ĐOÀN TUẤN: Có một trại sáng tác độc nhất vô nhị

nha_van_nguyern_chi_trung_nhan_g-1652151703856_1

Nhà văn Nguyễn Chí Trung sang Thái Lan nhận Giải Văn học ASEAN 2011 (ngồi hàng đầu, bên phải)

 

Tháng 5 năm 2022 này, rất nhiều văn nghệ sĩ từ các miền đất nước lại tụ về Đà Nẵng để kỷ niệm 55 năm Ngày Thành lập Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, ở các quân khu khác thường có các phòng tuyên huấn thuộc Cục Chính trị. Các nhà văn, nhà báo hoạt động trong phòng này. Nhưng, ở Quân khu V  lại có hẳn một ban, gọi là Ban Văn học thuộc Cục Chính trị Quân khu. Ban này do những nhà văn rất nổi tiếng là Nguyên Ngọc và Nguyễn Chí Trung lãnh đạo.
Sau giải phóng - nhà văn Thái Bá Lợi kể - cấp khu giải thể. Theo đề xuất của hai nhà văn trên, được các đồng chí như Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy, Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu ủng hộ, các văn nghệ sĩ hoạt động trên chiến trường Khu V tập hợp về một trại sáng tác do quân khu quản lý. Trại này do nhà văn Nguyên Ngọc làm trại trưởng, nhà văn Phan Tứ và Nguyễn Chí Trung làm trại phó. Sau đó ít lâu, nhà văn Nguyên Ngọc được gọi ra Hà Nội làm Phó Tổng thư ký, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Phan Tứ bận thành lập Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng và tập trung sáng tác. Công việc chủ yếu do nhà văn Nguyễn Chí Trung đảm nhiệm.
Trại nằm ở hai địa điểm. Đó là nhà số 10 Lý Tự Trọng, 1B Ba Đình.  Các nhà văn từ trên rừng về bao gồm cây bút đang thời sung sức như Thu Bồn, Bùi Minh Quốc, Cao Duy Thảo, Nguyễn Khắc Phục, Trần Vũ Mai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Nguyễn Đăng Kỳ, Thanh Quế,  Ngô Thế Oanh, Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh, Hoàng Minh Nhân... Cảm thấy lực lượng viết chưa đủ, nhà văn Nguyễn Chí Trung còn điều Trung Trung Đỉnh từ Tây Nguyên về, gọi Nguyễn Nam từ Khu VI ra. Ông còn thu nhận những cây viết trong đô thị Đà Nẵng như Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Công Khế... Ông ra Hà Nội mời họa sĩ Lê Văn Tài, dù trong trại đã có họa sĩ điêu khắc Tạ Quang Bạo. Ông còn ra Huế rủ thêm Bửu Chỉ. Biết tin nhà thơ Thanh Thảo, vừa từ chiến trường Nam Bộ về nhà, ông nhiệt tình mời tham gia luôn.
Nhà thơ Thanh Thảo nhớ lại: Trong chiến tranh, anh làm công việc viết bài trong Ban Binh vận ở Đài Phát thanh Giải phóng. Sau ngày đất  nước thống nhất, Ban Binh vận giải thể. Anh lên đường ra Bắc thăm cha mẹ. Sau những ngày gặp mặt vui mừng, cần phải bắt tay vào công việc mưu sinh. Tìm kiếm công việc không dễ. Một người bạn giới thiệu cho anh đến Báo Phụ nữ Việt Nam xin việc. Ban biên tập ra đề bài cho anh cùng một người nữa viết bài thi về vấn đề hôn nhân và gia đình. Một chàng trai trẻ vừa ở trong khói lửa chiến tranh, chân ướt chân ráo về Thủ đô, làm sao vượt qua kỳ thi hóc búa? Đang lo âu chờ kết quả, chàng phóng viên trận mạc bỗng nhận được lời mời của nhà văn Nguyễn Chí Trung. Mừng húm. Không chờ kết quả của Báo Phụ nữ, anh khoác ba lô, về Trung ngay.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, khi đó đang thuộc biên chế tỉnh đội một tỉnh Tây Nguyên, mới có một truyện ngắn được đăng trên tờ báo của Ban Văn học, bỗng nhận được lời mời về trại. Chưa biết về để làm gì. Nhưng, nghe tin trong trại có những cây bút mà anh hằng mến mộ, như chim sổ lồng, bay về luôn. Ở Sư đoàn 307 của tôi, có nhà văn Nguyễn Đăng Kỳ. Ông người Thái Bình. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông từng làm liên lạc cho nhân vật M (Mộc) trong “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Trước khi nhập ngũ, ông là giáo viên. Khi về trại, những ngày đầu, ông bỡ ngỡ như chim chích lạc rừng. Nhưng, được sống và làm việc trong không khí văn chương sôi động, khi kết thúc trại, ông cũng có tác phẩm rất xứng đáng.
