ĐOÀN TUẤN dịch BÀI PHÁT BIỂU CỦA NHÀ VĂN ILYA EHRENBURG TẠI ĐẠI HỘI LẦN THỨ II HỘI NHÀ VĂN LIÊN XÔ NĂM 1954

Ilya-Ehrenburg-vhsg


BÀI PHÁT BIỂU CỦA NHÀ VĂN ILYA EHRENBURG TẠI ĐẠI HỘI LẦN THỨ II HỘI NHÀ VĂN LIÊN XÔ NĂM 1954

 Đại hội Hội nhà văn Liên Xô lần thứ II được tổ chức từ ngày 15 đến 26 tháng 12 năm 1954. Sự tan băng trong văn học Xô viết, bắt đầu chỉ một năm trước đó, đang bị các nhà phê bình chỉ trích.

Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Ilya Ehrenburg ‘’ Băng tan’’ (Ottepel – từ đó có nguồn gốc chỉ thời kỳ này trong văn học Xô viết) được xuất bản vào mùa  Xuân năm 1954 và ngay lập tức bị chỉ trích, đặc biệt từ nhà thơ Konstantin Simonov, người cũng công kích cuốn tiểu thuyết từ diễn đàn này, khi ông đưa ra bài phát biểu quan trọng về tình hình văn học nghệ thuật.

Đến lượt Ilya Erenburg phát biểu, ông cũng tung một đòn phản công mạnh mẽ. Bắt đầu bằng một vài nhận xét về cái chết của văn học tư sản, Erenburg tiếp tục phát biểu.

Nhận thấy ý nghĩa và giá trị lời phát biểu của Ilya Erenburg vẫn còn nguyên tính thời sự, chúng tôi xin được dịch và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

‘’Chúng tôi biết rằng những nhiệm vụ mà nền văn học Xô Viết non trẻ đang phải đối mặt là cực kỳ khó khăn.Những bậc tiền bối vĩ đại của chúng ta đã viết về một xã hội vừa mới hình thành và lạc hậu. Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã sống trong những khu rừng, không chỉ xây dựng thành phố, mà còn cả con người. Cuộc sống, những suy nghĩ và cảm xúc đều thay đổi nhanh chóng. Nhưng hiện giờ, trước mắt chúng ta không phải là những hố móng, mà là những ngôi nhà. Thời đại mới đòi hỏi một sự thăng hoa, sáng tạo mới.

Các nhà văn Liên Xô đã mang đến cho người đọc nhiều cuốn sách hay. Thế nhưng tại sao đôi khi người đọc lại tức giận, khi đọc cuốn tiểu thuyết này hay cuốn khác miêu tả hiện thực Xô viết ? Theo tôi, câu trả lời là họ không thể tìm thấy chính mình và những người cùng thời trong một số cuốn sách.

Trong một bài báo – theo quan điểm của tôi , đã viết quá nhiều – đã chỉ ra rằng, điểm yếu của một số cuốn sách có thể được giải thích bởi sự thiếu chân thành từ phía tác giả của chúng. Vài thời của mình, một số nhà phê bình phản động khẳng định rằng, Nekrasov không hoàn toàn chân thành. Tuy nhiên, không ai nghi ngờ sự chân thành của Katkov. Nhưng dù vậy, sự thật về thời đại của họ được Nekrasov nói ra chứ không phải Katkov (1).

Chúng tôi biết một số tác giả đương đại, những người hoàn toàn thành thật, đang viết sai sự thật : một số, bởi vì họ không đủ hiểu những người cùng thời với họ; những người khác, bởi vì trong sự đa dạng của thế giới, họ chỉ biết phân biệt hai màu  - trắng và đen. Những tác giả như vậy tô điểm cho những nhân vật của họ, nhưng lại làm nghèo họ về mặt tinh thần. Họ không tiếc vàng khi mô tả một căn hộ chung cư,  các phân xưởng trong các nhà máy của họ trông giống như phòng thí nghiệm, các câu lạc bộ nông trang của họ trông giống như dinh thự của các trọc phú , nhưng trong thế giới ảo mộng đầy vàng mã này là nơi sinh sống của những sinh vật nguyên thủy, những đứa trẻ ngoan hiền, không có chút gì giống với người dân Xô viết, với đời sống nội tâm sâu sắc, phức tạp của họ.

