NGỘ VĂN BAN: CHÍ CHÓE CHUỘT NĂM TÝ

clip_image001xxxxxxxxxxxxxx

 

CHÍ CHÓE CHUỘT NĂM TÝ

NGÔ VĂN BAN

 

Thứ nhất đom đóm vào nhà

Thứ hai chuột rúc, thứ ba hoa đèn

Nghe chuột rúc, theo người xưa là điềm báo sự may mắn sẽ đến. Con chuột, một con vật đã đem đến cho loài người biết bao dịch họa, như dịch hạch, phá hoại mùa màng, đào hang làm vỡ đê…, là mối hiểm họa ở các kho hàng, trên tàu biển, trong nhà. Chúng đụng đâu là cạp, gặm, khoét, xé, xoi … tới đó. Chúng làm hang, làm ổ đẻ tứ tung. Con vật như thế, khi rúc lên, lại đem đến điều may mắn cho con người sao? Lại nữa, một con vật mà trong câu đố dân gian đã nói lên tính cách không gì tốt đẹp cả: vừa bằng quả mướp, ăn cướp cả làng. Thế mà, lạ thật, trong 12 con giáp, chuột lại đứng đầu.

12 con vật trong 12 con giáp (Tý: chuột; Sửu: trâu; Dần: cọp; Mão: mèo, Thìn: rồng; Tỵ: rắn; Ngọ: ngựa; Mùi: dê; Thân: khỉ; Dậu: gà; Tuất: chó; Hợi: heo), các con vật thuộc loài có 4 chân thì chuột là loài nhỏ con nhất và cũng không hung dữ, mạnh mẽ như cọp, không linh thiêng như rồng, không chạy nhanh như ngựa, không nhanh nhẹn như khỉ, không to tiếng như gà, đó chưa kể thịt chuột ít ai ưa thích như thịt heo, thịt gà, thịt dê, thịt chó … nhưng lại đứng đầu 12 con giáp. Có vài truyền thuyết lý giải điều đó, mới thấy sự gian giảo, tinh ma của giống vật nhỏ con này. Khi Thượng đế tổ chức các con vật chạy thi để phân ngôi thứ suốt 12 tháng trong một năm, chuột thấy con trâu chạy đầu bèn nhảy lên lưng trâu, và khi đến đích, chuột vội phóng lên phía trước. Thế là con trâu phải đứng thứ nhì. Có truyện cho rằng khi trâu chạy gần đến đích, chuột bò xuống đuôi trâu, cắn mạnh vào đuôi. Trâu đau quá, quất đuôi ra trước. Thế là chuột được trâu quăng tới đích.

Theo các nhà nghiên cứu, người xưa chọn con chuột, sống trong hang hốc, giữa tranh tối tranh sáng, biểu tượng cho thời kỳ đất trời hỗn mang, khi âm dương chưa định, tối sáng chưa phân, nên cho chuột đứng đầu 12 con giáp. Còn tại sao tháng Giêng không phải là tháng Tý mà là tháng Dần, còn tháng Tý là tháng 11 âm lịch. Cũng theo truyền thuyết, cho rằng Thượng đế chọn 12 con vật để phong cho chúng là Nguyệt thần (Thần của tháng), thì Cọp và Mèo đến trước, Chuột và Trâu đến sau. Cọp dùng sự hung dữ của mình hù dọa Chuột và Trâu để tranh ngôi hàng đầu cùng với Mèo. Còn Chuột và Trâu sợ quá, chạy tán loạn, đến Thiên đình trễ nên bị xếp vào việc cai quản các tháng cuối năm.

Chuột sống ở khắp nơi, trên rừng, đồng bằng, trong nhà, ngoài đồng, trong hang, trên cây …. và có mặt trên khắp các đại lục, trừ miền băn giá Nam và Bắc cực. Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 1.500 loài chuột, với 200 giống, hợp thành 13 họ. Riêng ở nước ta, sơ sơ cũng có 30 loài được đặt tên. Chỉ bằng một câu đố dân gian của người Việt cũng gom được bốn con thuộc loại gậm nhấm được chỉ mặt đặt tên: Bốn anh cùng ở một nhà/ Cùng sinh một giống, cùng ra một mình/ Một anh thì đỗ Cống sinh/ Một anh quỷ quái như tinh trong nhà/ Một anh thói xấu thối tha/ Một anh ăn vụng cả nhà đều ghen. Đó là bốn “anh chuột” có tên: Cống, Lắc, Chù và Đồng. Ngoài ra, ta cũng có thể biết được nhiều “anh chị chuột” khác đang sống quanh ta: Bạch, Chũi, Đất lớn, Đất nhỏ, Đồng lớn, Đồng nhỏ, Khuy, Lắt (nhắt) núi, Lắt nương, Lắt tre, Lắt rừng, Lắt cây đuôi dài, Lắt trắng, Lắt lang, Cà xốc, Choắt, Bóng, Bụng kem, Bụng trắng, Nhà, Hang, Dừa. và chăc còn một số nữa.

Cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu, trong bài Thảo thử hịch đã miêu tả loài chuột, không những chỉ danh, nơi ăn chốn ở mà còn nêu bật lên tính cách của chúng nữa: “Lông mọc xồm xàm; Tục kêu xù lắt. Tánh hay ăn vặt; Lòng chẳng kiêng dè. Chỗ ở ăn hang lỗ nhiều bề; Đường qua lại đào ra hai ngách. Nghe hơi động vội vàng chạy mất, nhát quá mẹ cheo; Chờ đêm khuya sẽ lén lút nhau, liến hơn cha khỉ. Gọi danh hiệu: chuột xạ, chuột lắt, chuột xù, chuột cống, anh em dòng họ nhiều tên; Tra quán chỉ: ở nhà, ở ruộng, ở rạch, ở ngòi, bầu bạn non sông lắm lối. Lớn nhỏ răng đều bốn cái, ăn của người thầm tối biết bao nhiêu; Vắn dài râu mọc hai chia, vắng mặt chủ lung lăng đà lắm lúc …”. Tác giả còn kể tội, lên án loài chuột: “Túi Đông Pha [nhà thơ Trung Quốc Tô Thức] từng bữa tha gừng; Ruộng Đông Quách ghe phen [nhiều lần] cắn lúa. Nếp gạo của trời nuôi mạng, ăn phá rồi còn kéo xuống hang; Nệm mền của chúng che thân, cắn nát hết lại tha vào lỗ. Hoặc nằm ngữa cắn đuôi tha trứng vịt, gây nên thằng tớ chịu đòn oan; Hoặc leo dây ngóng cổ gặm giò heo, để án con đòi [người giúp việc]  mang tiếng khổ. (…). Ghe phen trách quần hư áo lủng, vì miệng ai cho nên chồng vợ giận nhau; Nhiều chỗ than vách ngã thềm xiêu, vì miệng ai cho nên cha con dức bẩn [chửi mằng trong nhà]. Nền xã tắc là nơi báo bổ, can chi mi đào lỗ đào hang; Chốn miếu đường là chỗ thanh tân, cớ chi mi cắn màn cắn sáo …”.

Người ta cho rằng răng chuột nếu không cắn xé để bào mòn thì răng sẽ mọc dài ra. Chuột là loài gặm nhấm, loài đặc trưng bởi một cặp răng cửa ở hàm trên và hàm dưới. Thường thì răng của các loài động vật sẽ mọc ra đến một độ dài nhất định rồi dừng lại. Tuy nhiên đối với tất cả những loài thuộc bộ gặm nhấm, trong đó có loài chuột, thì răng cửa của chúng luôn dài ra, một tuần có thể dài đến vài mm.Những nơi chuột cắn phá thì sẽ có một đống vụn nhỏ lưu lại ở bên cạnh, đó là vụn răng của chuột. Và những vụn răng này xuất hiện từ việc chúng sử dụng những đồ vật cứng để mài răng của mình, chúng phải mài liên tục để giúp nó làm giảm đi chiều dài của cặp đôi răng cửa một ngày một dài ra. Một con vật mình bằng quả chuối tiêu/ Cơm hẩm cá thiu/ Gặp thì ních tuốt, thật dễ sợ!

Dân gian có bài Vè con chuột miêu tả việc cắn phá lúa của nó lại càng dễ sợ hơn nữa: Nghe vẻ nghe ve/ Nghe Vè con chuột/ Cái thân đậm đuột/ Như thể ống tre/ Cái đuôi ngo ngoe/ Ai thấy cũng sợ/ Bao ngày núp bụi núp bờ/ Tối trăng mờ mờ/ Rủ nhau đi cắn/ Thấy lúa trổ trắng/ Trong bụng cũng mừng/ Nó cắn cầm chừng/ Một ngày một mẫu. Người làm nông thật khốn khổ vì lũ này: Làm ruộng cực khổ/ Lúa mới đòng đòng/ Nó cắn sạch trơn/ Vừa ăn vừa bỏ/ Hình thù nó nhỏ/ Dòng họ nó đông/ Đông nghẹt ngoài đồng/ Binh tôm tướng cá/ Bằng ngày độn thổ/ Chạng vạng bò ra/ Men theo bụi bờ/ Miệng kêu chưn chạy/ Ai mà ngó thấy/ Ớn lạnh da gà/ Vô số hằng hà/ Dài hơn cây số/ Lao nhao nhố nhố/  Tối tối mờ mờ/ Người mà ngủ mê/ Nó bò tới gặm/ Bằng ngày khép nép/ Tối lại thành tinh/ Như là âm binh/ Rủ nhau ra cắn/ Cái đồ gặm nhấm/ Cắn hủy cắn hoài/ Mặt dạn mày dày/ Cắn hoài cắn hủy/ Cắn cho mút chỉ/ Ruộng đất trắng bờ/ Sáng ra ngẩn ngơ/ Còn ba hột lép… Ngay người Trung Quốc xưa cũng đã nhận biết loài chuột tàn phá lúa gạo như thế nào rồi. Điều đó thể hiện trong chữ THỬ là chuột, còn lưu trong chữ giáp cốt văn là chữ được khắc trên yếm rùa hay trên xương thú đời nhà Thương:

