NGÔ VĂN BAN: NGHÉ Ọ! NĂM SỬU

   

thipe-chuc-mung-nam-TAN-SUU

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Con trâu – Cây lúa – Con người đã từng gắn bó thân thiết với nhau như thế từ cổ xưa, khi con người biết làm lúa nước, biết thuần hóa trâu rừng làm trâu nhà, biết sử dụng con vật này giúp con người sản xuất ra lương thực nuôi sống con người, con vật. Con người cày ruộng phải nuôi trâu cũng như con người trồng dâu phải nuôi tằm.

Con trâu cần cù, chịu khó, tuy mạnh như trâu nhưng lại thuần tính, hiền lành, được người làm nông coi trọng, thương yêu và không bao giờ quên con trâuđầu cơ nghiệp của mình: Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Ai cũng biết làm ruộng phải có trâu, cũng như làm giàu phải có vợ theo quan niệm của người xưa. Trong hoạt động nông nghiệp, có những thời gian con trâu gắn với con người từ sáng sớm đến tối mịt: Lao xao gà gáy rạng ngày/ Vai vác cái cày, tay dắt con trâu.

Rồi:

Ruộng đầm, nước cả, bùn sâu

Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa

Việc làm chẳng quản nắng mưa

Cơm ăn đắp đổi muối dưa tháng ngày

Ai ơi ! Bưng bát cơm đầy

Biết công kẻ cấy, người cày mấy nao!

Con trâu đi trước, cái cày đi sau, đó là sức kéo chủ yếu trong nông nghiệp khi con người biết làm lúa nước, góp phần tạo nên nền văn minh nông nghiệp. Hễ mạ xuống, thì trâu trước người sau. Người làm nông rất cơ cực và con trâu cũng phải xẻ chia:

Kể chi trời rét, đồng sâu

Có chồng, chồng rủ cùng nhau cày bừa

Bây giờ trưa đã hồ trưa

Chồng vác lấy bừa, vợ dắt con trâu

Một đoàn chồng trước vợ sau

Trời rét mặc rét, đồng sâu mặc đồng. 

Còn con trâu thì:… Lên bốn kéo cày/ Cắm đầu nửa ngày/ Giờ Ngọ mới thả/ Lên bờ đứng thở/ Hết mệt mới ăn/ Làm thân con trâu/ Tù lao cực khổ …/ Bắt đi cày riết/ Việc làm khôn xiết/ Người ta trên đời/ Còn đi chơi bời/ Trâu ta ở vậy mà uống nước ao/ Đói no cũng vậy chẳng qua đồng nào/ Tháng sáu trời lại khô khao/ Tháng bảy mưa rào, cày cấy đông tây/ Làm gì nên nỗi thế này/ Dưới chân đĩa cắn, ruồi bay quanh sừng …

Thằng bé chăn trâu cũng chẳng sướng gì: Khốn nạn thằng bé chăn trâu/ Nắng mưa chỉ lấy cái đầu che thân/ … Công tôi đi sớm về khuya/ Tôi vác cày bừa đã mỏi đôi vai. Khổ thì khổ, vì một con tằm cũng phải hái dâu, một con trâu cũng phải đi chăn. Cứ lạc quan, như trong sách Quốc văn giáo khoa thư đã chép: Ai bảo chăn trâu là khổ ?... Không chăn trâu sướng lắm chứ! Đầu tôi đội nón mê như lọng che. Tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trên chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ. Trong khoảng trời xanh, lá biếc, tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không còn gì sung sướng cho bằng.

Ông bà ta cũng đã nói, mình làm cực khổ cũng như trâu: làm cực như trâu. Kiếp trâu phải vậy: Làm kiếp trâu kéo cày trả nợ, làm kiếp trâu ăn cỏ, làm kiếp chó ăn dơ. Nhưng biết sao bây giờ, muốn làm ruộng phải có trâu cũng như được ví von: muốn làm giàu phải có vợ để vợ tay hòm tay khóa thì mới giàu được.

Người nông dân rất an lòng, mừng vui khi nuôi được con trâu mạnh, con trâu hay, trâu giỏi: Trâu hay không ngại cày trưa/ Mạ già ruộng ngấu không thua bạn điền. Do đó, việc chọn trâu để mua về nuôi sử dụng trong cày bừa được người nông dân coi trọng.

Theo kinh nghiệm, những loại trâu tốt có dáng hình sau: - Cao đầu, thấp hậu, thì tậu liền tay. - Cao vây, dậy tiền, sâu vai, khai hậu. - Cao vây, nhỏ sóng thì rộng đường cày. Chùng đùi (đùi mập), thắt quản (ống chân nhỏ như thắt lại), ngắn đuôi/ Sừng to, móng hến thì nuôi đáng tiền. - Con trâu lông mèo, da giấy, đi mấy thì đi. - Đầu thanh, cao tiền, thấp hậu, thì tậu liền tay. - Mắt bánh rán, trán bánh chưng, lưng tôm càng (Mắt lớn lồi ra như cái bánh rán, trán lớn, bằng phẳng như cái bánh chưng, lưng hơi cong lên con tôm càng). - Nậy bắp đuôi, xuôi đôi sừng. - Sừng cánh cắt, mắt ông voi. - Sừng cánh ná, dạ bình vôi, lưng chó ngồi, đít mâm thau. - Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, ăn ra lôi, cày ra thép. - Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, mồm gầu giai, tai lá mít, đít lồng bàn. - Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, nhanh như chớp. - Sừng quặp vào tai, đuôi dài tận gót, góc tót đi ầm ầm. - Sừng to móng hến thì nuôi phải rồi. - Tai lá mít, sừng khít tai, cày hôm cày mai, cày hoài không mệt. 

Có những con trâu: - Đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt. - Lọ đầu thì bán, lọ trán thì nuôi, lọ đuôi thì thịt. Những loại trâu có hình dáng sau đây thuộc loại trâu để nuôi và cày không được tốt: - …. Chân to bàn nặng, kéo cày ra sao? Lại thêm tiền thấp hậu cao/ Đuôi chùng quá gối, đi nào được đâu! - Hàm nghiến, lưỡi đóm hoa cà/ Vểnh sừng, tóc chớp, cửa nhà không yên. - Khoáy (xoáy) sừng, khoáy sỏ, khoáy tai/ Tam tai chằng ách làm tai chúa nhà. - Sà sừng mắt lại nhỏ con/ Vụng giàn chậm chạp, ai còn nuôi chi. - Sườn sưa mỏng vó, có cũng như không, nghe ngọn gíó đông, vô nằm tréc, bôộng (Từ địa  phương: Tréc: cái trã, bôộng: nồi đất to, ý nói loại trâu này hơi lạnh là chết, đem làm thịt). - Tam tinh đầu tóc bất tài/ Vênh sừng khoáy sỏ là tai chúa nhà. - Tam tinh khoáy sọ thì chừa/ Đốm đuôi nát chủ thì đưa vào nồi. - Tam tinh, lật ách, hạ địa, mang sà. - Thưa lông, mộng da, mồm giỏ. - Vai nồi đồng, mông cối lỗ. - Mua trâu phải nhớ làm sao/ Đuôi chùng quá gối thì nào được đâu. Cho nên: Mua trâu, cưới vợ, làm nhà/ Cả ba việc ấy đều là khó thay. 

Việc mua trâu cũng như các việc khác: - Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi. - Mua trâu xem sừng, mua chó xem chân. - Mua trâu xem vó, mua chó xem chân. - Mua trâu xem vó, lấy vợ trông cheo. - Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi.

