THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Ngăn nắp quá, cũng phiền

LÊ MINH QUỐC: Ngăn nắp quá, cũng phiền


ngan-nap-qua-cung-phien-1-R

 

Bước vào trong nhà, nhìn mọi thứ sắp đặt ngăn nắp, sạch sẽ đâu vào đó, ai cũng thích mắt. Bao nhiêu mệt nhọc dường như đã trút bỏ ngoài cửa, cảm thấy yêu đời, tự dưng muốn khẽ hát thì thầm một vài giai điệu vui vui. Vui cho đời thêm tươi. Một trong những nguyên tắc đầu tiên để có sự ngăn nắp vẫn là “lấy cái gì, lấy ở đâu thì sau khi sử dụng xong phải đặt vào đúng vị trí cũ”. Có như thế, lần sau mới dễ tìm.

Nhưng rồi, đôi lúc chểnh mảng nên quên. Đang đóng đinh trên tường, đột ngột có điện thoại gọi đến, sau khi “tám” thì bỏ quên luôn búa trong phòng ngủ; đang bực mình ở công sở, bước vào nhà tháo giày ra khỏi chân, tiện chân đá luôn vào gầm bàn… Những việc nhỏ nhặt ấy, âu cũng là lẽ thường tình nhưng lần sau muốn tìm lại thấy khó, mất thời gian lắm.

Sau ngày cưới nhau, nhiều ông chồng sung sướng vì căn nhà lâu nay bừa bộn như cái kho do bạ đâu vứt đó nên lắm lúc cảm thấy chật chội, giờ mọi thứ đã ngăn nắp đâu ra đó. Phải thừa nhận, khi có người phụ nữ “ra tay”, mọi vật dụng trong nhà dễ tìm kiếm hơn. Mọi thứ được sắp xếp đúng vị trí của nó, khó có thể xẩy ra trường hợp kỳ cục như bản hợp đồng để quên trong nhà bếp; đôi giày lăn lóc dưới gầm giường ngủ; cái rờ mốt tivi “chẳng nhớ vì sao” lại “chạy tọt” vào phòng tắm…

Tuy nhiên, chung sống với nhau dài lâu, đôi khi sự ngăn nắp quá mức cũng khiến người ta cảm thấy phiền toái.

Mỗi sáng, xếp lại chăn màn cho gọn gàng ai cũng biết công việc ấy dễ ợt. Vâng, nhưng bà xã tôi lúc nào cũng gấp đi xếp lại cho thật phẳng phiu, vuông vức, chỉn chu như thể giường ngủ của đêm tân hôn! Lắm lúc nhìn đồng hồ, tôi hối thúc: “Mau lên em, sáng nay, anh có cuộc họp sớm”. Thay kệ, cô nàng vẫn cứ thong thả với công việc quen thuộc của mỗi ngày khiến sốt cả ruột. Mà phải nín lặng, chứ thêm một câu nữa ắt nghe: “Anh vội, đi trước đi”, thế là đi tong một ngày đẹp trời!

“Cú” nhất vẫn là lúc đang “phừng phừng khí thế”, vừa mới hăm hở lao lên giường, cô nàng trợn tròn mắt, nhăn mặt, xua tay: “Ơ hay, cái sàn nhà đâu phải chỗ ném quần áo. Anh làm ơn bước xuống nhặt quần áo treo lên giúp em”. Bấm bụng thực hiện xong, tưởng đã có thể bắt đầu “chiến đấu”, nàng lại nhỏ nhẹ như hát hay: “Chà, anh lại mang đôi vớ lên giường ngủ rồi. Dơ hết cả nệm trắng tinh vừa mới giặt xong. Anh làm ơn tháo ra, đặt vào đúng vào vị trí của ngăn giày dép anh nhá!”. Mà vị trí đó ở đâu? Ở tận dưới nhà trệt, leo lên leo xuống đã bở hơi tai. Bao nhiêu cảm hứng dạt dào đã xìu như bong bóng xì hơi!

Nói đi cũng phải nói lại, một khi chung sống với nhau mà không gian chung luôn ngăn nắp, khi cần “đụng đến” vật dụng gì dẫu có nhắm mắt cũng dễ dàng tìm ra thì quá “lý tưởng”. Ngay cả lúc đột ngột điện cúp, nhà cửa tối như bưng vẫn tìm trúng chóc biết cây nến, cái đèn pin, đèn dầu; đêm hôm đang ngái ngủ, nghe con khóc oe oe vì chột bụng, chỉ nháy mắt là tìm ra chai dầu nóng… Tuy nhiên, cũng do ngăn nắp quá lại xẩy ra lắm trường hợp ấm ức.

Ngày nọ, anh Tấn sang nhà tôi chơi, trong câu chuyện tâm tình, anh hỏi cắc cớ: “Cậu có được bà xã quan tâm quá mức không?” Tôi ngạc nhiên quá, chưa kịp trả lời anh đã cười rồi cho biết ở nhà anh, phòng làm việc của ai là “giang san” riêng của người đó. Vì thế, mọi vật dụng trong phòng, anh có quyền sắp xếp theo ý mình, dù bề bộn nhưng miễn thuận tiện cho công việc là được. Thế nhưng, thỉnh thoảng, công việc lại rối tinh rối mù khi chị Ngà - vợ anh “ra tay nghĩa hiệp” giúp chồng. Chị hào hứng: “Đấy! Anh thấy chưa? Phải sắp xếp thế này, thế này mới đúng “thẩm mỹ” anh à”.

Những thứ cũ rích như các chồng sách báo, mớ tranh ảnh “tạp pí lù”, các đĩa nhạc… là tài liệu cần thiết khi tra cứu nhưng do muốn căn phòng ngăn nắp nên chị tống khứ cho ve chai ráo trọi. Bù lại, chị thay vào đó, cái bàn có đặt cái bình cắm hoa tươi. “Tớ cần quái gì hoa với hòe. Công việc bù đầu, thời giờ đâu mà ngắm?”. Thế là những lúc tìm kiếm tài liệu, anh lại nổi cáu với vợ. Ngược lại chị bảo: “Căn phòng anh bề bộn như nhà kho, con cái nhìn vào phòng của bố, bắt chước theo thì mệt đấy nhá”. Nghe ra cũng có lý, nhưng anh vẫn cứ ấm ức hoài.

Thật lạ, lại có nhiều gia đình cảm thấy “dễ thở” hơn khi… chồng/vợ vắng nhà. Hễ trở về nhà, bao giờ họ cũng mó tay vào dọn dẹp mọi thứ chỉ vì “ngứa mắt” quá. Họ nghĩ rằng, nếu mình không “can thiệp”, vật dụng trong nhà sẽ lộn tùng phèo hết trọi. Tâm lý đó dần dà khiến họ đâm ra trái tính khó nết, tự làm khổ lấy mình. Thử hỏi, người sống chung có ảnh hưởng theo hay không? Chắc chắn có.

L.M.Q
(nguồn: TGPN 24.8.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com