HUYỀN VIÊM - Trung Hoa - tình và mộng - THÍCH VÀ KHÔNG THÍCH ĐÀN BÀ

Mục lục
HUYỀN VIÊM - Trung Hoa - tình và mộng
CHUYỆN TÌNH CỦA TÔ ĐÔNG PHA
CHUYỆN TÌNH CỦA LÝ THƯƠNG ẨN
CHUYỆN TÌNH CỦA LƯƠNG KHẢI SIÊU
THÍCH VÀ KHÔNG THÍCH ĐÀN BÀ
CUỘC TAO PHÙNG GIỮA GIAI NHÂN VÀ DANH SĨ
Tất cả các trang

THÍCH  VÀ  KHÔNG  THÍCH  ĐÀN  BÀ

Tô Đông Pha, tên thật là Tô Thức (1037-1101) và Vương An Thạch (1021-1086) là hai văn thi hào nổi tiếng một thời, cùng làm quan dưới đời Tống, nhưng quan điểm chính trị và đời sống cá nhân hoàn toàn trái ngược nhau. Vương An Thạch đứng đầu tân đảng, chủ trương dùng biến pháp cải cách triệt để đất nước. Tô Đông Pha thuộc cựu đảng, kịch liệt chống lại biến pháp ấy. Về đời tư, họ Tô rất thích đàn bà, còn họ Vương thì không.

Tô Thức có nhiều vợ và nàng hầu. Người vợ đầu tiên do cha mẹ cưới cho là nàng Vương Phất, sinh cho ông một người con trai là Tô Mại rồi mất lúc mới 26 tuổi. Người vợ thứ hai là Vương Nhuận Chi, em họ của Vương Phất. Bà này sinh các con là Đại, Quá và Quốc rồi qua đời năm 1093. Người vợ thứ ba là Vương Triêu Vân, sinh được một người con trai tên là Độn nhưng không nuôi được. Bà mất năm 34 tuổi (1096).

Tô Đông Pha thường tự nhận mình là rất tục. Ông rất tâm đắc với quan niệm của Mạnh tử :”Ẩm thực, nam nữ là thiên tính của người ta, là bản năng của người ta vậy”. Ông thường nói đùa với bạn :
- Các phép tu tiên tôi đều theo được, trừ phép tiết dục. Khó khăn vô ngần. Này nhé, thiên cổ kỳ nhân như Tô Vũ (*), nghị lực phi thường, ai triết nhân cho bằng, vậy mà cũng kiếm một cô vợ Hung Nô, có con với nàng thì hạng phàm nhân như mình tiết dục sao được chứ ! Thật là giống quan niệm của Tú Xương :

Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được cái nào hay cái ấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà.
(Ba cái lăng nhăng)

Thế đấy, rượu và trà có thể chừa được, còn đàn bà thì không.

Trái với Tô Đông Pha, Vương An Thạch không thích đàn bà, có lẽ là do ông quá bận tâm vì việc nước. Có lần, vợ của Vương thấy chồng ngày đêm làm việc triều đình vất vả, muốn có người săn sóc, nâng giấc ông nên không hỏi ý chồng, tự kiếm một nàng hầu cho chồng. Khi người thiếu phụ trẻ đẹp vào chào Vương, ông ngạc nhiên hỏi :

- Có chuyện gì thế?

Nàng ấy thưa :

- Bà lớn bảo cháu vào hầu ông lớn.

- Nhưng chị là ai?

- Bẩm nhà cháu ở trong quân , đi tải lương lỡ để chìm một thuyền lúa. Chúng cháu đã bán cả nhà cửa vườn tược để đền mà không đủ nên nhà cháu phải bán cháu cho bà lớn.

- Bán bao nhiêu?

- Bẩm chín trăm đồng.

Vương An Thạch cho gọi chồng chị ta lại, bảo dắt vợ về và cho luôn số tiền bán vợ.

Đối đầu với Vương An Thạch là Tư mã Quang, người cầm đầu cựu đảng. Tuy tư tưởng đối nghịch nhau nhưng hai người vẫn quí trọng nhau vì nhân cách, vì tài học và vì hết lòng lo việc nước. Cũng như Vương An Thạch, Tư mã Quang không thích đàn bà.

Lúc Tư mã Quang còn giữ một chức quan nhỏ, người vợ thượng cấp của ông thấy vợ chồng ông ăn ở với nhau đã lâu mà chưa có con, bèn bàn với bà Tư mã kiếm cho ông một nàng hầu trẻ đẹp mà không cho ông biết. Ông không hề để ý đến cô gái đó, cơ hồ không biết có nàng ở trong nhà. Bà vợ tưởng chồng ngượng vì sự có mặt của mình, một buổi tối xin phép chồng đi ra ngoài và bảo nàng hầu đợi mình đi rồi thì trang điểm cho đẹp rồi vào phòng ông. Tư mã Quang thấy nàng vào, ngạc nhiên hỏi :“ Bà đi vắng mà sao dám vào đây?” rồi đuổi nàng ra.

Mấy năm sau, vua Anh tông nghe tiếng ông tài giỏi bèn vời ông vào, cho lập riêng một thư cục ở Sùng văn viện. Ông đã viết một bộ sử vĩ đại gồm 294 quyển cộng với 30 quyển phụ lục, chép sử từ đời Chiến quốc tới đời Ngũ Đại (1362 năm).

Nghe danh vọng ông lừng lẫy, một người tên là Lưu Mông rất ngưỡng mộ, bán hết ruộng đất được 50 vạn đồng tiền, mang tặng hết cho ông để “mua một nàng hầu châm thuốc mài mực cho ông”. Ông viết một bức thư rất cảm động để tạ lòng nhưng không nhận.

Rõ thật là Lưu Mông chẳng hiểu ông chút nào. Mỗi ngày ông cặm cụi ghi chép tư liệu khoảng mười lăm trang giấy, bản thảo chất đầy cả hai phòng thì còn tâm trí đâu mà nghĩ tới đàn bà nữa.

Sách tham khảo :

- Tô Đông Pha của Nguyễn Hiến Lê (NXB An Giang 1990)
- Vương An Thạch  của Đào Trinh Nhất (NXB Tân Việt Sài Gòn 1960)
- Tư mã Quang – Vương An Thạch của Cố Nhi Tân (tức Lãng Nhân)
(NXB Phạm Quang Khai Sài Gòn 1968)


(*) Tô Vũ : Đời Hán Vũ đế, Tô Vũ đi sứ Hung Nô, chúa Hung Nô là Thiền Vu bắt phải hàng phục nhưng Tô Vũ không hàng, bị Thiền Vu tống giam, sau đó đày đi chăn dê ở Bắc hải đến 19 năm. Không biết bao giờ mới được về nước nên ông lấy một người con gái Hung Nô làm vợ và sinh con. Đến đời Hán Chiêu đế, Hán và Hung Nô hòa hiếu với nhau nên Tô Vũ mới được trả về.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com