Một gia đình nhỏ làm nông, có thêm một con trâu hay, như thế là đủ thành một đơn vị sản xuất cho gia đình, không cần phải thuê mướn, lệ thuộc ai: Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa. Có câu chuyện vui về câu ca dao này: một học sinh nghe thầy đọc xong câu ca dao, vội giơ tay, hỏi: “- Dạ thưa thầy, chồng thì cày, vợ thì cấy, vậy ai đi bừa với trâu?”. Thầy nhanh trí đọc tiếp: - May mà hôm ấy trời mưa/ Có thằng con rể đi bừa với trâu… 

Cuộc sống vất vả một sương hai nắng của gia đình nông dân, cả con người lẫn vật nuôi đều tin tưởng bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu và mong chờ có ngày: Đồng ruộng thảnh thơi/ Nằm trâu thổi sáo vui đời Thuấn Nghiêu.

Con  người nuôi trâu không chỉ dùng vào việc cày bừa mà còn để kéo xe, kéo gỗ, dùng làm thực phẩm, lựa trâu nuôi kỹ để đợi ngày vui hội chọi trâu, hay dùng trâu để tế thần, trong lễ hội đâm trâu của các dân tộc Tây Nguyên

  

HÌNH NH CON TRÂU TRONG ĐỜI SNG VĂN HÓA –

TÍN NGƯỠNG CA CÁC DÂN TC VIT NAM

 

HÌNH NH

CON TRÂU trong phong tc tín ngưỡng  

Các tộc người ở Việt Nam nuôi con trâu không chỉ dùng vào việc cày bừa, kéo xe, kéo gỗ, dùng làm thực phẩm mà còn dùng vào việc tế lễ thể hiện sự tín ngưỡng của mình.

Trâu được con người làm lễ vật hiến tế, như trong lễ Thái lao, một lễ tế của bậc thiên tử, vật tế lễ gồm có trâu, dê, heo. Ba con vật trâu, dê, heo, người xưa gọi là tam sanh, là ba con vật hy sinh để tế quỷ thần. Sau này, người ta thay thế trâu bằng bò. Trong mâm cỗ cúng thịt trâu, thịt để sống hay chín.

Vào đầu năm mới, triều đình nhà Nguyễn tiến hành lễ Tiến xuân để mở đầu một năm mới và còn để  bắt đầu một vụ mùa mới cho dân làm nông nghiệp. Lễ tổ chức vào tiết Lập Xuân. Lễ vật dâng cúng là trâu đất (thổ ngưu) và Mang thần, tức thần Câu Mang là thần chăn trâu. Mang thần mặc y phục, mang dép cỏ, tay cầm roi. Việc chế tác trâu đất, Mang thần mang hình dạng, màu sắc, kích thước như thế nào hàng năm do Triều đình quy định. Những hình thức, màu sắc của trâu đất và Mang thần đều dựa theo ngũ hành can chi, địa chi năm đó và qua đó có thể dự báo được mùa hay mất mùa.

Trâu còn là vật hiến sinh trong lễ nghi nông nghiệp thông qua tục chọi trâu. Tục chọi trâu là tập tục tế thần linh, thông qua một trò giải trí ở một số nơi như Phú Thọ, Đồ Sơn (Hải Phòng), Phong Lệ (Đà Nẵng) ... Tập tục này, tại Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, TP Hải Phòng, trong Đại Nam nhất thống chí – Tỉnh Hải Dương có ghi: «...  ở chân núi xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương có đền Thủy Thần. Tương truyền có người bản thổ đêm đi qua dưới đền, thấy hai con trâu chọi nhau, nên hàng năm đến ngày 10 tháng 8 có tục chọi trâu  để tế thần“ . Tục chọi trâu ở Đồ Sơn có lịch sử lâu đời, thu hút được người dự, nên trong dân có câu ca: Dù ai buôn bán đâu đâu / Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về / Dù ai buôn bán trăm nghề / Đến ngày tháng tám thì về chọi trâu.

Người mua trâu chọi được dân làng cử đi, là người thành thạo, giàu kinh nghiệm về tướng trâu, chon mua cho được con trâu có nhiều tướng quý. Mua trâu quý về, phải chọn người nuôi trâu và luyện cho trâu chọi. Trâu được nuôi ở chuồng riêng, không tiếp xúc với đồng loại là có ý phục hồi tính hoang dã. Có tục lệ nghiêm ngặt là người phụ nữ không được tham gia nuôi trâu, tới gần trâu. Trâu chọi có chế độ ăn uống riêng, được tẩm bổ kỹ. Trâu được luyện tập, cho quen với tiếng trống, tiếng hò la của đám đông và cho chọi thử trâu ở từng giáp. Trâu phải qua vòng tuyển chọn từ các giáp. Những con trâu bị loại giữ đó để làm thịt tế Thần và dân giáp đó hưởng.

Lễ hội chọi trâu bằng một tế lễ tại đình, rồi rước trâu ra sới chọi. Trâu chọi được tắm rửa sạch sẽ, lưng phủ vải đỏ, sừng thắt những dải lụa hồng. Con trâu thắng trận trong hội chọi trâu được dân làng đem cờ lọng rước về sân đình làng, dân làng được thưởng, còn trâu được làm thịt tế Thần và sau đó bán cho người dân mua về ăn lấy hên, lấy phúc.

Thời vua chúa, lễ tế Thần Nông, vua hay quan đầu tỉnh đến đàn Tiên Nông tế thần rồi tự ra cày tượng trưng ba đường, các quan khác cày năm đường trên một đám ruộng, gọi là lễ Tịch điền diễn ra vào mùa Xuân, nhằm khuyến khích dân chăm lo nghề nông, sản xuất nhiều lương thực, trăm họ no đủ. Lúa gặt ở ruộng tịch điền dành để tế Thiên Địa, thần Sơn Xuyên và thần Xã Tắc. Lễ tịch điền ở nước ta có từ đời Tiền Lê (890-1009) do vua Lê Hoàn đích thân cày ruộng. Con trâu vua hay quan dùng để cày phải là trâu đực, nuôi theo chế độ riêng, trước khi đưa đến ruộng cày phải tắm rửa sạch sẽ, lưng phủ lụa vàng...

Có nơi, người dân còn lập miếu thờ trâu cũng như họ lập miếu thờ cọp Chúa Sơn Lâm vậy. Ở làng Tây Hồ, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ có một ngôi đền mang tên là đền Kim Ngưu, đền thờ Trâu Vàng, gắn bó với một huyền thoại giải thích nguồn gốc của Hồ Tây. Sách Lĩnh Nam chích quái có hai lần nói về lai lịch con Trâu Vàng này.

Lần đầu, trong Truyện Hồn Tinh, sau khi kể việc Lạc Long Quân diệt cáo chín đuôi, truyện có câu kết: Sau lập miếu Kim Ngưu để trấn áp yêu quái. Lần thứ hai, trong Truyện con Trâu Vàng huyện Tiên Du, có chép, ở núi Tiên Du (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) có con tinh Trâu Vàng, nửa đêm thường tỏa ra ánh sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán trâu, trâu vàng bỏ chạy húc vào đất làm sụp thành cái hồ. Nơi này, sau gọi là thôn Húc. Trâu chạy đến địa phận Văn Giang (nay thuộc tỉnh Hải Hưng), vì vậy ở đây có cái vũng lớn gọi tên là vũng Trâu Đằm. Trâu chạy qua các xã Như Phương, Như Loan, Đại Lạn, Đa Ngưu (các xã trong tỉnh Hải Hưng). Các xã này sở dĩ tên như vậy là vì có vết chân trâu đi tới. Trâu từ trong bến ra sông Cái (sông Hồng), đến Ninh Giang (nay thuộc tỉnh Hải Dương), đi men theo phủ Lý Nhân (nay thuộc tỉnh Hà Nam), theo ven sông Cái tới sông Tô Lịch, chỗ ấy chính là Tây Hồ. Thuở ấy, Cao Biền hay cưỡi diều bay trên không để yểm các thắng cảnh. Biền thấy trâu đi vào Dâm Đầm, nay là Tây Hồ rồi thoắt không thấy trâu đâu nữa.