Ta thấy trên chữ giáp cốt văn này có 3 chấm, đó là 3 hạt lúa hay ba hạt gạo chuột đang ăn.

RANG-CHUOT

Ngày xưa, răng trẻ tự rụng hay được nhổ, có tục lệ đổi răng cho ông Tý, bằng cách hể răng  hàm dưới rụng thì ném răng lên mái nhà, răng ở hàm trên rụng thì ném răng xuống gầm giường, mái nhà hay gầm giường là nơi chuột thường chạy qua hay lưu trú. Người ném răng vừa ném vừa đọc mấy câu ngộ nghĩnh để gọi Ông Tý tới làm lễ … trao đổi, khác nào bài chú của thầy phù thủy: Chít chit! Chuột Chuột! Mày cho tao cái răng vừa dài vừa nhọn/ Tao cho mày cái răng vừa nhọn vừa dài/ Tao đổi răng mày/ Mày đổi răng tao. . .và đó cũng là ước vọng mau mau có răng mới.

Chuột được coi là loài thông minh. Như muốn ăn mỡ trong lọ, trong chai miệng hẹp, chuột thọc đuôi vào cho mỡ dính vào đuôi, kéo đuôi ra, chuột liếm mỡ dính trên đuôi. Chuột ăn cắp trứng, chuột nằm ngữa ôm trứng, con khác nắm đuôi kéo về tổ. Chuột đào hang trú ẩn bao giờ cũng cũng có hai, ba lỗ thoát dự phòng…

Cũng như các loài vật khác, chuột cũng có kẻ thù. Kẻ thù của chuột không ngoài con mèo. Con người nuôi mèo chủ yếu là để trừ chuột, súc miêu phòng thử [nuôi mèo phòng chuột], hay nuôi chó giữ nhà, nuôi mèo bắt chuột là thế! Giữa chuột và mèo có một mối thù truyền kiếp. Chuyện dân gian cho rằng khi Thượng đế tuyển chọn 12 con vật, mèo nhờ chuột ghi danh hộ, nhưng chuột lại quên (hay cố tình quên). Từ đó, mèo chuột kết thành thù hận và thấy chuột đâu là mèo không tha, phải rình, vồ cho được. Nhìn mèo rình chuột, ta thấy được sự kiên nhẫn, tận tâm của nó.

Từ đó, con người thường ví von rình như mèo rình chuột. Họ nhà mèo cũng đã phân công: Mèo nhỏ bắt chuột con/ Mèo lớn bắt chuột lớn. Nhưng mèo muốn bắt chuột không phải dễ: Con mèo, con mẽo, con meo/ Muốn ăn thịt chuột phải leo xà nhà.mèo khen mèo dài đuôi thì chuột (cũng) khen chuột nhỏ dễ chui, dễ trèo. Ngay như: Chuột sa chỉnh gạo/  Chẳng biết đường ra/  Chuột khóc chuột la/ Chuột kêu chí chóe/ Mèo nghe thấy thế/ Vội đến nấp rình/ Nhưng mắt chuột tinh/ Chuột bò lẩn mất. Nhưng không phải mèo nào cũng siêng năng bắt chuột, hay trổ nghề bắt chuột giỏi, mà có mèo bắt chuột không hay lại hay ỉa bếp, hay “quan liêu”, lười biếng theo kiểu: Mèo rình bồ lúa vênh râu/ Thấy con chuột chạy, ngóc đầu … kêu ngao! Nói mèo lười hay mèo … đồng lõa với chuột thì chỉ có … chuột mèo biết, trời biết, vì cũng có khi miêu thử đồng miên (trong Kinh Thi Trung Quốc), mèo chuột ngủ với nhau thì đó là sự đồng tình, liên kết, móc ngoặc, không sát hại nhau … đã đưa đến biết bao sự tai hại. khi mèo đến tuổi già ,sức tàn lực kiệt thì thế nào cũng thua gan chuột nhắt.

