Nhà văn này, đã từng ra Bắc vào Nam, mồ hôi và máu đổ trên đất Mẹ thân yêu, nay trở về, ngồi kể chuyện bên dòng sông quê hương.
Nhà văn này, đã cầm mái chèo trên sông Kiến Giang, đã từng tham dự trận đấu tăng khốc liệt ở Cửa Việt trước khi Hiệp định Paris được ký ít giờ, đã từng lái xe tăng vào Sài Gòn trong chiến dịch Mùa Xuân 1975, đã từng cầm camera quay hàng ngàn mét phim, rồi cầm vô-lăng rong ruổi miền Trung, giờ ngồi bên dòng sông quê hương, tâm tình kể chuyện.
Nhà văn này, đã mang nhiều mảnh đạn trong đầu và trong cơ thể, đã từng phải vào trại tâm thần, đã từng đau đáu khát khao những mối tình trước chân trời vỡ rạn, giờ ngồi bên dòng sông, dạt dào tình đời.
Nhà văn này…
Nghĩ về nhà văn Nguyễn Thế Tường, tôi luôn nhớ đến một bài thơ của Chế Lan Viên: “Những lá thơm hái lúc về già / Hái những lá có hương tư tưởng/ Khi cây đã hóa trầm trong ruột/ Lá đủ rồi, cần phải đợi gì hoa”. Nghĩa là, anh cầm bút, viết văn khi vốn kiến thức, vốn sống, đã tràn đầy tâm hồn. Và văn chương phát tiết rất tự nhiên. Và anh viết dễ. Như người ta nói, dễ như “thò tay vào túi áo lấy vật cần thiết”.
Anh nổi danh từ truyện ngắn Hồi ức của một binh nhì in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội đầu những năm 90. Câu chuyện đẹp như một cơn lốc, cuốn người đọc băng về mặt trận theo tốc độ xe tăng, để lại phía sau bao thương cảm. Thương cảm cho những chiến binh 18 tuổi, như Phùng Quán từng da diết: “Em ơi, rất có thể / Anh chết giữa chiến trường / Đôi môi tươi đạn xé / Chưa bao giờ được hôn”. Đó là một bài thơ bằng văn xuôi. Nó hay đến nỗi, có hai đạo diễn điện ảnh xông vào làm phim. Nhưng thật tiếc, cả hai nhà làm phim này đều chưa từng qua một ngày ở lính, nên người ta chỉ nhắc đến tác phẩm văn học mà không nhớ đến phim. Đương nhiên, nếu soi xét kỹ, trong chuyện còn có chỗ chưa kín kẽ. Song có hề chi, như triết gia Aritstote đã viết trong Nghệ thuật thi ca: Nhà thơ đâu cần biết con hươu đực hay hươu cái có sừng. Chỉ cần miêu tả vẻ đẹp của con hươu.
Hình ảnh chàng lính tăng, chờ đêm xuống, leo lên nòng pháo xe tăng, nhờ đồng đội hạ thấp xuống, băng qua hàng rào thép gai, lao đến nữ chiến sỹ báo vụ đang nhận điện… đẹp như một nửa bài ca. Còn một nửa bài ca ở đâu? Ở ngay chính trái tim người nữ báo vụ. Trong giờ phút ấy, chiến tranh chẳng là gì so với tình yêu. Nhưng đó là tình yêu đày khát vọng mà tuổi trẻ không bao giờ đạt tới. Nó vẫn còn ở Hà Bắc. Vẫn còn trên hàng rào tua tủa thép gai, vẫn còn đêm trăng ấy, vẫn còn rừng bạch đàn xào xạc…Nó không mất đi mà còn đẹp mãi. Một vẻ đẹp đau đớn, vĩnh cửu. Để hai mươi năm sau, cựu binh Nguyễn Thế Tường thổn thức bên dòng sông Nhật Lệ.
Thoạt nhìn bề ngoài, Nguyễn Thế Tường khá giống điệp viên. Anh đội mũ phớt, để ria con kiến, khoác áo gile, đeo cravat. Nhưng chất điệp viên tan biến ngay. Bởi từ con người anh tỏa ra sự nồng nhiệt. Từ đôi mắt anh sáng lên niềm vui. Từ giọng nói anh lắng đọng sự chân tình… Và chất điệp viên đọng lại trong tác phong, cử chỉ hết sức lịch lãm và dứt khoát. Anh lúc nào cũng có một kho chuyện. Chuyện sinh viên, chuyện đồng đội, chuyện chiến đấu, chuyện làm báo, chuyện cái làng An Xá xa xưa, chuyện Quảng Bình xưa và nay, chuyện tình với người con gái Huế, chuyện hò khoan Lệ Thủy, chuyện cây Mưng (hoa lộc vừng), chuyện chợ Thùi v.v… Có cảm tưởng, bàn tay cầm bút của Nguyễn Thế Tường có biệt tài như vua Misdas trong Thần thoại Hy Lạp, chạm vào đâu cũng hóa thành vàng. Nhưng khác với vua Midas phải rửa tay ở sông Pastolus, tâm hồn, giọng nói và bàn tay của Nguyễn Thế Tường mang vị ngọt của sông Kiến Giang, vị mặn của sông Nhật Lệ nên những câu chuyện anh chạm vào đều mang lại vị giải khát cho tâm hồn con người.