Ở trại viết này, các nhà văn sống bằng gì? Những người thuộc biên chế quân đội, như nhà thơ Thu Bồn, nhà văn Thái Bá Lợi, nhà thơ Thanh Thảo... được giữ nguyên lương. Hầu hết đều mang quân hàm trung úy. Lương cấp đó đâu nhiều nhặn gì. Nhận hôm trước, hôm sau đã hết. Một số người thuộc nhóm khác như Ngô Thế Oanh, Thanh Quế... thì nhận lương cán sự. Cũng mỏng teo. May các anh còn độc thân. Song, để tăng cường sức khỏe cho các cây bút, ông Nguyễn Chí Trung có sáng kiến nuôi gà. Một trại gà được dựng ngay trong trại để lấy trứng bồi dưỡng. Nhà văn Thái Bá Lợi hóm hỉnh: “Ngày ngày gà cục tác đẻ trứng. Đêm đêm trại viên lặng thầm đẻ tác phẩm”.
Tôi hỏi: “Trong trại, các anh có được lên lớp hay nghe giảng gì không?”. Nhà văn Thái Bá Lợi cho biết, các anh không phải lên lớp hay nghe ai giảng giải nhưng không khí sáng tác luôn sinh động. Nhà văn Phan Tứ, trại phó phụ trách chuyên môn vốn nổi tiếng cẩn thận và tỉ mỉ. Dù bận viết tác phẩm, lại kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng ông không bao giờ bỏ những buổi trao đổi chuyên môn. Các tác phẩm của trại viên được Phan Tứ chăm sóc kỹ lưỡng. Chủ đề, bố cục, ngôn ngữ... được ông phân tích đâu ra đó. Ông cho anh em xem đề cương tiểu thuyết của mình bằng một sơ đồ ngang dọc cụ thể. Ví dụ, nhân vật này ở hàng ngang phát triển đến chỗ nào thì gặp một nhân vật từ hàng dọc cắt qua và tính cách của họ được bộc lộ. Nhìn vào đề cương tiểu thuyết của Phan Tứ, có những trang như biểu mẫu thống kê. Có người thích, có người không. Nhưng, ai cũng khâm phục sự “cẩn tỉ” của Phan Tứ.
Hồi chiến tranh, Phan Tứ ghi nhật ký bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Việt, Đức, Nga, Lào... Hỏi vì sao thì ông trả lời để giữ bí mật. Một trại viên trẻ đã hớp tớp hỏi thêm một câu làm nhà văn rất phật lòng: “Anh Bốn (tên gọi thân mật của Phan Tứ) à, chả lẽ bọn Mỹ không biết tiếng Anh?”. Sau ngày nhà văn Phan Tứ qua đời, nhật ký được xuất bản với hàng ngàn trang. Phải huy động đội ngũ biên tập cự phách về vốn sống chiến trường, đặc biệt là ngoại ngữ, để giải mã. Trong khi trao đổi chuyên môn, nhà văn Phan Tứ thường đề nghị bảo lưu những ý kiến của mình nếu không có sự đồng thuận. Tác phẩm, kiến thức, con người của nhà văn Phan Tứ là niềm tự hào của trại viên. Ngay từ hồi mới thành lập, trại trưởng Nguyễn Chí Trung đã tổ chức học tiếng Anh. Không  bắt buộc. Ai không học cũng chẳng sao. Học tiếng Anh ở trại có thuận lợi là ít phải tra từ điển. Từ nào không biết cứ hỏi nhà văn Phan Tứ. Anh sẽ nói ngay từ này có nghĩa 1, 2, 3, 4... là gì.
Nhà văn Thái Bá Lợi kể tiếp: Không khí sáng tác cứ sùng sục như đi dánh trận. Không chỉ chăm chăm ngồi ở Đà Nẵng để hoàn thành tác phẩm theo đề cương đã được trại thông qua, trại trưởng Nguyễn Chí Trung còn liên hệ với các địa phương, các đơn vị để các trại viên thâm nhập thực tế. Hồi đó, chiến tranh biên giới Tây Nam đã nổ ra và ngày càng ác liệt. Người nào cũng được cử đi chiến trường, ít nhất vài lần. Nhà thơ Ngân Vịnh còn được cử hẳn về một sư đoàn đang chiến đấu tận Batambang, sát biên giới Thái Lan. Còn vùng Đông Bắc Campuchia thuộc chiến trường Khu V như Stung Treng, Kratie, Mondonkiri... là nơi thường xuyên đi về của các trại viên. Nhà văn Trung Trung Đỉnh lúc đầu đi với Trung đoàn 29, Sư đoàn 307 của tôi. Sau đó anh rẽ sang hướng Trung đoàn 95. Không những vậy, trại trưởng Nguyễn Chí Trung còn cử các trại viên đến những vùng bộ đội làm kinh tế ở cao nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk... Mỗi lần các trại viên đi thực tế trở về, trại đều tổ chức các buổi trao đổi để từ đó nảy sinh ý tưởng sáng tác.
