Đoàn Tuấn: NHÀ NHIẾP ẢNH PHÓ VĂN HỢI - “ÔNG BỤT” LÀNG ĐIỆN ẢNH

 

ong-buyhut-lang-dien-anh-1

Nếu ở miển Nam có nhà báo Trần Thanh Phương giữ kỷ lục về việc sưu tầm và lưu trữ hàng ngàn bài báo về mọi đề tài thì ở miền Bắc, cụ thể là trong ngành điện ảnh, cũng có nhà báo Phó Văn Hợi, người lưu giữ hàng ngàn tấm ảnh về các bộ phim, các nghệ sỹ cũng như các hoạt động của ngành từ ngày đầu đến nay. Năm nay, bác Hợi đã 85 tuổi, nhưng bất kỳ ai, cần những tư liệu gì liên quan đến điện ảnh, bác đều đáp ứng một cách vô tư. Đến thăm bác, thấy tủ trên tủ dưới, ngăn này ngăn kia, hàng chục cuốn album về điện ảnh được sắp xếp đâu vào đấy. Nghe bác kể về tiểu sử từng tấm ảnh một cách chi tiết, rõ ràng với giọng nhiệt thành như thuở mới vào nghề, tôi càng cảm phục tình yêu điện ảnh của bác.

Không những lưu trữ tốt, bác còn là người được anh chị em trong nghề rất quý trọng. Sinh thời, nhà văn Hòa Vang, người đi bộ xuyên Việt và nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, lúc say cũng như lúc tỉnh, đều phong bác danh hiệu “Ông Bụt” của ngành. Tôi cũng hơi ngạc nhiên. Bởi nghề điện ảnh là một nghề thuộc dạng  “thứ dữ”, hầu hết những người sắc sảo, tinh tướng mới có thể tồn tại.  Nhưng bác Hợi làm nghề theo cách của bác.

Điện ảnh là ngành tổng hợp. Các chuyên gia Mỹ đã liệt kê, trong ngành điện ảnh có đến hơn 100 thứ nghề. Không kể những người ở “mặt tiền” như đạo diễn, diễn viên… mà sau đó, còn có hàng chục nghề khác như thợ điện, thợ may, thợ trang điểm, thủ quỹ, lái xe… Và mỗi đoàn phim  ít ra, cũng phải có một vài phóng viên chuyên chụp ảnh nữa. Bác Phó Văn Hợi làm phóng viên ảnh từ ngày đầu vào nghề cho đến lúc về hưu. Tôi hỏi: “Sao bác chọn nghề này?”. Bác trả lời: “Vì mình thích. Hồi nhỏ, xem nhiều phim lắm. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nhân dân, mình ghi nguyện vọng vào ngành điện ảnh. Và được chấp nhận”. Bác còn nói: “Cả đời tôi lăn lộn với điện ảnh”.

Lăn lộn như thế nào?

Bác kể: “Tôi làm công tác tuyên truyền và phát hành phim. Năm 1965, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, tôi được phân công vào tuyến lửa khu Bốn. Tuổi trẻ mà, ra ga Hàng Cỏ. Lên đường đi ngay. Nhưng anh biết không, trong chuyến đi ấy, có những anh giả vờ lên nhầm tàu. Anh ta cũng làm lễ chia tay gia đình, cơ quan đàng hoàng. Nhưng khi ra  ga, lẽ ra phải lên tàu vào Nam, nhưng anh ta lại cố tình lên con tàu chạy về phía Bắc. Giả vờ nhầm. Khi tàu đến ga Yên Viên, ngay bên Gia Lâm, anh ta lại  hốt hoảng. Đòi dừng. Xin xuống. Trong khi con tàu đưa tôi đang băng băng lao về tuyến lửa”.  Trời, một chi tiết quá hay để xây dựng nhân vật đảo ngũ. Kể chuyện này, bác Hợi và tôi cùng cười vang.

Vào khu Bốn, bác cùng các đội chiếu bóng chiếu phim, chụp ảnh phục vụ quân dân miền đất lửa. Chiếu phim cho các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong và bà con dưới tầm bom đạn, trong địa đạo. Chụp ảnh những cảnh sinh hoạt của các đội chiếu bóng cũng như của quân dân bám trụ nơi này. Tôi hỏi: “Bác suýt chết mấy lần?”. “Nhiều chứ! Lần nguy hiểm nhất ở Vĩnh Linh. Pháo địch từ bờ Nam bắn sang. Tôi đang đi chụp ảnh. Một quả đạn lao thẳng vào tôi. Tôi chỉ kịp thu máy vào ngực, nằm sấp xuống. Quả đạn nổ ngay sát đầu. Nhưng may sao, mảnh của nó tóe sang hai hướng”.

