Nhà thơ Yến Lan, thời cộng tác với tạp chí Tiểu thuyết thứ năm (trước năm 1945)
Đến trước chợ Hàm Dương, tên công sai dừng ngựa lại. Con tuấn mã đeo một yên nhung màu xanh, sắc lông trắng như tuyết và đuôi dài quét cát! Tên kỵ binh quật ngay cương lên lưng con vật, tay móc vào cái ống tre già, lạch cạch mãi mới rút ra được một tờ giấy hồng đơn. Ngạo nghễ với tất cả mọi người, hắn mở gói hồ ra, đem lại vách nhà tân đình quệt và dán tờ cáo bạch lên nền vôi trắng!
Nhưng bỗng nhiên hắn dừng tay, nhìn ra sau, lắng nghe một giọng ngâm thơ; và nghe cả bài thơ, một sông hồ gợn sóng:
Lạnh lùng quán khách một văn nhân,
Chỉ nhớ sông hồ trong gió xuân.
Sao Đẩu đêm đêm chầu Đế Khuyết,
Ta còn lận đận chốn Hàm San.
Tên công sai gật gù lẩm bẩm: “Rõ khéo cho đồ điên!”
Trong khi ấy đi tới một con người tuấn tú. Già không ở bộ râu suôn ba chòm điểm bạc, cũng không ở cái trán cao mở rộng như ở đó có thể ngự một tinh cầu! Già ở bộ mặt bơ phờ, chiếc áo rộng lưng bạc màu. Người ấy chít khăn thêu hoa, chân mang hài rơm, có cái cốt cách của một lãng sĩ hiên ngang, đã qua chẳng biết bao nhiêu là sông rộng núi dài, đã nếm đủ mùi gió giang hồ, và khuấy chân trên những giòng nước tứ chiếng. Theo sau, một bọn con nít trạc tuổi nhau, chúng nó chen lẫn nhau nhưng vẫn tỏ vẻ kính nể người kia, không hề cãi cọ.
Tên công sai vừa lấy tay xoa lên nền giấy cho thẳng, thì người ấy đã đến sau lưng, lấy tay trỏ vào đầu hắn, reo lớn lên:
− Kìa cố nhân ở kinh đô mới đến ư? Sao mà cố nhân trông quan dạng lắm vậy?
Lũ trẻ lại cười ồ! Tên công sai mặt đỏ lên, ngơ ngác không hiểu gì, thì người ấy tiếp:
− Cố nhân hãy lên lầu Tràng Khánh uống rượu đi, ở đó có nhiều sơn hào hải vị và bao nhiêu nữ lang tận xứ Tô Châu về. Cố nhân sẽ cùng ta ở đó kể một câu chuyện đầu xuân, một câu chuyện của cô gái phơi nắng lụa đào. A ha ha ha, cô gái xiêm xanh ở giữa những sóng lụa đào. A ha!
Ai ơi có nhớ ngô đồng
Đợi chim suốt một mùa đông không về…
Lũ trẻ lại reo lên:
− Lương tiên sinh này, ngài thường khóc cố nhân và một người nữa đã đâm đầu nơi giếng Lư Khê rồi, còn đâu mà mời đi uống rượu, với lại tiền đâu?
Tên công sai bấy giờ mới trợn mắt hét lớn:
− Đừng láo, đồ điên vô phép, tao có quen lơn gì mi mà hỗn xấc thế, mi muốn chọc cả đến kẻ thừa hành chức vụ à, cút ngay!
Lương tiên sinh nhe răng ra cười:
− A ha, bạn tao toàn là quan cả, quan lớn quan bé, quan trong nội, quan ngoài trấn, chúng kính tao chứ không bao giờ tao phải hạ mình nể chúng!
Nói xong Lương tiên sinh ngước mắt đọc tờ cáo bạch, giọng thanh mai như buổi sớm rót lời thánh ở sân Hạnh Đàn và khiến người ta nhớ ngay đến vườn làng Khúc Phụ:
− Ngày hai mươi lăm tháng mạnh đông năm nay, bản đường thừa khẩn sức của quan chủ tỉnh rằng: Nhân buổi đầu xuân sắp tới, ngài, trong lúc muôn dân ngọt nếm thái bình, muốn có một buổi công đồng hội họp; nào những văn nhân mặc khách khăn nhiễu vắt vai, trâm sừng cài tóc, bất cứ người xứ nào, có sẵn một túi thơ nghìn hộc, xin mời đến mua vui nơi tỉnh đường, ở đó đúng ngày nguyên đán giờ dần, trên tiệc nghìn chung cố tửu, vạn cân quý phẩm sẽ bày ra, hãy cùng nhau xướng họa và đến cuối mẹo đầu thìn một giải thưởng đặc biệt sẽ tặng dâng cho kẻ anh tài thứ nhất. Nay thỉnh!