Trong chiếc xe tăng của Nguyễn Thế Tường có cả một thư viện văn học Nga. Chiến tranh và hòa bình của L. Tolxtoi, tiểu thuyết Sông Đông êm đềm của M. Solokhov, Thơ và truyện của A. Putskin, Bông hồng vàng của Pautovsky… Đương nhiên, cả đại đội tăng chia nhau đọc. Nhưng cái thư viện mini ấy đã tan thành khói trong trận đánh tại quân cảng Cửa Việt một ngày cuối tháng Giêng năm 1973 - một trận đánh kéo dài từ 3 giờ đêm đến 7 giờ sáng. Hàng trăm xe tăng, thiết giáp của cả hai bên cháy gần hết mới dừng trận.
Anh nhớ lại: “Xe tôi hình như trúng đạn sau cùng. Tôi thoát chết trong tích tắc, ôm đầu máu vào quân y viện. Cái thư viện nho nhỏ và không gian văn hóa Nga của tôi đã “tuẫn tiết” cùng với chiếc tăng mang số hiệu 704”. Nhưng tâm hồn Nguyễn Thế Tường lại chan chứa bao bài hát Nga. Hàng chục ca khúc Nga với những giai điệu của rừng bạch dương đã ngân vang trong trái tim người lính trẻ. Anh từng hát những giai điệu Nga trên sóng truyền hình cùng những ca sĩ nổi tiếng. Nhưng môn Tiếng Nga anh lại thấy học mãi không vào. Đang là sinh viên Văn khoa năm thứ II, anh và nhà báo Hải Triều, bạn cùng lớp nhận giấy gọi nhập ngũ. Cả hai người đều còn nợ môn Tiếng Nga. Có thể, cũng nhờ món nợ này mà Số phận để hai người nuôi hy vọng trở về, nuôi hy vọng đèn sách.
Sau khi giải ngũ, về lại trường Tổng hợp, học năm III. Ngỡ nhà trường đã quên, nhưng một hôm, hai anh nhận trát của Văn phòng khoa, gọi trả thi. Người này tưởng người kia khá hơn mình. Định cóp bài nhau nhưng cả hai đều cắn bút. Thân nhau từ thuở sinh viên Đi lính càng thân hơn. Trở về như ruột thịt. Và đều dốt tiếng Nga. Họ cùng làm thơ tự giễu: “Thế Tường cùng với Hải Triều / Thân nhau đến nỗi cùng yêu một người / Khi vui tất cả cùng cười / Tiếng Nga hai đứa cùng lười như nhau”.
Trở lại câu chuyện Nguyễn Thế Tường bị thương. Anh bị hôn mê hai ngày liền. Khi tỉnh dậy, hỏi người xung quanh, mình đang ở đâu? Hóa ra anh đang ở ngay chính quê hương mình. Làng Xuân Bồ, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy. Những thương binh được dân quân đưa xuống đò, xuôi dòng Kiến Giang, về Quân y viện 112 ở Vạn Ninh. Cô dân quân lái đò xinh đẹp. Nhưng cái đầu chàng thương binh đang bị bông băng quấn quanh, to sụ. Chàng lại quàng thêm cái chăn chiên nên trông khá thảm thương. Nhưng chợt nghe giọng nói quê hương mà lòng xốn xang. Vết thương như đỡ hẳn.
Rồi con đò trôi qua nhà anh. Nhìn lên bờ, mọi người đang chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét đón Tết. Mẹ anh chợt nhìn ra con đò. Rồi chuyện gì, dù không muốn, cũng phải đến. Cả nhà rối rít đón người con từ chiến trận trở về. Nhưng không đi hiên ngang. Không huân chương đỏ ngực. Mà trong bộ dạng đầu băng trắng thấm máu và người khoác chăn hôi hám. Đã thế, một chân lại còn không co duỗi được. Vì dính mảnh. Nhưng có hề chi. Miễn là còn sống. Dù Nguyễn Thế Tường không muốn xuất hiện ở quê nhà trong bộ dạng “chiến bại” này, nhưng tôi tin, đó là hình ảnh đẹp nhất của một người lính chiến đấu vì quê hương. Và quê hương cũng trở nên đẹp nhất trong tâm hồn người lính. Anh nhận vào mình những vết thương thay những con người thân yêu trên quê hương, thay Đất Mẹ.