Tuy thế, không phải chuột nào cũng giỡn mặt được với mèo, vì sắc nanh chuột cũng không dễ cắn được cổ mèo, hay chuột khôn có mèo hay, và cũng thật liều lĩnh, nguy hiểm khi chuột gặm chân mèo, hay chuyện khó xảy ra: chuột cắn dây buộc mèo, nếu không có ý định giúp cho kẻ thù có điều kiện sát hại mình và đồng loại.

Mắt của loài mèo thật xanh, như tục ngữ ta đã truyền: Xanh như mắt mèo. Mắt mèo có mãnh lực thôi miên được chuột, như mắt cọp mà cụ Phan Văn Trị đã miêu tả: Chợt ngảnh mắt hùm nhìn trực thị/ Chi cho lũ chuột dám vang reo. Loại mèo thường ngủ ngày, đêm đi rình chuột, chúng có đặc tính sinh học là mắt cực tinh trong đêm tối và có phản xạ nhanh gấp khoảng chín mười lần con người. Cho nên lũ chuột dù có căm thù mèo, nhưng vẫn ca tụng mèo: Mắt mi xanh sáng như sao/ Móng mi bén ngót, tiếng ngao dậy trời. Khi bắt được chuột, trước khi thưởng thức món ngon hợp khẩu, mèo có thú là vờn con mồi, lúc thì buông ra, lúc thì vồ chụp lấy làm con mồi hốt hoảng, mệt nhoài, nên dân gian có câu: vờn như mèo vờn chuột là thế!

Muốn được an thân, chuột phải ra sức phục vụ mèo: Con mèo trèo lên cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đàng xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo. Thật sự mèo có “hỏi thăm chú chuột” không hay có ý đồ khác? Cũng thật là lạ, vì mèo có bao giờ leo cây cau … thăm chuột bao giờ đâu, mèo trèo lên cây cau bắt chuột thì có! Cho hay, những kẻ yếu hèn luôn muốn cúc cung tận tụy, phụng sự bề trên (mua mắm mua muối giỗ cha con mèo), nhưng kẻ có quyền lực có tha chết bao giờ? Cũng như dân gian có câu mèo khóc chuột già, giả vờ từ bi thì đó là sự thể hiện đạo đức giả tạo mà thôi, mèo nào lại tha chuột, vì xưa nay ai cũng biết ghét nhau như mèo với chuột. 

Tranh Tết dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống có tranh mang tên “Trạng Chuột vinh quy” và có một dị bản mang tên “Đám cưới chuột”. Cả hai bức tranh diễn tả đàn chuột muốn yên thân đi lại dễ dàng trong việc rước tiến sĩ về làng hay rước dâu về nhà chồng, nên phải trống kèn, lễ vật đến hối lộ cho chú mèo đang vễnh râu, trưng mắt ngồi chờ của hối lộ dâng lên. Đó là tệ nạn hối lộ, tham nhũng mà thời nào, xứ nào cũng có.

Chuột sợ mèo bắt ăn thịt nên lũ chuột họp Hội Đồng Chuột do Chuột Cống chủ trì để tìm cách đối phó. Sau khi bàn cãi nhiều ngày mà chẳng tìm ra cách nào, cuối cùng Chuột Cống kết luận, thấy mèo thì bỏ chạy, “tẩu vi thượng sách” là hơn cả. Chuột Cống đề nghị sắm cái chuông (lục lạc) đeo vào chân hay cổ mèo, khi mèo di chuyển, nghe tiếng chuông, chuột lẩn tránh nhanh, như thế an toàn hơn. Ý kiến này được Hội Đồng Chuột rất hoan nghênh, vỗ tay suốt mấy mươi phút. Nhưng vấn đề nan giải là chuột nào đem chuông cột vào chân hay vào cổ mèo? Chuột trẻ đùn cho chuột già vì chuột già nhiều kinh nghiệm, chuột già đùn cho cho chuột trẻ vì chuột trẻ đầy nhiệt huyết, đầy sinh lực… Trên nhường dưới, trẻ kính già, chẳng ai xung phong làm nhiệm vụ cả. Thế là Hội Đồng Chuột giải tán và cái cái chuông chưa bao giờ buộc vào cổ mèo cho đến ngày nay. Hội Đồng Chuột là thế!

