Đã là vợ chồng, người ta có thể sẻ chia mọi chuyện, dẫu thầm kín nhất. Nghĩ là thế, nhưng rồi, có những chuyện dẫu thắc mắc, hậm hực, nghi ngờ nhưng rồi họ cũng khó thốt nên lời. Khó có thể “nói toạc móng heo” mà cứ chần chừ, đắn đo…
Chuyện gì vậy?
Nhiều đấng mày râu “bật mí”, nếu với “cơm”, họ không thể hào hứng, chỉ xìu xìu ểnh ểnh, trong khi đó, với “phở” lại tỏ ra phơi phới thanh xuân như trai 18!
Ấy không chỉ là “bí mật” của đàn ông, quý bà/quý cô cũng thừa biết tỏng tòng tong. Hầu như họ đều đổ lỗi do tính cách “người của mình” lăng nhăng, ham hố “đuổi hoa bắt bướm”, sau khi đã “no xôi chán chè”. Và tất nhiên một khi đã biết chuyện, họ sử dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế, thậm chí “tiêu diệt” cho bằng được cái thói ba lăng nhăng đó.
Ít người phụ nữ tự hỏi một cách nghiêm túc: “Có phải do chính mình nên “hắn ta” mới giở quẻ nay nọ?
Này nhé, lúc trà dư tửu hậu, đàn ông cũng “bà tám” như ai. Họ cũng tỉ tê, tâm sự những chuyện hoàn toàn riêng tư trong chốn khuê phòng đặng… trao đổi kinh nghiệm. Nhiều người bạn của tôi cho biết lý do vì sao đã thậm thụt “chân trong chân ngoài”, mèo mỡ léng phéng. Đại khái, do họ đã quá rành “sáu câu vọng cổ” với hình ảnh “đối tác”, không gian “chiến đấu”, nhịp điệu “hành quân”, thói quen “tác chiến” lặp đi lặp lại đã quen thuộc.
Nói cách khác, bà xã không còn là “đối tượng” quyến rũ cần chinh phục nữa. Mà cũng phải thôi, làm sao họ còn có cảm hứng hừng hực khi “nửa kia” bao nhiêu năm chung sống vẫn giữ mãi “phương pháp tác chiến” cũ mèm đến nhàm chán? Chưa ra trận mà đã biết “phe kia” sẽ thế này, sẽ thế kia mà lại biết một cách rành mạch, cụ thể thì liệu có còn hấp dẫn không?
Trong khi đó, chuyện chăn gối tế nhị này, nghĩ cho cùng rất cần đến sự “sáng tạo” để lúc “tác chiến” trở nên mới mẻ hơn.
Do hiểu như thế nên nhiều quý bà đã khôn ngoan “phá cách”, tự “làm mới” từ kỹ thuật đến động tác nhằm tạo cho chồng sự bất ngờ. Sau những giây phút “đột phá” không theo phong cách cũ, và sự chủ động đó đã tạo ra hứng thú khiến đôi bên hào hứng hơn. Do lý do gì đó, có thể nhiều người đàn ông không nói ra nhưng họ hài lòng, hào hứng chấp nhận. Nhiều người bạn của tôi đã quả quyết như đinh đóng cột.
Lại có đàn ông, trong “chuyện ấy” nếu tận hưởng dễ dàng, thuận lợi “ngày như mọi ngày”, “đến hẹn lại lên” thì đôi lúc họ lại đâm ra không mấy hào hứng. Éo le chưa?
Thế họ muốn gì?
Anh bạn tôi từng ỉ eo tâm sự, nghe như chuyện hài hước: Có lần ngoài trời đang mưa gió ầm ầm, cô vợ nổi hứng thèm ăn cái bánh bao ở tít quận 5, trong khi đó nhà anh lại ở quận 1! Khổ thân chưa? Anh cho biết, dẫu nhiều lần “cứng đầu” nhưng rồi sau đó, dần dần anh lại thay đổi thái độ, phục tùng theo “chỉ đạo” của cô vợ. Nhờ đâu? Cô vợ bảo “ngoan thì có thưởng”.
Vì “được thưởng” nên người đàn ông có tâm lý đang được “đối phương” phải phục tùng. Và họ “ra trận” với tâm thế “chảnh như con cá cảnh”. Nghĩa là, họ được quyền đòi hỏi, tận hưởng một cách hoàn toàn chủ động, “diễn” những động tác khác trước, táo bạo hơn, mới mẻ hơn mà không sợ bị từ chối. Đơn giản vì họ đang “được thưởng” kia mà.
Có câu chuyện này, hoàn toàn không do tôi bịa ra: Số là anh chàng nọ đang đi công tác xa, những lần điện thoại về nhà, sau những lời thăm hỏi bình thường, chỉ tập trung nói “chuyện ấy” như đang có vợ bên cạnh; rồi thỉnh thoảng, gửi email cũng đề cập đến “chuyện đó”. Đỉnh điểm là cái lúc anh ta bảo vợ chụp tấm hình nude và gửi qua điện thoại hoặc email để xem cho đỡ nhớ. Chà, lúc ấy, cô vợ hoảng quá, không biêt vì sao chồng mình lại có đòi hỏi tréo ngoe đến vậy?
Một chuyên gia tâm lý giải thích: Khi nhớ đến vợ, mỗi người có một cách thể hiện khác nhau, nhất là về “chuyện ấy”. Sự đòi hỏi này thường tình, vì nghĩ cho cùng trong đầu người chồng chỉ có hình bóng vợ, chứ không léng phéng ai khác. Có nhiều trường hợp “Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi” đến độ, lúc xa nhau muốn “tự xử” cần phải nghe tiếng nói quen thuộc, tiếng thì thầm, thân thương, tha thiết bên tai.
Tuy nhiên, đừng quên rằng, việc gửi hình ảnh gửi qua điện thoại, email cần cân nhắc kỹ. Ai có thể dám chắc các hình ảnh nhạy cảm ấy không lọt ra ngoài, nếu chẳng may điện thoại bị mất bị mất; hoặc rò rỉ lúc đem ra tiệm sửa chữa?
Rõ ràng, với đàn ông, có những tâm lý cực kỳ tế nhị, không phải lúc nào họ cũng tự nói ra. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, cách tốt nhất vẫn là vợ chồng “đóng cửa bảo nhau”. Lúc ấy, trong tâm thế “lựa lời mà nói”, chuyện tế nhị này ắt được tháo gỡ nhẹ nhàng, không việc gì phải giấu kín.
L.M.Q
(nguồn: PNCN 25.6.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|