Nhà văn càng đi xa, khi trở về, càng kể những chuyện bé nhỏ ngay trong ngôi nhà mình, ngay trong tâm hồn mình. Hãy nghe anh kể chuyện trồng bầu: “Tôi có ước mơ tìm lại dáng dấp quả bàu hồ lô (bầu hình số 8) đã vắng bóng non nửa thế kỷ. Lùng sục mãi, mới “thửa” được vài hạt giống. Sau trận lụt lớn, tôi muốn gieo hạt thì có người can: “Chờ cho đất ráo nước đã”. Chờ, và tôi gieo, lòng đầy hy vọng. Gió mùa về, mưa lay phay, lạnh. Mầm xanh đội đất trồi lên còn nguyên cả cái vỏ hạt trên lá. Gặp rét, gặp mưa, như đứa trẻ đỏ hỏn nằm trên cỏ “sương gió tơi bời”, hữu sinh vô dưỡng èo uột, rồi một ngày xìu xuống mặt đất. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian V.T. kêu: “Bầu, khi gieo phải có thời gian “thơơng đợ”, đến lúc cứng cáp mới đem trồng được. Thơơng đợ! Tiếng địa phương, tôi hiểu có nghĩa là “nâng đỡ”. Và tôi làm theo. Nắng, bưng mầm cây ra sưởi. Mưa, bưng vào hiên. Cả tuần như vậy rồi tìm chỗ hợp lý trồng xuống, bón phân. Sau chuyến công tác hơn tuần, trở về, hồi hộp ra thăm, thấy Bầu có vẻ yếu, thân cây mầu trắng nhợt, trong suốt. Thiếu kali rồi! Tôi than vậy rồi vội vàng lấy tro bếp bón vào gốc cây. Chưa đầy nửa giờ, thăm lại thì… ôi thôi, cây gãy gập. Thì ra, tro bếp hút nước ngay khoảng thân cây tiếp xúc khiến đoạn thân ấy mất nước gẫy gập”.
Nhiều lần thất bại, mãi đến khi ông được một người bạn ở thượng nguồn Kiến Giang chỉ dẫn cách trồng : Trước tiên, tận dụng những dụng cụ bằng mây tre như giần, sàng, rổ, rá, rồi trát lên một lớp phân trâu tươi. Sau rải lên một lớp tro mỏng và một lớp đất tơi xốp. Chờ hỗn hợp này kết dính khô se thì dùng dao lam rạch từng ô nhỏ như chiếc bánh in. Trên mỗi chiếc bánh gieo một hạt bầu, lại rải một lớp tro mỏng và cuối cùng là lớp đất tơi. Chọn chỗ nào vừa hứng được nắng, sương mà tránh được mưa to để đặt “vườn ươm”. Đợi khi nào cây giống trưởng thành cứng cáp và thời tiết thuận lợi thì cho ra vườn, rào giậu kỹ để tránh gà bươi, ngan vịt phá. Khi cây leo chừng hơn mét thì bắt đầu làm giàn và chú ý phát hiện sâu bọ ăn lá và hoa. Đó là lúc bắt đầu thưởng thức “vũ điệu giêng hai” của bầu. Sống kỹ như vậy nên nhà văn thấu hiểu vì sao, người nông dân thường gọi “Trâu ơi!”, “Bầu ơi!”…Và tôi nghĩ, cây bầu cũng cảm nhận được tình cảm của người chăm. Nó cất lên tiếng nói bí ẩn dịu dàng: “Ông Tường ơi! Cảm ơn ông nhé!”.
Nhà văn Nguyễn Thế Tường cầm tinh con rồng, mệnh Trường lưu thủy (giòng nước lớn). Đời ông như dòng sông, đã qua thời chảy xiết, giờ đang bình an trôi ra biển. Trôi chầm chậm. Trôi chậm vì sông nhớ nguồn. Nhớ thời trai trẻ. Giờ mới có thời gian kể lại. Trôi chậm vì giờ mới thấm từng tầng đất, từng số phận, từng tên làng, tên người… Và ông lắng nghe những tiếng thầm thì của quê hương, những tiếng rì rầm của đất đai, của những linh hồn bất tử, của lịch sử… Ông chưng cất, gạn lọc rồi kể trong tiếng sóng, tiếng gió của những dòng sông xử sở Quảng Bình.
Đ.T
(nguồn: Báo ANTG cuối tháng - số 235 tháng 3.2021)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|