Trong những năm tháng khốc liệt đó, các đội chiếu bóng đã căng mình làm công tác tuyên truyền, phục vụ quân dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh. Họ chiếu phim cho các đơn vị  hành quân qua đây, đi vào cũng như đi ra. Họ chiếu phim cho những đơn vị ngày mai bước vào trận đánh… Giá trị của những bộ phim tuyên truyền thời đó được những đội chiếu phim tiếp sức, có sức mạnh ngang những binh đoàn, nâng bước những người con cảm tử hiến thân cho Tổ quốc. Nhiều cán bộ chiếu phim đã đổ máu và nằm lại nơi này. Năm 1967, hai người đội trưởng các đội chiếu phim là ông Trần Văn Giảng và ông Nguyễn Văn Thuyên đã được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng.

Nhưng bác Hợi của tôi vẫn không có danh hiệu gì. Khi vào, mang theo chiếc máy ảnh Praktica. Sau bốn năm, khi ra, vẫn mang theo chiếc máy ảnh đó. Khác chăng, là kho tư liệu hàng ngàn bức ảnh để làm triển lãm về Điện ảnh khu Bốn kiên cường trong lửa đạn.

Trở về Hà Nội, bác Hợi vẫn tiếp tục làm công tác nhiếp ảnh. Nhưng không chỉ có chụp mà làm mọi công việc về ảnh. Chẳng hạn, từ chiến trường Nam bộ, đạo diễn Hồng Sến gửi ra bộ phim tài liệu Đường ra phía trước, chưa in tráng; hay từ chiến trường Quảng Đà, nhà quay phim Trần Thế Dân gửi phim âm bản Những người săn thú trên núi Đắc Sao ra miền Bắc, bác Hợi tham gia công việc in tráng, làm áp-phích, làm ảnh phim để gửi đi các Liên hoan phim quốc tế. Kết quả là các phim ấy đều lần lượt nhận Huy chương Vàng  thể loại Tài liệu tại Liên hoan phim Quốc tế  Moscow các năm 1969 và 1971. Ngoài ra, bác còn làm công việc chụp nhiều ảnh cho các diễn viên và làm ap-phích cho nhiều bộ phim truyện của ta để mang đi các nước dự Liên hoan phim. Người cùng phim đi dự các ngày hội Điện ảnh tưng bừng. Nhưng bác Hợi vẫn lặng lẽ ở lại làm công việc của mình.

Hỏi bác có thú vị không? Bác cười: “Thú vị chứ! Dạo ấy, các diễn viên cúa hay đến nhà tôi. Đòi chụp  ảnh. Nhà tôi ở 65 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Các cô ấy đến, ai cũng ăn mặc đẹp. Lại còn xách theo mấy túi quần áo nữa. Chụp ảnh ngay trong nhà thôi. Làm gì có studio như bây giờ. Các cô tíu tít kéo rido thay quần áo. Bà xã nhà tôi, đi chợ về. Thấy thế, cũng coi như chuyện bình thường”. Tôi hỏi: “Sao bác gái không ghen?”. “Bà nhà tôi là họa sĩ. Công tác ở xưởng phim hoạt hình. Hơn nữa, bà ấy hiểu tính mình. Tuy lãng mạn nhưng lại rất nghiêm túc”.  Tôi được bác cho xem nhiều bức ảnh chụp các siêu sao nổi tiếng ở những tư thế khá gợi cảm, theo yêu cầu của họ. Tất nhiên, bác Hợi không nỡ chối từ. Nhưng bác biết vị trí của mình. Không bao giờ vượt qua lằn ranh đỏ. Điều này, tôi rất tin bác. Dù biết bác đã lâu, nói chuyện rất có duyên, cười hóm hỉnh và đặc biệt, gương mặt bác tỏa ra ánh sáng đôn hậu, nhân từ.

