Nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914 - 1987)
Câu chuyện dưới đây, tôi đã nghe gần mười cụ kể lại, nhưng vẫn cứ nghi ngờ. Vì nghi ngờ nên phải kiểm soát, và nhờ kiểm soát, nên sự thật mới xuất hiện.
Các cụ kể rằng ngày nay, ai mà có được một cái nghiên mực Tàu làm bằng ngói của Cung Vị Ương đời nhà Hán, thì người đó trở nên khá giả ngay tức khắc, bởi giá thị trường của loại nghiên mực ấy có thể lên tới năm mươi nghìn bạc (tiền Việt Nam trước 1975). Các cụ giải thích thêm rằng dưới dời nhà Hán, văn hóa Tàu lên cao tới đỉnh. Bất kỳ cái gì, cũng hay, cũng giỏi, cúng khéo, kể cả công nghệ nhỏ là công nghệ làm ngói cũng vượt bực, mà công nghệ về sau không sánh kịp.
Tôi nghi ngờ vì tôi được xem sách khảo cổ về Trung Quốc của Pháp, họ có chụp hình rất rõ ngói của đời nhà Hán, những mảnh ngói đào được rải rác nơi nầy nơi nọ, và được khoa học định tuổi là ngói ấy chế tạo vào đời nhà Hán. Đó là ngói mỏng, y hệt như ngói ngày nay của Tàu hay của ta. Có thể nào mà biến chế loại ngói mỏng ấy ra thành nghiên mực được chăng ? Cái nơi lõm của các nghiên mực có cạn lắm cũng phải sâu được một phân tây trong khi đó thì ngói nhà Hán cũng chỉ dày tối đa có một phân tây mà thôi. Nếu mài ngói để tạo ra vũng chứa mực, chứa bông hút mực, thì bề sâu của vũng sẽ choán hết bề dày của ngói, tức ao mực ấy sẽ không dày được, và sau vài tiếng đồng hồ thì mực sẽ thẩm lậu qua cái đáy ao, đáy này chỉ còn là một lớp đất nung dày không tới một ly tây.
Tôi không nhờ các cụ ta giải đáp thắc mắc của tôi, vì cụ nào cũng tin vào lời kể của các cụ, nên tôi mới đi hỏi người Tàu.
Người mà tôi hỏi là ông Lý Văn Hùng, người Quảng Đông ở Chợ Lớn. Ông nầy chỉ là thầy giáo Tàu thôi, nhưng ông ta đã viết được vài quyển sách về lịch sử cận đại của miền Nam bằng chữ Tàu, và nhứt là ông ta đã được chánh phủ của chế độ cũ của ta mời dạy Quan Thoại và văn hóa Trung Quốc ở Văn khoa Đại học ta, nên tôi nghĩ rằng chắc ông ta cũng không dở lắm.
Nghe tôi kể chuyện nghiên mực, họ Lý cười rồi đáp ngay: “Chuyện nầy thì người Hoa chúng tôi cũng có kể, và quả có loại nghiên mực đó thật sự, và rất được người Tàu quý. Nhưng người Việt Nam đã hiểu lầm về chữ nghĩa được chép ra ở các sách kể câu chuyện nầy. Chữ ngõa không phải chỉ có một nghĩa là ngói thôi đâu. Xưa, ngõa chỉ đất nung, tức gạch cũng được gọi là ngõa, chớ không gọi là chuyên như ngày nay. Vậy là nghiên mực đó được làm bằng gạch của cung Vị Ương chớ không phải là bằng ngói của cung Vị Ương đâu.
Tôi rất ngạc nhiên trước lời giải thích ấy. Ngõa có quả thật là danh từ trỏ đất nung hay chăng? Thấy tôi không muốn tin, ông Lý Văn Hùng chỉ cười thôi, rồi hỏi tôi:
- Tiên sinh có biết danh từ “cái đôn” của Việt Nam, nguồn gốc nó là gì hay không ?
- Không, đó là tiếng Việt Nam cổ, khó biết nguồn gốc lắm. Thí dụ, cái nhà thì là cái nhà, chớ còn làm sao mà biết nguồn gốc của danh từ nhà được !
