THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: NHỮNG CÂU CHUYỆN NHỎ VỀ GIA ĐÌNH

LÊ MINH QUỐC: NHỮNG CÂU CHUYỆN NHỎ VỀ GIA ĐÌNH



NHUNG-CAU-CHUYEN-NHO-VE-GIA-DINH

 

Về với gia đình, bao giờ ta cũng nghĩ rằng, nơi ấy, từ cha mẹ đến con cái, từ vợ đến chồng là sự gắn kết ruột thịt, chan chứa tình sâu nghĩa nặng mà không gì chia cắt nổi. Nói nôm na, những thành viên ấy đều cùng “một phe”. Trên dưới một lòng. Không có gì phải vương víu, nghĩ ngợi lăn tăn. Về lý thuyết là thế, thế nhưng “vận dụng thực tiễn” thì chưa chắc, còn có khối chuyện bi hài.

Chẳng hạn, không rõ nguyên cớ vì sao, bé nhóc nọ đã vào lớp mẫu giáo, nhất nhất đều bảo: “Con đứng về phe của ba”. Những gì người cha sai bảo đều răm rắp tuân theo, trong khi đó những gì dặn dò của mẹ, cháu lại lơ đễnh, không chịu tiếp thu. Có đôi lúc, nhìn thấy con không ngoan, mẹ la rày, cháu lấy làm như oan ức, vùng vằng, không “tâm phục khẩu phục”. Đã thế, cháu còn đợi lúc ba đi làm về là “méc” ngay như muốn phân trần vừa bị mẹ ăn hiếp. Thay vì giải thích cho con hiểu, nhiều người cha chỉ ậm ừ, giả lả cho qua chuyện.

Chà, cứ cái kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, gay go quá.

Sau khi hỏi chuyên gia tư vấn gia đình, cô vợ mới nhận ra rằng, ngay lúc cháu còn bé, cả vợ lẫn chồng đều không đồng thuận trong cách dạy con. Hễ con làm nũng, biếng ăn, khóc nhè, không ngoan thì có 2 cách giải quyết: mẹ nghiêm khắc chấn chỉnh; bố cười xòa, nuông chiều. Dần dần cháu nghĩ rằng, chỉ có bố là thương mình nhất. Rồi, sau này khi cậu em út lớn thêm một chút, tự dưng trong nhà chia làm hai phe: con gái về phe bên bố; con trai về phe bên mẹ. Thật ra, với con cái thì bố mẹ nào lại không thương đồng đều và chăm sóc, lo lắng như nhau?

Anh bạn cùng công ty với tôi tâm sự, mấy hôm nay “méo mặt” vì chuyện chẳng đâu vào đâu. Rằng, cháu út - con gái “rượu” của anh mới vào tiểu học nhưng mẹ cưng quá, yêu quá nên cho đeo lên người đủ thứ vàng vòng. Dù là thứ giả nhưng anh vẫn không đồng tình, vì biết đâu gợi lòng tham của kẻ xấu. Anh ngăn cấm nhưng nào có được, vì mẹ cháu cứ binh con chằm chặp, dựa vào đó, cháu nhất định không nghe theo bố. Mới tuần trước đây thôi, giờ tan trường, vợ chồng anh phải một phen hoảng hốt, thiếu điều điện thoại cho công an vì lúc đến trường đón lại không thấy cháu. Sau một phen tìm kiếm xất bất xang bang, nghẹt thở tưởng chừng như tim rớt ra khỏi ngực, may quá, họ mới phát hiện cháu đang đứng khóc hu hu trong nhà vệ sinh. Vàng vòng đeo trên người cháu đã bị kẻ xấu lột sạch!

Ai cũng bảo, năm tháng tuổi thơ, được chung sống với ba mẹ vẫn là niềm hành phúc nhất. Thế nhưng, có những lúc đứa trẻ lại tủi thân ghê gớm. Vết sẹo ấy là một sự thuong tổn về tâm hồn, khó phai về sau. Tôi không rõ nhân vật trong truyện ngắn Trẻ con không biết ăn thịt chó của nhà văn Nam Cao, khi trưởng thành sẽ nghĩ gì về ông bố? Lúc ấy, trên nhà, ông bố cùng bạn nhậu mải mê đánh chén, rượu vào lời ra, thịt chó béo ngậy; trong khi đó lũ con đang đói meo, chờ chực, thèm thuồng rỏ dãi. “Chúng thở dài. Chúng nuốt bọt nhem nhép. Chúng thừ mặt ra. Chúng nằm ẹp xuống đất và lật áo lên để khoe cái bụng. Bụng đứa nào cũng gần dính lưng”. Rồi “Cũng may, tiếng người bố trên nhà gọi: “Cái Gái đâu! Dẹp mâm đi, này!”.