Đọc xong Lương tiên sinh xì một tiếng dài và lệch mắt nhìn tên công sai, reo lớn:
− A ha, lại có bữa tiệc văn chương, thế thì rồng gần có cánh, rồng sẽ bay lên thấu thượng tầng.
Tên công sai lên tiếng oai nạt:
− Người kia!
− Gớm, cái gì mà rộn ràng thế, lão phu rất thích người ta nhẹ lời!
− Ở đâu?
− Chợ Hàm Dương!
− Xứ nào đến?
− Nước Yên, ở đó có Lão thừa tướng, một con đỉa hút nhiều máu dân đen nhất, có Triệu Lễ bộ Thượng thư, một đại bợm ghiền rượu, có Triệu Phò mã, một đứa có ý soán nghịch ngôi vua, có … có … Ôi chao biết bao nhiêu là công sai như chú, và ngươi có gì, kể tao nghe, tao sẽ thưởng cho một tiền để đi uống rượu.
− Đồ điên nói ngoa, muốn rơi đầu?
− Thế nào được! Gươm nào? Gươm vàng nào dám chạm đến mình ta!
Tên công sai chưa kịp oai nạt nữa, vì hắn giận đã xanh mặt thì Lương tiên sinh, ngó day qua phía thành đông, hát:
− Chợ Hàm Dương, chợ Hàm Dương
Có một anh chàng,
Đi không ai tiếc, đến chẳng người màng …
Lũ trẻ hè nhau hát tiếp, dường như đã thuộc từ lâu:
−… Thường ngày uống rượu, thất thểu giữa đàng!
Áo mặc một manh, tiền cất nửa quang,
Đi lang thang, sống lang thang,
Yêu người xứ mộng, thường khóc cố nhân…
Ôi cố nhân, ôi cố nhân …
− A, ha, hay lắm bay ơi!
Rồi ngây ngất, Lương tiên sinh nắm lấy tay tên công sai, âu yếm:
− Kìa cố nhân, đi nhậu rượu với ta đi?
Tên công sai nghiêm nghị:
− Nghề nghiệp gì? Lão điên thật đấy à?
− Hát đấy, không nghe à? Tết nguyên đán sẽ rõ tài ta, cố nhân sao mà nghiêm trang quá thế cố nhân ôi?
Tên công sai xấu hổ và chán nản, hắn lùi lại sau, lên yên ngựa, rồi vụt một lằn roi, ngựa phi như chạy vào nơi sa mạc, sau lưng hắn còn nghe Lương tiên sinh hát:
− Lư Khê, này giếng Lư Khê,
Còn người đi mãi chưa về khổ chưa?
***
Ta cùng cố nhân đi chơi xuân một buổi chiều!
Thuyền của hai ta chứa một trời thơ, thả nhẹ theo giòng nước trong như Như Ý, giữa hai bờ cỏ lau mà hoa ngọt hương xuân. Những con chim nhỏ, mình thon như chiếc thoi dệt nhảy giữa muôn cành. Trời cao và rộng! Mây như đoàn chiên nhỏ từ từ qua đồng nội xanh nước bể. Đứng đầu mũi, ta ngâm bài thơ cổ, thi nhân nghìn xưa có một tâm hồn trong sáng quá, lời thơ dẫn ta về những thế giới du dương, như thế giới có giăng đủ cung đàn mà mỗi cái cử động cũng đủ làm nảy lên tiếng nhạc. Bạn ta ở sau, gõ nhịp chân và lâng lâng nhả hơi thơm vào ống sáo. Lời sáo ngọt như ở tự đôi mắt bay ra. Trời ơi, đôi mắt có bao giờ ta được thấy lại, leo lẻo trong ngần. Đằng xa núi mờ nhuộm bạc, tưởng chừng nhẹ như tim bấc và có thể bốc được lên cao.
− Cố nhân này, đêm nay chúng ta sẽ ghé thuyền ở bến Lư Khê mà phơi mình trong ánh trăng nơi bãi cát nhé!
