1.
Lúc vợ vào phòng sanh, như bất kỳ mọi người đàn ông năm châu bốn biển, dù sắc tộc gì đi nữa thì ai cũng chỉ nghĩ trong đầu hai chữ: “vuông tròn”. Mẹ tròn con vuông. Khoảng khắc ấy, tạo nên cảm giác nôn nao, hồi hộp, bồi hồi tưởng chừng như nghẹt thở. Để rồi tự nhủ:
Không gì hồi hộp hơn
Lúc trầm ngâm chờ đợi
Từng phút lại từng giây
Bao giờ vợ trở dạ?
Ai sẽ là người trả lời câu hỏi ấy? Lúc nào sẽ có câu trả lời? Trong sảnh đợi chờ của “thập loại chúng sinh” tại Bệnh viện Từ Dũ, ai đã từng giật thót người khi nghe loa phóng thanh gọi tên của mình vợ? Chuyện gì đã xẩy ra? Và bấy giờ, anh đã nghe, đã cuống quýt, lo lắng bật người chạy tới.
Kìa, coi kìa, trước mắt anh là mẩu giấy có đóng dấu đỏ tươi “Xem bé”. Một hài nhi ra đời. Một mầm sống đã có mặt trên trái đất. Giây phút đợi chờ, đã đến. 60 năm cuộc đời. Bây giờ, anh mới thấy. Gương mặt ấy thế nào? Béo, gầy ra làm sao? Màu da đen hay trắng? Làm sao có thể biết mầm sống ấy đã tượng hình ra làm sao, sau 9 tháng 10 ngày? Chạy lên từng bật thang đến hành lang trước cửa Phòng sanh, anh dừng lại. Nắng ấm chói chang. Ối dào, chào, một ngày tốt đẹp.
Vừa thở phào nhẹ nhõm thì cánh cửa phòng đã đột ngột mở ra, anh đã thấy rõ mặt con của mình đang nằm trong nôi. Như một lẽ tự nhiên, hoàn toàn không chủ ý, anh buột miệng: “Ba đây”. Ngay lúc ấy, một tiếng khóc oe oe đã dội vào tai. Nghe rất rõ. Một tiếng khóc khỏe khoắn. Một lời chào happy cho giây phút tri ngộ đầu tiên trong đời. Ba đã gặp con. Đôi ta đã gặp nhau. Một cuộc trò chuyện đã diễn ra trong giây phút ấy. Này, con đã nói gì qua tiếng khóc oe oe trong lần đầu tiên mà chúng ta làm bạn cùng nhau đến trọn vẹn kiếp người?
Có một điều kỳ lạ, không thể lý giải nổi, tại sao âm thanh của tiếng khóc ấy đã nghe một lần là nhớ. Nhớ mãi. Không thể lẫn lộn với bất kỳ âm thanh nào khác.
2.
Vào một buổi sáng, như mọi ngày tại bệnh viện, anh thức dậy thật sớm để đi mua thức ăn sáng cho vợ, mua thêm vài thứ lặt vặt cho bé bỗng nghe điện thoại: “Ba vào lại gấp. Bé đã chuyển xuống phòng theo dõi sức khỏe”. Không một cuộc điện thoại nào khiến anh có thể lo lắng hơn. Dồn dập biết bao câu hỏi tuôn ra trong đầu. Bủn rủn chân tay. Lúc anh quay lại và vội vã bước lên phòng, bỗng dưng cảm thấy trống trải, chống chếnh đến nghẹt thở. Không còn thấy bé nằm trong nôi như mọi ngày. Nắng vẫn ấm. Tiếng nói cười ngoài hành lang vẫn ồn ào như mọi ngày. Vợ vẫn nằm mệt mỏi trên giường nhưng rồi tại sao lại ùa vào trong lòng một cơn gió hắt hiu?