Con người, tuy ghét chuột, thù chuột, nhưng cũng rất … sợ chuột, nhất là người nông dân. Chuột phá hoại mùa màng, con người cố sức diệt cũng không hết. Do đó, ngày xưa, người nông dân với sự tin tưởng thần linh cố hữu trong đầu óc, họ nghĩ rằng nên thờ cúng chuột, may ra chuột sẽ không phá hoại công sức, tài sản của họ tạo ra, nên họ lập ra những miếu thờ, dân gọi là Miếu Chuột và luôn gọi chuột bằng Ông, Ông Tý, Ông Thiêng cũng như gọi cọp bằng Ông Hùm, Ông Dài, Ông Ba Mươi … Vì: Ngày mai có lúa lăn tăn/ Con chuột nó rúc thì ăn bằng gì?

Kẻ thù của chuột ngoài mèo còn có rắn (người nhậu rắn quá nhiều, chuột rất vui mừng), chó, chồn, diều hâu, chim lợn, chim cú. Chim cú thì ban ngày ngủ lim dim/ ban đêm đi lùng chuột. Mèo là kẻ thù truyền kiếp của chuột như ta đã biết, nên loài chuột luôn mơ ước: Giết một con mèo cứu vạn con chuột. Tuy thế, loài chuột vẫn coi con người là kẻ thù chính, kẻ thù ghê gớm nhất. Vì con người không những dùng đủ mọi cách để diệt chuột (bẫy chuột, hun khói, dùng thuốc, keo dính, chế “mèo điện” đuổi chuột) hay dùng thịt chuột làm thức … nhậu, mà còn “độc ác” hơn nữa là đem tên, đem tính cách, hình dáng của chuột ra để ví von, ám chỉ, so sánh nhằm phê phán, chỉ trích một “bộ phận người” không tốt đẹp trong cộng đồng xã hội loài người. “Bộ phận người” đó, không ngoài những hạng người sau:

Những kẻ tham ô, đục khoét của công là thuộc loài gậm nhấm như chuột. Lại còn có kẻ “trợ giúp” những kẻ này nữa: Bắt đường cho chuột lên kho, rồi chỉ đường cho chuột chạy nữa để khỏi bị trừng phạt, vì “nhà chuột” đầy “thế lực”, “dây mơ rễ má” khắp nơi cả, có thể “chạy” được:  ... Bí ngô là cô đậu nành/ Đậu nành là anh dưa chuột/ Dưa chuột là ruột dưa gang Nhưng làm sao che giấu được những hành vi đầy tội lỗi của mình, ví như chuột chạy trong ruộng cứ tưởng là không ai thấy, nhưng đó là ruộng xấu, lúa không phát triễn được, thân cây thấp, nên chuột lẩn nhanh trong ruộng đó vẫn bị hở lộ cái đuôi, nên dân gian có câu chuột chạy hở đuôi là thế! Cón có lúc cháy nhà ra mặt chuột nữa.

Những kẻ lí lắc không nên nết được cho là những kẻ làm bộ chuột, làm mặt chuột. Những người hay sinh sự, chỉ chọc thì bị mắng là quân thọc chuột. Còn chuột sa chỉnh gạo, chuột sa hũ nếp, chuột sa lọ mỡ thì được gán cho những kẻ không tài cán gì, chỉ gặp may, sống trong cảnh nghèo khó may lấy được chồng hay vợ giàu có, coi như đào được mỏ vàng, mỏ bạc, nhưng sa vào có ra được hay không là cả một vấn đề. Tuy nhiên, nếu chuột sa vào cũi mèo, nơi nhốt mèo thì đó là sa vào tình cảnh nguy hiểm, khó an toàn tính mạng..

Có những người ăn thì nhiều, lương bổng nhiều, quyền lực nhiều mà không làm gì cả, hay làm cho có lệ, thì thế nào cũng bị phê phán: Ăn to như đầu heo, làm việc như đuôi chuột. Những thứ như vậy chẳng làm nên chuyện gì, như chuột bầy đào không nên hang. Lại còn có nghịch lý: Con chuột kéo cày liên hồi/ Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong (cong là đồ đựng bằng sành), xã hội loài người cũng có những nghịch lý đó, đó là những kẻ ngồi mát ăn bát vàng.

Những người giả nhân giả nghĩa chẳng khác gì chuột đội vỏ trứng, che giấu bản chất xấu xa bằng cái mã tốt đẹp, hào nhoáng bên ngoài để làm điều bậy bạ, cho đến khi cháy nhà ra mặt chuột thì bỏ chạy như chuột, bỏ trốn như chuột. Như Cụ Phan Châu Trinh trong bài thơ Cháy nhà ra mặt chuột đã cho rằng: Nước lửa khỏa trời khôn núp bóng/ Ngách hang túng đất phải trồi thây/ Ống tre nổ toác trông đâu nữa/ Bồ nếp tan hoang đến nỗi này.