 Truyền thuyết dân gian coi Trâu là con vật thiêng, có khả năng trừ ma quái, bảo vệ dân lành. Tín ngưỡng thờ Trâu Vàng phù hợp với nguyện vọng dân gian, cầu mong được an lành trong cuộc sống. Đền thờ Trâu Vàng bên bờ Hồ Tây là một biểu hiện vật chất của tín ngưỡng và nguyện vọng đó.

Ngày Tết, người nông dân không quên lễ Tết Trâu, cho trâu ăn cỏ thật ngon, được tắm rửa sạch sẽ, chuồng trâu cũng được quét dọn, gia chủ bày lễ cúng Thần Chuồng, một lá bùa trừ  tà được dán lên trán trâu, cầu sang năm mới trâu được bình an, ăn no cày khỏe.

Người Thái ở Tây Bắc cúng lễ hàng năm không quên lễ cúng tạ ơn con trâu. Mâm cỗ cúng có gà luộc, xôi, rượu, trầu cau và một bó cỏ non. Thịt gà chặt ra cùng xôi gói trong bó cỏ non, đặt lên một cái mâm, vẫy mấy giọt rượu vào đó. Thầy cúng làm lễ tạ ơn, tiến hành từng con trâu. Bắt đầu là con trâu đầu đàn, rồi con nhiều tuổi, ít tuổi lễ sau. Tạ ơn con nào thì bê mâm cỗ đặt trước mặt con đó. Thầy úng ê a đọc: Ơ này trâu ơi! Mưa rơi trâu kéo cày/ Trời sấm trâu kéo ruộng/ Đeo ách khắp thửa trên/ Kéo bừa khắp thửa dưới/ Thương trâu hồn to vía lớn/ Có gà lớn bằng con công/ Gà to bằng con ngỗng/ Sắp mâm cỗ mời trâu ăn/ Có chai rượu thơm/ Rót ra mời trâu uống... Và bài cúng kết thúc: Gom của về với chủ/  Tận già trâu đừng chết/ Trâu sinh sôi đầy đàn/ Trâu sinh nở đầy gầm nhà...

Sau bài cúng là gia chủ tận tay đút cho trâu ăn bó cỏ có thịt xôi, rồi thả trâu ra rừng. Mấy ngày sau lễ tạ ơn, trâu được nghỉ làm nặng, không bị mắng bị đánh. Như thế để thấy người Thái biết ơn con trâu như thế nào, một con vật giúp mình làm ra lương thực nuôi sống con người.

Ngày hội của một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên có lễ hội đâm trâu, người Ba Na gọi là x’trăng, người Co gọi là xakpiêu, người Gia Rai gọi là mnăm thu, người Lạch gọi là sa rơpu, người Xơ Đăng gọi là ting ka kpô, người Cơ Tu gọi là prơdêrăm… Mục đích của lễ hội là để cúng Giàng, tế thần linh, mừng mùa vụ bội thu, mừng chiến thắng, mừng khánh thành nhà rông, để cầu an, để xóa những điềm xấu cho buôn làng ... đã phản ánh đậm nét thời con người cổ sơ còn săn bắt, hái lượm để sinh sống và cũng nói lên được tinh thần thượng võ, đoàn kết của dân tộc sống trên núi rừng.

Lễ đâm trâu tiến hành một ngày đêm lễ và hội. Như người Xê Đăng, các vụ mùa đều thấp kém, mưa gió không thuận hòa nên họ kêu gọi dân buôn làng cùng nhau tổ chức lễ hội đâm trâu hay còn gọi là lễ ăn trâu, được phản ánh qua bài hát của già làng chủ lễ: Hỡi Thần Núi Ngọc Kơ Ang/ Hỡi Giàng Nước Krông Pơxai/ Rẫy ta rộng mà bụng chưa no/ Ruộng đã to mà làng chưa sướng/ Hồn bắp, quỷ Gió đã cướp/ Hồn lúa, Thần Nước đã mang/ Hỡi dân làng! Ta hãy hội nhau làm lễ Ăn Trâu/ Nào các chàng trai! Ta lên rừng chặt cây/ Nào các cô gái! Ta lên rừng bứt dây/ Cả làng góp sức chung tay/ Ra công xây dựng cây “kang tuyệt vời/ Dựng cho thẳng, đến TRỜI phải thấy/ Dựng cho đẹp, đến quỷ phải hay/ Chiêng ơi! Trống hỡi! Hãy vang lên đến chín tầng mây biếc/ Hãy rền xa đến chân trời xanh/ Cho Ông Trăng xuống nhanh cùng dân làng uống rượu/ Cho nàng Biển tới tề tựu Ăn Trâu … 

“Kang” là trụ buộc con trâu làm lễ cúng thần, làm bằng cây gỗ to, được trang trí bằng ba tầng, treo hình thú chim, những tán hoa ngũ sắc và quấn vải đủ màu. Nam nữ thanh niên ăn mặc đẹp đẽ, nắm tay nhau nhảy múa, ca hát xung quanh cây Kang. Sau cùng chủ lễ hát: Tiết trâu đã xoa lên đầu/ Cầu cho dân làng sống lâu mạnh khỏe/ Hồn trâu đã ghé khắp nơi/ Cầu cho đầy chòi lúa ngô.

Người Gia Rai cũng có bài khấn trong lễ hội đâm trâu như sau: ... Cầu xin Thần Trời, Thần Nước, Thần Núi, Thần Sông hãy lên đây chứng kiến ngày hội đâm trâu này, cầu xin các thần hãy phù hộ cho dân làng trồng được nhiều lúa, nuôi được nhiều trâu bò. Xin các thần xuống buôn làng ăn thịt trâu và uống rượu cần ngọt...

Dân tộc M’nông Bu Nơr có lời khóc trâu rất cảm động sau khi con trâu bị đâm chết lấy máu thịt tế thần: ...Thôi ta từ giã trâu từ đây / Trâu hãy ăn nắm cỏ lần cuối / Đừng trách ta nữa nghe trâu / Đừng giận ta nữa nghe trâu / Mai trâu về xứ Phan giữ lúa / Cho bọn làng ta êm ấm nghe trâu / Cho bọn làng ta được mùa lúa trâu ơi !...

Người Bana Kriêm Bình Định ngày hội ăn trâu cũng có những lời kể lể nỗi niềm với con vật không nỡ lìa xa, nghe rất xúc động: ...Ơi trâu ! Ơi trâu ! Mày đã ở trong láng từ khi là trâu nghé, sừng của mày chỉ như hai búp măng giang. Ơi trâu ! Ơi trâu ! Sừng của mày nay đã dài, chân của mày nay đã to như cột nhà rông. Tao đã theo mày từ rẫy gần cho tới suối sâu. Mày ăn no tao mừng, mày đói mày kêu tao khóc... Ơi trâu ! Ơi trâu ! Lâu nay tao với mày như chị em, xa mày một ngày tao nhớ, cách nhau một buổi tao buồn. Tao biết mày cũng thương nhớ tao, nghe bước chân của tao, mày ngoắc ngoắc cái đuôi. Trâu ơi, biết bao kỷ niệm giữa tao với mày. Nhưng vì lời húa với các Yàng, vì sự giàu có của Plây, tao phải trả mày về với Yàng thôi ... Trâu vui lòng nhé, đừng oán đừng buồn, trâu ơi!

Nói chung, trong việc tế thần linh, các dân tộc sử dụng các bài ca để cầu khẩn thần linh ban phúc cho họ, nhưng có những trường hợp loại bài ca này còn được sử dụng làm phương tiện đấu lý khá mạnh mẽ giữa con người với các thần linh. Như dân tộc Cà Tu ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam đã dùng bài ca tế thần, đấu tranh với thần linh, không dùng thân xác con người để tế thần nữa.