Họ Lý lại cười mà rằng:
- Danh từ nhà quá cổ thì không biết nguồn gốc, nhưng danh từ đôn thì tương đối mới nên phải biết nguồn gốc, và có thể biết được. Đôn là tiếng Tàu đó, chớ không phải là tiếng Việt đâu. Các nhà nho Việt Nam đọc sai tiếng tàu, nhưng dân chúng Việt Nam thì lại đọc đúng là đôn, nên chẳng còn ai biết đôn do đâu mà ra nữa. Đôn là tiếng Tàu ngõa cổ đăng mà ra.
- Ngõa cổ đăng là gì ?
- Xem chữ viết đây thì hiểu ngay.
Ông Hùng nói rồi, lấy bút máy ra viết ngay ba chữ ngõa cổ đăng. Cổ là cái trống. Đăng là gì thì tôi không biết, chỉ thấy chữ ấy được viết bằng chữ đăng với bộ Thổ (?) thì tôi đọc là đăng vậy thôi.
Tôi hỏi:
- Đăng là cái gì ?
- Là cái ghế ngồi. Hồi đời xưa, nước tôi chưa biết chế tạo ghế gỗ thì chế tạo bằng đất nun, tức bằng ngõa vậy, chứ đâu phải là bằng ngói. Ngói quá mỏng, ngồi lên đó, ghế sẽ gẫy còn gì. Cái chữ nầy, Quan Thoại đọc là tôn, dân chúng Việt Nam nói là đôn là chỉ nói sai có một chút xíu thôi. Chính các nhà nho Việt Nam mới là đọc sai quá nhiều là đăng. Đó, tiên sinh đã thấy hay chưa là ngõa đâu có phải mang có một nghĩa là ngói. Ngõa là đất nung ấy chớ, tức gạch cũng là ngõa.
Tôi nhìn lại vấn đề bằng cách lật ngược cơ cấu của Hoa ngữ cho nó thành cơ cấu của Việt ngữ, chữ cuối cùng của Hoa ngữ mới là chữ chánh. Vậy ngõa cổ đăng phải được hiểu theo cơ cấu tiếng ta là ghế-hình cái trống-bằng đất nung, chứ không phải là ngói - trống ghế. Đúng là như vậy, và chú Tàu nầy rất có lý.
Tôi ngồi đó mà ngẩn ngơ rất lâu. Ta học chữ Tàu hai ngàn năm rồi mà chưa thông chữ nghĩa của Tàu. Thật là kỳ lạ.
E tôi vẫn chưa tin nhiều, ông Lý Văn Hùng giải thích thêm:
- Chắc tiên sinh có đọc tiểu thuyết lịch sử “Thuyết Đường” của Tàu chở ?
- Có tôi đã đọc truyện ấy rồi từ lâu.
- Bọn em út của Lý Thứ Dân, vua sáng lập ra nhà Đường, có phải xưa kia khởi nghĩa tại Ngõa Cang Trại hay không ?
- Đúng như vậy.
- Người Việt Nam cứ cho là họ khởi nghĩa ở lò ngói. Đâu có phải. Loại lò ấy không bao giờ chuyên môn làm một món cả đâu. Họ luôn luôn làm đủ thứ: gạch và ngói. Nhưng người Tàu sao lại nói họ làm ngói ? Đâu có. Ngõa Cang Trại làm đồ đất nung ấy chớ. Mà ở Nam Kỳ thì cũng vậy thôi. Lò gạch nào ở đây cũng có chế tạo ngói hết. Ấy thế mà tất cả mọi lò đều bị gọi là lò gạch, chẳng có lò nào được gọi là lò ngói hết. Người Việt Nam gọi xô bồ, mà người Tàu cũng vậy, chỉ có khác là sự xô bồ của chúng tôi có lý hơn, vì ngoã trỏ tổng quát đất nung, chớ không trỏ riêng gì ngói hay gạch, hồi xưa thì như vậy đó.
- Nhưng theo tôi biết thì đất nung, chữ Tàu là đào-khí-vật ấy chớ.
- Đúng, nhưng lại không đúng. Đào-khí-vật chỉ dùng trỏ chén, bát, dĩa thôi. Ngõa trỏ gạch và ngói, và xin nhắc rằng đó là nghĩa đời xưa. Ngày nay thì gạch được gọi là chuyên.
(Ngày nay chỉ có các lò sành trong tỉnh Biên Hòa mới chế tạo cái đôn sành giống cái trống, y hệt như những cái đôn ta thấy vẽ trong các sách Tàu. Còn các lò sành trong tỉnh Bình Dương thì chế tạo đôn rất là phăng-te-di, không còn giống cái trống nữa. Nếu nhìn từ hông đôn, thì những cái đôn Bình Dương mang hình một chiếc lọ cắm hoa khổng lồ, miệng rộng, bụng phình ra, chân rất lớn, tức có hai eo, một eo giữa miệng và bụng, eo thứ nhì nằm giữa bụng và chân.