Lại có kẻ giả nhân giả nghĩa, nhưng làm bộ kiểu cách để rồi không được gì, chỉ tổ làm cho kẻ xấu thêm hưởng lợi, làm cách sạch ruột, làm chuột no bụng.

Trong các loài chuột, chuột chù hay chuột xạ là loài chuột tiết ra mùi hôi thối đến độ mèo cũng chê, không ăn thịt. Vì có đặc điểm như thế, nên con người thương đưa hình ảnh con chuột chù ra để ví von, so sánh, ám chỉ những hạng người, những sự kiện, những hành động mang tính cách xấu xa, hèn kém, đến nỗi người khác không chịu được. Tuy có kẻ hôi như chuột chù nhưng có biết mình như thế đâu mà đi chê bai kẻ khác: Chuột chù chê cú rằng hôi, hay chuột chù chê khỉ rằng hôi, khỉ lại trả lời: Cả họ mày thơm? Nhưng đừng tưởng chuột chù có … mặc cảm, chuột chù đã từng cho rằng: Chuột chù rúc rích ngoài sân/ Mèo muốn tới gần mà chuột … chẳng cho. Mèo nào lại thích ăn con chuột hôi như thế?

Con người thường ví những người thường thêu dệt chuyện người khác, nói những điều không thực, đó là hạng chuột chù: Ghét nhau thêu dệt trăm điều/ Chuột chù, tổ cú toàn điều nói ngoa. Tuy nhiên, chuột chù  cũng có ích vì chuột chù thuộc loại ăn sâu bọ nên cũng giúp người nông dân bảo vệ mùa màng. Hơn nữa, chuột chù không … cô đơn, không bị ruồng bỏ: Con gì rọt rẹt sau hè/ Hay là con rắn mối tới ve chuột chù? Lại còn có những người tin: Chuột chù rúc, nhà phát tài/ Chuột cống rúc, nhà có việc. Trong ẩm thực, chuột chù cũng là một thực phẩm được người Trung Quốc ưa thích. Họ cho rằng thịt của chuột chù ăn ngon hơn cả các giống chuột khác. Giống chuột này sở dĩ có mùi hôi vì bộ lông.

Nếu thui thật cẩn thận, lột da cạo lông thật kỹ thì thịt của nó cũng ngọt và thơm như chuột đồng. Chuột đồng cũng là một món ăn “khoái khẩu” của một số đông người Việt ta. Chuột đồng sinh sản và sống quanh năm trên những cánh đồng. Chúng sống trong hang tự đào với nhiều ngõ ngách theo những bờ ruộng. Khi lúa trên cánh đồng màu xanh phủ kín là lúc chuột bò ra để kiếm ăn. Khi lúa trổ đòng đòng, dòng họ nhà chuột tha hồ phá lúa, vừa ăn, vừa cắn phá. Khi lúa đã cắt hết, những hạt lúa rơi rụng cũng là thức ăn cho chuột. Chính thời điểm này (khoảng tháng 11 âm lịch), chuột đồng rất mập, no tròn, béo bở, có con to bằng bắp tay người lớn. Chuột đồng gọi là chuột dừa là khi mùa vụ kết thúc, đồng áng khô hạn, gia đình nhà chuột kéo nhau vào vườn trú ngụ trên những đọt dừa. Những quả dừa già, dừa non là thức ăn của chúng và cũng là phương tiện cho dòng họ chuột đua tài khoét, moi, cắn xé … để mài răng.

Dân khoái thịt chuột đồng làm ra bài vè này: ... Xào xào rô ty/ Sả ớt cà ry/ Ngon hơn gà ếch/ Bằm nướng lá lốt/ Nấu chua lá giang/ Cặp gắp nướng than/ Mùi thơm dậy xóm/ Hon với đậu phọng/ Um với cốt dừa/ Ôi thôi khỏi chê/ Ăn rồi phát mê/ Không ăn thứ khác/ Trời mưa lất phất/ Chuột chạy đen đồng/ Tối ngày gầy sòng/ Nhậu say bí tỷ/ Nhậu thịt ông Tý/ Ngất ngưỡng khật khù/ Tới chừng tỉnh ra/ Ròng ròng nước mắt/ Âm binh trốn mất/ Đồng ruộng láng le/ Coi như mất hết/ Nhậu chuột tới chết/ Vẫn còn chuột đồng/  Ai ơi đừng mong/ Tiêu diệt hết chuột/ Nên còn nhậu lai rai/ Còn nhậu dài dài…Loài người thích ăn thịt chuột như thế làm sao chuột không coi con người là kẻ thù được?