Một xã hội đang phát triển và ngày càng vững mạnh, không thể sợ một hình ảnh chân thực : sự thật chỉ nguy hiểm cho kẻ bị diệt vong.

Tính trung thực trong văn học của chúng ta không mâu thuẫn với tinh thần của Đảng; đúng hơn, nó được gắn chặt với  Đảng. Chúng tôi biết rằng, tất cả các loại hình nghệ thuật tuyệt vời luôn có xu hướng, nghĩa là đam mê, khát vọng. Không có điều này, chỉ có bảng liệt kê khô khan về các sự kiện hoặc nhật ký của một người ích kỷ trên hòn đảo hoang vắng. Nhà văn không phải là người quan sát cuộc sống, anh ta là người tạo ra nó. Mô tả thế giới tinh thần của con người, anh ta đồng thời thay đổi nó. Tuy nhiên, ảnh hưởng này đối với bạn đọc không nên được hiểu một cách đơn giản hóa quá mức : hãy làm cái này hay làm cái kia; nếu bạn hành xử như một nhân vật tích cực, mọi người sẽ ngưỡng mộ bạn, nhưng nếu bạn đi theo con đường của một nhân vật tiêu cực, chắc chắn bạn sẽ bị lộ tẩy.

Hội Nhà văn có Ban văn học thiếu nhi, đã mang tặng cho thiếu nhi chúng ta rất nhiều sách hay. Nhưng thỉnh thoảng, khi bạn đọc một cuốn tiểu thuyết trên một tạp chí, mà tác giả, ngay từ trang đầu tiên, đã hướng dẫn người đọc một cách mệt mỏi, bạn phải nghĩ, phải chăng ,  đã đến lúc, Hội Nhà văn nên thành lập một Ban văn học dành cho người lớn? (Vỗ tay).

Nhà văn, đồng hành trong sự tiên phong của nhân dân, nhận thấy – trong những nơi thầm kín bí mật của trái tim – tốt và xấu, những chồi non dịu dàng của tương lai và những sắc thái của quá khứ. Thể hiện chân thực thế giới tinh thần của con người, giúp con người thay đổi, trở nên cao lớn hơn, tốt đẹp hơn, mạnh mẽ hơn. Có vẻ như mọi người có thể hiểu điều này. Tuy nhiên, có nhiều người vẫn không muốn hiểu. Chẳng hạn, chúng ta đã đọc nhiều lần những suy ngẫm về nhân vật tích cực phải như thế nào – lý tưởng hay không hoàn toàn lý tưởng  – hoặc nhân vật tiêu cực có được thể hiện hay không, và nếu có thì theo tỷ lệ nào. Những cuộc thảo luận như vậy hoàn toàn khó hiểu. Rõ ràng, nhiều người làm văn chương đã không nhận thấy bước đi của thời gian.

Trong mười lăm năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Mười, trong số chúng ta có không ít người không muốn hoặc không thể hiểu những nguyên tắc của xã hội xã hội chủ nghĩa. Cũng có những kẻ thù công khai, những người đang chờ đợi xem mọi chuyện sẽ kết thúc thế nào, những kẻ hoài nghi và những kẻ thờ ơ. Một cuộc đấu tranh đã diễn ra để xác nhận đơn đặt hàng mới. Khi đó, xã hội không chỉ bị phân chia thành những thành phần tiên tiến và lạc hậu, mà còn có những người trở thành đồng minh và kẻ thù. Kể từ thời điểm đó, mọi thứ đã thay đổi.

