THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: “Sa cơ thất thế” - chẳng gì phải sợ

LÊ MINH QUỐC: “Sa cơ thất thế” - chẳng gì phải sợ

saco-that-the-chang-gi-phai-so-1-R


Trong đời có những chuyện xẩy ra, bất ngờ quá, đột ngột quá, khiến nhiều người sốc nặng. Họ ngã quỵ và tưởng chừng như không thể gượng dậy nổi. Họ xay xẩm mặt mày, quay cuồng với câu hỏi: “Tại sao?”. Một khi không trả lời được câu hỏi đó, họ khó có thể bình phục, không thế sống với tâm bình yên, nhẹ nhàng như ngày trước…

Những chuỗi ngày phiền muộn, âu lo, bi quan trở thành một ám ảnh và cũng là chiếc bóng song hành cho hết một kiếp người người. Sống như thế, đau đớn, ngao ngán lắm và trong mắt họ, mỗi ngày, khi mở mắt dậy, dù nắng sớm chói chang, tiếng chim reo vang nhưng họ chỉ thấy bóng tối và thì thầm bên tai những âm thanh nặng trĩu tiếng thở dài.

Tôi có người bạn đã trải qua những giây phút khủng khiếp đó.

Năm 25 tuổi, đang là hướng dẫn viên du lịch, cô bị tai nạn giao thông, xe lửa cán đứt lìa và mất hẳn hai chân. “Khi dậy trong bệnh viện Chợ Rẫy nhìn thấy hai khúc chân bê bết máu của mình, tôi tuyệt vọng kêu lên: “Cha mẹ ơi, cho con chết đi, con không muốn sống nữa”… Cú sốc khủng khiếp đã làm tôi nghĩ đến cái chết. Thà chết còn khỏe hơn là sống mà mất đôi chân, chỉ có chết mới thoát khỏi cái đau và cái khổ tận cùng này. Chữ “chết” bắt đầu lởn vởn rồi chế ngự cả tâm trí tôi”.

Nhưng rồi, cô vẫn phải sống. Sống trong lo toan, đùm bọc của mọi người.

Khi được đưa vào Chợ Rẫy, người ta đem cả hai khúc chân bầm nát của cô thử xem có nối được không? Đoạn bầm dập phải cắt bỏ. Rồi sau đó, từng mạch máu li ti được nối trong suốt 8 tiếng đồng hồ. Nỗi đớn đau tàn khốc ấy còn kéo dài. Vết thương liên tục chảy máu, tụ máu bầm, có nguy cơ hoại tử. Lập tức cô được chuyển qua Bệnh viên 175: “Nằm trong lồng oxy cao áp tôi có cảm tưởng như mình đang nằm trong một cái quan tài trong suốt và chật chội. Hai khúc chân bị chèn ép vào nhau làm tôi thêm đau đớn. Chịu hết nổi, tôi gào lên: “Bác sĩ ơi cho em ra ngoài đi, tháo cái khúc chân này ra đi”.

Cuối cùng, cô lại đưa về Chợ Rẫy, không thể giữ được nên hai khúc chân đành cắt bỏ, may mỏm cụt lại: “Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được “hạnh phúc là sự từ bỏ” - cái gì trên đời đến lúc mất đi thì mình cứ cho nó mất luôn đừng nuối tiếc bởi càng níu kéo, càng bám víu vào nó thì càng thêm đau đớn mà thôi”.

Ai cũng nghĩ thế, nhưng lúc đối diện bằng sự trải nghiệm, bằng nỗi thống khổ của chính mình thì không phải ai cũng tỉnh táo chấp nhận lẽ hiển nhiên ấy.

