THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Đưa “Ông Thiện” vào nhà

LÊ MINH QUỐC: Đưa “Ông Thiện” vào nhà

duaontythienvao-nha-1R

Ngày còn nhỏ, tôi thường được bà ngoại dẫn lên chùa.

Lúc đi ngang qua tượng “Ông Ác” nhìn gương mặt đúa, râu ria xồm xoàn, hai tay nắm lấy đầu thanh gươm đang chống thẳng dưới đất như sẵn sàng tuốt ra khỏi vỏ, ánh mắt lại trừng trừng nghiêm khắc khiến tôi sợ chết khiếp, níu lấy vạt áo dài của bà rón rén bước qua. Nhưng ngoảng qua phía bên này, lòng tôi nhẹ nhàng, hoan hỷ khi nhìn thấy tượng “Ông Thiện”. Gương mặt ấy thanh thoát, hiền từ, thanh gươm vắt sau lưng, ánh mắt lại nhìn trìu mến luôn gợi lên sự thân mật gần gũi.

Dù sau này, vẫn chưa thể hiểu hết ý nghĩa tương phản của hai bức tượng ấy, nhưng tôi cũng mạo muội nghĩ rằng: Căn nhà mình trú ngụ êm ấm mỗi ngày, thật ra cũng có “Ông Thiện” và “Ông Ác” đang hiện hữu, tùy theo “gu” lựa chọn của mình khi mua sắm, bày trí các vật dụng.

Thử tưởng tượng, bước vào căn nhà mà ngay từ phòng khách đã thấy chủ nhân treo la liệt “hàng độc” như đầu bò tót, sừng nai, ngà voi hoặc gấu, cọp nhồi bông, những khẩu súng săn như muốn khoe “chiến tích” là tay sát thủ, từng giết hại nhiều con thú, lúc ấy, cảm giác ta sẽ thế nào?

Lại có nhà, trong tủ búp phê “chơi” luôn một loạt bình rượu “ông uống bà khen”, chưa biết hiệu quả ra sao nhưng tận mắt nhìn thấy trong đó những con rắn nằm khoanh tròn rồi chen chúc xác chết con bìm bịp, bò cạp, ong chúa, tắc kè, bổ củi…, tự dưng nổi gai ốc, sờ sợ. Nghĩ đến lần sau quay lại nhà này, ta thấy ngài ngại.

Lại có những căn nhà dù đến một lần hoặc nhiều lần, bao giờ ta cũng có thiện cảm, lúc chia tay, dù không nói ra nhưng trong lòng tự nhủ “see yuo again”! Không thiện cảm sao được khi nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ và ấn tượng khó quên là tủ sách, kệ sách được đặt ở vị trí trang trọng. Chỉ nhìn gáy sách được sắp xếp chu đáo, lại sách quý, sách hay, tự nhiên nhớ đến câu “thi trung tự hữu nhan như ngọc” (Trong sách có nàng mặt như ngọc). Nhìn thấy trên tường treo những bức tranh nghệ thuật, tự dưng lòng nhẹ nhàng, tâm trí phóng khoáng, thân thiện.

Qua cách bày trí ấy, ta có thể hiểu thêm tâm tính chủ nhân, gia phong của mỗi nếp nhà.

Ai cũng biết, nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939) mất sớm vì bệnh ho lao. Cả đời sống trong ngheo túng, đôi khi niềm mơ ước của ông “được ăn miếng thịt bò bít-tếch thì sung sướng biết bao nhiêu”, nhưng “Phụng có những sự thù ghét mà thoạt đầu không ai hiểu”. Nhà văn Lan Khai cho biết: “Một hôm anh đột ngột bảo tôi: “Trong đời tao, tao không oán gì bằng cái tủ chè”. Tôi đã trợn tròn hai mắt vì ngạc nhiên khiến anh phải mỉm cười trước khi nói tiếp: “Thực tế cái dân An Nam này đã khốn khổ và còn khốn khổ vì cái tủ chè đểu giả ấy không biết đến bao giờ! Mày thử xem, trong mỗi nhà, cái chỗ tốt đẹp nhất đáng lẽ phải để tủ sách, treo những tác phẩm về mỹ thuật hay đặt máy truyền thanh, người mình chỉ kê cái tủ chè” (Tạp chí Tao Đàn số tháng 12.1939).

