Hà Huy Hoàng - NGƯỜI CHẠM KHẮC NHỮNG NỐT NHẠC CHO THƠ

 1bothjinhumau_h9nh_anh_nayu

Tác giả Hà Huy Hoàng


NGƯỜI CHẠM KHẮC NHỮNG NỐT NHẠC CHO THƠ
(Lời bạt cho ấn phẩm cảm nhận vẻ đẹp của thơ NGẪU CẢM VĂN CHƯƠNG, tác giả Hà Huy Hoàng, NXB Hội Nhà Văn, 2022)
Thi sĩ Hà Huy Hoàng bắt đầu tập NGẪU CẢM VĂN CHƯƠNG bằng lời giới thiệu khá khiêm tốn và rõ ràng, rằng đây là những cảm nhận mang tính chủ quan, non tay. Kế đến là bài viết về THI NHÂN VIỆT NAM mà ông rất ngưỡng mộ và xúc động mỗi khi nhắc đến hay liên tưởng trong các bài viết của mình. 63 tác giả có mặt trong tập sách này không theo một thứ tự hay tiêu chuẩn chọn lọc nào, đúng như tựa đề do ông tự đặt.
Chế Lan Viên đã có lần thốt lên: Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành mật ngọt. Một giọt mật thành, đòi vạn chuyến ong bay. Hay triết gia Voltaire: Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm. Thơ ca không những mang lại cho con người nhiều điều kỳ diệu, là niềm vui cao cả mà con người đã tự tạo cho mình, thơ ca có khi còn được Sóng Hồng ví là viên kim cương lấp lánh dưới ánh mặt trời, trong khi DeVinci khẳng định thơ là bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm.
Tướng Nguyễn Cư Trinh, tác giả lớn của nhiều bài thơ vịnh phong cảnh có định nghĩa về thơ thật sâu sắc: Để trong lòng là chí, ngụ ra ý là thơ. Người có sâu cạn cho nên thơ có mờ có tỏ rộng hẹp khác nhau. Người làm thơ lấy trung hậu làm gốc, ý nghĩa phải hàm súc, lời thơ phải giản dị. Thế đấy, qua bao thời kỳ, thơ vẫn luôn hấp dẫn và người thơ có mặt muôn nơi trên quả địa cầu lắm gian nan sóng gió nhưng cũng không thiếu phần tươi đẹp với nhiều niềm tin yêu hi vọng.
Triết gia người Anh, Percy Shelley thì bảo rằng thi sĩ là con chim sơn ca ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để làm vui cho sự cô độc của chính mình. Thi sĩ nào cũng trầm ngâm, đắm chìm trong dòng suy nghĩ của mình, làm sao để có một câu thơ gợi, bất ổn, ám ảnh và xôn xao, làm sao để có ý tứ độc đáo qua những câu thơ đẹp một cách rất riêng, bút pháp đặc biệt của chính mình, qua cuộc đời mà thành nghệ thuật, nở hoa từ ngôn ngữ và thể hiện thời đại một cách cao đẹp. Nhiều thi sĩ chọn giọng thơ buồn, đau đáu thế thái nhân tình, giản đơn hay phức tạp, đánh thức ký ức ngủ vùi hay không ngừng hoàn thiện từ bên trong.
Phê bình văn học tồn tại song song cùng lịch sử văn học và lý luận văn học. Theo Dương Thị Ánh Minh, phê bình văn học là một trong những công cụ có hiệu lực trong khâu tác động qua lại giữa văn chương và độc giả, rằng đời sống văn học Việt Nam đương đại chứng kiến sự trỗi dậy của ý thức phê bình với nhiều khuynh hướng và mục đích khác nhau, không đồng đều và còn nhiều giới hạn nhất định. Với Thụy Khuê, phương pháp phê bình Lịch sử (critique history), Thực chứng (critique positiviste) và phê bình Ấn tượng (critique impressionniste) nửa đầu thế kỷ hai mươi đã ảnh hưởng sâu xa đến các nhà phê bình Việt Nam. (1)
Phê bình Lịch sử và Thực chứng dựa trên những yếu tố: Dùng bối cảnh lịch sử và cuộc đời tác giả để giải thích tác phẩm, tin tưởng vào cảm quan mãnh liệt của tâm hồn, tin vào ảnh hưởng kỳ lạ của đời sống thể xác đến đời sống tâm linh. Tuy nhiên, lối phê bình này được cho là đồng hóa tác giả (con người bên ngoài) với tác phẩm (cái tôi sâu xa, được tái tạo trong sâu thẳm tâm hồn mình). Lê Thanh (viết về Tản Đà, Tú Mỡ), Trần Thanh Mại (viết về Hàn Mạc Tử) và Vũ Ngọc Phan (tác phẩm Nhà Văn Hiện Đại) theo lối phê bình này. (2)
Phê bình Ấn tượng ghi lại những ấn tượng mà tác phẩm gây ra cho nhà phê bình, viết bằng một giọng hết sức lãng mạn. Theo Proust, hành động sáng tạo là do cái tôi bên trong thực hiện, khác với cái tôi xã giao bề ngoài. Muốn hiểu cái tôi này, nhà phê bình phải trầm mình trong tác phẩm, sống với chữ nghĩa của nhà văn. Hoài Thanh chịu ảnh hưởng gián tiếp của trường phái này bởi vì ông tin tưởng vào cảm quan mãnh liệt của tâm hồn. Ông có trực giác mẫn cảm về thi ca, khi đọc một bài thơ làm ông xúc động thực sự, ông viết những lời bình ấn tượng. Tác giả NGẪU CẢM VĂN CHƯƠNG Hà Huy Hoàng đọc “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh Hoài Chân và đã bật lên xúc động “Từng con chữ ánh lên vàng ngọc sáng ngời, hồn văn uyên thâm tài hoa, sắc sảo, đắm đuối, thiên tài”.
