Nhà thơ Yến Lan, thời cộng tác với tạp chí Tiểu thuyết thứ năm (trước năm 1945)
Gửi nhà thi sĩ đang ở Hà Nội
Xuân nhớ đến em, một liên tưởng có ý nghĩa, khi thấy những con chuột cống chạy rông ở ngoài đường. Những đêm đi chơi khuya trên các đường Hà Nội. Rồi một hôm Xuân trưng hết cả tình cảm tràn trề lên mặt báo, trong một chuyện mà Xuân đã viết rất say xưa, cán bút lúc ấy như mềm lại, có thể như thế lắm, khi người ta cảm động: Xuân không ngờ khi muốn gửi cho gia đình những ý “chảy máu” của mình chỉ gửi riêng cho gia đình, thì một số đông độc giả đã hưởng trước tình cảm.
Xuân chỉ là một người yêu em lúc nào cũng thế, mà không là phù thủy để có quyền phép thay đổi được lòng em.
Vì Miên, em Xuân, lúc nào cũng là một đứa gan dạ, một đứa giang hồ, một loại chuột cống, một thứ chó hoang.
Miên là một hạng “đứng đường” chẳng biết vì sao mà hắn trở nên thế: gia đình nào, đầu tiên lại chẳng yêu con, lại muốn từ con?
Bây giờ thì Miên không phải là chuột cống, là chó hoang nữa.
Miên là thằng tù, một thứ chó củi.
Chủ chốt không phải sợ nó cắn người ta, mà là sợ nó phản người nhà và làm cho nó trở nên “chó củi”.
Bây giờ thì Miên không nhớ ai hết, Miên chỉ nhớ những ngày chạy rông của mình. Cừu nhà không nhớ người chăn cũng là một sự lạ!
Ngày thanh minh lành lạnh, Miên chống sẻng, gục đầu xuống, bên cạnh một bọn tù, lớn có, nhỏ có, đàn ông, đàn bà, Miên còn giữ được trên thân hình một cái áo cánh trắng cổ bẻ, đã dơ lắm và một cái quần đùi vải “sắn đần” đã rách đi một ít chổ.
Ngày Miên vào, tóc không chảy xuống như thế và óc vẫn còn mơ những con đường dài ngày mai, những con đường mà bầy chó hoang phải chạy qua và muốn chạy qua mải.
Những cây bàng cao, lá non rụng mạnh trong gió gửi thêm lạnh cho ngày, Miên đứng ở đó mong hết ngày để mấy ông cai dắt ra, cho mau trôi cái hạn chó củi của mình.
Con chó hoang bao giờ cũng thèm chạy, chạy để mà thèm chạy, Miên là một hạng nghiện thuốc phiện. Thường đi làm đường, đập đá, xén cỏ, lúc nào cũng trong nắng, thế mà Miên rất khát mặt trời. Miên bây giờ mới biết nghĩ, mới có óc phân biệt. Mặt trời của một ngày chạy rông là một thứ mặt trời nhiều nắng, hiền hậu. Mặt trời của ngày ở tù là một thứ mặt trời có nhiều nắng hung ác và là một thứ nắng vì nhiều bóng tối.
Dù sao cũng vẫn thông minh và có tình cảm, một buổi chiều dáng đọng trên những giải tràng thánh, gần tới giờ giải lao ở đằng xa đã nghe mỏ điểm và trường học đã hồi trống. Học trò lũ lượt kéo nhau đi con đường. Bổng nhiên nổi bụi cao. Miên thấy lòng mình héo hắt: Miên nhớ lan man, nhớ những trai tứ chiếng, gái giang hồ, nhớ để mà nhớ, chứ không phải vì một liên cảm nào. Người cai tù vẫn đứng ở đằng xa, chiếc áo, cái nón, toàn màu chàm, nổi bật lên. Một người tù, cao ốm, già chỉ vì đầu bạc, đi đứng vẫn cứng cáp lại gần Miên, hỏi rất nhỏ:
- Chú có biết đọc không?
- Có mà chi đấy?
- Đọc hộ tôi cái thư đứa con gái ở xa gửi thăm.
Miên cầm tờ giấy nhỏ khổ đã vàng trong ánh sáng lại vàng thêm, lẫm bẩm đọc rồi bảo:
- À cô ấy gửi lời thăm ông đấy, không có gì nữa!
- Có. Bảo rằng sẽ gửi về một ít tiền để mua chăn, mua thuốc…
- Ồ sung sướng quá nhỉ!
Rồi chẳng hiểu sao, Miên bật cười to, nhưng mà mí mọng đầy nước mắt. Ông lão thấy ngay, nhưng điềm đạm hỏi.
- Sao thế chú? Miên nói như không nghĩ:
- Tôi nhớ anh tôi quá, anh tôi thương tôi lắm!
- Mà con gái ông làm gì ở đâu? Có thương ông không?
- Có lắm chứ, hắn đi hoang, bỏ nhà từ thuở mười lăm, nay đã có chồng khá và đã hai mươi bốn.
- Sao lại bỏ nhà đi?
- Chẳng biết nữa, tôi có đánh đập hành hạ gì đâu!