Đôn Biên Hòa luôn luôn phình bụng lớn ra, chẳng có eo ở chỗ nào hết, giống hệt cái trống, tức giống hệt cái ngõa cổ đăng của Tàu. Và cả hai loại đôn ấy, chỉ còn dược dùng để kê những chậu quý, cũng bằng sành nhiều màu, chớ không có người Việt Nam nào ngồi trên đó cả. Ông Hùng cho biết rằng ở bên Tàu cũng thế, chẳng còn ai ngồi trên đôn nữa hết.)
Tôi kiểm soát cái vụ ngói Vi Ương nầy vào năm tôi viết quyển sử Nguồn Gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Vì quan niệm sử của tôi khác, nên tôi phải bác bỏ các quan niệm khác, chẳng hạn quan niệm của giáo sư Lê Ngọc Trụ, ông ấy cho rằng hầu hết các từ Việt đều do tiếng Tàu mà ra. Thế thì không còn ngôn ngữ Việt Nam, không còn dân tộc Việt Nam nữa hay sao ? Thí dụ ông ấy cho rằng đanh từ cái cửa do hộ của Tàu mà ra, danh từ ghế, do kỷ của Tàu mà ra. Nhưng tiếng Tàu đã có đăng là ghế rồi. Vậy kỷ có phải là danh từ Tàu thứ nhì hay không ?
Sau khi học hỏì với ông Lý Văn Hùng, tôi ra về, nhưng ghé lại một tiệm nước Tàu ở Chợ Lớn để giải khát, loại tiệm mà họ đề bảng hiệu là “Trà Gia”. Tôi gọi một bình trà. Thế là ông chủ hiệu hô to lên cho hầu xáng bưng bình trà ra cho tôi. Ông ta nói bằng tiếng Quảng Đông: “Một bình trà cho kỷ xà hướng đông”.
Sao lại là ghế trà hở trời ? Không lẽ họ dám vô lễ đặt bình trà cho khách trên một chiếc ghế ? Còn cái bàn, trước mặt tôi thì để làm gì kia chớ ? Lúc anh hầu xáng bưng bình trà lại, để lên bàn, tôi hỏi anh ta:
- Kỷ xà là gì ?
- Là bàn dùng để bình trà. Cái bàn trước mặt thầy đó !
- Vậy kỷ là bàn, chớ không phải là ghế ?
- Dạ, kỷ là bàn.
- Sao người Việt Nam chúng tôi gọi cái ghế dài là trường kỷ?
Anh hầu xáng cười rồi đáp:
- Ai biết đâu. Chừng nào chính tôi gọi như vậy thì mới là kỳ đó, mới là đáng hỏi. Các ông khác nước, khác tiếng với chúng tôi, các ông dùng tiếng tàu cách nào, chúng tôi đâu có biết được.
Trời đất quỷ thần ơi, hóa ra ta chưa thạo chữ Tàu sau hai ngàn năm học hỏi.
Tôi lại hỏi tên hầu xáng:
- Còn tôi đang ngồi gần tường hướng tây, mà chủ anh lại bảo anh mang bình trà tới hướng đông là thế nào ?
Tên hầu bàn lại cười mà rằng:
- Hướng đông, trong ngôn ngữ của chúng tôi có nghĩa là bên tay trái, chớ không phải là phía đông.
Lại chết nữa. Hóa ra ta có hiểu gì nhiều về Hoa văn Hoa ngữ đâu nào.
Thế nên giáo sư Lê Ngọc Trụ cứ tiếp tục chủ trương như thế mãi, tôi bác bỏ thì anh ấy lại viết báo chửi tôi. Anh ấy cho rằng gà là tiếng Tàu do kê biến âm ra, mà kê thì Tàu đọc là cấp.
Tôi cũng kiểm soát lại. Toàn thể nước Tàu chỉ có tỉnh Quảng Đông gọi con gà là cấp thôi, các tỉnh Hoa Nam khác gọi nó là côe, riêng Hoa Bắc thì lại đọc cái chữ Tàu đó là chĩa. Chĩa và côe có thể biến thành kê, gà được chăng ? Sự thật thì cấp của Quảng Đông, khai của Thái Lào, kê của cổ Việt và gà của kim Việt, đều là tiếng Mã Lai.