Gần đây, văn đàn Việt Nam xuất hiện nhiều tác giả trẻ với những tác phẩm lý luận phê bình văn học ấn tượng: Trần Hoàng Thiên Kim (Đi tìm những giấc mơ), Văn Thành Lê (Như cánh chim trong mắt của chân trời), Phiêu lưu chữ (Hoàng Đăng Khoa), Lê Thiếu Nhơn (Hoa rơi hữu ý), Bùi Như Hải (Đường biên của chữ), Hoàng Thụy Anh (Sự thật là đóa hoa lộng lẫy) và nhiều tác giả tác phẩm khác. Trương Đăng Dung cho rằng, chúng ta hiện nay có nhiều nhóm độc giả với thị hiếu thẩm mỹ khác nhau, lựa chọn và tiếp nhận các tác phẩm cũng khác nhau, có nhu cầu khám phá không chỉ nội dung tư tưởng mà còn nhiều yếu tố khác tạo nên một chỉnh thể với những hệ thống giá trị mới.
Tập sách của Hà Huy Hoàng khác biệt so với những tác giả kể trên, bởi ông không bình thơ mà “chỉ ghi những cảm nhận nho nhỏ”. Lớp độc giả của Hà Huy Hoàng là những văn nghệ sĩ chuyên và không chuyên sinh hoạt tương tác trên mạng xã hội Facebook. Những cảm nhận nho nhỏ, non tay mà tác giả đề cập thật ra có ít nhiều khiêm tốn và không hề nho nhỏ hay non tay chút nào. Gần 70 gương mặt thơ, từ những thi sĩ lừng danh như Hàn Mạc Tử, Bích Khê, Hữu Loan … đến những thi sĩ chưa thành danh đều được ông viết trên tinh thần ngưỡng mộ, nghiêm túc và trân quý.
Ông tự nhận là người không có trình độ học vấn cao, không đủ chuyên môn nên những bài viết không có mùi học thuật hay tư tưởng cao siêu. Cách viết của ông dựa vào vốn sống, niềm đam mê và cảm thơ. Tuy nhiên, với trái tim nghệ sĩ giàu tâm huyết, chịu khó lắng nghe, chịu khó đọc nên những bài viết của ông khá duyên dáng và được đón nhận rộng rãi. Câu chữ lời văn của Hà Huy Hoàng hào hứng khởi sắc, chan chứa tình cảm và lâng lâng tha thiết.
Ngoài ảnh hưởng của Hoài Thanh - tức là giọng văn tâm tình, âm điệu nhẹ nhàng, câu từ gãy gọn, có khi dí dỏm, giữ thế trung hòa, không quá khen hay quá chê – Hà Huy Hoàng luôn có cách mở bài tự nhiên, dẫn độc giả vào khu vườn tràn đầy hoa trái và thường khép lại vấn đề dễ chịu nhưng không khỏi tạo cảm giác bùi ngùi, bảng lảng nỗi nhớ, vừa cảm thông nuối tiếc một cái gì đó mơ hồ vừa sâu thẳm và người đọc còn muốn khám phá thêm.
Đơn cử bài “Giản đơn” viết về thơ tôi ông bắt đầu thế này: Đã có bao giờ chúng ta điềm nhiên, tĩnh tại để cảm thấu thuật ngữ của hai từ "Giản đơn" chưa nhỉ? Tôi chưa bao giờ có cái ý nghĩ "giản đơn" là xuề xòa, dễ dãi. Trái lại, tôi luôn luôn nghĩ "giản đơn" là sự dung dị, thân thiện và, đầy sâu sắc. Nếu tâm ta chưa tịnh, trí ta mù lòa thì ta không thể biến những điều phức tạp trở nên giản đơn đâu nhé. Nghĩ như thế liệu có đảm bảo sự chắc chắn và chuẩn xác?
Và ông kết thúc bằng: Không còn nghi ngờ gì nữa, "Giản đơn" đích thị là bài thơ Đời rất Đời mà Thiền cũng rất Thiền. Thiền và Đời được nhuần nhuyễn hóa đến độ chín muồi, như anh và em không thể tách rời, như "đôi môi hồng táo chín" của em, như cái ánh trăng vĩnh cửu kia nghìn đời còn soi sáng...Hay bài viết về “Chút tâm tình của người con xứ Quảng” của tác giả Phan Cẩm Nhung được mở đầu bằng: Từ xa xưa, tục ngữ ca dao đã có một bài vè khắc họa tính cách con người của một số tỉnh miền Trung.