Tôi thấy lạ một điều, sao bác chưa vào Đảng? Bác cười, mắt hấp háy: “Nhưng mình lãnh đạo Đảng viên đấy chứ!”. “Bằng chứng nào?”. “Thì bà xã mình là đảng viên. Mình lãnh đạo vợ mình mà!”. Sau nhiều lần tâm sự, câu chuyện của chúng tôi mới đi vào chiều sâu lắng đọng. Bác kể, mấy lần, chi bộ cơ quan muốn kết nạp bác, nhưng lần thì bác thấy, có người khai man lý lịch; lần khác, lại thấy có người cơ hội quá, bác đành xin rút. Tôi hiểu bác. Một con người luôn trung thực, luôn có niềm tin vào những gì tốt đẹp, nguyên sơ như thuở ban đầu, thường khó chấp nhận những gì dối trá, giả tạo.  “Mình làm một người tốt cũng đủ rồi”. Bác tự nhủ. Nói vậy thôi, bác Hợi nhiều năm được bầu là Chiến sỹ Thi đua của Bộ Văn hóa. Trong cái tủ kính nhà bác, có cả một lọ đựng các loại huy hiệu, huy chương của ngành trao tặng. Bác lại đùa: “Huy chương của tôi có hàng vốc!”.

Tuy về hưu đã hơn hơn chục năm, nhưng bác vẫn gắn bó với ngành điện ảnh. Tạp chí Thế giới điện ảnh của chúng tôi, thiếu ảnh nghệ sỹ nào, ảnh gì, gọi điện cho bác, đều được bác giúp vô tư. Thỉnh thoảng, bác lại đi xe bus đến tạp chí chơi với anh  em chúng tôi. Thậm chí, Ngày Nhà báo, bác còn mua hoa tặng.

Nhiều năm, bác cùng nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Ngọc Chương đi về các tỉnh Hà Bắc, Bắc Ninh… để tìm giếng Việt. Bởi các sử thi của người Việt, người Mường, người Tây Nguyên… đều có hình ảnh nguồn nước - giếng cổ. Những giếng cổ gắn liền với núi, với đền chùa. Trong quá trình đi điền dã ấy, bác Hợi đã chụp được tấm ảnh quý.  Đó là một buồng cau lớn với giàn trầu sum suê bao quanh. Bức ảnh bác chụp như chứa đựng hồn vía thâm tình của đất nước và con người Việt Nam bền vững qua bao thế kỷ bão giông. Thấy tôi thích, bác làm một phiên bản, đóng khung kính cẩn thận, mang đến tòa soạn tặng. Cử chỉ “nước chảy ngược” của nhà nhiếp ảnh lão thành, tôi mãi không quên.

Khi bác gái ốm nặng, một mình bác, suốt 5 năm trời,  tận tình chăm sóc. Không một lời phàn nàn. Đến thăm bác, thấy bác sống một mình. Nhà cửa gọn gàng. Trên lầu, bên giường ngủ, bác treo bức tranh lớn Cá chép trông trăng. Đó là một trong những bức tranh dân gian đẹp nhất. Trong phòng luôn có không khí tĩnh lặng, bình yên. Trong nội tâm con người cũng luôn dâng đầy cảm xúc. Và vầng trăng in trong đáy nước, như thực, như mơ. Nhưng bác Hợi còn ý nhị ở chỗ, giữa vầng trăng ấy, bác dán tấm ảnh nhỏ, phải nhìn kỹ mới thấy. Đó là tấm ảnh bác cùng bác gái, thuở mới yêu nhau, cùng bơi thuyền trên Hồ Tây.

Làng Điện ảnh luôn sôi động. Làm phim, phát hành, chia tiền, chức tước, danh hiệu, chạy đua các giải thưởng v.v… khiến con người luôn cảm thấy bất an,  cả đến khi về già. Nhưng riêng bác Hợi, tôi luôn cảm thấy, đó là một người hạnh phúc. Bác sống và làm việc chỉ với tư cách người chụp ảnh. Trong kỷ yếu của Hội Điện ảnh, bác chỉ nhận mình là nhà báo bình thường. Nghĩ về bác, tôi thường nhớ đến một bài thơ của nhà thơ Nga Evgheni Evtusenco do nhà thơ Bằng Việt dịch:

"Không có ai tẻ nhạt trên đời / Mỗi số phận chứa một phần lịch sử /Mỗi số phận rất riêng dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu / Dẫu anh sống suốt đời lặng lẽ/ Cứ như thế lặng im không tô vẽ cho mình / Thì chính cái lặng im nhường ấy / Biến anh thành đáng nhớ với xung quanh".

Đ.T

(nguồn: Báo ANTG giữa tháng - số 150 tháng 7.2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com