“Tuyệt vọng quá, em không còn tha thiết gì ở trên đời nữa. Đứa con em sắp sinh ra, không giữ được anh ơi”. Nghe tiếng nấc nghẹn ngào, rồi khóc oà qua điện thoại, tôi biết cô em kết nghĩa đang đau khổ, bấn loạn đến chừng nào. Trong đời người, hầu như ai cũng có lúc trải qua những ngày tháng u ám, thất vọng, buồn tủi đến tận cùng. Lúc đó, có người nghĩ quẩn luôn ám ảnh bởi cái chết, với họ, sự lựa chọn bi thảm ấy, dù thế nào đi nữa vẫn là cách giải quyết tốt nhất.
Từ nhiều năm nay, vợ chồng cô em kết nghĩa của tôi luôn đau đáu, chịu đựng một áp lực nặng nề: cưới nhau đã lâu nhưng vẫn chưa có con. “Cây độc không trái, gái độc không con”, những lời xì xào “nói cạnh, nói khoé” từ phía gia đình chồng đã khiến cô nhiều đêm thức trắng, nuốt nước mắt vào lòng. Chỗ dựa tinh thần của cô, may mà còn có sự cảm thông, an ủi của người chồng. Thấu hiểu nỗi niềm đó, cả hai đã nỗ lực hết sức, từ xét nghiệm y khoa đến tư vấn của bác sĩ để hy vọng sẽ đến ngày trong nhà ấm áp tiếng cười nói của đứa trẻ chào đời.
Và cô đã mang thai.
Những ngày đó, cô sống trong cảm giác kỳ diệu và nhẫm tính từ phút giây sẽ đến lúc “khai hoa nở nhị”. Không những thế, cô còn tìm đọc sách dạy làm mẹ, thậm chí còn mua sắm quần áo, đồ chơi trẻ con với tất cả sự yêu thương chan chứa tình mẫu tử. Những ngày ấy, lại còn thêm hạnh phúc là lúc vợ lẫn chồng cùng trao đổi việc đặt tên cho con. Cả hai sung sướng cùng nghĩ đến lúc ẵm bồng đứa con vừa lọt lòng. Chỉ cần nhìn thấy đôi mắt nó giống mẹ, cái miệng giống ba là trong lòng đã rộn ràng một niềm vui khó tả. Cứ tưởng rằng, chỉ còn chờ đợi thời gian, mọi việc sẽ đâu vào đó, sẽ có kết quả tốt đẹp. Nhưng rồi thật bất ngờ, ngày nọ, lúc nửa khuya, cô đã trợt ngã trong phòng tắm và sẩy thai. Sau sự cố đó, cô suy sụp hẳn.
Cần có lời khuyên nào cho một người đang rơi xuống vực thẳm?
Tôi còn nhớ đã lâu lắm rồi, từng đọc đâu đó ý kiến của một nhà hiền triết, đại khái, lúc đó, cách tốt nhất là hãy nghĩ đến… điều tồi tệ hơn nữa. May mà nó không xẩy ra cho mình. Có như thế, ta mới cảm nhận, tự ý thức rằng sự đau khổ đang gánh lấy chưa phải là sự tuyệt vọng cuối cùng. Vẫn còn có cách thoát ra ngoài để hướng đến sự tốt đẹp khác.
Trường hợp của cô em kết nghĩa, tôi biết, sẩy thai là một sắc màu u ám, nhất là cô đã từng chờ đợi, mong ngóng từng ngày, từng giờ. Nhưng rồi, chẳng khác gì một người lầm lũi đi trong sa mạc. Trời nắng gắt, cổ họng khát đắng, đến lúc sắp ngã quỵ, sắp bỏ cuộc nửa chừng lại được nhìn thấy dòng suối nước mát lạnh ngay trước mắt. Chỉ cần rướn thêm vài bước nữa là chạm đến cánh cửa mở ra sự sống. Chỉ một khoảnh khắc nữa thôi sẽ được hái một mùa vàng trái ngọt, được tận hưởng một suối nguồn trong trẻo.
Than ôi, đó chỉ là ảo ảnh.
Một ảo ảnh mờ mịt, không hề có thật.
