Tôi có người bạn rất mê sưu tầm đồ cổ. Bao nhiêu tiền của dành dụm được, không chóng thì chày “đội nón” ra đi. Bởi anh lại “rước” báu vật về nhà. Rồi nâng niu, săm soi, ngắm nghía hằng giờ như được cận kề bên giai nhân tuyệt sắc. Tôi hỏi: “Có nguyên tắc nào cần ghi nhớ lúc sưu tập không?”. Ấy là tôi hỏi về kinh nghiệm phân biệt đồ cổ, giả cổ để khỏi mua nhầm, mua hớ giá, nào ngờ sau một lúc đăm chiêu anh trả lời… trớt quớt!
Đại khái, phải tự tay mình cầm lấy, xê dịch, sắp xếp các thứ đồ cổ, chứ không nên nhờ đến ai khác. Nhỡ chẳng may, sẩy tay nó rơi cái xoạch xuống đất thì sao? Tiếc vật quý, lại tiếc tiền nên lúc đó khó kiềm chế được sự giận dữ, bực bội, quát tháo, la mắng. Thế là mất vui, gây ra sự xáo xào, cãi cọ, gây gỗ. Chi bằng, tự tay mình cầm lấy, bưng bê cổ vật đó, nếu chẳng may có bị sự cố nào thì mình tự chịu trách nhiệm, không thể đổ thừa cho ai.
Lại nữa, có những món đồ cổ có đôi, có bộ. Nếu chẳng may, vì lý do gì đó bị mất/ hư hỏng đi một cái thì cách giải quyết ra làm sao? Cách tốt nhất là nên… đem bán/ cho quách đi cái còn lại. Vì nếu cái còn lại lẻ loi sờ sờ ra đó, mỗi lần nhìn thấy nó ắt lại tiếc nuối, hậm hực, than dài thở ngắn: “Phải chi, ước chi… thì đâu đến nỗi!”. Thôi, chi bằng cho nó “đi” luôn, đi khuất mắt, xem như từ trước đến nay mình chưa hề có nó cho nhẹ cái đầu. Khỏi phải nghĩ ngợi lăn tăn.
Với quan niệm này, tôi nghe xong rồi tủm tỉm cười và gật đầu đồng tình. Mỗi người có một cách sử lý khi mất đi một vật quý gì đó, miễn sao cảm thấy hài lòng.
Trong khi đó, những bậc hiền nhân dù cách thể hiện tương tự nhưng lại khác từ trong nhận thức. Tôi còn nhớ đến câu chuyện mà cô giáo đã kể trong học môn Công dân Đức dục thuở bé: Ngày kia, có trên chuyến xe lửa đang chạy, do không cẩn thận nên Thánh Gandhi lỡ tay làm rớt một chiếc giày vừa mới mua. Hành khách đi chung toa tàu đều cảm thấy tiếc. Bất ngờ, ngài liền thả luôn chiếc giày còn lại qua cửa sổ, ngay chỗ chiếc giày vừa đánh rơi. Hành động này khiến những ai chứng kiến đều chưng hửng, ngạc nhiên. Họ hỏi nguyên cớ nào khiến ngài lại làm như vậy? Thánh Gandhi từ tốn giải thích: “Nếu người nghèo nào đó nhặt được chiếc giày, họ sẽ có đủ đôi để sử dụng”.
Theo cô giáo thì bài học rút ra từ câu chuyện vừa kể trên là "lỡ khi gặp sự cố nào đó, mình không nghĩ về mình mà nghĩ đến niềm vui của người khác".
Mới đây thôi, chính tôi còn cứ ấm ức, bực mình bực bội về một bộ sách đã mua hớ giá. Thông thường, tôi hay ghé tiệm sách nọ tìm mua sách cũ. Mua bán riết nên khách và chủ quen mặt, trở nên thân thiết. Một hôm đi ngang qua, không thấy mở cửa, dò hỏi lân la tôi mới biết người bán sách bị ốm nặng. Do không thể biết đích xác ông ta đang nằm bệnh viện nào nên tôi không thể vào thăm.Tuy nhiên, tôi tự nhủ sau khi tiệm sách mở cửa lại sẽ mua nhiều hơn mọi lần. Như lời chúc mừng một người vừa khỏi bệnh.
