Mặc kệ, ai nói gì thì mặc. Người chồng bỏ ngoài tai, không thèm đếm xía. Chỉ cần biết rằng, cô vợ vì thán phục, vì ngưỡng mộ mà phong cho chồng tước hiệu mỹ miều: “Anh hùng râu quặp”. Chàng lấy làm sung sướng và tự hào lắm. Sợ vợ à? Tốt thôi. Bù lại, mỗi một ngày, lại được vợ cung cúc phục vụ cơm nước ngon lành, hẳn hòi ba món, đầy đủ dinh dưỡng.
Ngày tháng êm đềm và thơ mộng ấy trôi qua mỗi ngày. Sướng là thế. Vui là thế.
Nào ngờ, dạo gần đây trong bữa ăn nhà chàng lại xẩy ra sự cố trầm trọng. Biết ví von thế nào đây? Đại khái, chẳng khác gì cô diễn viên ngôi sao vào câu vọng cổ, vừa lên giọng cao vút: “Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành…”. Vừa ca đến đó, đột ngột sân khấu bị cúp điện cái phựt! Thử hỏi, lòng ai không tan nát?
Chàng cũng đang sống trong tâm trang tương tự. Đang cơm nước ngon lành, mỗi ngày các món đều được thay đổi cho ngon miệng, ngờ đâu, dạo này, nàng chỉ ‘chơi” mỗi rau, củ, quả. Ăn một lần thì chẳng sao. Nhưng ngày sau, ngày sau nữa, trời ạ, cũng chỉ có thế. Hậm hực lắm, nhưng đã lỡ nhận tước hiệu vẻ vang do vợ trao trăng nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”
Mặc kệ, ai nói gì thì mặc. Chàng đố dám hé răng hỏi cơn cớ tại làm sao ra nông nổi này? Có phải do vợ sợ tăng ký lên cân mà ép chồng con phải chìu theo? Hoặc gì lý do gì khác? Chàng đau đáu nỗi thắc mắc ấy, nhưng ngoài mặt vẫn cứ tỉnh bơ như không, đã thế, lại còn há mồm ra khen rằng ngon. Cô vợ bèn tủm tỉm mà rằng: “Đã ngon thì nhà mình lại tiếp tục nhá anh?”. Biết nói gì bây giờ?
Ngày tháng êm đềm và thơ mộng ấy trôi qua mỗi ngày. Khổ tâm là thế. Cực hình là thế. Nhưng rồi chàng vẫn ngoan ngoãn, nhẫn nại, đố dám hé răng phản đối lấy nửa lời.
Cuối cùng chịu hết xiết, chàng mới khẽ khàng: “Bổn cũ soạn lại mỗi ngày, anh oải trời đậu quá rồi, cưng ơi”. Câu nói thảm thiết ấy sẽ khiến nàng động lòng mà kéo đầu chàng vào ngực, xoa đầu dỗ dành: “Cố lên anh”? Nào ngờ, nàng nghiêm mặt: “Anh hết thương em rồi phải không?”. Mèn đéc ơi, chuyện gì thế này? Chàng run lẩy bẩy: “Gì? Gì em?”. Nàng vẫn tỉnh bơ: “Thứ 2, anh khen ngon; thứ 3, thứ 4 rồi cả tuần qua, anh đều khen ngon, sao nay lại trở chứng? Có cô khác nấu ăn ngon hơn chứ gì? Đàn ông các anh là chúa so sánh, có mới nới cũ, có trăng quên đèn. Có đúng không nào? Thú thiệt đi anh”.
Có dám thú thiệt không?
Sau khi tính toán chú đáo, cân nhắc thận trọng, chàng bèn hạ quyết tâm phải nói ra thôi, nói một lần cho xong, chứ ngày nào cũng ăn độc mỗi một món, chẳng thà nhịn đói còn sướng hơn. Thế là, lấy hết dũng khí của người đàn ông vốn là “trụ cột” trong nhà, chàng bèn nói toẹt ra ẩn ức đang chất chứa trong lòng.
Bão tố sẽ ầm ầm nổi lên? Sóng sẽ cuồn cuộn rền vang?
Nào ngờ, cô vợ lại bật lên khanh khách tiếng cười giòn như còi tàu xe lửa lúc vào ga Hòa Hưng: “Ngốc ơi là ngốc. Anh chẳng biết gì sất! Bấy lâu nay, từ đầu làng đến cuối xóm, từ chợ búa đến chung cư ai nay đều râm rang về chuyện an toàn thực phẩm. Chẳng nhẽ anh chẳng biết gì? Nào chất tăng trọng, chất gây ung thư, đủ các thứ chất gây bệnh trong thịt, cua, tôm, cá… Vì thế phải biết cách chọn thực phẩm sạch, anh ạ”.
À, thì ra thế.
“Nhưng, mỗi ngày ăn mãi mỗi một món anh ớn quá rồi”. Nàng lại cười: “Thế mà cứ tưởng bấy lâu nay anh thông tuệ, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, anh có biết model bay giờ là ăn thực phẩm sạch đó anh.”. Chàng nhăn nhó: “Sạch thì tốt quá, nhưng anh cần ngon em ơi”. Chẳng rõ có phải vì câu nói trầm trọng hay không mà trao đổi này, cô vợ có châm chước, điều chỉnh lại thực đơn theo ý chồng.
Câu chuyện đến đây, sẽ tiếp tục thế nào nữa?
Một thời gian sau, chàng hớn hở ra mặt mà bảo vợ: “Này em, bạn bè anh, ai cũng khen anh thon gọn ra phết”. Nàng cười: “Vậy mình trở lại chế độ ăn uống xả láng như trước nhá?”. Chàng gật gù: “Thế nào cũng được. Ngon nhưng phải sạch. Anh đã thuộc bài về tiêu chí an toàn thực phẩm rồi đấy. Đúng không em?” Cô vợ tinh nghịch nháy mắt tình tứ: “Chà, nếu “giao ban”, lúc nào anh cũng “thuộc bài” thì tốt quá”.
L.M.Q
(nguồn: Báo Thanh Niên Tuần San ngày 7.7.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|