Bài ca được tiến hành dưới hình thức đối thoại giữa thần và người. Thần (đòi hỏi): Làng giết trâu này ta chưa thỏa mãn/ Ta cho làng nhiều lúa, nhiều khoai/ Làng được mùa phải nhớ lấy ơn này/ Năm sau phải lấy máu một mạng người tế lễ ... Chủ làng (đấu lại ngay): Làng gắng hết sức mà ma còn đòi thế/ Ma chỉ giúp người chứ đâu có làm ra/ Tự tay con người trỉa lúa trông ngô/ Săn thú ở rừng, bắt cá ở suối/ Đâu phải ma cho mà ma hay đòi hỏi! Anh là ma, tôi là người trên đất/ Không nợ nần, không mắc mớ gì nhau/ Mà hạch sách thật là quá lắm! Trâu chưa ưng, còn muốn máu mạng người … 

Người Kinh nuôi trâu bò làm sức kéo, lấy thịt thì các dân tộc Tây Nguyên ngày trước nuôi trâu chủ yếu là để tế thần và được coi trọng, như tài sản quý giá bên cạnh cồng, chiêng, ché. Không phải con trâu nào cũng trở thành vật tế thần, vật hiến tế trong lễ đâm trâu. Trâu được hiến tế phải là con trâu có sức vóc khỏe, vừa độ tuổi, sừng cân đối, không tì vết, có một số xoáy mang đặc điểm trên lưng và phải được nuôi dưỡng riêng từ các năm trước.

Tùy theo mục đích, hoàn cảnh, sắc tộc mà lễ hội đâm trâu được tổ chức trong những thời điểm, thời gian lễ hội, không gian tổ chức lễ hội khác nhau. Bên cạnh lễ là hội. Cả làng nhảy múa, ca hát, đánh cồng chiêng, uống rượu cần …Con trâu bị giết được đem xẻ thịt chia cho các nhà trong buôn cùng liên hoan, ăn mừng. Còn máu trâu được hứng trong chiếc nồi đồng pha với rượu, cúng thần rồi mới uống.

Dân tộc Chăm cũng có tục đâm trâu. Tại núi Đá Trắng, một quả đồi cao chừng 50 mét, ở làng Như Bình, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, còn gọi là núi Thần Vua, Thần Chằn, gắn liền với một huyền thoại về nguồn gốc của tục tế trâu trắng.

Xưa, có vị vua Chăm lên trị vì, gặp nạn chằn tinh phá hại cuộc sống nhân dân. Mỗi năm, vua phải nạp cống một đồng nam để cầu sự an lành. Sau bảy năm cống nạp, nhận thấy tổn hại nhiều nhân mạng, vua cầu xin Thượng đế diệt chằn tinh, vì chằn tinh không chịu thay đồng nam bằng con trâu trắng. Một cuộc giao chiến xảy ra giữa binh tướng nhà vua với chằn tinh. Cuối cùng chằn tinh bị thua, vua bắt nó bái tạ Thượng đế. Sau khi chằn tinh chết, vua cho xây mộ, xương chằn tinh hóa thành núi Đá Trắng hiện nay. Sau này, cứ 7 năm một lần, vào tháng 7 lịch Chăm, hai làng Hữu Đức người Chăm và Mông Nhuận người Việt lại cúng trâu trắng cho chằn tinh, để nó không quấy nhiễu phá hoại mùa màng và phù hộ cho mùa màng tốt tươi.

Ngoài ra, còn có lễ chém trâu tế Thần của người Chăm ở Lạc Tánh để dâng cúng cho Pô Rum Păn và các vị thần linh khác, được tổ chức hàng năm vào tháng 4 lịch Chăm, không như người Chăm Ninh Phước 7 năm cúng một lần. Sau một năm, dù làm ăn bội thu hay thất thu, người Chăm Lạc Tánh cũng phải hiến tế cho Pô Rum Păn một con trâu để tạ lễ.

Các dân tộc, ngoài tục đâm trâu còn làm thịt trâu trong những ngày lễ hội, cúng tế khác. Người Thái ở huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình có tục mở hội Xên bản, xên mường có liên quan đến cuộc sống nông nghiệp. Năm nào, dân bản nghe tiếng sấm đầu năm rền ở phía thượng nguồn sông Đà thì năm đó người dân tin sẽ có mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh ... Họ tổ chức ngày hội thật lớn, có đám rước đến đình, dắt theo con trâu mộng to béo, da đen bóng, đôi sừng bọc giấy màu, giữa trán và hai bên mông có dán hình hoa ban trắng to như miệng bát. Sau lễ cầu thần, là việc mổ thịt trâu, chế biến các món để dâng cúng Thần.

Các dân tộc Tây Nguyên còn có lễ Bỏ Mả. Đây là lễ cuối cùng tiễn đưa người chết về hẳn thế giới khác. Sau lễ, mọi ràng buộc, liên hệ giữa người sống và người chết coi như chấm dứt. Trong lễ, có cúng thịt trâu. Thịt trâu được đem thui, nướng, lòng trâu đem luộc ...

Dân tộc Kinh cũng có những lễ hội gắn liền với con trâu. Dù  “con trâu là đầu cơ nghiệp “, nhưng đám làng có mổ trâu là đám lớn. Ở xã Chi Tiên (Thanh Hóa) có tục “cướp búa đánh đầu trâu. Xã Lương Lỗ (Thanh Hóa) cũng có lễ “cướp rìu mổ trâu . . 

Con trâu còn là con vật để con người có cầu xin điều gì đó với Thánh Thần sẽ đem cúng tế khi điều cầu xin được toại nguyện, nhưng cũng có người khấn Bà một trâu, được việc rồi thì có trâu đâu cho Bà? Nhưng trâu đem nộp phạt cho làng thời xưa khi người dân vi phạm hương ước của làng, gọi vạ trâu thì không tránh vào đâu được: Phềnh phềnh lớn giữa lớn ra/ Mẹ ơi, con chẳng ở nhà được đâu/ Ở nhà, làng bắt một trâu/ Cho nên con phải đâm đầu ra đi. 

Trong phong tục tập quán cưới xin ngày xưa của dân tộc Kinh, lấy được nàng dâu, mất ba trâu tám lợn hay cưới em ba vạn trâu bò .... là một gánh nặng cho nhà đàng trai: Anh về bán ruộng cây da/ Bán cặp trâu già chẳng cưới được em. Tổ chức đám cưới cũng là một gánh nặng, Thanh Hóa thì phải trầu cay, còn Nghệ An thì phải thui trâu mổ bò. Nhưng có cô gái không nghĩ gì đến chuyện thách cưới, chẳng tham lắm ruộng nhiều trâu, tham vì anh tú rậm râu mà hiền.

Thời xưa, cánh đàn ông thường quan niệm, làm trai lấy vợ bé, cũng như nhà giàu tậu nghé hoa. Nghé hoa là trâu con, trâu đẹp, kiểu nhưvợ nhí bây giờ và hình ảnh anh “tậu nghé sau đây có phải là một gia đình hạnh phúc?: Trâu anh, con cưỡi, con giòng/ Có thêm con nghé lòng thòng theo sau...Và đó cũng là cái cảnh ba vợ bảy nàng hầu, đêm nằm chuồng trâu, gối đầu bằng chổi, thật là khốn khổ! 