Tất nhiên, ngay cả bây giờ, có thể tìm thấy những kẻ thù giấu mặt, nhưng chúng  bị cô lập trong xã hội chúng ta, đến nỗi cần phải có thiên hướng suy đồi, tìm kiếm những điều đặc biệt, để quan tâm đến chúng. Nhiều thế hệ đã lớn lên mà xã hội của chúng ta là của riêng họ, là xã hội hợp lý nhất. Cuộc chiến của chủ nghĩa anh hùng, sự bùng nổ sáng tạo, tình yêu đối với con người, chống chủ nghĩa vị kỷ, sự thờ ơ và sức ỳ giờ đây đang chảy trong tâm thức và trái tim của con người, chính xác là cái nơi mà cái mới phải đối mặt với bóng đen của quá khứ, lòng nhân hậu với sự ngu muội.

Tất nhiên, bạn có thể thiết lập các cực và, trong cuốn tiểu thuyết, miêu tả  nhân vật là hiện thân của mọi thứ tốt đẹp nhất, xây dựng anh ta chống lại cực đối lập là nhân vật phản diện. Một cuốn sách như vậy, nếu nó được viết một cách chân thành và dầy đam mê, chắc chắn sẽ khiến độc giả, đặc biệt là những người trẻ tuổi, thích thú. Nhưng tôi nghĩ, dường như, bên cạnh cuốn sách như vậy, cần có những cuốn khác, thể hiện không phải những cực, mà là một thế giới rộng lớn, những cuốn sách thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của hàng triệu người dân Liên Xô.

Độc giả Xô viết đã trở nên mệt mỏi với hàng trăm tác phẩm mà mọi thứ đều rõ ràng ngay từ trang đầu tiên, nơi mà kẻ ác chờ đợi lộ diện, và nhân vật chính được vẽ  bằng nét cọ của một họa sỹ biểu tượng  tầm thường.  Những cuốn sách như vậy không tỏa sáng cho ai: những người có khuyết điểm sẽ công nhận mình là kẻ phản diện, còn những người tốt, nhưng có nhiều điểm yếu của con người, sẽ coi nhân vậ tích cực như một sinh vật đến từ thế giới khác.

Những người làm công tác văn học phân chia các nhân vật của bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào thành các phạm trù bắt buộc là ‘’ tích cực’’ và ‘’ tiêu cực’’, chính bản thân nó đã là biểu hiện của sự tiêu cực trong văn học chúng ta. (Vỗ tay). Trong họ có rất nhiều dấu tích của quá khứ.

Tất nhiên, ngày nay, hầu hết mọi người đều thừa nhận rằng, không thể vẽ một bức tranh chỉ với việc quét vôi và bồ hóng. Nhưng cứ để một nhà văn tô vẽ một người tốt với những khuyết điểm, thì bỗng xuất hiện một nhà phê bình phẫn nộ:’’ Đây là sự vu khống nhân dân Liên Xô!’’ Hoặc để một tác giả khác chứng tỏ rằng, tên quan liêu, một công nhân biển lận hoặc  kẻ gian không phải người xấu, rằng hắn có một số phẩm chất của con người, thì nhà phê bình và bạn bè của anh ta sẽ phản đối:’’ Tại sao tác giả khoan hồng cho các nhân vật tiêu cực?’’. Những nhà phê bình như vậy mong muốn – dù thế nào đi nữa –  bảo vệ cách tiếp cận đơn giản quá mức đối với các nhân vật. Họ sợ rằng văn học có thể từ chối họ.

Nhưng thực tế điều gì đã xảy ra? Người đọc hoàn toàn không chú ý đến nhiều tác giả. Chúng ta hãy nhớ lại những ngày của Đại hội nhà văn Liên Xô lần thứ nhất. Lúc đó chúng ta thấy trước mắt  mình hàng chục triệu độc giả mới. Nhưng độc giả này lần đầu tiên được cầm trên tay một cuốn tiểu thuyết. Từ đầu Cách mạng cho đến năm 1930, văn hóa đã truyền bá rộng rãi, nó cần thiết để giới thiệu với mọi người về nó. Vào thời điểm đó, một số nhà văn có thể phàn nàn về sự thiếu linh hoạt tinh thần nào đó trong độc giả của mình. Giờ đây, độc giả Liên Xô tỏ vẻ hạ thấp nhà văn đó: anh ta thấy rằng các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết kém linh hoạt hơn, ấu trĩ hơn hoặc nghèo nàn về tinh thần hơn anh ta hoặc bạn bè của anh ta.

