngọn nến lung linh. Sau đó hôn con, chúc con ngủ ngon rồi thì con tự ngủ. Khỏe mẹ, khỏe cả con. Tôi hát cho con nghe những bài trẻ con, để tâm hồn nó vui vẻ. Con khỏe mạnh thì gia đình mới hạnh phúc”.
Tôi tán thành ý kiến này.
Sự tán thành hoàn toàn không vì cảm tính. Phải nói thật rằng, từ khi có con nhỏ, tôi đã vận dụng trí nhớ tìm lại câu hát xưa để ru con, nhưng rồi, tôi đã nhận ra có những bài đồng dao bất cập ở nội dung. Nói cách khác, không phải bất kỳ bài đồng dao, ca dao nào cũng có thể ru con. Đừng nói đâu xa, thuở bé, chẳng rõ tự lúc nào tôi đã nghe: "Con chim se sẻ/ Nó đẻ mái tranh..." - là một trong những bài đồng dao nổi tiếng của Việt Nam. Nay, nhớ lại và tôi cảm thấy có gì không ổn, bất cập qua các câu: "Tôi lấy miểng sành/ Tôi lia chết giẫy/ Tôi làm bảy mâm/ Tôi đem kỉnh ông...". Vì lẽ đó, cũng là con chim se sẻ của năm tháng ấu thơ nhưng tôi phải viết lại để ru con.
Khi đọc Đồng dao Việt Nam (NXB Văn Học - 2008) của nhà nghiên cứu Nguyễn Nghĩa Dân, dày 545 trang in - một tập hợp tương đối đầy, biên soạn công phu và nghiêm túc, tôi nhận thấy trong hàng ngàn câu vần vè ngộ nghĩnh, mộc mạc, hồn nhiên hoàn toàn phù hợp với chức năng giáo dục lẫn vui chơi của con trẻ, có thể xem như những hạt ngọc quý đã ăn sâu vào ký ức nhiều thế hệ, tuy nhiên vẫn có những câu khiến ta phải phân vân.
Tại sao như thế?
Chỉ có thể trả lời rằng, trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, thông qua câu hát ru em tưởng chừng “vô thưởng vô phạt”, người lớn đã lồng vào đó một chủ đích khác. Mà trẻ em chỉ là cái cớ, cụ thể là thông qua các câu đồng dao ngắn gọn, dễ nhớ. Nhờ vậy, không chỉ an toàn mà còn có thể phổ biến công khai, sâu rộng đến nhiều tầng lớp khác. Chuyện này, không riêng gì ở Việt Nam, người lớn các nước khác cũng thế thôi.
Khi đọc Đông chu liệt quốc, tôi chú ý đến chi tiết mở đầu lúc Tuyên Vương nhà Châu: “Khi đi ngang qua một khu phố nhỏ gần Kiểu kinh có một bầy trẻ xúm nhau vỗ tay hát: “Thỏ lên, ác lặn non mờ/ Túi cơ cung yểm bơ phò nước non”. Vua nghe câu hát lấy làm tức giận, truyền quân vây bắt. Bọn trẻ cả sợ chạy tán loạn, chỉ bắt được có hai đứa. Vua quát hỏi: “Ai bày cho chúng bay hát như thế?”. Hai đứa trẻ run lẩy bẩy, cúi đầu tâu: “Cách đây ba hôm, có một đứa nhỏ mặc áo đỏ, đến tại chợ nầy dạy chúng con hát. Nhưng chẳng biết vì sao, cùng một lúc, cả trẻ con trong khu phố đều biết các câu hát ấy”… Vua Tuyên vương cau mày, suy nghĩ rồi truyền đuổi hai đứa bé ấy đi. Lại khiến quan Tư thị loan báo khắp khu phố cấm không cho con nít hát như thế nữa. Nếu đứa trẻ nào còn hát cha mẹ nó phải chịu tội”.
Sử nước Nam cũng không khác gì.
Xin đơn cử câu hát: “Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/Con ngựa chết trương/ Ba vương ngũ đế/ Chấp chế đi tìm/ Ù à ù ập…” với nhiều dị bản, có phải chỉ là câu hát lúc trẻ em chơi? Đại khái, một bạn làm cái mở rộng lòng bàn tay, các bạn khác cùng để ngón trỏ vào đó và tất cả cùng đọc bài đồng dao này. Khi đọc đến từ “ập” bạn nào không nhanh chóng rút tay ra, bị bạn làm cái nắm được ngón tay là bị phạt theo giao ước trước khi chơi. Tưởng chỉ là trò chơi của trẻ em, không đâu, từ xưa đến nay nhiều nhà nghiên cứu đã “giải mã” ở góc độ của nhiều sự kiện lịch sử.