Trong quan hệ tình cảm giữa đôi trai gái, hình ảnh con chuột cũng có mặt. Hình ảnh con chuột như là một cái cớ để đôi trai gái phê phán, chê bai nhau: Mẹ em để em trong bồ/ Anh nghĩ chuột lắt, anh vồ đứt đuôi. Trong hôn nhân xưa, việc thách cưới của nhà quá lớn làm chàng trai không đáp ứng được, đành than thở với người yêu đầy … mỉa mai, châm chọc, rồi chia tay và cũng thật bất ngờ lại cũng có mặt con chuột: Cưới nàng anh toan dẫn voi/ Anh sợ quốc cấm nên anh không bàn/ Dẫn trâu, sợ họ máu hàn/ Dẫn bò, sợ họ nhà nàng co gân/ Miễn là có thú bốn chân/ Dẫn con chuột béo mời dân, mời làng.

Trong việc giao duyên, tán tỉnh của các chàng trai cô gái, hình ảnh con chuột cũng được nhắc tới để … hạ các chàng: Chúng chị là con gái trung vàng/ Đứng trên đỉnh núi thì ngang với trời/ Chúng chị là hòn đá tảng trên trời/ Chúng … em chuột lắt cứ đòi lung lay/ Cha đời chuột lắt chúng bay! Hòn đá tảng rơi xuống thì mày gãy xương! Hay: Giàu chi anh, gạo đổ vô ve/ Chuột không ăn được mà khoe rằng giàu. Và cũng có khi như một lời mời mọc: Chuột kêu chút chít trong vò/ Lòng anh có muốn thì … mò lại đây. Hay: Chuột kêu chút chít trong rương/ Anh đi cho khéo đụng giường mẹ nghe. Trong đời sống vợ chồng, chồng giận chồng đánh ba dùi/ Chạy ra ngoài ngõ để nồi chuột tha/ Chuột tha lên núi lên non/ Chuột tha làm tổ cho con nó nằm/ Chuột tha đem bán chợ Đầm/ Bán đắt bán rẻ, quan năm chuộc về.

Trong xã hội còn có những kẻ thất thế, cùng đường như chuột chạy cùng sào. Đuổi chuột chạy trên sào tre thế nào cũng bắt được chuột. Đó cũng là một hoàn cảnh của người sa vào tình thế khó khăn, cùng quẩn, không tìm ra lối thoát. Dựa vào đó, trong việc học hành thi cử, có sự kiện chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm. Đi làm thầy giáo, có một số người cho là nghề bạc bẻo, không thu nhập nhiều bằng những ngành kinh tế, thương mại khác. Nhưng thí sinh bất tài làm sao thi đậu vào trường kinh tế, thương mại đó được, thôi thì thi vào trường … sư phạm vậy, dễ đỗ hơn vì có ưu đãi.

Từ đó mới có câu trên. Vì thế, nghề nghiệp sau này không thuận lợi nhưng làm bộ đỏng đảnh, khó tính, coi như “không thèm”, được ví như vịt chê lúa lép không ăn/ Chuột chê nhà trống ra nằm bụi tre, hay chuột chê xó bếp chẳng ăn/ Chó chê nhà dột ra lần bụi tre. Và những người làm những việc quá sức tài năng của mình như sào sậy chống bè lim, mèo con bắt chuột cống thì “chẳng nên công cán gì”. Đó là kẻ không biết gì lại tỏ ra thành thạo như chuột chù nếm giấm.

Tục ngữ ta có câu: Chuột chù đeo đạc. “Đạc” đây là tử Hán Việt chỉ cái mõ, mõ của các vị sư tu Phật. Các vị sư đi cúng, đi rao giảng đạo đức thường mang theo mõ. Câu tục ngữ có ý cho rằng chuột chù được coi như như những kẻ xấu xa lại tỏ ra tốt đẹp, lên mặt dạy đời. Cho nên lại có câu: Gươm vàng ai nỡ chém con chuột chù, là thế, vì không xứng đáng.

