THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Chữ "nhẫn" cho mỗi người

LÊ MINH QUỐC: Chữ "nhẫn" cho mỗi người

 

chunhancho-moi-nguoi

 

Lên xe nhường chỗ bạn ngồi

Nhường nơi bạn dựa, nhường lời bạn trao

Câu ca dao này, nghe lại, chúng ta tưởng như đang sống trong cổ tích. Thời buổi này, sự nhường nhịn ấy còn có thể xẩy ra? Trong đời sống có những điều tưởng dễ dàng có câu trả lời, nhưng rồi con người ta cũng phải ngắt ngứ, đăm chiêu, mím môi suy nghĩ. Đã có nhiều người đặt vấn đề một cách nghiêm túc, chẳng hạn, có phải người Việt ngày càng dễ nổi nóng?

Sự va chạm trên đường phố, dù chưa xẩy ra điều gì đáng tiếc nhưng đôi bên sẵn sàng “chơi tới bến”. Lúc ấy, một câu nói thân thiện, một sự nhường nhịn, một thái độ ôn hòa có thể giải quyết ổn thỏa mọi chuyện, thế nhưng điều đơn giản ấy đã không ai nghĩ tới. Đôi bên sửng cồ, nổi nóng, quyết ra tay một phen sống mái nhằm giành phần thắng. Và cuối cùng sự thắng thua ở đâu chưa thấy thì họ đã “tri ngộ” ở phòng cấp cứu, thậm chí có kẻ phải nhập hộ khẩu tại “hụi nhị tì”. Thế đấy, mạng sống một người, đôi khi lại kết thúc một cách lảng xẹt!

Có một nhà viết thư pháp nổi tiếng, thiên hạ thường đến mua chữ. Riêng một chữ, viết rất đẹp như “rồng bay phượng múa”, ông không bán, chỉ dành để tặng mà không có một đòi hỏi nào khác. Chữ gì vậy? Chữ “nhẫn”.

Sở dĩ như thế, bởi ông biết rằng tài năng của mình không nhiều nhưng vẫn có thể giúp ích cho đời nếu biết gieo trong lòng mọi người một niềm hướng thiện. Ông bảo: “Đọc trên các trang mạng, tôi thích câu này, nhưng thú thật không rõ tác giả là ai: “Nhẫn một lúc trời yên biển lặng/ Lùi một bước biển rộng trời cao”. Ngẫm nghĩ mãi càng thấy thú vị nên muốn được chia sẻ với mọi người”.

Từ câu chuyện này, tôi nghĩ rằng, mỗi chúng ta, ai cũng có thể giúp ích cho cuộc đời một điều gì đó, tùy theo khả năng của mình. Mà đôi khi chưa cần phải có thái độ hào hiệp ấy, chỉ cần tự mình biết giúp cho chính mình cũng đã tốt lắm rồi. Giúp bằng cách nào? Xin thưa, tự mình biết “nhẫn” cũng là một cách không gây phiền toái cho thiên hạ. Tự mình biết “nhẫn” trước ồn ào bão táp sẽ là điều an lành cho chính mình.

Sự lặng im, lắng nghe và cùng tìm cách giải quyết sự cố tưởng dễ dàng nhưng thật ra rất khó. “Tâm viên, ý mã” vốn là bản chất của con người. Khi gặp chuyện không hài lòng, bao nhiêu “lục tặc tam bành” cứ như ngựa xổng chuồng lao ra phía trước, chẳng ai có thể nghìm cương. Thật đáng tiếc cho nhiều trường hợp, sau cơn giận dữ, “xem trời bằng vung” ấy, đã không ít người tặc lưỡi nuối tiếc, ân hận: “Giá mà…”.

Sự tha hóa tâm hồn con người, một trong những biểu hiện rõ nét nhất vẫn là tính cách dễ nổi nóng. Thử hỏi, nó bắt đầu từ đâu? Câu trả lời này, các nhà tâm lý học, điều tra xã hội đã nghiên cứu chán chê, đã đưa ra những chuyên đề dày cộm nhưng chung quy vẫn từ chỗ háo thắng mà ra. Trước một sự việc, ai cũng khăng khăng mình đúng và trúng một cách tuyệt đối; còn thiên hạ thì sai lè lè. Vì thế, quyết giành phần thắng bằng mọi giá, kể cả việc “hạ cấp” nhất là thượng cẳng tay hạ cẳng chân, u đầu sứt trán!

Vừa rồi, ở trường trung học nọ đã kỷ luật hai nữ sinh vì đã đánh nhau trong trường học. Lý do rất buồn cười: trên facebook của em A post tấm ảnh “tự sướng”; em B nhảy vào comment bằng vài câu đùa trêu chọc. Thế là, từ thế giới ảo, cả hai choảng nhau một trận ra trò. Tôi được nhà trường mời đến có cuộc nói chuyện ngoại khóa, ít ra cũng có thể góp phần định hướng cho các em trong phép ứng xử. Trong buổi nói chuyện hôm ấy, cuối giờ, một cậu học sinh nhiều năm liền học giỏi, hạnh kiểm tốt, được thầy yêu bạn mến đã xung phong kể lại câu chuyện đã tác động đến nhận thức của em. Từ “người thật việc thật” chứ không phải lý thuyết suông với những lời rao giảng đạo đức chung chung nên ai nấy đều hào hứng lắng nghe.

Và tôi đã ghi lại câu chuyện này: Ngày học lớp 9, cậu bị một bạn bè trong lớp lăng mạ, miệt thị nên tức giận, quyết chí phải trả thù cho bằng được. Khi cậu thổ lộ ý định này với ông bố, nghe được lời khuyên: “Con không nên làm như thế”. Cậu cãi: “Nhưng con bị nhục mạ”. Ông bố cười: “Con ơi, sự nhục mạ cũng giống như bùn”. Cậu ngạc nhiên quá, không hiểu tại sao lại có sự so sánh kỳ quặt đến thế? Ông bố của cậu ôn tồn giải thích: “Bùn sẽ được gạt bỏ dễ dàng sau khi nó đã khô”. Câu nói ấy, đã thức tỉnh và đem đến cho cậu bé một nhận thức mới. Và tôi, tôi cũng muốn mẩu chuyện này được nhiều người cùng suy ngẫm.

Trong cuộc sống, có nhiều chuyện để bàn luận, trao đổi, tôi nghĩ rằng, nếu mỗi một ngày, trước lúc ra đường tự mình hãy ngồi xuống một chút, một chút thôi và nghĩ đến chữ “nhẫn”. Sự đơn giản ấy, ai cũng làm được và dần dà sẽ thấy được hiệu quả của nó trong phép ứng xử. Ai đó đã nói một câu chí lý, sự nhẫn nhục, trầm tĩnh, biết cách giải quyết va chạm bằng tiếng nói giữa người và người đó mới chính là kẻ mạnh. Mạnh từ sức mạnh của nội tâm, từ tâm hồn chứ không phải vung tay múa chân loạn xị như một thằng hề giễu võ gương oai trước đám đông.

 

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 393 ngày 14.3.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com