Nhưng đó là chuyện khác. Chính cái chuyện Hoa ngữ là vấn đề mà ta cần nói nhiều ở đây.
Tôi tra từ điển. Hoa-Việt của ông Đào Duy Anh, tôi thấy một chữ mà ông Đào Duy Anh ghi âm đọc là chanh. Chẳng những thế, lại còn chua chữ Pháp là citron, citronnier. Tôi ngạc nhiên quá. Bên Tàu không có cây chanh. Thế sao họ lại có danh từ chanh để mà cho ta vay mượn (chữ chanh viết bằng chữ đăng là lên đường, nhưng với bộ mộc). Tôi đã biết rằng Trung Hoa, vì không có trồng được cây chanh, nên không có danh từ, phải mượn danh từ lemon của Anh mà họ đọc là lì mông (viết ra chữ Tàu thì các nhà nho ta đọc sai là ninh mông). Mặc dầu vậy, tôi cũng phải hỏi lại ông Lý Văn Hùng cho rõ trắng đen. Ông ấy nói:
- Ông Đào Duy Anh đã lầm. Người Tàu đâu có trồng được chanh, đâu có trái citron. Cái chữ nầy phải đọc khác, và trỏ món khác, chớ đâu có trỏ chanh bao giờ.
- Trỏ cái gì, và đọc như sao ?
- Quan Thoại đọc là xản, Quảng Đông đọc là tsat và trỏ cây cam và trái cam. Có lẽ đồng bào của tiên sinh đọc là sành để rồi ghép thành ra cam sành.
Lại xin trình thêm một chữ nữa. Chữ nầy ông Đào Duy Anh ghi âm đọc là thũng và định nghĩa là sưng lên. Té ra bịnh thũng là tiếng Tàu, thế mà từ bao lâu nay, tôi cứ tưởng đó là tiếng Việt. Vậy là giáo sư Lê Ngọc Trụ rất có lý, cái gì cũng do tiếng Tàu mà ra cả. (Chữ Hán này được viết bằng chữ trọng với bộ nguyệt mà người Tàu gọi là bộ nhục.) Lần nầy, tôi không có thắc mắc, không có hỏi ai hết. Nhưng một nhà nho Việt Nam, mới có 30 tuổi, một hôm đã tinh cờ nói về vấn đề là hiểu lầm về chữ nghĩa Tàu. Anh bạn ấy nói: “Cái chữ đó, không phải đọc là thũng đâu, mà đọc là trương, mà có người phát âm là chương. Chương lên, có nghĩa sưng tấy lên đó mà (con trâu chết chương, cơn ngựa chết chương).”
Ấy, ông Đào Duy Anh lần nầy không có lầm về nghĩa mà chỉ lầm về phát âm thôi, nhưng cái lầm nầy khá tai hại, làm cho ta tin rằng các từ của ta đều do tiếng Tàu mà ra tuốt hết, tin theo thuyết Lê Ngọc Trụ.
Một thắc mắc lớn nữa của tôi, đó là danh từ thần nông. Thần nông là cái gì. Những lần tôi học chữ nho, các ông dạy tôi học, dù cho rằng Thần nông có nghĩa là vị thần trông coi về nông nghiệp. Tôi đã hiểu như thế trong rất nhiều năm, mãi cho đến khi tôi biết rõ cơ cấu của Hoa ngữ thì tôi bắt đầu nghi ngờ. Trong cơ cấu của Hoa ngữ thì ở các từ loại đó, chữ thứ nhì là chữ quan trọng, khác với trong Việt ngữ mà chữ thứ nhứt là quan trọng. Trong Việt ngữ thì Thần là chữ quan trọng, nhưng sách Tàu thì lại viết là Thần Nông chớ dâu có viết là Nông Thần. Mà cơ cấu Hoa ngữ thì như thế đó Nông mới là quan trọng.
Chú Lý Văn Hùng đã được tôi tín nhiệm, thế nên tôi cũng cứ hỏi chú Thần Nông là cáí gì. Chú ấy biết tiếng Pháp, chú giải thích: “Thần Nông là nông nghiệp thiêng liêng, chớ không phải ông thần của nông nghiệp đâu. Nếu nói ra bằng tiếng Pháp thì đó là agriculture sacrée, chớ không làm sao mà là Génie de l'agriculture được hết.”
