Trên đường phóng xe về nhà, thỉnh thoảng cô ngước mắt nhìn lên trời xanh rồi… tủm tỉm cười. Nếu có ai tình cờ nhìn thấy ắt phải ngạc nhiên. Cơn cớ làm sao, có người nhìn trời, ngó đất rồi lại nhoẻn nụ cười xinh tệ? Chắc cô ấy “có vấn đề” gì chăng? Chả bù cho mọi ngày, rời khỏi công sở, cô chỉ chăm bẳm nghĩ đến khối ở việc nhà rồi nôn nóng về càng sớm càng tốt.
Chiều nay lại khác.
Cô vừa được nhận cơ quan trao bằng khen vì đã có thành tích trong 6 tháng đầu năm. Hãnh diện phải biết. Không tin à? Cứ vào trang facebook cá nhân của cô thì rõ. Ối dào, bao nhiêu like, comment của người thân, đồng nghiệp chúc mừng. Bó hoa đang đặt ở trước giỏ xe, nhìn thấy từng cánh tươi thắm rực rỡ, cô nghĩ sẽ tặng lại cho chồng, lúc nhận ắt “người ta” cảm động lắm đây. Hạnh phúc lứa đôi, lắm lúc dù chỉ nhỏ nhoi, giản dị như thế nhưng đáng yêu lắm.
Khi mở cổng bước vào nhà, và tất nhiên cô không quên thực hiện điều đã nghĩ đến: “Cưng ơi, hoa tặng cưng nè. Thích không?”. Câu nói ấy nũng nịu quá, réo rắt quá, ngọt ngào quá. Người chồng sẽ ôm chầm lấy vợ, “thơm” liền lên má mấy cái liền rồi xúc động: “Trời, bất ngờ quá. Nhân dịp em được khen thưởng chứ gì. Anh biết ngay mà. Em đáng yêu ghê”?
Nào ngờ, cô đứng sững lại. Không thể thốt lên lời. Kinh ngạc quá đi mất. Rằng, tại, bởi, vì… trước tình huống đó, người chồng đưa tay cầm lấy rồi buông câu gọn lỏn: “Ủa, gì nữa đây?”. Chẳng khác gì một gáo nước lạnh tạt vào sự nồng nhiệt của niềm cảm hứng đang dạt dào thăng hoa. Cô sượng trân. Đứng xụi lơ, lắp bắp: “Anh không biết chuyện gì à?”. Người chồng thong thả: “Chuyện gì”. “Anh quên rồi à? Mấy hôm trước em có nói là hôm nay cơ quan tặng bằng khen cho em”, cô ấm ức trả lời. Vậy mà người chồng cũng dửng dưng: “Vậy à? Chúc mừng em”. Nói xuôi xị cho xong, anh ta đặt bó hoa xuống bàn và tiếp tục cầm lấy tờ báo đang đọc dỡ.
Vậy thôi. Chẳng có gì phải đáng quan tâm.
Mẩu chuyện này, không phải do tôi bịa ra, do chị Thiện cùng công sở kể lại đấy. Có lẽ nó không là nỗi niềm cá biệt đâu. Nhiều người cũng đã từng rơi vào tình huống dở khóc dở cười này. “Gút lại” cũng chỉ do thói vô tâm mà ra.
Không ít người chồng/vợ nghĩ rằng những chuyện tương tự ấy “bé như cái móng tay”, chẳng có gì quan trọng cả. Việc gì phải “ầm ĩ” lên? Suy nghĩ này hời hợt lắm, không ngờ chính nó đã góp phần tạo ra khoảng cách giữa hai người.
Đến bây giờ, khi kể lại sự lục đục của nhà mình, chị Hương không giấu giếm nỗi buồn và tự nhận lỗi ấy do chị gây ra. Có lần chị kể, ngay từ thời đi học chị rất thích môn văn chương. Người tình đầu tiên rồi cưới làm chồng của chị là anh Triết - nhà thơ “chính hiệu con nai vàng”. Hồi mới cưới nhau, những sáng tác nào mới làm xong, anh đều đưa cho chị đọc rồi cả hai cùng bình phẩm. Tâm đắc lắm.
Dần dần về sau chị chẳng còn thiết tha nữa. Vì cứ nghĩ rằng, chuyện cơm áo gạo tiền, làm thế nào kiếm ra nhiều tiền vẫn thiết thực hơn, chứ thơ với thẩn thì được cái gì? Thậm chí, lúc anh in tập thơ, được báo chí khen ngợi rầm trời nhưng chị vẫn dửng dưng, chẳng thèm đọc chồng đã viết những gì trong đó. Ban đầu, anh Triết lấy làm buồn, khó chịu vì thái độ dửng dưng ấy, sau, anh cũng mặc kệ.
Chuyện này cũng bình thường thôi, chứ gì?
Thật bất ngờ, có lần dăm ba độc giả trẻ vì ái mộ chồng mà ghé chơi tại nhà, xin chữ ký. Họ cũng bàn chuyện thơ ca như mọi lần, chị không mấy quan tâm nhưng nghe loáng thoáng, xì xào từ phòng khách vọng lên câu hỏi: “Chị Tú đó hả anh?”. “Ơ hay, Tú nào nhỉ? Mình có nghe nhầm không đấy?”, chị lẫm bẫm. Dù thế, chị cũng không thèm để ý.
Rồi, ngày nọ tình cờ gặp nhau, mấy người bạn học cũ hỏi han về chuyện chồng con. Họ hỏi câu này mới chết điếng cả người: “Bồ ly dị chồng rồi à?”. Chị ngớ người ra, hỏi gặng lại thì mới hay do đọc kỹ thơ của Triết nên họ mới nghĩ vậy. Bởi gần đây Triết luôn ca ngợi nhan sắc, vẻ đẹp của ngôi sao/ vì sao/ tinh tú với những vần thơ rất bay bướm, trữ tình, êm dịu; chứ không còn nhắc đến tên chị nữa…
Từ “đầu mối” đó, chị bí mật dò hỏi, truy tìm, suy xét, nào ngờ… trúng chóc. Triết không chối mà kể lại lúc anh được nhận giải thưởng thơ. Về khoe nhưng vợ cứ dủng dưng như không, chẳng thèm đếm xỉa gì đến niềm vui, sự tự hào đó. Trong lúc đó, bạn bè dù chẳng thân thiết nhưng Tú lại khác hẳn. Cô ta bày tỏ sự chung vui với Triết, tất nhiên ngoài hoa gửi tặng còn là những lời bình phẩm về thơ nữa. Dần dần một khi có sáng tác mới, anh lại email, gửi qua tin nhắn cho Tú đọc; hoặc hẹn cà phê cà pháo đọc thơ cho nhau nghe… Cứ thế mối tình cảm nẩy sinh lúc nào cũng không rõ nữa.
Ai đó đã nói một câu rất đúng rằng, đã vợ chồng thì hành đồng hành cảm xúc “trên từng cây số”. Nhưng rồi, sau đó có người lại quên. Họ biện minh, cuộc sống còn có nhiều chuyện cần thiết hơn, do đó, dẫu họ chễnh mãng, không quan tâm đến cũng có lý do chính đáng. Lẽ ra người chồng/vợ phải hiểu mà cảm thông, chứ sao lại trách móc?
Đành rằng là thế. Xin đừng quên một khi niềm vui, sự hãnh diện của “nửa này”, nếu không được “nửa kia” đồng tình, hoan nghênh, chung vui thì biết đâu họ lại có nhu cầu chia sẻ với người khác? Lúc đó, mới rắc rối làm sao.
L.M.Q
(nguồn: TGPN 2.7.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|