“Em nhớ con quá”. Anh cũng vừa buột miệng thốt ra câu ấy. Vì lý do cần thiết về chuyên môn, bé được bác sĩ chuyển xuống phòng chăm sóc theo đúng quy trình. Hà cớ gì phải lo? Bao nhiêu các bé khác cũng vậy thôi. Lương y như từ mẫu. Cứ yên tâm đi. Dăm ba hôm, bé khỏe lại về phòng. Anh tự nhủ, tự trấn an nhưng rồi cũng không thể. Chẳng rõ tình trạng của bé thế nào? Xa vòng tay của mẹ thì ai chăm sóc? Lại lẫn thẫn lo lắng ngớ ngẫn: “Lúc nhận lại bé nhà mình, liệu có nhầm với bé nào khác?”. Có một điều rất lạ lần đầu anh biết là các bé mới lọt lòng đều có gương mặt na ná, rất khó phân biệt, vì thế ở cổ chân mỗi bé luôn có đeo tấm bảng ghi tên của người mẹ là vậy. Dù biết, vậy mà vẫn cứ lo. Lạ ghê.
Ngồi thừ trên gường một lát, ngước nhìn vào nôi thấy trống trải, anh thật sự đâm ra lo lắng một cách thái quá. Lẽ ra không nên một chút nào. Trong đầu anh bật lên suy nghĩ: Phải nhìn thấy bé như mọi ngày đã nhìn thì mới yên tâm. Khổ nổi đó là khu vực cách ly, không một ai có thể vào, ngoại trừ y, bác sĩ trực. Vậy, phải làm sao? May mắn, ngay lúc nặng trĩu âu lo ấy, vị bác sĩ đã từng đỡ đẻ cho bé ghé vào thăm, thế là anh trình bày nguyện vọng. Năn nỉ đến gẫy lưỡi mới được đồng ý. Người bạn bác sĩ đi trước, anh bước theo sau.
Đó là một khu vực riêng biệt, chỉ có một hành lang đi vào. Bên trong là nhiều căn phòng. Cả hàng trăm bé đang được cách ly. Mọi vật dụng đều y chang nhau. Cũng chiếc nôi xinh xắn. Cũng chiếu tia cực tím. Duy chỉ khác: tiếng khóc oe oe của các bé. Từ những thanh âm của dàn đồng ca này, về sau, anh đã nhớ lại để viết bài đồng giao:
Oe oe… óe óe… òe oe…
Từ trong giọng hát, còn nghe tiếng đàn
Rộn ràng rỗn rãng rền rang
Nhộn nhàng, nhũng nhẵng, nhịp nhàng, nhẫn nha
Bỗng chuyển tông… Lambađa
Óa oa… oa óa.. óa òa… ỉ i…
Í i… i í… như ri
Éo eo… oe óe… lâm li lượn lờ
Đang valse hòa nhịp Tango
Đột nhiên nối điệu slow rất mùi
Thế thì, trong dàn đồng ca của các thiên thần bé bỏng, tinh khôi và cực kỳ đáng yêu ấy, làm sao biết, con mình đang nằm trong nôi nào, tại phòng nào? “Để tôi hỏi các đồng nghiệp xem sao?”, người bạn bác sĩ kề tai anh nói khẽ. Lúc ấy, anh im lặng vì đang mải mê lắng tai nghe và phân biệt từng tiếng khóc để rồi buột miệng: “Chắc bé nằm ở phòng bên này”. Dám quả quyết chắc nịch bởi anh vừa nghe trong mớ âm thanh loạn xà ngầu rôm rả ấy có vọng lên tiếng khóc mà anh đã từng nghe lúc ở phòng Sanh lúc được “Xem bé”. Thế là anh nắm tay người bạn và xăm xăm bước đi đến căn phòng đó. Quả nhiên trúng chóc.
Thì ra, dù gương mặt các hài nhi bé bỏng từa tựa nhau thì vẫn có điểm khác biệt: tiếng khóc của mỗi bé. Chỉ cha mẹ của bé, dù mới gặp bé đôi ngày nhưng đã nhận biết. Nhớ như in. Không hề nhầm lẫn. Nhớ mãi. Không thể lẫn lộn với bất kỳ âm thanh nào khác.
3.