Tôi thấy là chú ấy có lý quá. Vậy quý vị nhà nho ta nghĩ sao ? Đây là học hỏi của tôi với một người Tàu. Ông họ Lý đó, dở hay giỏi, tôi không đủ sức biết, nên xin ghi lại đây cho quý vị nho học ta xét lại. Nếu ông họ Lý dạy sai thì tôi sẽ bỏ những gì mà tôi được biết nhờ ông ấy, và sẽ nghe theo những lời chỉ dạy hữu lý hơn của các vị khác.
Còn đây là một thắc mắc mà tôi tự tìm hiểu lấy chớ không có hỏi ai nữa hết. Câu hỏi của bài thơ Đường “Lương Chân Từ” là:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi.
Toàn thể dịch giả ta đều dịch dạ quang bôi ra là “chén ngọc” kể cả ông dịch giả được xem là thành công nhất về bài đó, là ông Ngô Tất Tố, cũng dịch là:
Rượu bồ, chén ngọc sáng choang.
Tôi hơi ngạc nhiên, vì hồi còn là học trò trung học, tôi có học về địa chất, và không thấy ở đâu có nói đến loại ngọc nào mà dạ quang (sáng ban đêm) hết. Như thế thì có thể là khoa học thái Tây mà tôi học sai chăng ? Thế nên tôi cứ đọc những gì mà người Tàu viết về các thứ ngọc. Nhưng cũng chẳng thấy ngọc “sáng ban đêm” ở đâu cả.
Đến khi tôi học tới Kinh Thi, thì tôi thấy có thơ cổ nói về loại chén rượu chế tạo bằng sừng con tê ngưu. Sách chưa nghĩ rằng hồi cổ thời, người Tàu khoét sừng con tê ngưu để làm chén uống rượu. Sự thật là đây. Sừng con tê ngưu chứa đầy dẫy chất lân. Và chính loại chén đó mới sáng ban đêm bởi chất lân, ở trong bóng tối sáng lên trước mắt ta. Dược khoa Tàu đã giỏi từ thờì cổ, và họ dã dùng chất lân để trị vài thứ bịnh, mà một là bịnh liệt dương. Ngày nay y học thái Tây cũng thường trị bịnh liệt dương bằng chất lân. Thế nên Tàu xưa mới dùng chén bằng sừng tê ngưu, mong chất lân của sừng tê thấm vào rượu, để họ uống mỗi hôm hầu được tráng dương (nhưng chất lân đó, thực sự có tan vào rượu hay chăng thì cho đến nay chưa ai chứng minh được, bởi chén chỉ đựng rượu có mấy phút đồng hồ thôi, thì có thể chất lân của sừng tê chưa kịp tan vào rượu).
Chuyện chén rượu bằng sừng tê không phải là huyền thoại đâu. Nhà chơi đồ cổ ở Sài Gòn, cụ Vương Hồng Sển có cho tôi xem một cái chén như thế, nhưng bằng sứ chớ không phải là bằng sừng con tê ngưu. Đây là sứ trắng tinh không có vẽ hình màu, được gọi là sứ Bạch Định, chế tạo tại tỉnh Phúc Kiến dưới trào nhà Minh, nhại giống hệt sừng của con tê ngưu. Dĩ nhiên là chén nầy đặt lên bàn không được vì sừng tê nhọn, người dùng chén phải cho chén một cái đế bằng gỗ nó mới đứng được.
Thế thi cái chén “sáng ban đêm” ấy không hề là “chén ngọc” bao giờ cả, mà là chén bằng sừng. Vậy nên tôi đã dịch câu thơ đó khác tất cả mọi người:
Chén sừng tê giác, đựng rượu nho
trong khi nguyên tắc nói là “chén sáng ban đêm” Nhưng nếu dịch ra là “chén sáng ban đêm” thì chẳng ai hiểu cả.
Chữ Tàu rắc rối quá sức, họ viết một đàng mà hiểu một ngã, thì người ngoại quốc là ta tự nhiên phải điên đầu về chữ nghĩa của họ, không có gì phải ngạc nhiên. Điều chánh yếu là phải tìm hiểu, có thể phải học thẳng với họ nữa chăng, như cái chữ ngõa trên kia mà ta chỉ biết có một nghĩa mà thôi.
(Di cảo của nhà văn BÌNH NGUYÊN LỘC, Tin Điển Zeitung, 04.1990)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|