Thịt trâu trong văn hóa ẩm thực:

Người xưa đã biết thuần hóa trâu rừng trở thành trâu nhà, bắt nó cày bừa, kéo xe, kéo gỗ, đạp lúa … và dùng làm thực phẩm nữa. Trong một bài vè về con trâu, mới thấy “thân phận” của nó : …Làm thân con trâu/ Tù lao cực khổ/ Khi già nó chết/ Thì lột tấm da/ Căng ra bịt trống/ Máu ra một đống/ Cấn lưới đi săn/ Thịt thời người ăn/ Xương thời đẽo vạch/ Cứt thời trét vách/ Gieo cải trồng dưa/ Sừng thời đem cưa/ Tù và mà thổi … Như thế, thân thể con trâu, khi nó chết, con người đều sử dụng hết, trong đó, thịt của nó là món ăn của con người.

Từ bao đời nay, dân ta thường dùng thịt heo làm thực phẩm chính, thỉnh thoảng dùng thịt con bò. Còn con trâu là loài động vật gắn liền với đời sống nông nghiệp, nông dân sai khiến nó để giúp con người sản xuất… và khi nó quá già, không làm được gì nữa người ta mới làm thịt.

Với loại thịt trâu này không những nó dai mà màu sắc không được đẹp như thịt bò. Ngoài những người kiêng cữ thịt này do tín ngưỡng, đa số các bà nội trợ cũng tỏ ra không mặn mòi, ưa thích thịt trâu, còn cho thịt trâu ít bổ dưỡng hơn thịt bò. Các bà thường dạy con gái khi đi chợ nên biết phân biệt thịt bò với thịt trâu khác nhau thế nào. Thịt trâu có màu đỏ thẫm, thịt bò có màu đỏ tươi. Thịt trâu có thớ to, thịt bò có thớ nhuyễn. Mỡ trâu thì có màu trắng, mỡ bò thì có màu vàng. Thịt bò có mùi, mùi này rất đặc trưng, các bà nội trợ ngửi ra cũng nhận rõ.

Tuy nhiên, các bà bán thịt đôi khi cũng “ranh ma”, biến thịt trâu thành thịt bò rất dễ dàng bằng cách “hóa trang” cho thịt trâu như bôi màu lên mỡ trâu, thoa mỡ bò lên thịt trâu để tạo mùi … bò. Có những con buôn treo đầu dê, bán thịt chó, còn ở đây là treo thịt bò bán thịt trâu. Tuy nhiên, ông bà ta cũng có nói, vỏ quýt dày, có móng tay nhọn. Điều này chỉ nhận biết khi “thịt bò” sao giá quá rẻ và cách thử nhận biết là khi gói thịt bằng giấy, thịt bò không dính vào giấy, còn thịt trâu thì sẽ bị dính.

Về độ dai thì thịt bò hay thịt trâu, theo cấu trúc của thớ thịt thì cả hai đều dai như nhau. Thường, ta chỉ ăn thịt trâu già, do dân ta không chuộng thịt trâu nên không có nhiều cơ sở nuôi trâu tơ làm thịt để bán. Thịt nghé non đem giết ngay sau khi cai sữa, ở nhiều nước bán giá rất cao vì thịt rất ngon. Theo thống kê, ta thấy Ấn Độ là nước đứng thứ nhất về sản lượng thịt trâu trên thế giới, rồi tới Pakistan, Trung Quốc, Nepal. Việt Nam chỉ đứng hàng thứ năm.

Có một điều là về góc độ dinh dưỡng, thịt bò hay thịt trâu đều có giá trị dinh dưỡng như nhau. Theo phân tích của các nhà dinh dưỡng, tỷ lệ mỡ của thịt bò nhiều hơn ở thịt trâu. Thịt trâu có hàm lượng khoáng chất cao, giàu kẽm, sắt, đạm, vitamin B12 và vì ít chất béo nên phù hợp với cơ thể béo phì, bị bệnh tăng huyết áp hay có lượng cholesterol cao. Thịt trâu là một món ẩm thực giảm béo. Còn theo Đông y, thịt trâu có vị ngọt, tính hơi hàn, không độc, có tác dụng bổ khí huyết, mạnh gân cốt. Thịt trâu có thể chữa được chứng phong thấp, sưng tê, chứng đau lưng, phù chân …  Các phủ tạng của trâu cùng với thịt trâu là những món ăn ngon nếu được chế biến đúng cách. Đó là chưa kể, ăn được thịt của con trâu sau khi thắng trận trong lễ hội chọi trâu, người ta tin tưởng rằng sẽ đem lại nhiều may mắn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, thịt trâu bị chết do dịch, do bệnh thì không nên ăn, dễ bị trúng độc chết người, như đã từng xảy ra trong thời gian  trâu bị dịch bệnh chết hàng loạt mấy năm trước ở phía Bắc, chớ có tiếc thịt trâu toi như ông bà ta đã dặn.

Thịt trâu có thể chế biến thành nhiều món ăn, như  thịt trâu hầm, luộc, nấu lẩu, nướng, xào… Thịt trâu ăn không hết, người ta đem hun khói, làm ruốc, chế biến khô trâu một nắng … để dành.

Người sành ăn, cho rằng ăn thịt trâu không tỏi như ăn gỏi không rau mơ, cho nên có những kẻ sống chết mặc bay, trâu chết mặc trâu, bò chết mặc bò, củ tỏi giắt lưng, để đi hưởng lợi, thỏa mãn nhu cầu cho riêng mình.

Tục ngữ ta có câu: Trâu chết để da, người ta chết để tiếng. Ở nông thôn ngày xưa, da trâu rất thông dụng, dùng để bịt trống, làm dép, làm dây cột che ép mía ...Da trâu lợp làm trống, da tốt thì trống dùng được lâu, tiếng kêu vang, da xấu thì trống mau hỏng, tiếng không vang. Da trâu còn làm dép. Ngày trước đa số người ở nông thôn đều có một đôi dép làm bằng da trâu để đi rừng, đi đường xa hay trèo lên bụi tre gai để chặt tre. Ngày xưa, triều đình cũng có lệnh trưng dụng da trâu để làm mũ trụ cho các chiến binh, che chở trước lằn tên mũi đạn. Da trâu còn làm dây cột rất bền chắc. Người ta dùng da trâu để cột trì hai cây gọng che ép mía vào nhau, áp vào trên cái trục đầu của che giữa khi trâu quay che. Dây da trâu khi khô không co giãn, rất khó đứt mới chịu nổi lực trì kéo và cọ xát.

Trong thân thể con trâu, người ta còn dùng sừng con trâu để tạo ra một số vật dụng. Sừng trâu được chế tạo thành đồ mỹ nghệ, nhất là làm lược. Ngày xưa cha ông ta thường để tóc dài và nhất là phụ nữ, nên cần lược để chải tóc. Để có được một chiếc lược sừng, phải trải qua ít nhất 30 công đoạn, từ luộc, ép đến cắt răng, chà lát, đánh bóng.

Thầy pháp cũng dùng đến sừng trâu để hành lễ. Chót sừng trâu được cắt một đoạn dài khoảng 7 phân, rồi đục một lỗ nhỏ để thầy pháp thổi khi hành lễ “kêu gọi âm binh” (?). Khi tụng kinh, sừng trâu này cũng được thầy dùng làm mõ, đánh kêu “chóc chóc”...

Sừng trâu rừng (tiếng địa phương gọi là con diệm) có hình dáng đẹp hơn sừng trâu nhà. Những sừng có màu cánh dán vàng nâu, người ta thường đánh bóng làm đồ trang trí treo lên vách nhà.

Xương trâu cũng được các nhà chế biến nước chấm xì dầu.

Con trâu, một con vật có mặt trong tín ngưỡng, phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam, với những lễ nghi, hội hè, trong ẩm thực …đã góp phần phong phú thêm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc.  

HÌNH NH CON TRÂU trong văn hc Vit Nam 

Dân gian ta có câu: Đờn gảy tai trâu, trâu có nghe nhạc, thưởng thức âm nhạc được đâu mà đem đờn đến gảy cho trâu nghe ! Năm dây đàn gảy biết chi đâu (Học Lạc). Nhưng hình ảnh con trâu thì có mặt không những trong âm nhạc, hội họa, điêu khắc, điện ảnh, nhiếp ảnh mà có nhiều trong văn học bác học và dân gian của các dân tộc Việt Nam.