Có người tuyệt vọng buông xuôi. Có người lại nén lòng, nhẫn nại bước tiếp. Sự khác nhau ở chỗ, người đó nghĩ rằng: “Ồ, cũng chẳng sao, mình vẫn còn may mắn lắm. Trong hoàn cảnh bi đát này, nếu còn phải chiến đấu với nanh vuốt của lũ cọp dữ bất ngờ xuất hiện ắt còn khốn khổ hơn nhiều”. Suy nghĩ này, hoàn toàn không dính dáng đến phép “thắng lợi tinh thần” của A.Q; hoàn toàn không phải “tự sướng”. Mà người đó biết rằng sự bi đát đang trải qua vẫn chưa là gì cả, còn có thể vượt qua được.
“Em còn may mắn hơn nhiều người đấy”. Nghe lấy lời khuyên ấy, cô em kết nghĩa của tôi giật mình, gật đầu. Rằng, có người sau sự cố sẩy thai bị chồng ruồng rẫy, thậm chí anh ta còn léng phéng “mèo mỡ” thì sao? Hoặc gia đình chồng không đưa bàn tay vỗ về, chăm sóc, an ủi... thì lúc ấy, người phụ nữ đáng thương còn biết bấu víu vào đâu? Mà ngay cả người chồng của cô ấy cũng vậy thôi. Nếu người vợ sau cú trợt chân, bị băng huyết và mất đi, có phải anh ta phải “mồ côi” vợ không?
Cách đây khá lâu, với tư cách là nhà báo, tôi được phân công tác nghiệp trong một trại giam. Nhiệm vụ của tôi là tìm hiểu tâm lý, sự phục thiện của phạm nhân trong thời gian cải tạo. Có một câu chuyện khiến tôi khó quên là lúc phỏng vấn một tay cướp khét tiếng, anh ta kể rằng: “Những ngày đầu tiên, tôi luôn nghĩ đến cách vượt ngục cho bằng được. Rồi chiều hôm đó, lúc đang lao động ngoài rừng thì trời đổ xuống cơn mưa tầm tã, lợi dụng sơ hở của cán bộ quản giáo, tôi đã trốn thoát”.
Trường hợp này, báo chí có đưa tin nhưng hoàn toàn không có chi tiết vì lý do gì mà dăm năm sau, anh ta lại chủ động ra đầu thú? Từ một người tù đã “tháo cũi xổ lồng”, vì sao lại tự thân “nạp mạng” lại lần nữa, dù đã trốn tránh được sự giam giữ theo luật pháp?
Nghe tôi hỏi, anh ta trả lời không một chút ngập ngừng: “Tôi nói ra, nhiều người có thể không tin nhưng đây là sự thật. Lúc bị giam, tôi luôn buồn bã, khổ đau vì nghĩ mình xui xẻo quá, trong khi đó đồng bọn trốn thoát được là sự may mắn. Vì thế, tôi luôn tìm mọi cách vượt ngục là vậy. Nhưng than ôi, những ngày “tự do” ấy, tôi cảm thấy ở trong trại giam còn sung sướng hơn nhiều. Dù trốn thoát nhưng lương tâm của tôi luôn cắn rứt vì tội lỗi đã gây ra. Chi bằng, ở trong tù cải tạo mà trong lòng thanh thản hơn”.
Chà, có phải phạm nhân này đã được quản giáo “mớm” trước, cho “học thuộc lòng” trước về câu trả lời khi được tiếp xúc với nhà báo? Tôi thầm nghĩ, vì thấy câu trả lời nặng tính “tuyên truyền” quá. Không ngờ anh ta nói tiếp: “Hơn nữa, so với tử tù, tôi vẫn còn có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Tôi may mắn hơn họ nhiều lắm”. Chính vì nghĩ đến điều tồi tệ hơn, may mà mình không vấp phải nên anh ta mới có thể nhìn nhận được sự việc thấu đáo hơn.
Rõ ràng trong mọi chuyện hắc ám, xúi quẩy, đen đủi… khi đối mặt với nó, không bao giờ đó là ngõ cụt, là đường hầm không lối thoát. Người Trung Quốc có câu thành ngữ: “Thiên ngoại hữu thiên”, có thể hiểu nôm na: “Ngoài trời lại còn có trời”. Ngoài núi này cao còn núi khác cao hơn. Người này tài giỏi, ắt có người giỏi hơn. Tôi lan man liên tưởng thêm rằng, sự khổ đau, bi đát của mình chắc gì đã “nhất”, vẫn còn có người chịu đựng ê chề, nặng nề hơn bội phần. Nghĩ thế, để thấy rằng, mình vẫn còn may mắn lắm, vì thế, chẳng việc gì tuyệt vọng, buông xuôi.
L.M.Q
(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 436 ngày 30.4.2016)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|