THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: HÓA GIẢI DỄ ỢT

LÊ MINH QUỐC: HÓA GIẢI DỄ ỢT

 

hao-giai-de-ot-1R

 


“Việc gì cũng có cách hóa giải cả. Dễ ợt à. Bồ tèo đừng lo lắng thái quá. Không khéo, rầu rĩ râu ria ra rậm rạp; rờ râu, râu rụng; rờ rún, rún rung rinh”. Nghe bà xã tôi khuyên tếu táo, cô Dung dù bật cười nhưng trong lòng vẫn chưa yên.

Chuyện là, chẳng rõ cơn gì, có thể do công việc làm ăn, hoặc do bè bạn rủ rê gì đó mà dạo gần đây Thúc - chồng cô thường về nhà khuyên lắc khuya lơ. Vốn tôn trọng chồng, hơn nữa lâu nay, chàng ta chẳng có biểu hiện gì chứng tỏ đang “chân trong chân ngoài”, léng phéng mèo mỡ gì cả, do đó, cô không gặng hỏi. Nếu có hỏi, chàng ta cũng chỉ ậm ừ: “Sếp phân công anh đi tiếp khách. Chẳng lẽ bỏ về trước?”. Nghe ra có lý quá đi mất. Cô thừa biết tửu lượng của chồng thuộc loại đệ tử ruột của Lưu Linh, nhưng được cái nết là lúc say không nói năng hẩu lốn, lăng nhăng. Mà cơ quan của Thúc lại phụ nữ làm sếp nên chàng ta được “biệt phái” tiếp khách là thế.

Biết thì biết vậy, thông cảm là thông cảm vậy nhưng liệu có bình thường? Sau khi nghe bà xã tôi quả quyết việc gì cũng có cách hóa giải,   Dung lại thở dài: “Đấy, chị thất chưa, đêm nào chồng em cũng về khuya, rõ ràng là không bình thường chút nào. Hay là em truy hỏi một lần cho “ra khoai ra môn”? Có nên chăng?”.

Không riêng gì Dung, nhiều phụ nữ cũng có tâm lý này, hễ thấy “một nửa” có những biểu hiện khác lạ, ngay lập tức tìm mọi cách ngăn ngừa. Cách thực hiện phổ biến nhất vẫn là truy hỏi gắt gao; là đòi đi theo cho bằng được để tận mắt kiểm ra; là lúc chồng quay về nhà dù đã say khướt đến độ nằm đo cán cuốc thì họ vẫn dựng ngồi dậy chất vấn cho ra nhẽ v.v…

Tuy nhiên, theo bà xã tôi lại lắc đầu và cho rằng chớ nên làm như thế mà phải thực hiện thế này, thế này… Trong lúc vợ đang chỉ vẽ chiêu trò giữ chồng mà mình lại ngóng tai nghe? Kỳ cục lắm. Vì thế, tôi tế nhị bước ra khỏi phòng khách.

Lại còn có chuyện này nữa, hôm nọ mới vừa gặp nhau, tay Hữu - bạn tôi đã cười toe toét. Hắn khoe: “Tớ mới dạy cho cho vợ một bài học nhớ đời”. Tôi thoáng rùng mình vì nghĩ đến cảnh “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” rất mất tư cách của đàn ông. Chẳng lẽ cái vóc dáng thư sinh “trói gà không chặt” cỡ như hắn mà cũng giở trò cơ bắp bạo lực à? Thấy tôi tròn mắt kinh ngạc, hắn lại hể hả giòn như bắp rang: “Thật đấy, cô ta sợ một phép, lần sau đố dám lèng èng, lề mề nữa”.

Chuyện gì ta?

Chuyện là, từ lâu nay vợ Hữu có thói quen như nhiều phụ nữ khác, mỗi lúc ra khỏi nhà đều trang điểm. Cũng tốt thôi. Thêm một chút son cho môi gợi cảm, thêm một chút phấn cho má thêm hồng. Chẳng một đấng mày râu nào cằn nhằn vợ làm đẹp cho tươi tắn, trẻ trung ra. Có điều vợ Hữu dồn tâm lực, tâm trí và thời gian vào đó quá nhiều.