Trong những bài thơ của các nhà thơ cận đại, không ai không biết bài thơ của nhà thơ miền Nam Nguyễn Văn Lạc (1842-1915), thường gọi là Học Lạc : 

Mài sừng cho lắm cũng là trâu

Ngẫm lại mà coi thật lớn đầu

Trong bụng lam nham ba lá sách

Ngoài cầm lém đém một chòm râu

Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy

Làm lễ bôi chuông nhớn nhác sầu

Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ

Năm dây đàn gảy biết chi đâu.

Sống trong một thời đại bát nháo của một nước bị ngoại xâm, có những kẻ ăn trên ngồi trước, tuy to đầu mà ngu xuẩn, hèn nhát, không chút tài năng, kiến thức gì, bị nhà thơ ví như con trâu, thì thật là một sự châm biếm, đả kích đích đáng. Chúng bị mắc mưu bọn thực dân Pháp, như khi xưa, trâu bị cột rơm vào đuôi, đốt cháy, nóng quá, xông vào trận mạc. Và thật là rầu rĩ khi trâu bị lấy máu bôi lên chuông, khi đúc, chuông bị nứt. Kiếp trâu ngựa, tay sai là thế !

Nhà thơ miền Nam khác, cụ Huỳnh Mẫn Đạt, tuần phủ Hà Tiên, cáo quan về ẩn dật khi Pháp chiếm Nam Kỳ. Ông có làm bài thơ ví mình như con trâu già:

Một nắm xương tàn, một nắm da

 

Bao nhiêu cái ách cũng từng qua

 

Đuôi cùn biếng cột Điền Đan hỏa

 

Tai nặng buồn nghe Nịnh Tử ca

 

Sáng dạo vườn hoa ăn hủng hỉnh

 

Tối về nội Võ thở hi ha

 

Ngày xưa mắc phải nơi Đường hạ

Ơn có Tề Vương cứu lại tha.

Đọc bài thơ, thấy một tâm trạng của một con người không còn khả năng giúp đời nữa, về quê sống một cuộc đời nhàn hạ, ví như con trâu già. Con trâu già, không như thời còn sức khỏe tràn trề, đã được tướng nước Tề là Điền Đan, cùng 5000 con trâu khác, khoác lên lưng tấm gấm năm sắc sặc sỡ và sừng buộc vào hai thanh dao bén, đuôi buộc cỏ khô tẩm dầu, đốt lên, cho xông trận, phá tan quân Yên. Nhờ trận Trâu lửa (Hỏa ngưu trận) mà Điền Đan cứu được nước Tề. Không như ngày trước, bây giờ nặng tai, không buồn nghe Nịnh Thích hát.

Nịnh Thích tức Nịnh Tử, người nước Vệ, đời Chiến quốc lúc còn hàn vi, đi chăn trâu, gặp vua Tề liền hát: Nam sơn xán, bạch thạch lạn, sinh bất phùng, Nghiêu dữ Thuấn thiện, có nghĩa là núi Nam rực rỡ, đá trắng sáng sủa, sinh ra không gặp thời vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn. Bây giờ nhớ ơn Tuyên Vương nước Tề không cho người giết trâu tô lên chuông vừa mới đúc xong, có ơn tha mạng, lại được Tề Hoàn Công trọng dụng. Ca dao ta cũng có câu theo điển tích này: Ngày xưa Nịnh Thích chăn trâu/ Mà rồi mang ấn công hầu, trâu ơi! Ngày nay mình nghé ta ngồi/ Mai sau ta có một thời hiển vinh. 

Nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh  cũng có bài thơ Trâu già than thân:

Thấy tau ốm yếu dễ trâu già

 

Trẻ nhỏ như bây chữa biết ta

 

Đàn tục gảy tai còn thuở nghé

 

Ách đời mang cổ tự thời cha

 

Nhiều người hốt cứt mua lên ruộng

 

Lắm kẻ theo đuôi tạo nổi nhà

 

Tuổi tác ngày chiều rơm có ít

Đền ơn chẳng tính, tính căng da.

Con trâu không ngại gian khổ giúp cho con người sản xuất lúa gạo, tạo cuộc sống ấm no, đã chẳng đền ơn lại còn đợi trâu chết, lột da làm trống. Thói đời là thế ! Cụ Phan cũng có một số bài thơ mượn hình ảnh con trâu để ẩn dụ, ví von, phê phán, đả kích chuyện đời, chuyện người. Mỗi bài thơ có đầu đề là một câu tục ngữ về trâu, như: Mất trâu mới lo sửa chuồng, Trâu đứng không ai mà cả, trâu ngã lắm kẻ cầm dao, Trâu chết mặc trâu, bò chết mặc bò, củ tỏi giắt lưng, Trâu cột ghét trâu ăn …

Đến một tác phẩm thơ nôm của một tác giả khuyết danh, mang tựa đề Lục súc tranh công ta mới thấy được thân phận con trâu, một con vật đã đem hết sức mình giúp con người cày bừa, kéo xe, kéo gỗ, đạp lúa … không ngại khó khăn, mệt nhọc: … Trên lưng ruồi đậu, dưới chân đĩa cắn/ Trâu mệt đà thở dài, thở vắn/ Người còn hầm hét, mắng ngược, mắng xuôi…Rồi: … Làm không kịp thở, ăn chẳng kip nhai/ Tắm mưa, trái gió chi nài/ Đạp tuyết giày sương bao sá…Đến khi trâu già, tưởng chưng khi sức mọn tuổi già, trâu nhắc chủ một điển tích: cám Điền tử dạy con chớ bán, là Điền Tử Phương, người đời Chiến Quốc rất thương những con trâu già, thường dặn con cháu và người nhà đừng bán. Nhưng trâu rất hãnh diện vì những công lao, thành tích của mình, giúp cho con người có lương thực sinh sống: Có trâu, sắn, tằm tơ, lúa má/ Không trâu không hoa quả, đậu mè…

Trong kho tàng văn học dân gian, hình ảnh con trâu có mặt rất nhiều trong các thể loại: thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, hò vè, câu đố.

Để giải thích sự thờ cúng trâu ở đền Kim Ngưu, gần Hồ Tây Hà Nội, ngày xưa gọi là Dâm Đàm, giở lại xem sách Lĩnh Nam chích quái, thấy rõ thần thoại này.

Ở miệt An Giang, nơi Núi Cấm, thuộc xã An Hảo có một ngôi miếu được gọi là miếu Trâu nghĩa dũng. Đây là ngôi miếu do nhân dân lập ra để kỷ niệm, vì thương tiếc và nhớ ơn con trâu có nghĩa. Trong miếu, trên chiếc bàn gỗ có hai cái khay, một cái đựng một bó lúa, một cái đựng một bó cỏ non. Trên tường, ngay chính giữa treo một cái đầu trâu bằng gỗ, nhưng sừng trâu là sừng thật, khá dài, nhọn hoắt. Sự tích con trâu được người già kể lại.

Trăm năm trước, một con trâu đánh đuổi được cọp dữ, cứu đứa bé chăn trâu, và khi cọp chạy, trâu đã dùng sừng mang đứa bé bất tỉnh, máu me đầy người về thôn, nhưng bị dân làng cho là trâu bị điên húc người, nên đánh cho trâu chết. Khi đứa bé chăn trâu tĩnh lại, kể đầu đuôi, mới biết con trâu đã có hành động cứu người chăn dắt nó. Mọi người rất hối hận và thương tiếc trâu có nghĩa dũng, nên lập miếu để kỷ niệm con trâu này. Chính sừng trâu trong miếu là sừng con trâu đó.