Khỏi phải nói, lũ trẻ sung sướng biết chừng nào. Nhà văn viết tiếp: “Gái hạ nhanh mâm xuống đất, bảo: “ Này, ăn đi”. Nó ngẩng mặt nhìn các em, cười the thé. Người mẹ xịu ngay xuống. Trong mâm, chỉ còn bát không. Thằng cu Con khóc oà lên. Nó lăn ra, chân đập như một người giãy chết, tay cào xé mẹ. Người mẹ đỏ mũi lên và mếu xệch đi, rưng rức khóc. Cái Gái và cu Nhớn, cu Nhỡ cũng khóc theo”.

Thời buổi này, miếng ăn không không còn là nỗi bận tâm như trước nữa, thậm chí, nhiều giá trị vật chất cũng thế. Nhưng nếu ứng xử không khéo lại trở thành “vấn đề” trầm trọng.

Này nhé, lúc ly hôn, lạ thay, sự nhường nhịn sao lại khó khăn quá? Con cái, do cả hai rứt ruột đẻ ra nhưng rồi, có người phủi sạch trách nhiệm; hoặc người này giành được quyền nuôi con nhưng không quên thòng một câu chắc nịch: “Tòa xử rồi đấy, nhớ chưa? Mỗi tháng đừng quên nghĩa vụ phải chu cấp đầy đủ tiền nuôi con. Nếu quên là không xong đâu”. Những câu rạch ròi, lạnh lùng ấy tuôn ra cứ nhẹ tênh như không, cứ như đang nói với người dưng nước lã. Trước tòa, muốn mọi việc xong xuôi chóng vánh nên lúc nghe yêu cầu này nọ, có người gật đầu cái rụp, ký luôn vào giấy ly hôn: “Ừ, muốn thì chìu. Cắt cho nhanh cái “của nợ” này càng nhanh càng tốt”.

Chừng mươi năm trước, anh bạn tôi kể lại bằng một giọng cay cú, bởi lẽ theo anh nguyên nhân dẫn đến sự đáng buồn đó là do vợ, chứ anh vô can (!?). Anh hoàn toàn không có lỗi gì, tại sao phải đóng tiền nuôi con hàng tháng, trong khi đó cô ta đã là vợ của người khác? Thời gian thấm thoát trôi qua, tình cờ gặp lại tôi, anh ngậm ngùi: “Vợ chồng chia tay nhau, nếu xử sự không khéo có khi còn mất luôn cả con. Đó mới là cái đau lớn nhất”.

Với anh, dù ai cũng có “người mới” nhưng tình cảm dành cho con vẫn không hề vơi đi. Nhiều lần anh tìm cách tiếp cận, nhưng cháu lại e dè như trò chuyện với người xa lạ. Đọc trên Facebook cá nhân, biết con mình đang ước mơ có chiếc xe đạp đi học, tất nhiên anh không thể làm ngơ. Anh kín đáo nhờ ban giám hiệu nhà trường chuyển giúp. Tưởng vậy là ổn, không ngờ mẹ cháu “điều tra” biết đích thị người tặng là chồng cũ nên từ chối phắt!

Rõ ràng, con của mình nhưng đâu còn thuộc thẩm quyền của mình nữa? “Vậy phải làm sao bây giờ?”, anh thở dài với câu hỏi đó. Nếu sau khi chia tay nhau, nghĩ rằng, “nghĩa vụ” lo cho con chính là “quyền lợi” ắt người trong cuộc sẽ có cách cư xử đúng mực hơn. Bằng không những lời thở than, tiếc nuối như “giá mà…”, “phải chi…” đều vô nghĩa, khó có thể kéo trở lại.

Từ trường hợp này, tôi nhớ đến một bài thơ của nhà thơ lão thành của Tanikawa Shuntaro, có đoạn:

Tôi sẽ nói nhiều lần: “Chào cả nhà!”

Và bạn tập trả lời: “Đã về đấy ư !” - lặp đi lặp lại

Bạn cứ về đây bao nhiêu lần cũng được

Ở đây chúng mình cùng uống nước

Ở đây chúng mình ngồi mà chẳng cần nói chi

Sau khi dịch, nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang cho biết thêm:  “Bài thơ này rất được người Nhật yêu thích, sau đó được đưa vào sách giáo khoa cấp 2 ở Nhật Bản. Nguyên văn là những câu đối thoại thường dùng trong tiếng Nhật: Người trở về nhà nói: “Tadaima” (Chào cả nhà) và người ở nhà đáp lại: “Okaerikudasai” (Đã về đấy à/ Vào nhà đi)”. Ở đây vừa có ý dạy những câu chào hỏi tiếng Nhật, vừa có ý người bạn nước ngoài được coi như người nhà”.

Với người bạn nước ngoài, người mới lần đầu gặp gỡ, đã được ta đối xử bằng tâm thế tốt đẹp ấy. Vậy thử hỏi, với người nhà/đã từng là người nhà, tại sao ta lại cố chấp, hẹp hòi để rồi cuối cùng dẫn đến sự lụy đáng tiếc?

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 468 ngày 25.3.2017)


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com