Lời thưa
Nhà giáo, nhà nghiên cứu Huyền Viêm là ông bạn già đáng kính của tôi. Đồng hương Quảng Nam. Ông sống và dạy học tại Sài Gòn vài chục năm trước. Khi ông in tập thơ đầu tay Thơ mùa chính chiến, tôi chưa sinh ra đời; khi ông in tập thơ thứ hai Hạnh ngộ, tôi chưa đi học. Vậy mà từ nhiều năm nay, tôi và ông lại có mối quan hệ thâm trầm trong chuyện văn chương chữ nghĩa. Tôi quý cái tính cẩn trọng, ít nói, chậm rãi của ông. Có lẽ, ông quý tôi ở chỗ… ồn ào, náo nhiệt chăng?
Tập sách nghiên cứu Trung Hoa - tình và mộng (NXB Trẻ) của nhà nghiên cứu Huyền Viêm vừa ra mắt bạn đọc. Tôi mừng lắm. Đây là một tập sách khảo cứu công phu, đọc hấp dẫn và giúp ta vỡ vạc nhiều điển tích, điển cố trong văn học.
Tại sao ông lại viết tập sách này? Trong Lời nói đầu, tác giả cho biết:
“-Về Xích Bích: nếu ở Trung Hoa có thơ hay của Thôi Đồ, Đỗ Mục, phú của Tô Đông Pha về Xích Bích, thì ở Việt Nam, Nguyễn Công Trứ, Cao bá Quát, Mộng Tuyết, Ngân Giang cũng có hát nói và thơ hay về Xích Bích.
- Cuộc tao phùng giữa giai nhân và danh sĩ: nếu ở Trung Hoa có chuyện đại thi hào Bạch Cư Dị tình cờ gặp người ca kỹ với ngón đàn tuyệt diệu trên bến Tầm Dương thì ở Việt Nam có chuyện Nguyễn Du gặp cô Cầm với ngón đàn cự phách trong “Long thành cầm giả ca” và Cao Bá Quát, Dương Khuê cũng tình cờ gặp lại người xưa…
- Về thi thoại: nếu ở Trung Hoa có thi thoại nổi tiếng của Âu Dương Tu, Diệp Mộng Đắc, Hồ Tử, Vương sĩ Trinh, Lương Khải Siêu, Viên Mai… thì ở Việt Nam có thi thoại của Phan Khôi, Đông Hồ, Huỳnh Thúc Kháng, Quách Tấn…
- Về bi ký: nếu ở Trung Hoa có bi ký Lung cương thiên biểu thật hay do Âu Dương Tu viết về thân phụ mình, bi ký của Hàn Dũ trước mộ Liễu Tông Nguyên, của Vương An Thạch trước mộ Hứa Bình… thì ở Việt Nam có văn bia của Nguyễn Khuyến, Bích Khê, Quách Tấn… - Về hoạn quan : các vua Trung Hoa và Việt Nam đều có hoạn quan, nhưng chỗ khác nhau là hoạn quan Trung Hoa làm loạn triều đình, còn hoạn quan Việt Nam là những người yêu nước và có công lớn với tổ quốc. Đó là điều đáng để chúng ta suy ngẫm”.
Khi ông có sự liên tưởng như thế, tất ta hiểu rằng, văn hiến của Việt Nam ta cũng phong phú và đa dạng như Trung Hoa. Không hề thua kém bao giờ. “Dẫu yếu mạnh có lúc khác nhau, Song hào kiệt đời nào cũng có” (Nguyễn Trãi).
Mừng vì tôi có trang web leminhquoc.vn, ông đã gửi cho tôi toàn bộ nội dung tập sách này để tôi lựa chọn và post lên cho bạn đọc.
Tôi chọn lấy chuyện tình của những thi sĩ đã lừng danh trong trí nhớ nhân loại và chuyện liên quan đến đàn bà. Đời sống này, ai có thể thoát khỏi nỗi thống khổ tuyệt vời và niềm hoan lạc đau đớn ấy?
Lê Minh Quốc
VII.2012
< Lùi |
---|