Tựa như, “Éo nhong nhong/ Ngựa ông đã về/ Cắt cổ bồ đề/ Cho ngựa ông ăn” nào phải câu hát vô thưởng vô phạt. Bồ Đề là một địa danh ở Gia Lâm (Hà Nội), đây là lời tuyên truyền của nghĩa quân Lê Lợi kêu gọi vào cuối cuộc kháng chiến chống giặc Minh. Hoặc câu đồng dao: “Băm bầu băm bí/ Băm chị thằng ngô/ Băm cô thằng vịt” - nào có phải vô tình vu vơ đâu. Ngô nào? Xin hãy nhớ đến câu: “Giặc nhà Ngô không bằng bà cô bên chồng”. Thế mà vẫn được hát công khai, há chẳng khinh khoái lắm sao?
Sự ngụ ý ngụ tình này là một lẽ hiển nhiên, có điều trải qua năm tháng, dù sự kiện thời sự đã đi qua nhưng rồi câu hát đó vẫn tồn tại một cách độc lập. Không phải ngẫu nhiên, từ năm 1914 ông Nguyễn Văn Mai - Bố chánh Thanh Hóa đã viết quyển Việt Nam phong sử nhằm giải thích sự ra đời của 100 câu hát quen thuộc gắn với sự kiện lịch sử mà xưa nay các bà mẹ đã hát ru con.
Từ đó, mạo muội xin “đánh trống qua cửa các nhà sấm” rằng, ngoài các định nghĩa lâu nay về đồng dao, câu hát trẻ con như đã biết, nay có thể bổ sung thêm, nó còn đóng vai trò là người lớn mượn miệng trẻ con hoặc thông qua trò chơi của chúng để nhằm đạt đến một chủ đích nào đó. Nói cách khác, đây còn chính là tài trí của người Việt một khi đối đầu một cảnh ngộ đang bị o ép, câu thúc, bó buộc mà họ tìm cách phải thoát khỏi. Với cách hiểu này, ta mới có thể lý giải về sự bất cập trong nội dung đồng dao (nếu có) mà thuở xa xưa các bà mẹ đã hát ru con, bà ru cháu.
Trở lại vấn đề đang bàn là hiện nay, các bà mẹ nếu không biết hát ru thì sao? Thì cũng không sao cả. Tôi quan niệm rằng, không nhất thiết phải vận dụng lại các câu hát xưa, bởi lẽ mỗi thời mỗi khác. Những hình ảnh ngộ ngĩnh, quen thuộc trước đây trong đồng dao, chắc gì các bỉm sữa ngày nay đã thấy/ đã cảm nhận một cách sâu sắc như thế hệ ông cha mình? Những “Cái cò đi đón cơn mưa”, “Giã chày một/ Hột gạo vàng/ Sàng chày đôi/ Đôi thóc mẩy…”, “Cái ngủ mà ngủ cho sâu/ Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về”… chắc gì đã phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của họ? Đã không cảm nhận sâu sắc, thiết thực như một tình cảm gắn bó làm sao có thể truyền cảm lúc hát ru con?
Do đó, họ lại chọn các ca khúc mầm non, bài thơ thiếu nhi nếu cảm thấy phù hợp với hoàn cảnh mình, như bạn Linh Tran chọn bài Ba ngọn nến lung linh chẳng hạn, cũng là điều hợp lý. Và như đã nói, tôi phải viết lại đồng dao xưa hoặc viết thêm lời mới miễn là mình cảm thấy thích thú, tâm đắc mà trước đây đồng dao Việt Nam chưa đề cập đến. Tức là tình cảm và sáng tạo ấy xuất phát từ một nhu cầu có thật trong một hoàn cảnh cụ thể.
Tuy nhiên, tôi không tán thành ý kiến cho rằng, thời buổi này khoa học kỹ thuật đã “trang bị tận răng”, cần gì mình phải hát với hò mỏi miệng, cứ mở máy cho con nghe vẫn nhanh, tiện, gọn hơn cả (!). Thoạt nghe chí lý thay, nhưng thật ra, các nhà tâm lý, tư vấn về nghệ thuật nuôi con đã chỉ ra rằng, một đứa trẻ sự giao tiếp thường xuyên với cha mẹ vẫn tối ưu hơn cả, qua đó, bộ não của trẻ phát triển tốt hơn nếu chỉ tiếp nhận thụ động từ máy phát thanh. Đó thật sự là cuộc trò chuyện, tâm tình, thậm chí “đối thoại” giữa người lớn/ con trẻ - dù người lớn hát/ ru còn vụng về chữ nhớ chữ quên; còn con trẻ chưa hiểu hết ý nghĩa của ca từ.
Thế thì hát ru dành cho con bao giờ cũng cần thiết. Tuy nhiên trong xu thế thay đổi hiện nay về nếp sống, chất lượng sống, phong cách sống của mỗi nhà, tôi nghĩ các bỉm sữa hoàn toàn có lý khi chọn nội dung các câu hát phù hợp hoàn cảnh của họ; kể cả cách thể hiện khác nhau miễn là họ cảm thấy thích thú, hưng phấn trong khoảng thời gian đó.
L.M.Q
Ghi chú:
Khi cho in trên báo Người lao động (22.2.2019), để phù hợp với tính chất báo chí, Q rút ngăn và đổi tựa như trên.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|