Có lần, hai vợ chồng được mời dự đám cưới, họ đi bằng taxi. Lúc gần đến nơi, cô vợ nằn nặc đòi tài xế quay về cho bằng được, lý do đơn giản chỉ vì lúc ngồi trên xe nhìn lại gương soi, cô chưa ưng ý lắm với cách kẽ chân mày, màu son môi. Chỉ có thế, nhưng vợ đã muốn là trời muốn. Do đó, lúc họ quay lại nơi đám cưới thì phải nháo nhác tìm chỗ ngồi, trong lúc thực khách đã ổn định đâu vào đó và đang thưởng thức món ngon. Bao nhiều cặp mắt nhìn vào người đi trể khiến vợ lẫn chồng ngượng chết đi được.

Không phải ngẫu nhiên, đám bạn bè gọi vợ chồng Hữu là chuyên gia sử dụng “giờ dây thun”. Do thời gian trang điểm của vợ mà ra đấy thôi. Vậy, phải làm cách nào chấn chỉnh? Khó lắm. Nói năng góp ý không khéo, cô vợ trở chúng không thèm đi chung ắt mất vui. Sau nhiều đêm, “Nung nấu tâm can vò võ trán”, Hữu nghĩ ra một chiêu rất “độc”.

Rằng, vào dịp cuối tuần bạn bè hẹn đi chơi xa. Mọi người đồng ý cùng tập trung tại quán X cho thuận đường, đúng 7g là xe xuất phát. Đã nhất trí rồi, đã chuẩn bị rồi, đã đâu vào đó rồi nhưng sáng hôm đó như mọi lần, Hữu lại sốt ruột bởi chờ vợ còn phải son với phấn nữa. Nhịp đồng hồ chậm rãi trôi qua, ấy thế, cô vợ cứ tỉnh bơ như không. Tin nhắn, chuông điện thoại thúc giục của mọi người dồn dập đổ vào máy. Đã chậm 30 mươi phút rồi còn gì, bực quá đi mất. Không nói không rằng, Hữu nhắn tin bảo mọi người cứ việc đi trước.

Và lúc họ đến chỗ hẹn, cô vợ hoảng hốt ra mặt vì xe đã chạy mất hút. “Bây giờ, sao anh?” nghe câu nói tiu nghỉu ấy, nhìn thấy gương mặt bơ thờ tiếc nuối, Hữu sung sướng lắm, hả hê lắm. Phải thế chứ, cho bỏ cái thói lề mề, mất bao nhiêu thời gian vào việc trang với điểm.

Sau cái vụ đó, Hữu không một lời cằn nhằn vợ. Rồi những lúc nhìn thấy vợ đang trang điểm làm đẹp, hắn chỉ nhắc khéo lại vụ hụt chân hôm nọ. Vậy mà tình hình thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, chỉ vì cô vợ tự giác điều chỉnh thói quen. Nghe hắn kể, tôi phải phục lăn bạn mình “cao cơ” quá.

“Còn chuyện của vơ chồng Dung thì sao?”, nghe tôi hỏi, bà xã cười tít mắt: “Ổn rồi anh”. Dung đã thực hiện bằng cách nào? Là cô chẳng thèm phải gặng hỏi chồng điều gì cả, hễ cứ gần đến 9 giờ đêm là cô bảo bé nhóc lại bấm điện thoại tíu tít, mè nheo, làm nũng: “Ba ơi về với con”. Cách này sử dụng đều đặn như vắt chanh và có hiệu quả tốt. Bởi vì rằng, một khi vợ gọi mà bỏ về thì sợ mất “khí thế” đàn ông, bạn bè biết được lại cười vào mũi. Nhưng con cái của bạn đã gọi thì dù muốn níu bạn ngồi nán lại cũng chẳng ai nỡ.

L.M.Q

(nguồn: TGPN 19.6.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com