Cố nhân ta gật đầu, tóc xanh phơ phất theo chiều gió.
Thuyền lờ đờ trôi một quãng xa, ở đây màu sắc thẫm lại, trên từng không đã chắp lại những câu sách dài và bay về xứ lạ.
Bỗng cố nhân ta bảo:
− Kìa kìa Lư Khê rồi, Lư Khê kia rồi!
Lư Khê là một thôn trang tĩnh mịch, một cô thôn đã nổi tiếng vì có nhiều cảnh đẹp như một xứ lý tưởng của người thơ!
Ta theo tay trỏ của cố nhân nhìn đăm đăm phía trước, một làng đất rộng và cây um lờ mờ như muốn xóa trong chân mây.
− Lư Khê đấy ư?
− Phải, ở đó không biết bao nhiêu là Ly Tao nương tử!
Ta mỉm cười, nhìn mái tóc xanh của cố nhân ta, cố nhân riêng ta, nhưng ta chỉ thấy cái trán cao trắng nuột của chàng mở rộng trên hai hồ mắt biếc!
Đò đã ghé bến Lư Khê, người trên bờ hồ nhìn khách lạ như người nhà, tươi cười đon đả. Hai ta dắt nhau lên bộ, chân dẫm lên những cánh hoa nhỏ màu vàng rỗi lát khắp ngõ vào thôn. Chúng ta không dám bước mạnh, sợ xương hoa sẽ gãy dưới gót giày. Con đàng vào ấp là một nẻo tắt quanh co sầm uất. Mưa phùn phơi phới đề thơ trên muôn hoa lá làm cảnh càng chiều và càng mờ mịt êm êm. Qua khỏi một đồi cây, ở đấy có mấy giòng cam tuyền đang lau đá, giòng nước mang lại những hạt cát giang hồ, thấm lạnh chân ta. Bỗng nhiên cố nhân ta chỉ về phía xa xa, cái cổng trang cao ngất và mở đón mọi hồn, có những dải lụa, có lẽ màu đào nhưng chiều làm nhạt ra màu sương sớm. Thế mà cố nhân ta còn ghé vào tai ta bảo:
− Có một giai nhân nữa kìa!
Ta nheo mắt lại nhìn, nhưng không thấy gì thêm.
Đến khi lại gần, thì có một tà áo xanh đang vướng lên những cành lựu thấp và người mang dùng dằng chạy khuất vào một phòng nhà.
Ta nghe cố nhân ta nói:
− Ôi chao, con người đâu đẹp lạ!
Rồi hai ta không ngại ngùng bước qua sân gạch, đến trước hàng ba nhà ấy. Nơi đây hoa mai cũ còn luyến tiếc đậu cành, nhoẻn miệng cười như mơn trớn. Chúng ta định mượn ngựa đi chơi. Nhưng may thay, chủ nhân ông là một người tao nhã, vì sau một giờ tiếp chuyện nên được biết tài chúng ta, mời chúng ta lưu lại nhà ngâm vịnh.
Sau một đêm lưu luyến với cảnh mới người sơ, ta nhớ ngay nỗi lạnh lẽo của thuyền dưới bến và theo xa như đưa về tiếng gọi của cảnh mung lung. Ta bảo cố nhân ta hãy cùng từ giã chủ nhân mà đi nơi khác! Nhưng cố nhân ta, rượu hoàng hoa không thích uống, chẳng biết say về vị gì, dùng dằng ở lại. Ta phải an ủi chàng và hẹn sau một tuần ngao du sơn thủy hãy trở lại và cùng chàng quay nhẹ mũi thuyền trở về xứ cũ! Cố nhân ta vui vẻ nhận lời. Ta cùng chàng bước ra hàng ba nhà khách, ngùi ngùi một vạn nhớ nhung. Trong lúc ta bâng khuâng chờ sai gia thắng ngựa, thì ở nơi mành cửa, người đàn bà tà áo xanh dịu hiện ra, cúi đầu mà không nói gì! Bỗng nhiên mặt nàng tái lại rồi chẳng hiểu nghĩ gì, nàng chào ta rồi bước vội lại phòng bên.