Cách tiếp cận của Liên Xô đối với các vấn đề cá nhân hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận của người Mỹ. Ở đó, chủ nghĩa cá nhân được nuôi dưỡng, nhưng tính cá nhân bị chà đạp; con người ở đó bị biến dạng bởi nghề nghiệp, chuyên môn hẹp của mình. Chúng tôi có gắng cho sự phát triển hài hòa của cá nhân.  Tuy nhiên, đôi khi sự giáo dục của chúng ta vượt qua sự phát triển của cảm xúc. Tất cả chúng ta đều gặp phải những người làm việc tốt và suy luận chính xác nhưng không thể đối phó theo kiểu con người đơn giản với vợ, mẹ, con cái hoặc bạn bè của họ.

Có lẽ các nhà văn của chúng ta chịu một phần trách nhiệm về điều này: chúng ta chú ý đến máy móc công cụ hơn là con người đứng bên cạnh máy móc. Họ gọi chúng ta là ‘’kỹ sư của tâm hồn con người’’. Điều này đặt ra nhiều nghĩa vụ cho chúng ta. Nhưng đôi khi bạn đọc một câu chuyện hoặc một cuốn tiểu thuyết mà mọi thứ đều ở đúng vị trí – các chi tiết máy móc và cuộc họp sản xuất đều được mô tả như thể được viết bởi một kỹ sư thì, ôi thôi, tất cả linh hồn con người đã biến đi đâu?

Chúng ta hãy nhớ lại thời kỳ của Đại hội nhà văn lần thứ nhất. Khi đó, sự chuyển đổi xã hội chủ nghĩa của một ngôi làng là một sự kiện  mà người ta tranh cãi. Với sức lao động to lớn, con người đã xây dựng nên những nền công nghiệp nặng khổng lồ đầu tiên, cho phép nó bảo vệ Tổ quốc chống lại sự xâm lược và ngày nay, hai mươi năm sau,  giúp tô điểm cuộc sống và làm cho nó dễ dáng hơn. Ở nước ngoài, vào năm 1934, họ vẫn nói về ‘’cuộc thử nghiệm của Nga’’, và Hitler, sắp lên nắm quyền, đang xem xét, với sự hợp tác hòa nhã của các đối thủ trong tương lai, một kế hoạch chinh phục nước Nga.

Thời đại ngày nay đã khác. Không có chính phủ nào trên thế giới có thẩm quyền hơn chúng ta.  Đại hội của chúng ta được tổ chức vào những ngày có ý nghĩa đối với tương lai của châu Âu và toàn thế giới : Liên Xô hùng mạnh và yêu chuộng hòa bình có thể cứu nhân loại khỏi những thảm họa chưa từng có. Chúng ta không còn đơn độc. Với chúng ta là Trung Quốc vĩ đại, với chúng ta là các quốc gia của các nền dân chủ của các dân tộc, với chúng ta là tất cả các nhân tó tiến bộ của nhân loại. Chủ nghĩa cộng sản không còn là một bóng ma ám ảnh châu Âu, mà là một quyền lực thực sự ở mọi nơi trên thế giới.

Trong hai mươi năm qua, văn hóa đã đi sâu vào lòng dân tộc ta, và chúng ta không chỉ tự hào về số lượng độc giả mà còn về sư đón nhận sâu sắc và say mê văn học nghệ thuật của họ. Thế giới chưa từng biết hiện tượng như thế bao giờ. Trước đây, chỉ có một số được chọn lọc trong số hàng trăm, hàng ngàn độc giả như vậy, nhưng hiện nay, văn học nghệ thuật đã thực sự trở thành thành tựu của cả dân tộc, và nhân dân đang tiếp bước sau công việc đại hội của chúng ta. Điều này đặt ra cho chúng ta một nghĩa vụ lớn lao : làm mọi thứ để nền văn học của chúng ta xứng đáng với những con người vĩ đại của chúng ta.

