Huỳnh Văn Hoa: NGUYỄN BÁ TRẠC - NHỚ CỐ HƯƠNG XAO XUYẾN TẤC LÒNG

download_NCW

Nhà thơ Nguyễn Bá Trạc

 

Xin mượn một câu hát trong ca khúc Hòn Vọng Phu 3 của nhạc sĩ Lê Thương để giới thiệu về bài thơ Quê mẹ Nguyễn Bá Trạc.

Trong dòng chảy của lịch sử nhân loại, không ít dân tộc có sự dịch chuyển  một bộ phận dân cư. Lý do, có thể chọn nơi ở mới để làm kế sinh nhai, học tập, đoàn tụ gia đình hoặc các lý do chính trị, xã hội khác. Trong nửa thế kỷ nay, người Việt có mặt tại nhiều quốc gia. Họ hòa nhâp với xã hội mới, song, trong sâu thẳm của tâm hồn, vẫn nhớ về, vẫn nghĩ đến, nhớ da diết, nhớ sâu đậm cảnh và người của  quê nhà.

Nơi ấy, có những hình ảnh gần gũi, thân quen, có người bạn gái hàng xóm, có dàn hoa lý thơm về đêm, có con đường, có chuyến đò tuổi thơ đã đi qua. Tâm thức này làm nên dòng văn học cố quận. Ở những chân trời xa Tổ quốc, nhiều bài thơ, bài văn, bản nhạc cảm động ra đời. "Quê Mẹ" của Nguyễn Bá Trạc là một bài thơ nằm trong dòng chảy này.

Quê Mẹ in trong tập Ngọn Cỏ Bồng, sáng tác năm 1987 tại Hoa Kỳ. Nguyễn Bá Trạc quê quán Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Sinh năm 1943 tại Huế, tuổi thơ ở Hà Nội. Năm 1954, theo gia đình vào Nam, học trung học tại trường Phan Châu Trinh- Đà Nẵng, học đại học và trưởng thành tại Sài Gòn. Năm 1974, ra nước ngoài học tập. Hiện định cư tại Hoa Kỳ. Tác giả từng nói: "Tôi, gốc gác lộn xộn: chánh quán làng Mọc - Hà Ðông, sinh ở Huế, lớn ở Hà Nội, Ðà Nẵng, Sài Gòn. Không chừng chết luôn ở Mỹ. Thế tôi biết khoe xứ nào?" Và, điều hay là, cũng chính cái lộn xộn về quê quán đã làm nên cảm hứng cho nhiều bài văn, bài thơ hay, ghi dấu ấn nơi người đọc. Bài thơ  có 6 khổ, trọn vẹn như sau:

Chao ơi, cơn gió mùa đông cũ

Còn thổi mưa lên mấy cửa thành

Vườn nhà ông ngoại thơm hoa bưởi

Khi tóc em vừa mới chớm xanh

Năm mười tám tuổi ta ngây ngất

Yêu một dòng sông những chuyến đò

Trưa trên Văn Thánh thơm mùi gỗ

Anh chẳng cho lòng chút đắn đo

Em, xóm Bao Vinh đường lót gạch

Hương chiều thoang thoảng mấy hàng cau

Anh theo gió thẳng lên An Cựu

Em đuổi hồn mình xuống Bãi Dâu

Anh nhớ Thanh Long cầu nước chảy

Bao nhiêu nước chảy những cơn mê

Anh vô quê mẹ năm mười một

Huế hay Hà Nội cũng là quê

Ngày xưa trong những bài hát cũ

Nay mới hay ra toàn chuyện buồn

Câu hát của người xa đất mẹ

Hát từ những thủa có quê hương

Chao ơi, cơn gió mùa đông cũ

Còn thổi mưa lên mấy cửa thành?