Miên nghĩ đến mình ngay. Miên thấy mình ngày nay mất tự do cũng đáng lắm. Nhưng người cha này thương con, thương con, cớ sao cha Miên không nghĩ gì đến Miên, Miên tự hỏi lòng thế, chứ nào ai có biết cớ sự làm sao. Thế rồi tối hôm ấy, Miên thức suốt đêm trong lao để nhìn trăng ngoài sân bàng và nghe lá rụng. Miên rất không chịu để tình cảm chìm lâu, chỉ có nghĩ, có nhìn và có nhớ nữa chứ. Rồi chiều lại chiều, Miên làm việc một cách miễn cưỡng. Bác cai đe luôn, nhưng Miên có phải lười đâu. Miên tự nhiên thấy tình cảm nổi dậy trong lòng nhiều quá. Miên lạc bạn và nhớ bầy. Nhớ nhung làm cho người ta uể oải. Nhất là những chiều tiết thanh minh lạnh tập trung. Miên làm ở những nẻo đường hẻo lánh, nhà cửa rách nát và bỏ hoang, trống trải như lòng Miên sạm tối như mặt Miên. Bộ mặt gầy đi, sạm đi, trông dơ dáy đại hình quá, Miên còn biết xấu hổ, còn biết éo le, còn nhỏ nhưng cảnh ngộ đã bị rơi vào quãng đời khổ hạnh.
Đường cái trong thành Bình Định rộng và trắng quá. Thế mà ít người đi. Nhưng cứ chiều đến có vài anh chàng đàng hoàng như những nhà thơ nhu mì dẫm từng bước dưới những cánh gòn sai quả. Miên bỗng nhớ đến anh, nhớ xa xôi quá, nhưng mà có cảm giác gần gủi lại! Vì còn bao nhiêu tình cảm trong lòng một con chó hoang….. đều gửi vào kẻ, trước kia, đã mơn trớn nó.
Miên chỉ có thể mở lòng mình ra những lúc thấy bọn kia ở xa, nhưng đến lúc họ tới gần thì Miên e thẹn chẳng biết chừng nào và quên hết. Giá một người trong mấy người ấy là Xuân thì Miên còn có thể nghĩ ra sao. Hắn không có óc liều lĩnh nhiều đâu! Một đứa bé có liều lĩnh cũng không quá sức tưởng tượng của người lớn.
Ngày trước có đôi lúc Miên thấy đời mình lông bông ở giữa cao rộng khôn đón, khôn ngăn như diều gặp gió, rồi Miên sung sướng. Nhưng Miên quên rằng còn có một sợi, sợi dây dài nó giữ con diều gió lại. Thế rồi Miên muốn dứt sợi dây ấy. Nhưng đến khi khỏi vướng rồi thì như diều xa chỉ, Miên té một lần đau ấy cũng chỉ vì, Miên có một thứ cao vọng điên cuồng ý nghĩ giang hồ của Miên làm cho Miên sai lạc, chỉ vì Miên còn bé nhỏ quá.
Anh thì tha thiết, cha lại nghiêm khắc, Miên vì thế mà sinh ra hoang, nhưng cũng không vì thế mà Miên trở nên một đứa nghịch, chỉ vì bẩm tính trời phú cho. Nhựa bưởi, khôn làm nở được trên cây bưởi hoa nguyệt hương.
- Rồi bị nhà tù bỏ, có ai ngờ đã là chó hoang mà người ta còn bắt nó bỏ củi. Người ta ngờ nhưng quên nghĩ rằng: Một đại phú ông khi rớt một đồng trinh, cũng phải tìm nhặt lại cho được, chắc là Miên oán cha lắm. Nhưng đó là một cách răn dạy theo Khổng … giáo.
Một sự chuộc tội của ông cha, do tình cảm chứ không vì do thù ghét được con trọn đời?
Nhưng trái lại, Miên rất thương Xuân, thương anh, hằng nhớ anh có chắc gì anh đã nhớ đến mình. Thế rồi một buổi chiều thật im, một yên nghĩ to rộng, Miên dẫn bước một, kéo lê lưỡi xẻng lên nền trắng đi giữa một toán tù, ngêu ngao ca một bài “vọng cổ Sài Gòn”. Đó là cũng như những hạt cát dính dưới móng con ngựa đã qua một khúc đường. Miên biết và nhớ rành rọt từng câu, vì còn tự do rông ở Gò Bồi, Miên thường đánh bọn với một ban hát “nằm hầm”.Vì đang thời bị ế, Miên cũng như là con ngựa đã qua miền ấy và những bài hát kia, là những hạt dính theo chân. Còn biết bao hạt cát khác nữa!
Một người tù hỏi: - Chú hát hay nhỉ? Chắc trước kia đã có theo Ban nào?
Miên lạnh lùng đáp: - Hay gì mà hay?
Có lẻ Miên cho câu nói trên là mỉa mai nên hắn không hát nữa, mặt đỏ lên. Những người kia tiếp: Không có anh em sao? Mà tao không thấy ai đến thăm cả?
Không … nhưng mà có ở xa lắm, với lại cần gì?
Rồi Miên gõ mạnh lưỡi xẻng xuống như đổ bao nhiêu hận lòng vào đó. Những lúc ấy là lúc Miên buồn, chắc về lao ăn cơm không được.
Miên mến Xuân, nhưng không tìm được sự giải cứu nơi anh, chẳng biết Xuân có hay nổi khổ sở của em không? Còn biết bao nhiêu sợi dây khác trói buộc Xuân hằng ngày!
Có lẽ những đêm khuya chơi trên đường phố Hà Nội, thấy những chuột cống chạy, hay vào các làng xa ngoại ô thấy bầy chó hoang đói khát chạy rông, Xuân liên tưởng đến em và cho rằng em vẫn còn đang lang thang, đang xa gia đình trong không khí tự do.
Chỉ tội cho Miên, chỉ có thể trả lời với người tò mò khi hỏi đến anh em:
- Không, nhưng mà có ở xa lắm, xa lắm, với lại cần quái gì!
Rồi Miên nhìn mây, vuốt tóc thở dài.
Y.L
(nguồn: Tiểu thuyết thứ Năm Số 29, tháng 4/1939 ký bút danh Xuân Khai)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|