Trại sáng tác thực sự trở thành một địa chỉ văn hóa rực sáng của Đà Nẵng. Suốt thời gian tồn tại, địa chỉ số 10 Lý Tự Trọng là nơi đi về, gặp gỡ, trao đổi của nhiều văn nghệ sĩ mỗi dịp qua miền Trung. Các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Võ Trần Nhã..., các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Phạm Ngọc Cảnh... cùng nhiều nhà văn, nhà thơ khác đều ghé trại. Các nhà thơ Vũ Hữu Định, Đông Trình... sống và làm thơ ở Đà Nẵng trước giải phóng là khách thường xuyên của trại.
Từ bên kia đèo Hải Vân, anh em văn nghệ sĩ xứ Huế, tuần nào, tháng nào cũng có người vượt đèo vào chơi. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói: “Đà Nẵng thay đổi rồi. Cái địa chỉ văn hóa như thế này, trước đây làm gì có”. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng có con trai đang công tác tại Đà Nẵng. Mỗi lần đi thăm con, ông thường ghé qua trại. Có câu chuyện buồn cười mà rất thật. Một hôm, ông Bổng hỏi: “Ngoài sáng tác ra, các cậu quan tâm đến điều gì nhất?”. Một trại viên trả lời: “Bọn em có cái đề án về ba dòng thác cách mạng mới”. Ông Bổng, vốn tính thật thà, hỏi: “Ba dòng thác ấy là gì?”. Một trại viên khác tỉnh bơ: “Xin thú thật, bọn em chưa ai trả lời được”. Cả tuần, cả tháng, ông vẫn hỏi nhưng không ai trả lời. Rồi ông dằn giọng: “Ba dòng thác của các cậu so với ba dòng thác hiện nay (phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng giải phóng dân tộc, phong trào công nhân các nước tư bản) chỉ là những khe nước róc rách thôi”. Một trại viên cười ầm lên, tếu táo đáp: “Anh ép quá thì bọn em đành phải nói. Ba dòng thác của bọn em là uống rượu, nói xấu cơ quan và nghe nhạc vàng”. Cũng có nhiều đêm, anh em đi chơi về khuya, trại trưởng Nguyễn Chí Trung rất bực. Để duy trì kỷ luật quân đội, thỉnh thoảng ông lại báo động chiến đấu vào ban đêm. Anh em lại khoác ba lô, chạy quanh sân số 10 Lý Tự Trọng mấy vòng. Rồi giải tán. Về phòng sáng tác.
Trại sáng tác kéo dài 5 năm (1975-1980). Trong gần 5 năm đó, có biết bao chuyện vui - buồn, chuyện tếu táo... Nhưng, cuối cùng, cũng thu được thành quả. Những tác phẩm của các trại viên đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của văn học Khu V. Không thể kể được hết, chỉ xin nêu một số tác phẩm tiêu biểu. Nhà thơ Trần Vũ Mai với trường ca “Ở làng Phước Hậu”, nhà thơ Thanh Quế với tác phẩm “Cát cháy”, nhà thơ Bùi Minh Quốc với “Hồi đó ở Sa Kỳ”, nhà thơ Thanh Thảo với trường ca “Những người đi tới biển”, nhà văn Nguyễn Trí Huân với tiểu thuyết “Năm 1975, họ đã sống như thế”, nhà thơ Thu Bồn với trường ca “Bazan khát”, nhà văn Thái Bá Lợi với “Thung lũng thử thách” và “Hai người trở lại trung đoàn”, nhà văn Nguyễn Đăng Kỳ với tiểu thuyết “Vàng Krưm”...
Một cái được rất lớn của trại sáng tác này là đã đào tạo được một lớp nhà văn. Khi mới về trại, họ dường như chưa có tên tuổi trong văn học. Nhưng, khi kết thúc trại, họ trở thành những cây bút quan trọng, làm nên lớp nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ai cũng ghi nhận sự quan tâm của các thủ trưởng quân khu, đặc biệt là nhà văn Nguyễn Chí Trung. Ông coi sự phát triển của trại viết như sự nghiệp của đời mình. Ông gác việc sáng tác, chăm lo cho các trại viên. Ông bỏ cả ngày để trao đổi, bàn luận với các nhà thơ Thu Bồn, Thanh Thảo, Trần Vũ Mai... Ông tranh luận quyết liệt.  Đối với các tác giả văn xuôi, ông mất công nhiều hơn. Đặc biệt là nhà văn Nguyễn Đăng Kỳ. Ông đã góp ý hàng chục lần để nhà văn này hoàn thành tiểu thuyết “Vàng Krưm”. Ông thật sự vui mừng khi thấy trại viên có tác phẩm ra đời.
Một trại viết như thế đã từng có ở Đà Nẵng. Bây giờ, nó có thể không còn thích hợp. Nhưng, cách tổ chức độc đáo, cách thu nhận các trại viên, cách hoạt động của trại... cũng để lại cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ về con đường phát triển của văn học hôm nay và ngày mai.
Đ.T
(nguồn: Báo ANTG giữa tháng, phát hành ngày 10,5.2022)

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com