Theo quan niệm ngày trước, một gia đình giàu có thì ngoài cái sập gụ làm bằng gỗ tốt đặt chễm chệ ngay phòng khách, còn phải kê thêm cái tủ chè được chạm trổ công phu, cẩn xà cừ tinh xảo. Nhà văn Vũ Trọng Phụng căm ghét vì sự bài trí ấy chỉ cốt khoe giàu, chứ không nghĩ đến việc tích lũy lấy tri thức, mỹ thuật thông qua các sản phẩm văn hóa.

Bây giờ, tư duy ấy vẫn chưa thay đổi nhiều, ngay cả tại các nước có thu nhập nhiều hơn ta gấp bội lần. Đừng nói đâu xa, Singapore vẫn là nơi ta dành nhiều thiện cảm nhưng người đứng đầu đất nước ấy vẫn chưa hài lòng. Trước lúc Trường Đại học Nam Dương và Đại học Singapore hợp nhất thành Trường Đại học Quốc lập Singapore, ngày 20.5.1980, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã có buổi nói chuyện với giáo chức của hai trường này. Ông cho biết có lúc bất ngờ đi thăm một số gia đình bình thường: “Các cuộc tiếp xúc khi thăm viếng đã làm cho tôi có thể suy nghĩ một cách linh hoạt hơn đối với những nguồn tin và những con số thống kê về kinh tế - xã hội”.

Qua đó, ông Lý Quang Diệu phát hiện ra điều gì?

“Trong các cuộc viếng thăm, điều làm cho tôi nhiều lần ngạc nhiên, là chỉ thấy các thiết bị âm thanh, những đồ dùng gia đình đắt tiền, những máy thu hình màu, mà chưa bao giờ tôi thấy một tủ sách hoặc một giá sách. Tôi rất ít thấy tranh vẽ” (Tuyển tập chính luận của Lý Quang Diệu - NXB Chính trị Quốc gia - 1994). Rõ ràng, các giá trị văn hóa ấy không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà, nếu chủ nhân muốn nâng cao trình độ tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn.

Trở lại với cảm giác đã từng đến chùa chiền, chẳng ai ngốc nghếch so sánh nơi thờ phượng cung kính với ngôi nhà mình đang trú ngụ. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, những lúc bước vào/về nơi ấy, ta luôn có cảm giác bình yên, thanh thản vì đã trút bỏ mọi tị hiềm, bực dọc, ganh ghét ra ngoài cửa; vì được tiếp cận với tình cảm yêu thương nhất, không phải lơ láo, e dè, cảnh giác trước sau.

Nhưng chắc chắn ta khó có cảm giác bình tâm, nếu trong ngôi nhà của từ màu nước sơn đến các vật dụng đàng bày trí luôn gợi lên sự u ám, chết chóc. Tại sao như thế? Hãy tự hỏi lòng mình. Các vật dụng mua sắm sử dụng trong nhà đã phản ánh rõ nét hình ảnh “Ông Thiện” và “Ông Ác” đấy thôi.

Có lẽ, “Ông Thiện” gần gũi nhất của mỗi nhà vẫn chính là sách. Đưa sách vào nhà cũng là một cách tích lũy sự hướng thiện. Còn gì bình yêu hơn, lúc nhìn con cái mình ngoan ngoãn ngồi chăm chú đọc sách. Lúc ấy, cháu thả hồn vào thế giới của Chân, Thiện, Mỹ, há chẳng phải một cách cháu đang tự học, tự giáo dục đấy sao? Và không chỉ có sách, còn có thể kể đến những loại hình nghệ thuật khác nữa như tranh ảnh, tượng điêu khắc, các giai điệu âm nhạc… cũng là những “thực phẩm tâm hồn” không thể thiếu mà ta cần tiếp xúc, thư giản hằng ngày.

Đưa “Ông Thiện” vào nhà, nên chăng?

Ai cũng đã có câu trả lời dứt khoát từ trong sâu thẳm lòng mình.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 413 ngày 12.9.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com