Những cuốn sách ra đời không phải ở đại hội, mà ở bề dày cuộc sống và trong sự yên tĩnh của một căn phòng làm việc. Nhưng tôi chắc chắn rằng,  đại hội này sẽ giúp ích rất nhiều cho tất cả chúng ta và sau đại hội, mỗi người chúng ta khi ngồi vào bàn làm việc sẽ làm tròn bổn phận của mình.

Tôi đã nói về những gì, theo quan điểm của tôi, các nhà văn nên làm những gì với các nhân vật trong tác phẩm của họ. Bây giờ tôi muốn nói về những điều mà theo tôi, người viết không nên làm với nhà văn. Không nhất thiết phải lạm dụng một nhà văn hoặc bôi đen tên anh ta. Không nhất thiết phải xem các nhà văn như đẳng cấp của những người được lựa chọn, và không nhát thiết phải xỉa xói họ như những đứa học trò phạm tội.

Tại sao có những cuốn sách có chất lượng tầm thường, thậm chí đáng nghi ngờ, lại   nằm ngoài giới hạn của bất kỳ loại phê bình nào ? Tại sao giọng điệu của một số bài báo phê phán – trong quá khứ và hiện tại – nhắc chúng ta về một loại cáo buộc tội phạm?  Phê bình là sự so sánh các ý kiến khác nhau. Người phán xét, trong kết quả cuối cùng, là người đọc, của hôm nay và của ngày mai. Ý kiến của độc giả đôi khi khác ý kiến của nhà phê bình. Bản thân tôi đã  hơn một lần gặp phải điều này khi tham gia các hội nghị bạn đọc.

Tôi hoàn toàn đồng ý với đồng chí Simonov khi đồng chí cho rằng, thường xuyên chúng tôi chỉ in một số thư độc giả trong khi bịt miệng những người khác. Đây là sự thật. Nhiều độc giả đã gửi cho tôi các bản sao thư tới Báo Văn học để phản đối bài báo của đồng chí Simonov. Những bức thư này không được công bố, trong khi cùng lúc nhiều bức thư bày tỏ sự đồng tình với Ban Thư ký Hội nhà văn đã được xuất bản. Tôi rất vui khi thấy đồng chí Simonov lên án cách làm như vậy. (Vỗ tay).

Cuộc thảo luận về một cuốn sách trên báo chí không nên kết thúc bằng một phán quyết pháp lý  cái này được công nhận là không thể sửa chữa, cái kia là vô giá trị. Những bản án như vậy cản trở sự phát triển của văn học.

Không có gì phải tranh cãi về cái nào tốt hơn – xã hội xã hội chủ nghĩa hay sự cuồng tín chạy theo chủ nghĩa tư bản đương thời. Cuộc tranh luận là về một cái gì đó hoàn toàn khác. Tôi hoan nghênh cuộc đấu tranh không khoan nhượng về hệ tư tưởng thù địch. Tuy nhiên, theo tôi, các nhà phê bình nên cẩn trọng sâu sắc khi thảo luận về việc một tác phẩm, mang đầy đủ tư tưởng Xô viết của chúng ta, thành công hay không thành công. Chúng ta biết rằng, ngay cả những nhà văn vĩ đại cũng đã sai lầm trong cách đánh giá của họ như thế nào. Goncharov gọi Turgenev là kẻ đạo văn, và Turgenev chắc chắn rằng cái tên Nekrasov sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Hugo coi Stendahl là một nhà văn tẻ nhạt và ngu dốt, và Stendahl phân loại Hugo là một nghệ sỹ chắp nối vần đầy khả nghi.

Nhưng tại sao lại đi đào bới quá khứ để làm gì? Chỉ cần nhớ một con đường sáng tạo của Mayakovsky và sự lên án của nhiều người sau này ca ngợi ông. Một só người có thể nói rằng, tôi đang cố phá một cánh cửa đang mở.