Tiếng khóc của bé sơ sinh, chính là lời giao tiếp đầu tiên với thế giới chung quanh. Nếu lắng nghe và quan sát, từ âm thanh, từ cái miệng mấp máy tí hon ấy, ta có thể trò chuyện biết bao điều thú vị. Cuộc trò chuyện này, kỳ diệu nhất trần gian. Bởi lẽ, lúc thủ thỉ, tâm tình với bé cũng là nói với chính mình. Lạ lùng thay, hạnh phúc thay, dù đối tượng hoàn toàn chưa có khả năng bật ra tiếng nói nhưng rồi rồi các bậc phụ huynh vẫn cứ mải mê không chán.
Này, cái môi đang hé mở những âm thanh nào đó chưa rõ nét; kìa, một cái liếc mắt, một cái nhìn tròn xoe, một cái múa tay vung chân… cũng khiến ta ngây ngất. Ta có thể “trò chuyện” hàng giờ vì cứ nghĩ bé đang nghe, đang chăm chú lắng nghe. Và cứ mỗi lần nói xong, ta lại đóng vai của bé để trả lời. Từ chuyện nọ xọ sang chuyện kia, miễn là cảm thấy lòng mình vui, tâm trí đang hứng khởi. Há chẳng phải kỳ thú đó sao?
Không phải ngẫu nhiên, trong các câu chuyện cổ tích từ Đông sang Tây, ngay cả chim chóc, muông thú đều biết cất lên tiếng nói. Tiếng nói ấy chính là người lớn lúc trò chuyện đã nhập vai vào bé. Và cũng như các bậc làm cha làm mẹ khác, anh đã có những giây phút ấy để từ đó, tạo ra một niềm cảm hứng mới cho thơ, nói đúng hơn là những bài đồng dao ru con. Những bài đồng dao ngộ nghĩnh ấy, tự cổ chí kim một khi ra đời, dám quả quyết rằng, người truyền cảm hứng tót vời nhất, lớn lao nhất chính là con trẻ đang nằm nôi. Bé không nói, chỉ có tiếng khóc, nhoẻn cười, cử động chân tay cùng gương mặt sữa non hồng hào, thơm mát lại là nguồn cảm hứng vô tận.
Ngày kia, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ghé thăm bé, quà tặng là chiếc xe nôi xinh xắn, anh bèn hỏi: “Bé nghĩ gì hả bé?”. Cô nhóc nằm nôi chỉ mở tròn xoe mắt, thế là anh nhập vai trả lời:
Bé nói với mẹ ba
Từ chiếc nôi ngày ấy
Nay vạn dặm đường xa
Thế nào con cũng đến
Con dẫn mẹ cùng ba
Tung tăng đi mua sắm
Tìm thật nhiều món quà
Tặng lại cho bác Ánh
Ấy là vợ chồng anh gửi ước nguyện vào bé và mong rằng, sau này, con mình sẽ làm như thế. Lúc nhà biên kịch Đoàn Tuấn từ Hà Nội vào chơi nhà, tặng búp bê, nhìn thấy bé cười, anh nghĩ là bé đang nói:
Thôi khóc oa oa
Bé ôm búp bế
Bé cười vui thế
Vì thích búp bê.
Lúc bên nhà ngoại sang chơi, anh đã trò chuyện:
Ngoại với dì Hai
Chờ nghe tiếng bé
Thế thì, bé sẽ nói gì nhỉ? Anh nghĩ:
Bé liền gọi khẽ:
“Dì Hai, dì Hai”
Bé dang hai tay
Ôm chầm lấy ngoại
Sau này, lúc chập chững bước đi ắt sẽ thế, phải không nào?
Sau một ngày làm việc, quay trở về nhà với biết bao lo toan, tính toán nặng cả óc, nhọc cả người nhưng rồi lúc trò chuyện cùng con trẻ thì các bậc phụ huynh đã bước qua một cõi khác. Cõi riêng tư nhẹ nhỏm, không vướng víu bận rộn. Bước qua một thế giới khác. Thế giới của cuộc trò chuyện từ lòng mình thốt ra, yêu thương chất ngất. Nhạc sĩ Phan Văn Minh viết câu này “chuẩn không cần chỉnh”: “Cả nhà ta cùng thương yêu nhau/ Xa là nhớ, gặp nhau là cười”. Đúng lắm. Mà nào chỉ có thế, anh đã trải qua ngay cả lúc:
Rón rén nhìn vào nôi
Thấy em đang nhoẻn miệng
Ba thì thầm trò chuyện:
“Em chào ba đấy à?”