Con trâu trong các truyện cổ tích của người Việt là những câu chuyện nói về sự tích con trâu, giải thích tại sao dưới cổ con trâu có cái nốt, vì sao trâu không có hàm răng trên …Về Sự tích con trâu, kể về tiên Kim Quang được Ngọc Hoàng sai xuống trần gian mang theo hạt lúa, gieo lúa trước cho con người có lương thực để ăn, hạt cỏ gieo sau vào những nơi đất trống cho mặt đất đỡ trống trải. Tiên Kim Quang, đội mũ có hai quai cong vòng lên, bay xuống trần, quên phắt lời Ngọc Hoàng, cho gieo cỏ trước, gieo lúa sau. Cỏ mọc nhanh, lấn át cả lúa. Ngọc Hoàng phạt tiên làm kiếp trâu, trân đầu có hai sừng, cả đời ăn cho hết cỏ và sống với con người cho người sai khiến.

Còn cái nốt dưới cổ con trâu được giải thích là xa xưa trâu cũng biết nói như người. Trâu báo cáo với chủ là trâu bị đói thường xuyên do trẻ chăn trâu mải ham chơi, lại còn lừa chủ lấy mo cau áp vào bụng trâu mấy lớp, rồi trát đất bùn ra ngoài, trông như trâu ăn quá no, bụng phềnh ra. Trẻ chăn trâu bị chủ đánh một trận tơi bời. Trong lúc ngồi khóc, có thần hiện ra, giúp trẻ chăn trâu có một ước nguyện là trâu không bao giờ nói được tiếng người. Thần lấy cây nhang đốt lên, dí vào dưới cổ con vật. Trâu chỉ biết kêu to lên, nhưng không nói được tiếng người nữa, chỉ phát ra tiếng nghé ọ!

Trâu không có hàm răng trên, do trong một dịp lừa hổ, nói rằng con người sai khiến được trâu, một con vật to xác hơn con người, là do con người có trí khôn. Hổ hỏi con người cho xem trí khôn, con người bảo trí khôn để ở nhà, nếu muốn xem, phải cột hổ lại, nếu không cột, khi vắng người, hổ có thể ăn thịt trâu. Sau khi trói chặt hổ lại vào gốc cây, con người chất củi khô xung quanh và đốt. Hổ nóng quá, gào thét, giãy giụa, bứt được dây, lao thẳng vào rừng. Nhìn thấy cảnh ấy, trâu lăn ra cười ngặt nghẽo, bị răng va vào đá, gãy trụi hết hàm răng trên. Từ đó, hổ coi trâu như kẻ thù, gặp trâu đâu là chộp lấy.

Người xưa tin vào chuyện phong thủy trong việc xây cất nhà, chọn huyệt để an táng người chết. Họ tin rằng nếu an táng người chết vào huyệt rồng thì con cháu đời sau được vinh hiển, làm quan, có thể làm vua. Và họ còn tin nếu an táng vào huyệt mà họ gọi là huyệt ngưu miên thì con cháu sẽ giàu có. Huyệt ngưu miên là huyện con trâu nằm ngủ, còn gọi nôm na là vũng trâu nằm. Huyệt do giới thầy phong thủy, thầy địa lý phát hiện.

Có khi, là một huyệt trời cho, là một vũng trâu nằm, người nhơn đức (có thể là kẻ ăn mày vô gia cư, người qua làng bị đột tử mà không biết họ hàng thân thích) được người làng an táng vào đó, đỡ khỏi mất công đào huyệt. Huyệt ngưu miên còn do người chăn trâu phát hiện. Người chăn trâu lãnh luôn có niềm tin chờ đợi trời sẽ cho mình một cái huyệt ngưu miên để an táng ông bà cha mẹ vào đó cho con cháu sau này thoát ra được cảnh nghèo khổ, được giàu sang sung sướng.

Những tục lệ kiêng cữ của những nông dân nuôi trâu được ghi lại sau đây đã có từ xa xưa, rồi lưu truyền qua thời gian. Người xưa kiêng làm sao, người nay cũng kiêng như thế, xưa bày nay làm, dù họ không biết phải giải thích tại làm sao phải kiêng. Nhưng họ vẫn tin tưởng có kiêng như thế để con vật mà họ cho là đầu cơ  nghiệp này được an lành, chóng lớn, khỏe mạnh, giúp họ kiếm hạt cơm để sống.

Ngày nay, khoa học phát triển, tuy có những hiện tượng khoa học chưa giải thích được, nhưng qua những kiêng cữ của người nuôi trâu, ta cũng có thể giải thích theo khoa học để thấy dược người xưa đã bảo vệ con trâu mình nuôi như thế nào.

- Tục cữ nướng ốc: Ốc đây là loại ốc lá thường bám trên lá trầu không. Ốc nướng lên tỏa mùi thơm ngon, trẻ rất thích ăn. Thế nhưng bị cấm đoán vì khói tỏa ra khi nướng ốc sẽ làm cho trâu đổ ghèn lên mắt. Thật ra, cha mẹ cấm đoán trẻ ăn ốc nướng vì sợ ốc nướng chưa chín, trẻ ăn vào sẽ bị đau bụng. Do đó, nhà có nuôi trâu, cha mẹ đưa việc hại trâu cho trẻ sợ phạm vào vật nuôi của nhà, không dám nướng ốc ăn nữa.

- Tục cữ rửa chén vào lúc sẩm tối: Nhà nuôi trâu, ăn xong bữa chiều, cữ rửa chén vào lúc trời sẩm tối, sợ đàn trâu bị chảy nước mắt. Có thể rửa chén vào lúc sẩm tối, không có đèn đuốc, rửa không sạch, nên lấy cớ đó để đưa vào việc kiêng cữ cho đàn trâu.

- Thờ quan Thánh (Ông Quan Công) cữ ăn thịt trâu: Ngoài người Hoa thờ Quan Công, một số gia đình Việt cũng lập bàn thờ, lập tượng Quan Công thờ trong nhà. Những người thờ Quan Công kiêng cữ thịt trâu, vì trong Kinh của Ngài, Ngài thuyết giáo cho rằng con trâu và con chó là những con vật có nghĩa, tín đồ không nên ăn, ai ăn sẽ có tội.

- Chuyện chửa trâu: Người đàn bà mang thai quá 9 tháng 10 ngày theo thông thường mà không sanh, gọi là chửa trâu, còn gọi là lên tháng. Còn tại sao gọi là chửa trâu thì có người giải thích vì con trâu mang thai đến 12 tháng mới đẻ trong khi con người thường là 9 tháng 10 ngày. Có lẽ vì thế mà gọi người đàn bà mang thai quá ngày mà không sinh là chửa trâu. Các cụ xưa có cụ giải thích chửa trâu là do lúc mang thai, người đàn bà bị đuôi con trâu quệt vào trúng bụng, hay đi đường, vô ý giẫm vào phân trâu, hay vô ý bước ngang qua sợi dây cột trâu. Điều giải thích trên, các cụ có ý cho người mang thai sợ, không nên lại gần con vật, hay vấp dây ... để giữ an toàn cho cái thai.

Thật tế có những người đàn bà mang thai tính lộn ngày tháng nên cho rằng mình chửa trâu. Có trường hợp người vợ ngoại tình rồi mang bầu vài ba tháng sau khi chồng đi xa lâu không về hay chồng chết. Nếu tính ra từ ngày cưới chồng có ở nhà cho đến khi sinh thì phải mười một mười hai tháng, rồi trơ trẻn cho rằng mình chửa trâu để che dấu hành vi ngoại tình của mình.

Ca dao ta có câu: Tục truyền tháng Bảy mưa Ngâu/ Con trời lấy chú chăn trâu vẫn tình… khiến ta nhớ mối tình lãng mạn nhưng không kém thương đau của đôi tiên đồng ngọc nữ: Ngưu Lang - Chức Nữ.