Những ngày ấy, cô luôn ghi nhớ: “Không vấp ngã trong cuộc sống, đó là điều tốt. Nhưng vấp ngã rồi đứng dậy bước đi lại là điều tốt hơn”. Điều gì đã khiến cô “Đứng dậy và bước đi”? Cô cho biết: “Câu trả lời đầy đủ câu chuyện Ân Sư Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải, ghi dấu một bước chuyển lớn của đời tôi: Sáng Chủ nhật là buổi thuyết giảng của Sư tại Thiền viện Vạn Hạnh (TP.HCM). Cuối buổi giảng, tôi nặng nhọc bước trên đôi chân giả vừa gắn xong đến đảnh lễ Sư với nét mặt u sầu thảm não: “Sư ơi, đôi chân của con đã mất rồi, kể từ bây giờ suốt đời con phải đi bằng đôi chân giả”. Với những giọt nước mắt chực trào ra, những tưởng Sư sẽ xoa đầu tôi, an ủi, vỗ về: “Thôi con đừng buồn nữa cuộc đời là vô thường mà” nhưng không, với nụ cười tràn đầy tình thương nở trên môi, Sư nhìn tôi rồi nhẹ nhàng nói: “Ồ, con chỉ có hai chân giả thôi sao? Con nhìn xem, toàn thân sư đều là giả đó thôi!”. Ngay lập tức, tôi bừng tỉnh. Như ánh chớp lóe lên, lời Kinh Bát Nhã mà tôi đã tụng hàng trăm lần bỗng trở nên sinh sộng lạ lùng: “Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt”. Phải rồi chỉ tại tôi mắc kẹt vào cái “tướng” của mình nên mới “ôm sầu thiên thu” như vậy!

Cú “giải huyệt” tuyệt chiêu của bậc chân sư đã chỉ cho tôi lối thoát hiểm, cất đi gánh nặng ngàn cân đang đè nặng trong lòng tôi”.

Trong đạo Phật, giây phút nhiệm màu ấy gọi là “đốn ngộ”.

Cuộc đời của mỗi người, ai ai cũng có những lúc xẩy ra những chuyện bất ngờ. Đối diện với nó thế nào? Câu trả lời này gay go quá đi thôi. Tôi xin kể mẩu chuyện nhỏ, có lẽ nhiều người đã biết những trường hợp tương tư: Một ngày kia, thủ trưởng cũ của tôi ghé thăm nhà. Tôi xúc động vì thuở ông đang “lên ngựa xuống xe”, “tiền hô hậu ủng”, “tả phù hữu bật”, nhân viên quèn như tôi làm sao “có cửa” đón chào “rồng đến nhà tôm”! Nay đã về hưu nên ông “bình dân” hơn. Sau một hồi hỏi han, tỉ tê tâm sự, ông thổ lộ: “Khi đang chức đang quyền, ai cũng tốt với mình. Nhưng đến lúc về nhà “đuổi nhà cho vợ”, mới biết trước đây mình đã nhầm”.

Nhầm ra làm sao?

Ngày nọ, do có việc nên ông vào cơ quan cũ và tưởng rằng những người ngày trước đã nhận “bổng lộc” do ông “ban phát” sẽ vui mừng chào đón. Không hề. Có người thoáng thấy từ xa, ông í ới réo gọi nhưng họ lại vờ như không nghe, lẻn qua lối đi khác. Có người vừa chạm mặt ông đã vội vàng rút điện thoại ra “a lố, a lồ” như đang bận rộn lắm lắm không kịp chào hỏi. Ông cảm nhận một sự dửng dưng đến nhói lòng. Mà nhờ thế, ông mới “ngộ” ra rằng, trước khi thiên hạ xum xoe, khen ngợi xem ông như thánh như tướng là vì cương vị ông đang đảm nhiệm. Một khi ông rời khỏi cương vị đó, về hưu rồi thì hà cớ gì buộc họ phải có thái độ vồn vã như trước? Nghĩ được thế, ông cảm thấy nhẹ lòng, không thèm buồn với thói “nhân tình thế thái” nữa.

Thế đấy. Một khi đã gặp những chuyện không ưng ý, thậm chí sa cơ thất thế”, có lẽ cách tốt nhất vẫn là đối diện với sự việc đang xẩy ra. Tôi biết, có nhiều người dù va chạm trong tình huống nào nhưng cũng giữ được thái độ ui vẻ, bình thản, vẫn hào hứng với công việc. Có phải do họ “đẻ bọc điều”, sinh ra đã có “số” sướng? Thật ra không phải vậy nhưng họ đã dựa vào điểm tựa nào? Tôi nghĩ rằng, có lẽ do họ đã tâm niệm: Nhìn thấy bầu trời vần vũ mây đen rồi sấm chớp ầm ầm, nhưng tôi không sợ vì tôi biết sau đó sẽ có cơn mưa dịu mát ùa đến…

L.M.Q
(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 411 ngày 22.8.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com