Giờ đây, mọi người đều thừa nhận rằng, các bản án phê phán không thể ràng buộc tất cả xã hội. Nhưng đó là trên lý thuyết. Tôi hy vọng rằng nó sớm thành hiện thực trong thực tế.

Tôi không muốn đề cập đến những lời chỉ trích về cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của tôi đã có trong báo cáo và báo cáo bổ sung trước đại hội, nhưng điều này có thể bị hiểu sai. Tôi không tự lừa dối bản thân, và tôi biết rằng trong ‘’Băng tan’’, cũng như những cuốn sách khác của tôi, có rất nhiều điều chưa hoàn hảo và đơn giản là chưa hoàn thành. Tuy nhiên, tôi không trách móc bản thân vì cùng một lý do mà các nhà phê bình phê phán tôi. Nếu tôi có thể viết một cuốn sách mới, tôi sẽ cố gắng làm nó tiến một bước về phía trước so với tác phẩm cuối cùng của tôi, chứ không phải một bước sang một bên.

Galina Nikolaevna không thích tiểu thuyết của Vera Panova. Không có gì đáng ngạc nhiên trong điều này; và tất nhiên, bạn có thể tìm thấy một nhà văn không thích tiểu thuyết của Nilolaevna. Nhưng cả Nikolaevna và Panova đều là những nhà văn Xô viết, cống hiến cho Tổ quốc. Tuy nhiên, về mối quan tâm của Panova và cả tôi nữa, gần đây, một số nhà phê bình đã sử dụng thuật ngữ ‘’chủ nghĩa khách quan’’. Những lời buộc tội như vậy khó có thể  chấp nhận được.

Một trận chiến lớn đang diễn ra vì tương lai của dân tộc chúng ta và của toàn nhân loại. Một cuốn sách là trái tim của một nhà văn, và bạn không thể tách một nhà văn tra khỏi tác phẩm của anh ta. Có thể nào, dành sự tôn trọng xứng đáng cho tác phẩm của một tác giả, lại tách cuốn sách của mình ra và khẳng định rằng cuốn này phủ nhận tất cả những gì mà anh ta đã bảo vệ trong cả cuộc đời mình? Có thể phân loại những người đã ở trên tuyến đầu đấu tranh cho sự nghiệp chung như những người quan sát cuộc sống với sự lãnh đạm? Có thể thuyết phục mọi người rằng, một người lính trong hàng ngũ đang lượn lờ ở đâu đó phía trên trận chiến không?

Nếu không tham gia vào công cuộc xây dựng xã hội Xô viết của chúng ta, không có đam mê và nhiệt huyết, một nhà văn sẽ phải chịu đựng một sự vô sinh bên trong. Những người nước ngoài coi thường chúng ta và chê trách chúng ta vì ham mê tưởng tượng và thiếu cá tính sáng tạo. Họ không muốn và không thể hiểu rằng, đối với chúng ta, chính sách của Đảng cộng sản là con đường dẫn đến sự phát sáng của các giá trị nhân văn, cho sự thành công của chủ nghĩa nhân văn, và nếu chúng ta hết lòng vì con đường của dân tộc mình, thì điều này không hề mâu thuẫn với di sản của những bậc tiền bối vĩ đại của chúng ta – Pushkin, Tolstoi, Chekhov và Gorky – để bảo vệ nhân loại.