Hương cau thoang thoảng hoa
Chim reo xanh vòm lá
Em ngon giấc ngủ ngon
Sao ba nghe tiếng dạ
Lạ kỳ chưa, tại sao lại nghe vọng lên âm thanh lễ phép, dịu dàng ấy?
Từng ngày đi qua, mỗi ngày lại mới. Mới từ sự thay đổi của con trẻ, chẳng hạn lúc bé biết mút tay, anh lại nghĩ con mình đang suy nghĩ làm thơ đấy chăng? Vì thế, anh mới:
Lêu lêu thi sĩ
Cần gì mút tay
Mẹ cho bú tí
Ắt là thơ hay
Chẳng rõ bé đang nghĩ gì? Nhưng rồi lời trêu ấy khiến lòng anh cảm thấy vui, cảm thấy có một điều gì mới mẻ đang ùa đến. Rồi ngày kia ẳm bé đi dự đám cưới, mọi người hỏi đùa: “Thích món nào?”, anh nhập vai của bé trả lời:
Em ngước nhìn mẹ
Tủm tỉm cười khì
Riêng mẹ mới biết
Em thích món gì?
Món em thích nhất
Là… nằm ngậm ti
Đúng quá chứ gì nữa?
Nào chỉ chuyện trò với riêng con trong khoảng thời gian ấy, còn là lúc họ gửi gắm một điều gì đó đến vợ/ chồng mà không tiện nói. Chẳng hạn, muốn… ninh vợ, cách tốt nhất hãy cứ xem như bé đang nói:
Tóm lại trật tự nhà ta
Bé xếp hạng nhất, mẹ là thứ hai
Còn ba lóng ngóng chân tay
Xếp vào hạng bét cả ngày lẫn đêm
Đại khái thế. Khi một người trò chuyện với bé, tưởng vu vơ nhưng cũng có nhiều “ẩn ý” đấy chứ? Anh thừa biết rằng, câu chuyện của họ từ ngày có con bao giờ cũng xoay quanh về bé nhóc. Thậm chí, có lúc họ còn tranh thủ ý kiến của “đồng minh”: “Đấy ba/ mẹ nói đúng quá phải không bé?” - như một cách khẳng định câu nói của mình. Bé nhóc sơ sinh lại quan trọng đến thế đấy! Bé nhóc nào đã biết bi bô, bập bẹ nhưng mỗi ngày các bậc làm cha mẹ lại ngồi cạnh nôi, bồng ẳm trên tay tỉ tê, tâm sự mãi nhưng không bao giờ thấy nhàm chán là vậy.
Ai cũng bảo, cuộc trò chuyện này diễn ra mỗi ngày, từng ngày là vì tình cảm máu mủ, do đó, khi nhìn hình hài bé bỏng nằm nôi ấy, họ lại cảm thấy có sức hấp dẫn, quyến rũ đến mãnh liệt. Tuy nhiên, anh lẫn thẫn nghĩ thêm rằng, còn chính là từ lời “giao kèo” đã có giữa con trẻ với ba mẹ qua tiếng khóc đầu tiên lọt lòng. Lời giao kèo ấy mãi mãi tồn tại. Dù có cất lên tiếng nói hoặc im lặng nhưng biết nghĩ về nhau thì bản chất của sự việc vẫn là cuộc trò chuyện hướng đến tình yêu vĩnh cửu giữa cha mẹ và con cái. Nghĩ thế, anh cầu chúc cho anh cùng các bậc phụ huynh bỉm sữa một niềm vui trong mùa Xuân đầu tiên của con trẻ:
Chở che ve vuốt măng non
Rợp xanh bóng mát vuông tròn sắc Xuân
L.M.Q
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM XUÂN 2019)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|