Ta ngờ ngợ ra là Đậu Thị, con quan thừa tướng ở xứ Thang Châu, và khi con ngựa hồng đuôi dài thuôn như lệ liễu bước lào xào trên nền cát lên tiếng hí vang thì ta không nhớ gì không nghĩ gì nữa; rượu đã rót đầy bầu, con chim giục khách trên cành cao đã gọi, ta lên yên, giã bạn (ta thấy chàng từ từ sa lệ) rồi cho ngựa từ từ qua những khóm tân di.
Dọc đường, ta vì mải ngâm vịnh và theo những đứa trẻ con mà không lấy chi làm buồn. Chúng đồng tử áo xanh kia dùng cung dâu mà bắn chim ưng, qua những đồi thanh như nền ngực của mỹ nhân, chúng nó hay cười và ta cũng hay cười! Qua mấy trấn xa, ta cùng chúng nó biệt nhau, bắt đầu từ đó, thui thủi trên những con đường cong không bối rối, ta say sưa hương vị của ngày xuân. Ta đi mãi, đi mãi, với con ngựa mạnh, ghé lưng chẳng biết mấy lần trên những ván ngựa các nhà quán trọ. Đôi vân hài rách đế ta chằng rơm mà đi, chiếc áo vân xanh bạc màu, ta mang lỳ vào thân. Ta mê mải với cảnh giang hồ, chẳng hiểu vì sao mà không nhớ đến cố nhân nơi Lư Khê!
Thế rồi một hôm, trăng lén xuống những lòng cô quả, khởi động nhớ nhung, ta vẳng nghe có tiếng xuân tiêu mộc mạc nơi đỉnh rừng tây đưa lại. Ta buồn não ủ ê. Nghe tiếng tiêu ta nhớ đến cố nhân, ta vội vã trở về, thì than ôi, một cơ sự xảy ra:
Người đàn bà áo xanh kia, người nhớ ra chưa? Người đàn bà kia thật quả là Đậu Thị, tiểu thiếp của ta, nhân xem lễ nơi đế kinh, vì bị giặc cướp phá rối kinh thành, hoảng sợ chạy về nương náu với nội nhân chủ ông nhà này, ăn ở thân thiết như chị em, nàng hòng trở về xứ cũ cùng ta lót ấm lại chiếu chăn, nhưng chưa gặp dịp. Chẳng rõ gặp gỡ đem lại duyên tơ, cố nhân ta cùng nàng lưu luyến (nàng, trong một thời gian lạnh lẽo khao khát yêu đương). Mãi đến đêm Đoan ngọ, cùng chung uống rượu, kể lể chuyện nhà, nàng mới hay ta và cố nhân nghìn năm không rời bỏ, cùng đi cùng ở như một đôi hài. Nàng xấu hổ và tự cho là tâm hồn đã trút cả tiết trinh, đêm hôm ấy đâm đầu vào giếng mà chết.
Còn cố nhân ta nữa, cố nhân ta hiểu rõ ra cơ sự và cũng cho rằng đã vô tình phản bạn (là phản ta), chàng để lời tuyệt bút kính gửi người thân rồi ra đi, không hẹn một ngày trở lại.
Thế rồi, ấp Lư Khê thêm một ngôi giếng loạn và ta, ta thành ra một kẻ thất tình ở chợ Hàm Dương, ta không còn một tý gì mến tiếc Yên Quốc hoa hương của ta nữa; ta sống ở nơi gió quán sương cầu.
Bài dự thi của ta là tất cả tâm hồn bình tĩnh còn sót lại, ta muốn người đời hãy cùng ta sống lại một cuộc du xuân não nùng, bi thiết. Đọc xong, người đừng tìm ta làm gì. Ta là gió mây ở trên nền trời cao rộng, là cát bụi ở mặt đất tối tăm.
Có lẽ bây giờ đầu bạc ta quyến sương chiều gió sớm, tay gân ta chống trên chiếc gậy trúc mảnh mai, ta đứng trên một bờ sông, một ven đồi hay nằm khèo ở một hè lẳng lặng đưa mắt nhìn xuân từ từ đưa suối hương chảy biệt, ta rũ áo phong sương ngâm câu cảm khái:
Lư Khê kìa giếng Lư Khê
Còn người đi mãi không về, khổ chưa?
Người điên chợ Hàm Dương
Yên Quốc Triệu Hoằng Vương
Cảm đề
(Nguồn:Tiểu thuyết thứ Năm, Hanoi, s. 45 (31 Août 1939),ký bút danh XUÂN KHAI).
< Lùi | Tiếp theo > |
---|