Bài thơ là một bản tình ca về xứ Huế, một tấm lòng hoài hương nặng trĩu những cung bậc nhớ thương, một tâm thức lưu đày của kẻ cố lý tha hương, một dãi lụa nhiều màu vắt qua cảnh sắc Huế, một khúc hát buồn của gã nhớ quê, lang thang nơi xứ người. Ngần ấy sắc thái làm nên tiếng thơ riêng của Quê Mẹ. Toàn bộ bài thơ, cảm hứng chủ đạo vẫn là tình cảm thiết tha đối với quê nhà. Trong bài thơ, chú ý, ta sẽ thấy, nỗi nhớ của Nguyễn Bá Trạc cứ trôi theo dòng tâm tưởng. Tác giả không kìm nén cảm xúc. Cảm xúc dâng trào, kéo ngòi bút đi theo những hoài niệm.

Trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Bá Trạc, hình ảnh quê nhà luôn vương vấn trong tâm tưởng, khắc tạc nỗi đau, nỗi nhớ của một người cảm thấy mình mất gốc rễ, mất quê hương. Con người lữ khách này không tách khỏi thế giới hiện thực nhưng mắt nhìn hướng tới vô cực với những bước chân huyễn hoặc, phiêu bồng. Một kiểu người mà ta thường bắt gặp trong Bắc hành tạp lục, Thanh Hiên thi tập của Nguyễn Du về nỗi lòng thương quê nhớ quán khi đi sứ nơi quê người đất khách. Gần như trở thành tâm thức chung của nhân loại, lòng thương nhớ quê cha đất tổ vẫn thường hằng trong mọi trái tim xa nước, xa quê ở mọi nhà thơ, nhà văn khi bị bứt rời ra khỏi tổ quốc

Bài thơ mở đầu bằng hai câu: Chao ơi, cơn gió mùa đông cũ / Còn thổi mưa lên mấy cửa thành. Đây là hai câu thơ hay nhất của bài thơ. Hai câu thơ mang đậm nét Huế: Mùa đông - Mưa - Cửa thành. Mưa là nét đặc trưng của Huế. Mùa đông, những cơn dài, phủ một màu trắng xóa lên các cửa thành. Huế có 10  cửa thành với  tên gọi quen thuộc: Cửa Thượng Tứ, Cửa Ngăn, Cửa Sập, Cửa Nhà Đồ, Cửa Đông Ba, …Các cửa đều xây dựng từ thế kỷ XIX, còn rõ nét của thời gian. Những người xa Huế, nhớ Huế là nhớ đến các cửa thành. Những cửa đó như khép mở hai thế giới của tâm hồn con người xứ Huế. Không lạ gì, cơn gió mùa đông cũ, một mùa đông thẳm sâu trong ký ức, vẫn cứ thức dậy trong lòng người mỗi khi nhớ về cảnh cũ người xưa. Câu thơ tả đúng nhất quy luật tâm lý của con người.

Thêm nữa, ngôi vườn thơm ngát hoa bưởi hoa ngâu của nhà ông ngoại, mùi hương xưa cũ ấy đánh đắm cảm xúc của gã con trai mới lớn, không nhớ gì, chỉ nhớ tóc em xanh :

Vườn nhà ông ngoại thơm hoa bưởi

Khi tóc em vừa mới chớm xanh

Kể từ đó, những dòng thơ của năm mười tám tuổi đã yêu một bóng hình. Bóng hình đó, gắn bó những cảnh Huế, đó là, dòng sông Hương thơ mộng, có những chuyến đò xuôi ngược, đó là buổi trưa trên Văn Thánh, thơm mùi gỗ. Sao nhắc nhớ Văn Thánh: Trưa trên Văn Thánh thơm mùi gỗ / Anh chẳng cho lòng chút đắn đo. Văn Thánh, một công trình văn hóa, lịch sử độc đáo của Huế, nơi lưu giữ dấu ấn của những bậc kỳ tài đất nước như Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thượng Hiền, ... Mùi gỗ thơm, thật ra, ngẫm ra, đó là hương vị ngọt ngào, thanh tao từ cảnh sắc quê nhà, phả vào tâm hồn. Lòng chẳng đắn đo là lòng thành thật, trọn vẹn tâm tình.