Còn đối với những kẻ ăn không ngồi rồi, vô tích sự: Đi khắp bốn bể chín chu (châu)/ Trở về xó bếp chuột chù gặm chân. Hay theo kiểu mèo già thua gan chuột lắt. Những người chậm chạp, lờ đờ, lù đù thì được ví lờ đờ như chuột phải khói/ Lù đù như chuột chù gặm quanh… Nhưng khi thấy voi đú, chó đú thì chuột chù cũng đú. “Đú”đây là động cỡn, đùa giỡn thô lỗ, đua đòi bắt chước lố bịch, kệch cỡm, không biết thân phận mình. Cũng như dân gian có câu: Chim chích mà đậu cành sồi/ Chuột chù trong cống đòi soi gương Tàu, 

Nói đến chuột phải nói đến dơi. Con dơi hình dáng giống con chuột chỉ khác dơi có cánh để bay. Tuy nhiên có lúc, con người chẳng phân biệt được dơi không ra dơi, chuột không ra chuột, dở dơi dở chuột, nói lên sự nhập nhằng, lẫn lộn, không chính xác. Từ đó, trong xã hội xuất hiện những kẻ mắt dơi mày chuột, mắt dơi tai chuột, nói dơi nói chuột, làm dơi làm chuột … toàn là những kẻ thực hiện những việc mờ ám, không rõ ràng, không chính đáng, ăn nói dối trá không có cơ sở, tâm địa gian xảo, xấu xa… Bên cạnh đó còn có những kẻ đi lại, ra vào lén lút, biểu hiện thực hiện những việc ám muội như chuột chỉ hoạt động ban đêm, còn ban ngày thì thụt, lấm lét như chuột ngày.

Ngoài ra, chuột còn có mối liên hệ đến chim. Người đời thường nói chim chuột. Theo Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của thì từ chim chuột đã được giải thích: Tiếng nói cho đứa hay láo xược hay kiếm chuyện làm cho sinh sự bất hòa. Cách giải thích này dựa theo bài trong Kinh Thi Trung Quốc với tựa đề Thử nha tước giác (mỏ chim nanh chuột) có câu: Thùy vị tước vô giác? Hà dĩ xuyên ngã ốc? Thùy vị thử vô nha? Hà dĩ xuyên ngã dung? Ai bảo chim sẻ không có sừng, thì nó lấy gì để xoi nhà của ta được. Chim sẻ làm sao có sừng, chắc là do nanh chuột thôi! Đây là nói về việc tranh tụng, kiện cáo nhau, kiếm chuyện làm cho sinh sự bất hòa là thế!. Còn trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, từ chim chuột được giải thích như sau: “Chim và chuột. Nghĩa bóng: ve vãn, tán tỉnh, trai gái với nhau. Cách giải thích này cũng theo Kinh Thi: Điểu thư cộng vi thư hùng, chim thú đồng làm việc … trống mái với nhau. Loài điểu (chim), loài thú (chuột) thông dâm với nhau, nên từ chim chuột chỉ sự tán tỉnh, ve vãn giữa đôi trai gái là thế!.

Năm Tý, năm cầm tinh con chuột. Người sinh năm Tý được các thầy tướng số cho rằng: Đàn ông tuổi Tý thì tài/ Đàn bà tuổi Tý thì hai đời chồng. Trong bài Vè 12 con giáp, cho rằng: Tuổi Tý là con chuột nhà/ Bắt vịt, bắt gà, xoi ngách đào hang, hay tuổi Tý là con chuột khó dò/ Tha gạo, tha nếp nó bò xuống hang. Về tướng số, dân gian còn cho rằng: Hàm rộng, miệng cọp: anh hùng/ Hàm rắn, miệng chuột: bất trung vô nghì. Hay: Mắt chuột, tai thỏ, mũi dơi/ Trai thời gian xảo, gái thời đong đưa. Chẳng biết dựa vào đâu mà thầy tướng số nhận xét như thế, tuy nhiên cũng có người: Trời mưa lâm thâm ướt dầm lá bí/ Anh thương một người tuổi Tý mười ba. Và câu tình cảm của người vợ đối với chồng có hình ảnh con chuột sau đây cũng đủ làm ấm lòng: Chuột khôn cũng thể chuột nhà/ Dầu khôn dầu dại cũng là chồng em.

Dù gì, con chuột cũng là kẻ thù của loài người, tuy nó cũng giúp ích cho nền y học nhiều và thịt chuột đồng rất khoái khẩu cho những người thích ăn nhậu, cần chi cá lóc cá trê/ Thịt chuột thịt rắn nhậu mê hơn nhiều. Có nơi còn coi thịt chuột như một thứ lương thực thực phẩm. Con người khó bắt, khó diệt hết chuột. Nếu ném chuột sợ bể đồ, vậy hãy tìm cách diệt chuột mà không sợ bể đồ. Do đó, con chuột vẫn còn “hiện hữu” trong cuộc sống con người, và con người cứ tha hồ mà dùng hình ảnh con chuột để ví von, so sánh, ám chỉ …

Nói về chuột, viết về chuột thì thế nào cũng không tránh khỏi đầu voi đuôi chuột, trái núi đẻ ra con chuột. Thôi thì dừng ở đây vậy!

Ngô Văn Ban

(Xuân 2020)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com