Và ngày đó đã đến.
Tôi đến mua và trả tiền sòng phẳng. Thế nhưng khi quay về nhà, tôi lại tự trách mình tại sao lại không trả giá để mua hớ đến cả bạc triệu? Mà đồng tiền thời buổi này đâu phải dễ dàng kiếm ra đâu. Thế là tôi bực bội. Đâm ra cau có, cằn nhằn vô cớ với mọi người.
Khi hay chuyện, mẹ tôi nhẹ nhàng bảo: “Chuyện gì đã qua, hãy để cho nó qua luôn. Nhớ lại mà không giải quyết được thì ích gì? Sao con không nghĩ, đó là số tiền mà trước đây con đã bỏ ra mua quà vào bệnh viện thăm người bán sách?”. Lời khuyên ấy, đột nhiên hóa giải mọi ấm ức lâu nay. Tôi cảm thấy vui vẻ, ít ra, đồng tiền ấy không hề hoang phí chút nào. Vậy hà cớ gì lâu nay mình cứ tiếc nuối?
Vậy đó, cũng là một sự cố nhưng nếu nhìn nhận ở góc độ tích cực hơn, tự nó sẽ có cách “hóa giải” nhẹ nhàng. Nói như thế, tôi biết rằng nhiều người cũng đã từng trải qua kinh nghiệm này.
Này nhé, trong giới “văn nghệ văn gừng” có anh nhà văn nọ sống dư dả, phong lưu với nghề. Sách in ra nhiều và thỉnh thoảng tái bản. Như thế là xúng xính tiền bạc chứ gì? Thế nhưng chẳng ai thấy anh ta chiêu đãi, mời mọc bạn bè lai rai bao giờ. Hễ ai “gài độ”, anh lại có dịp trút ra những lời bực tức, chê bai về một người bạn mà ai cũng biết họ rất thân thiết.
Tại sao có sự kỳ cục thế nhỉ?
Sở dĩ thế, vì anh đem tiền cho mượn nhưng người bạn đó lại chưa có khả năng chi trả. Đòi mãi không xong, lắm lúc anh chạnh lòng thấy tiếc. “Đồng tiền liền khúc ruột”, bao nhiêu công sức mới có, chứ nào phải hái từ trên cây, từ trên trời rơi xuống tha hồ nhặt lấy? Vì vậy, anh bực bội là cũng có lý. Thế nhưng ít ai ngờ, hiện nay, thái độ của anh lại khác hẳn. Không còn chê trách người bạn đang thiếu tiền mà còn tỏ ra thông cảm nữa.
Ai nấy cũng đều lấy làm lạ. Cơn cớ làm sao có chuyện “gió đã xoay chiều” lạ lùng đến thế?
Theo lời anh kể, một ngày nọ, người bạn đó đến nhà mời anh đi đến nơi nọ. Tưởng đến đó được bạn trả tiền nên anh bằng lòng đi ngay. Nào ngờ, bạn lại đưa vào bệnh viện. Đến nơi tận mắt chứng kiến con gái con gái của bạn bị bệnh, bác sĩ chẩn đoán và đã tiến hành phẫu thuật. Ca mổ này ngốn một khoản tiền không nhỏ. Nhìn thấy cảnh ngộ đáng thương và biết rõ khó khăn, anh đã cảm thông hoàn cảnh của bạn.
Thôi thì, đồng tiền của mình cũng góp phần cứu sống một người, chứ nào có mất đi đâu, chứ đâu phải mình bị quỵt nợ. “Sông có lúc, người khó khúc”, cần phải thông cảm cho bạn lúc ngặt. Do nghĩ được thế nên mọi sự hậm hực, cay cú, oán ghét lâu nay ở trong anh dần dần nhẹ tênh, dù tiền nợ chưa được trả.
Ai đó đã nói rất chí lý, khi gặp sự cố thiệt thòi về phía mình, nhưng hãy nghĩ đơn giản, biết đâu điều đó có thể có lợi cho người khác cũng là một cách đem lại niềm vui cho chính mình. Nói điều ấy, thoạt nghe có vẻ mơ hồ, chủ quan nhưng thật sự là vậy.
L.M.Q
(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 451 ngày 17.9.2016)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|