Bốn câu tiếp theo, những không gian vừa mang tính địa danh vừa gợi niềm thân thuộc:

Em, xóm Bao Vinh đường lót gạch

Hương chiều thoang thoảng mấy hàng cau

Anh theo gió thẳng lên An Cựu

Em đuổi hồn mình xuống Bãi Dâu

Và em, xóm Bao Vinh thơ mộng, một Hội An giữa kinh thành, một thương cảng đã lùi về quá khứ, những con đường lát gạch, mang dấu vết thời gian, những hàng cau thơm hương chiều, lan tỏa trong không gian. Anh và em. An Cựu và Bãi Dâu. Cả hai vùng đất đều có chợ và cầu. Khoảng cách không gian chẳng là bao, chỉ là lên và xuống của phía nam và bắc thành Huế. Ở bốn dòng thơ, qua khứ và hiện tại, con đường và hương chiều, màu xanh của cây cỏ và lớp sóng của tâm hồn, lưu luyến mãi.

Khổ thơ thứ tư, cảnh và tình xoắn quyện, chùng xuống với những hồi ức về quê mẹ:

Anh nhớ Thanh Long cầu nước chảy

Bao nhiêu nước chảy những cơn mê

Anh vô quê mẹ năm mười một

Huế hay Hà Nội cũng là quê

Nhớ Thanh Long, nhớ một trong những cây cầu bắc qua sông Ngự Hà, tiếp giáp với sông Đông Ba. Cầu xây dựng vào năm 1830, thời vua Minh Mạng. Bao nhiêu năm rồi, nước vẫn chảy qua cầu, chảy qua những thế sự thăng trầm, chảy qua những cơn mê, những giấc mộng thời trai trẻ nơi quê mẹ. Lòng thương nhớ bản quán, dẫu Hà Nội hay Huế, bao năm vẫn không nguôi.

Khổ thơ thứ năm, quay về với thực tại, thực tại của một lữ khách bị tách khỏi quê nhà, mắt hướng về vô định với những bước chân vừa thực vừa mơ:

Ngày xưa trong những bài hát cũ

Nay mới hay ra toàn chuyện buồn

Câu hát của người xa đất mẹ

Hát từ những thủa có quê hương

Câu hát cũ vọng về, tưởng vui, "hay ra toàn chuyện buồn". Thật ra, tâm trạng của hôm nay đã kéo lùi câu hát cũ vào hoàn cảnh "của người xa đất mẹ", vì thế, ngẫm ra, toàn chuyện buồn. Những bài hát xưa chảy ra từ tấm lòng cố níu dĩ vãng. Hình ảnh cái tôi trữ tình bị dứt khỏi cố hương, như một nhánh cỏ bồng bị tây phong thổi gấp, trôi dạt khắp chân trời góc bể. Tâm cảnh nghe tê tái đến nao lòng.

Trong bài thơ, chú ý, ta sẽ thấy, nỗi nhớ của Nguyễn Bá Trạc cứ trôi theo dòng tâm tưởng. Tác giả không kìm nén cảm xúc. Cảm xúc dâng trào, kéo ngòi bút đi theo những hoài niệm.

Hai câu thơ cuối cùng, lặp lại hai câu mở bài, song, trong lô gích hình tượng, mở ra suy tưởng mới, đó là sự mất thăng bằng, bước chân lạc lõng trên hành trình tìm về nơi chốn cũ:

Chao ơi, cơn gió mùa đông cũ

Còn thổi mưa lên mấy cửa thành?

Toàn bộ bài thơ là nỗi nhớ, niềm đau, cả sự mất mát về một chân trời, một tự tình trên bước đường tìm kiếm quê hương. Bài thơ như chiếc kính vạn hoa, nhiều màu, vẽ nên một tâm hồn đa mang, hát về "thủa có quê hương".

Cái hay của bài thơ đấy là sự chân thật của một trái-tim-thơ.

HUỲNH VĂN HOA

(Nguồn: Tạp chí NON NƯỚC, số 293, tháng 7 năm 2022)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com