Còn bài: Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/ Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời/ Cha con cắt cỏ trên trời/ Mẹ con chạy chợ đi mời quan viên…là nhắc ta nhớ đến sự tích thằng Cuội trên mặt trăng.

Trong các truyện cổ, trường ca, sử thi của các dân tộc ít người, hình ảnh con trâu không bao giờ vắng bóng. Như chuyện Chàng Trâu (Amã Cuvau VongCơi) trong sử thi Akhà jucar (truyện hát) của dân tộc Raglai. Như trong trường ca Đẻ Đất Đẻ Nước của dân tộc Mường có kể lại chuyện con trâu con bò kiện con người lên trời: ... Thấy trâu bò lên kiện người/ Trâu mang đi đôi ách cây nhỏ/ Bò mang đi những ách cây ráng/ Mẹ con trâu trạng dạy rằng: - Khi còn thiêng, còn nhỡi/ Lúc còn sống, còn lành/ Nó bắt đi bừa khậm đầm, khậm rộc/ Bừa hàng ngang, hàng dọc/ Góc thửa dưới, thửa trên/ Không đi lên nó giục/ Không xuống được nó đuổi/ Đánh suốt buổi sáng đến trưa. Sau khi người kể lại trâu bị hổ rình bắt, lang Đá Cần (ông tổ người Mường) đi rừng chặt cây làm chuồng/ Nuôi nấng, chăm nom thì miệng trâu đã ưng/ Lòng trâu đã chịu. Đá Cần mới lấy dao đẵn vào sừng làm dấu (coi như văn tự cam kết), và từ đó, trâu chịu ở với người.

Về chuyện tiếu lâm, truyện cười của người Kinh cũng có một số truyện hình ảnh con trâu ẩn hiện, nhưng ai cũng nhớ truyện bà vợ ông quan thanh liêm bị chồng trách là tại sao không nói ông tuổi Sửu là con trâu mà nói ông là tuổi Tý là con chuột, để người đút lót quan đúc vàng to bằng con trâu cho to lớn, thu lợi được nhiều hơn.

Hình ảnh con trâu được dân gian sử dụng rất nhiều trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố của các dân tộc Việt Nam. Riêng người Kinh, bước đầu sưu tầm, người viết đã sưu tầm được mấy trăm câu. Sự phong phú về số lượng như thế, chứng tỏ con trâu rất gần gũi với con người. Con người coi con trâu như đầu cơ nghiệp của mình. Sự thân thiết giữa người với trâu được thể hiện : Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.

Trong đời sống tình cảm, hình ảnh con trâu vẫn được đôi trai gái đưa ra để ví von: Bao giờ cho mạ lên non/ Một trăm mẫu đất có con trâu cày/ Bao giờ hết cỏ đồng hoang/ Cho trâu tìm cột, cho tằm tìm dâu… Trong những lời tán tỉnh cũng có hình ảnh con trâu: Hỡi cô cắt cỏ đồng màu/ Chăn trâu cho béo, làm giàu cho cha. Hay những lời lẽ mang sự chê trách trong việc kén chọn : Trâu kia kén cỏ bờ ao/ Anh kia không vợ đời nào có con. Hay trong những lời khuyên răn đầy tình ý: Trâu ta ăn cỏ đồng ta/ Đừng ham cỏ tốt ăn qua đồng người.tuy là cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm. Còn đồng người cỏ tốt nhưng hôi, đồng ta cỏ xấu nhưng bùi trâu ăn.

Cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người nông dân, cho rằng có ruộng sâu trâu nái là đủ. Và luôn có ước mong đừng có cảnh sẩy đàn tan nghé, tránh cảnh mất chồng như nẫu mất trâu, chạy lên chạy xuống cái đầu chơm bơm ... Hay như có cô vợ mất chồng lẫn mất nết đi năn nỉ người đàn bà có chồng: - Của chua ai thấy chẳng thèm/ Em cho chị mượn chồng em vài ngày. - Chồng em đâu phải trâu cày/ Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm!

Những mối quan hệ giữa con người với nhau không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Lúc đó, hình ảnh con trâu lại được đưa ra để ví von, để phê phán, chỉ trích nhau: Trâu cột ghét trâu ăn – Trâu thả bò buộc – Đến đâu chết trâu đến đó – Trâu mạnh trâu được, cỏ mạnh cỏ được – Đờn gảy tai trâu – Trâu ngã lắm kẻ cầm dao – Trâu chết mặc trâu, bò chết mặc bò, củ tỏi giắt lưng – Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã – Sáng tai họ, điếc tai cày ... Hay dùng làm tiếng chửi : Đồ trâu chó – Đồ trâu bò – Đồ trâu ngựa – Đồ bẩn như trâu – Đồ béo như trâu trướng – Đồ dai như trâu ... đái ... Có những hạng người bị cho lànhững kẻ đầu trâu mặt ngựa, những con người bị cho là hung ác, những sai nha ngày xưa, thật trái với bản tính hiền hòa của loài trâu.

Tuy nhiên hình ảnh con trâu cũng được con người sử dụng bằng cách ẩn dụ, tải đi những bài học đạo lý làm người, cách xử thế mang tính cách giáo dục nhiều thế hệ: Mất trâu thì lại tậu trâu, những quân cướp vợ có giàu hơn ai – Mua trâu lựa nái, cưới gái lựa dòng – Lộn con toán, bán con trâu – Bụng trâu làm sao, bụng bò làm vậy – Bé ăn trộm gà, cả ăn trộm trâu, lâu lâu làm giặc – Trâu chết để da, người ta chết để tiếng- Thà làm mỏ con gà hơn làm đuôi con trâu – Ăn thuốc bán trâu, ăn trầu bán ruộng – Chín đụn mười trâu, chết cũng hai tay cắp đít – Trâu hay ác, hãy vạc sừng – Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu – Trâu chậm uống nước dơ, trâu ngơ ăn cỏ héo – Trâu béo kéo trâu gầy - Mất trâu mới lo làm chuồng - Giàu tiền giàu ruộng giàu trâu, mà nghèo đạo đức khó lâu khó bền

 

Các dân tộc ít người Việt Nam cũng có những câu tục ngữ mang hình ảnh con trâu biểu hiện nhiều ý nghĩa sâu sắc, như: Dấu chân trâu lâu ngày thì mất/ Tật miệng dẫu lâu cũng còn. Đánh trâu, trâu chạy ra bờ ra bãi/ Đánh con, con chạy lại bên lòng (dân tộc Mường). Nếu trời làm anh với em lìa nhau đó/ Giống như ngựa đứt cương, trâu tuột chão (dân tộc Ê Đê). Kén dâu ngắm mẹ, tậu trâu ngắm cái. Một lời nói vào cửa quan, mười con trâu kéo không ra. Một cái ách cày hai trâu sao được, một ổ ấp hai gà sao nên (dân tộc Tày – Nùng). Đánh bạc mất trâu, đánh bài mất vợ. Sừng trâu cong khó uốn, người ương ngạnh khó dạy. Trâu lìa đàn nó kêu, em lìa anh đau lòng (dân tộc Thái). Sống mà không biết chữ, như trâu đằm vũng bùn. Trâu dậy nhớ cỏ, trẻ thức nhớ mẹ (dân tộc H’Mông). Chết nơi biển rộng sông sâu / Ai đâu lại chết vũng trâu ven làng. Dại như trâu. Làm dây buộc trâu, ai lại làm dây trói người. Thà mất đôi trâu còn hơn mất mặt (dân tộc Chăm) …

Hình ảnh con trâu đã đi vào nền văn học các dân tộc Việt Nam như thế!

NGÔ VĂN BAN

(Xuân 2021)

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com