Bài vè hay và chuẩn xác đến từng... mi li mét. Trong bài vè đó, xứ Quảng có câu: "Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay lo". Chao ôi, tôi thấy sao mà nó đúng đến lạ lùng. Chả hiểu sao mà trong tôi cứ lo hoài, lo đủ chuyện. Một đời sống trong lo lắng! Và kết thúc gọn gàng: “Bằng tài năng được hun đúc từ trong huyết quản, từ truyền thống thi ca của xứ Quảng cội nguồn, cùng với một hồn thơ tinh tế, nữ sĩ Phan Cẩm Nhung đã đem đến cho chúng ta một bài thơ thật hay và xúc động.”
Mỗi bài thơ được chọn, tôi nghĩ Hà Huy Hoàng phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần và dùng trực giác để nhìn một cách thấu đáo để cảm được tứ thơ, hiểu rõ nghĩa từ bởi những bài viết của ông khá chỉn chu, xuyên suốt. Mỗi bài thơ ông đều rút ra những thông điệp nhân văn (hãy yêu chân thành, hãy sống đẹp, hãy ngọt ngào, đừng uổng phí cuộc đời dù chỉ vài giây, hãy hòa nhập vào thiên nhiên, yêu nguồn cội nơi có lũy tre con đò bến nước, hãy đừng quá buồn phiền và đừng đánh mất niềm tin vì những mặt trái của cuộc sống bởi phía trước là hi vọng).
Hà Huy Hoàng viết cảm nhận không bằng những thuật ngữ chuyên môn để giải mã cấu trúc, cũng không dùng hệ thống ngôn ngữ lý thuyết, hàn lâm nhưng bằng cái tình và sự trân trọng tuyệt đối không chỉ với những tác giả có sự gắn bó thân thiết sâu nặng trong hiện tại mà với những tác giả nổi tiếng đã khuất, hay những tác giả ông tình cờ đọc trên Facebook. Ông viết bằng sự nâng niu quý mến yêu thương, hòa mình, và thăng hoa cùng những bài thơ ấy.
Suy cho cùng, những độc giả bận rộn cơm áo gạo tiền của ông chẳng cần phải thẩm thấu những tác phẩm sâu rộng nặng về nghiên cứu lý luận phân tích nhưng nhờ bài viết chân thực và đúng mực của ông mà họ yêu thích bài thơ hơn, yêu đời hơn, có niềm tin hơn về cuộc sống cũng như mở ra cho họ nhiều hướng với những tia nắng đẹp đẽ cuối chân trời hay những hạt mưa nhọc nhằn trong mùa đông rét mướt.
Những bài viết cảm nhận không phải lúc nào cũng được đón nhận nhiệt tình như những bài thơ hay truyện ngắn, vì sao ư, đa số bài viết dài lê thê, và viết về một tác giả nào đó, những người không liên quan (nhất là ở mạng xã hội) thường có khuynh hướng đọc lướt hoặc cho qua mặc dù họ vẫn dừng lại nhấn tim hoặc để lại một comment vô thưởng vô phạt. Tôi để ý những bài viết cảm nhận trên trang cá nhân của tác giả Hà Huy Hoàng không như vậy qua những comment nhiệt tình, sâu sắc và chi tiết, bản thân tôi cũng luôn đọc hết những bài ông mới post, đọc một cách thong thả, nhẹ nhàng và dễ chịu. Điều này chứng tỏ một thành công không nhỏ của ông.
Như đã đề cập trên đây về thơ và thi sĩ, một bài thơ viết ra có số phận riêng, có những bài khá hay nhưng chìm khuất vào một góc nào đó rất nhanh, nhưng có những bài được phổ nhạc, được chuyển ngữ và được viết về, có lẽ bài thơ nhận được một sự đồng cảm nhất định nào đó. Cái đẹp cái hay phụ thuộc vào người thưởng thức nhưng để đến được người thưởng thức đôi khi bài thơ cần được chú ý trước tiên, như một viên ngọc thô cần được mài dũa, như một bông hoa trên đỉnh núi cần người khám phá.
Hà Huy Hoàng và rất nhiều tác giả viết cảm nhận khác, đang làm công việc ấy một cách say mê và lặng lẽ.Một điều khác quan trọng không kém, vì sao bài viết của ông được  yêu mến và đón nhận, bởi chính ông cũng là một thi sĩ, cũng từng trải qua rất nhiều cung bậc thăng trầm của cuộc sống, đã cháy hết mình, đã buồn, đã vui, để làm nên một NGẪU CẢM VĂN CHƯƠNG cho các bạn cầm trên tay lúc này, hãy thưởng thức và đừng quên nghĩ về người đã chắt lọc từng câu chữ dệt nên tập sách này. Thay mặt những tác giả được góp mặt trong ấn phẩm,  xin được tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến ông, người chạm khắc những nốt nhạc cho thơ.
Tây Úc một chiều mưa, 12/6/2022
Võ Thị Như Mai (giáo viên, th.sĩ giáo dục)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com