Hễ mỗi chiều rời khỏi cơ quan là người chồng lại tranh thủ tạt vào quán bia. Nơi ấy, vui phải biết. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, cánh đàn ông khoái tụ tập “đến hẹn lại lên”. Bia bọt tràn trề. “Chém gió” vang trời. Mãi đến lúc ngà ngà say, mới vác xác về nhà cùng vợ con. Hôm nào, cao hứng quá thì ngồi lì lại cùng các “chiến hữu”, mặc kệ tin nhắn, điện thoại của vợ thúc giục phải về nhà ngay. Vẫn bỏ mặc ngoài tai. Lại nấn ná thêm chút nữa.
Sở dĩ như thế, vì họ vẫn ngầm nghĩ rằng, việc lai rai nhậu nhẹt chút đỉnh này có lẽ cô vợ cũng thông cảm thôi. Bởi lẽ, sau một ngày làm việc, hà cớ gì “một nửa” không cho phép chồng chọn cách thư giản này? Bù khú đàn đúm với đồng nghiệp, bạn bè chứ có “chân dài váy ngắn” nào đâu? Mọi việc minh bạch, “trong sáng ngời ngời” cơ mà.
“Lý sự” cùn này có chấp nhận được hay không? Tôi không lạm bàn bởi nó còn tùy thuộc vào nếp nhà của mỗi đôi vợ chồng.
Có điều đáng ngạc nhiên là nhiều phụ nữ ngẫn tò te, không hiểu sao, dạo gần đây, người chồng lại thay đổi đột ngột?
Ối dào, chẳng bù cho trước đó, đã về nhà trễ lại còn có hơi men, nằm khễnh trên giường rồi thỉnh thoảng hỏi một câu rất “oách xà lách”, đại loại: “Cơm nước xong chưa? Nhanh lên nhá cưng” hoặc “Nhà cửa sao bề bộn thế này?”…. Nay, hoàn toàn khác hẳn. Chiều tan sở là về nhà ngay, không những thế, họ lại hăng hái lăng xăng phụ vợ việc nhà. Cứ một câu: “Cưng ơi cưng à” ra chiều rất ư âu yếm rồi lại giành việc, tìm việc mà làm.
Nói tắt một lời, người chồng trở nên mẫu người đàn ông chỉnh chu, gương mẫu và hoàn toàn xứng đáng nhận bằng khen: “Giỏi việc nước đảm việc nhà”.
Tuy nhiên, sau khi chứng kiến, nhiều phụ nữ cứ tự hỏi: “Ủa, cơn cớ ra làm sao mà “ổng” đổi tính đổi nết vậy ta?”.
Khi bàn về chuyện này, anh bạn của tôi cười khà khà rồi quả quyết: “Hắn ta đã làm việc gì ‘mờ ám’ nên mới ‘lập công chuộc tội’ đấy thôi”. Tôi kinh ngạc quá, có thật vậy không? Cuối cùng, qua cuộc tham dò nho nhỏ trong đám bồ tèo, hầu hết mọi người đều thừa nhận là đúng. Chẳng hạn, anh A kể, ngày nọ tình cờ “bắt sóng” được cô người yêu thời sinh viên, tất nhiên “tình cũ không rủ cũng đến”, do đó, họ có những lúc thỉnh thoảng gặp gỡ, hò hẹn…
Sau những lần như vậy, về tâm lý, anh A tự cảm thấy mình đã làm điều gì đó không phải/không đúng với vợ con nên lặng lẽ thể hiện cách “xin lỗi” là thế. Và, chẳng bao giờ nói ra, họ cứ lặng lẽ làm việc tốt ấy như một cách để khỏi “cắn rứt lương tâm”.
Chị bạn cạnh nhà tôi có lần kể, đại khái, có dạo tự dưng ông xã chị galant “hết cỡ thợ mộc”. Dù đi họp ngoài giờ như anh ta cho biết, nhưng lúc về nhà lại dù khuya lắc khuya lơ nhưng vẫn không quên mua quà về cho vợ! Ngạc nhiên quá, bèn hỏi: “Nhân vụ gì vậy anh?”.Người chồng cười tủm tỉm nói lấp lửng: “Hôm nay xúng xính tiền thưởng của cơ quan. Có gì đâu em”. Thử hỏi, trước món quà bất ngờ ấy, câu nói tỏ ra chăm lo, trìu mến ấy, người vợ nào lại không cảm động và yêu chồng hơn chút nữa?
Chưa hết, mỗi buổi sáng như mọi lần vẫn là “mình ênh” phóng xe vào quán phở, chuyện điểm tâm thì mẹ con chị tự lo. Nay, anh ta dậy sớm hơn, lại còn tự tay làm thức ăn sáng cho cả nhà rồi mới đến công sở. Nếu sự galant này đều đặn thì tốt quá. Khổ nổi, “lòng tốt” ấy chỉ thể hiện một, hai lần rồi… thôi. Dù không gặng hỏi, không thể hiện sự thắc mắc, chị bạn tôi chú tâm, bí mật tìm hiểu, mới “bật ngửa” biết rằng chồng mình vừa trải qua một cơn “say nắng”.
Thế đấy, sự thay đổi đột ngột nào ở người đàn ông ắt phải có nguyên cớ của nó. Mà nguyên cớ ấy, nghĩ cho cùng đây cũng chính là “liệu pháp tinh thần” cho chính họ trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu sau đó, một khi không việc làm gì “hổ thẹn lương tâm” thì y như rằng, họ trở lại nề nếp sinh hoạt như cũ. Vậy nên, một khi chứng kiến thái độ, biểu hiện thay đổi đột ngột rất đáng khen ấy, các bà vợ chớ vội mừng mà nên mở mắt ra to hơn…
L.M.Q
(nguồn: PNCN 9.7.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|