Niềm tin vào nhân dân và Đảng không tước đoạt cá nhân của chúng tôi. Ngược lại, chúng ta thấy trong xã hội Xô Viết tất cả những điều kiện tiên quyết để phát triển nền văn học lớn. Trong điều này, tất cả chúng ta là một; nhưng chúng tôi hợp tác với nhau trong các nhận định văn học và phong cách viết của chúng tôi. Một số thích kể chuyện chi tiết; những người khác tìm kiếm một sáng tác khác, một nhịp điệu khác. Một số thích chèn nhận xét của tác giả, những người khác thì không. Chúng tôi chọn những kiểu anh hùng khác nhau - điều này được kết nối với nhân vật của nhà văn, với kinh nghiệm sống của anh ta, với phương pháp văn học của anh ta. Ở đâu có một đoạn mã quy định chính xác cách viết? Ở đâu cân và ống nghiệm có thể, không sai sót, chứng minh rằng đặc điểm này là điển hình và đặc điểm kia không? Người ta có thể và nên tranh luận về tất cả những điều này, nhưng cuộc thảo luận về một cuốn sách không phải là một phiên tòa, và phán quyết về điều này hay thư ký của Liên hiệp các nhà văn không phải là một phán quyết, với tất cả những hậu quả của nó.

Phán quyết tùy tiện đặc biệt nguy hiểm khi chúng liên quan đến các nhà văn trẻ. Đôi khi số phận của một tác giả khởi đầu không phải do người viết, mà do người “gần văn” quyết định. Các nhà văn trẻ là ngày mai, là niềm hy vọng của chúng ta; chúng ta nên làm tất cả những gì có thể để giúp họ vượt qua chúng ta. Nhưng để làm được điều này, chúng ta sẽ phải chia tay với một số thực hành mà, thật không may, chúng ta vẫn còn tồn tại. Người ta chỉ có thể cười một cách chua chát, tưởng tượng điều gì sẽ chờ đợi một Mayakovsky trẻ tuổi nếu anh ta, vào năm 1954, mang những bài thơ đầu tiên của mình đến phố Vorovsky. (Tiếng cười, tiếng vỗ tay.)

Tất nhiên, bây giờ, ở bất kỳ sự kiện nào, họ đều hiểu Mayakovsky. Họ hiểu anh ta ngay cả khi đã đến lúc lên án một tác giả bất cần đời nào đó. Những lời khiển trách do các thẩm phán không có đủ thẩm quyền đạo đức đưa ravà những đánh giá chủ quan mà các biên tập viên tạp chí và nhân viên nhà xuất bản tuân theo một cách khéo léo thường có liên quan đến truyền thống của Mayakovsky. Điều này gây nhức nhối cho những người cùng thời và bạn bè của Mayakovsky, những người không quên con đường sáng tạo mà ông đã đi theo khó khăn như thế nào.

Tại sao khi nói về con đường của nền văn học của chúng ta, tôi đã dành quá nhiều thời gian cho những điều kiện mà chúng ta làm việc? Bởi vì số phận của văn học không thể tách rời số phận của nhà văn. Một nhà văn nào đó đã từng nói: “Chúng tôi sẽ nhẫn tâm giúp đỡ đồng đội của mình”. Theo tôi, người ta nên nhẫn tâm với kẻ thù chứ không nên nhẫn tâm với đồng đội. Tôi muốn triệu tập tất cả các nhà văn để hiểu nhau hơn và đoàn kết tình bạn  hơn. Một trong những lãnh đạo của Liên hiệp các nhà văn phát biểu hợp lý về ý nghĩa của các nhà văn "trung bình", nói rằng không có sữa thì không có kem. Tiếp tục so sánh có phần đáng tiếc này, người ta có thể nói rằng không có bò thì không có sữa. (Tiếng cười, tiếng vỗ tay.) Hãy nhớ điều này thật hữu ích.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đáng chú ý. Ngay trước mắt chúng ta, một số mặt tối của cuộc sống đang biến mất. Các nguyên tắc cao cả về đoàn kết quốc tế, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa chân chính, và sự quan tâm đến số phận của mỗi người - nghĩa là chủ nghĩa nhân văn Xô Viết của chúng ta - đang trở nên mạnh mẽ và xuất sắc hơn.

Chưa ở đâu và chưa bao giờ văn học chiếm một vị trí cao cả và trách nhiệm như ở chúng ta. Ở các quốc gia tư sản, đại hội của các nhà văn là những cuộc tụ họp hạn hẹp, hạn chế hoặc những cuộc tranh luận vu vơ về chủ đề: tôi và cái gì đó. Đối với chúng tôi, đại hội những người viết văn là một sự kiện của cả nước. Chúng tôi mong đợi nhiều điều, và chúng tôi còn nhiều điều phải giải quyết. Chính phủ Liên Xô và Đảng đã đặt chúng ta vào một tình huống đáng chú ý. Chúng tôi đã không phụ lòng thương xót của các nhà xuất bản thương mại, và không có McCarthys nào lượn lờ  quanh chúng tôi. Bản thân người viết chúng ta nên thống nhất với nhau về cách làm việc tốt nhất cho chúng ta.

Chúng ta nên nhớ rằng sự phát triển của xã hội chúng ta trong hai mươi năm qua diễn ra nhanh chóng và rõ ràng hơn sự phát triển của văn học chúng ta. Điều này là tự nhiên; một ngôi nhà không bao giờ được xây dựng từ mái nhà xuống. Khi một xã hội đang trưởng thành, tự hình thành, đi lên vị thế, thì một nền văn học xuất hiện, thể hiện trọn vẹn đạo đức, hy vọng, đam mê của mình. Một nhà văn là một người có năng khiếu, sự nhiệt tình bên trong, tầm nhìn sáng suốt và sự nhạy cảm cao. Điều này cho phép anh ta bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của người dân của mình. Xã hội Xô Viết của chúng ta hiện đang ở một mức độ cao đến mức chúng ta có thể thấy trước một sự nở rộ bất thường của nền văn học của chúng ta.

Đại hội của chúng tôi không phải là một cuộc tụ họp kỷ niệm. Không, chúng tôi đang ở ngưỡng cửa, và chúng tôi vẫn cầu chúc mỗi chúng ta - những nhà văn từ tất cả các nước cộng hòa của chúng ta, những nhà văn đã thành danh và những người mới bắt đầu - thành công rực rỡ, đầy cảm hứng, táo bạo và chiến thắng.

Thưa các bạn!  
Kẻ thù của chủ nghĩa nhân văn, kẻ thù của sự tiến bộ, kẻ thù của các dân tộc đang cố gắng ngăn chặn hành trình của thời gian. Họ đang đe dọa nhấn chìm tương lai trong máu. Với tất cả sức mạnh của mình, chúng ta sẽ bảo vệ hòa bình, và nếu những kẻ điên rồ dám xâm phạm niềm hy vọng của toàn nhân loại, chúng sẽ gặp một dân tộc không chỉ có quân đội mạnh và nền công nghiệp tiên tiến; họ sẽ gặp một người có trái tim lớn và một nền văn học tuyệt vời. (Vỗ tay kéo dài.).

 
ĐOÀN TUẤN dịch  (từ tiếng Nga)

(1)


Chú thích bản tiếng Nga: Nicolai Nekrasov -1821-1878, làm một số bài thơ lãng mạn, nhưng không được phổ biến lắm. Theo lời khuyên của nhà phê bình Belinsky, Nekrasov chuyển sang thể loại ‘’Thơ ca công dân’’, trong đó ông miêu tả một cách hết sức thương  cảm nỗi đau khổ của người nông dân Nga. Từ năm 1846 đến 1866, Nekrasov là đồng sở hữu và là Tổng biên tập của tạp chí Sovremennik (Người đương thời). Tạp chí sau này trở thành tạp chí văn học hàng đầu của Nga, xuất bản các tác phẩm của Dostoevsky, Turgenev, Tolstoi, Belinsky, Chernyshevsky và Dobrolybov, cũng như của chính Nekrasov. Nhiều người cùng thời với ông – quen với những câu thơ tao nhã của Pushkin và Lermontov – đã bị sốc khi Nekrasov miêu tả hiện thực một cách chi tiết, nhịp điệu mới và ngôn ngữ trần tục. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Nekrasov là Ai là người sống hạnh phúc trên nước Nga ?, trong đó ông miêu tả hành trình của bảy người nông dân lang thang khắp nước Nga trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc con người).

Chia sẻ liên kết này...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com