LÊ HƯNG VKD: CHỮ "THỜI" TRONG LINH KHU LÝ HỌC


nhiep-sinh-linh-khu-thoi-menh-ly-lerrrRRR

 

1/ Hồi niệm ngày thơ dại:

Niên khóa 1957-58, tôi học lớp đệ nhị B5 (trung học Petrus TVK/ saigon), thầy Bùi Trọng Chương (dạy Quốc văn) cho học sinh chúng tôi đề tài luận văn (về nhà làm, buổi học sau thì góp cho thầy):

- Giải thích đoạn thơ của cụ Cao Bá Quát (18O8-1855): "Thôi đã biết CÙNG - THÔNG là mệnh cả, cũng đừng đem HÌNH - DỊCH lại cầu chi ? hơn nhau cũng một chữ THÌ !"

Với tuổi đời non trẻ, tôi nào biết gì về các dụng ngữ "CÙNG, THÔNG, HÌNH, DỊCH, THÌ " trong bài thơ thể hát nói "cuộc phong trần" này....? Tôi "cầu cứu" bố tôi (ký giả thể thao Lê Phượng Kim/Thiên Lương) hỗ trợ ý nghĩa của 5 dụng ngữ khó hiểu nêu trên...

- Bài thơ triết lý này khó đây!  Bố tôi tặc luỡi buột miệng nói....và cụ dẫn giải ý nghĩa khá rạch ròi cho tôi hiểu (nhờ vậy mà bài làm của tôi được thầy Bùi Trọng Chương cho điểm tới 13/20, điểm số khó kiếm ở môn văn học lúc bấy giờ):

Cùng, là sự việc đã hoàn toàn bế tắc....
Thông, là sự việc hoàn toàn thuận lợi, dễ dàng...
Hình, là khoa xem tướng, diện mạo, hình dáng...
Dịch, là khoa bốc phệ, bói luận sự việc theo 64 quẻ dịch lý....
Thì, là thời vận tốt đẹp/ của mỗi người....

2/ Chút ít nghiệm lý ở tuổi lớn khôn:

Năm 20 tuổi, khi tôi đang là giáo sinh trường sư phạm cộng đồng LONG AN (ngành đào tạo thầy cô giáo hướng nghiệp cho hs,nông thôn, am tường dần các dự án phát triển nơi mình sinh sống, tiền thân của ngành học nông lâm súc sau này...), thì bố tôi (cụ Thiên Lương) gửi cho tôi một "tâm thư" động viên tôi cố gắng hơn: "Ba biết sau này, ngoài 24 tuổi, con sẽ có sự nghiệp tốt hơn... Sống ở đời, người ta phải CÓ THỜI mới vùng vẫy được, con phải biết nghe lời ba căn dặn..." . Tôi chưa tin lắm, vì tôi luôn bướng bỉnh nghĩ rằng: "Đời ta là do tay ta xây dựng, có chí thì nên...." và thời gian cứ qua đi, qua đi...

Sau này anh em tôi học thêm môn linh khu lý học nhị phân âm dương/ theory about chronological movements happening to the holistic bodybuilding (= dân ta quen gọi là đẩu số tử vi) do bố tôi truyền thừa (và tôi đã có ý định "thử nghiệm % xác suất độ tin cậy" bằng một khảo hướng nghiên cứu ứng dụng tử vi cổ truyền vào quản trị học đương đại? Khi tôi theo học thêm cao học xã hội học, thuộc ĐH.Vạn Hạnh/saigon, vị GS nhận làm PATRON cho tôi là ông giáo PhD. Nguyễn Minh Tỵ sinh 1941, kém tôi 2 tuổi). Nay tôi đã vào ngưỡng U.80, thấu cảm rất rõ ràng cụ Cao Chu Thần (Cao Bá Quát 1808-1855) nghiệm lý đúng:

- HƠN NHAU CŨNG MỘT CHỮ ...THÌ !

Và nguồn thông tin dự báo cho chữ THÌ (= THỜI VẬN HANH THÔNG) này chính là đại vận (= 10 năm) tam hợp tuổi năm sinh (âl) của mỗi cá thể ! mà cụ TL gọi là "đại vận thái  tuế"....(ghi chú thêm "vòng thái tuế" lại khác, đó là chuyên đề bàn về nhân cách con nguời !)

3/ Phàm luận thêm những thời điểm không phải đại vận thái tuế (tạm gọi là Thế):

Quí thân hữu trẻ tuổi bây giờ, đã có nhiều người thích thú nghiên cứu bộ môn "linh khu lý học nhị phân NHẬN & CHO" (mà trí thức nước Tàu cổ xưa chỉ dành truyền đạt cho giới quí tộc vương quyền … nên họ gọi lạc hướng là chiêm tinh tử vi đẩu số) tôi gợi ý để các bạn chú ý (giản đơn thôi) mỗi khi tìm hiểu thời vận của mình (căn cứ trên lá linh khu đồ/ holistic bodybuilding graph ) như sau:

3.1- Đại vận thái tuế: 10 năm thuộc tam giác ba khung (sách xưa gọi là cung) chứa 3 dữ kiện: thái tuế, quan phù, bạch hổ. Đại vận này là "thời kỳ hanh thông" trong dòng đời mỗi nguời...

3.2- Đại vận tuế phá: THẾ của 10 năm vất vả đua chen với vui ít, bực dọc nhiều, nghịch cảnh phải đối phó.... Thế này thuộc tam giác ba khung chứa 3 dk. tuế phá, tang môn, điếu khách.

3.3- Đại vận thiên không: THẾ của10 năm BẠI > THẮNG, thuộc tam giác 3 khung chứa 3 dk. thiếu duơng, phúc đức, tử phù .Cụ Thiên Lương khuyên con cháu dòng họ Lê Lã/ Hưng Yên xưa: gặp Thế này, khôn ngoan là nên dùng thời gian học tập, tu tập thêm...

3.4- Đại vận long đức: THẾ của 10 năm nhẫn nhịn/biết nhượng bộ thì gặp được nhiều % điều lành, thuộc 3 khung chứa 3 dk. trực phù, long đức, thiếu âm. Đại khái chữ THÌ (= thời cơ thuận lợi hơn 3 THẾ còn lại vừa nêu trên, temps de  décade désirable), là như vậy. Bởi hiểu như vậy, tôi càng thương cảm bậc sĩ phu thời Nguyễn Tây Sơn: cụ Ngô thời Nhiệm (1746 – 1803) đã dõng dạc trả lời "đối thủ đắc thời" Đặng trần Thường (1759 – 1813) trước khi chết:

- Gặp THỜI... thế, thế THỜI phải....thế ! (1)

Dòng chảy của đời sống/ mỗi phận người , như một dòng sông thôi, có lúc thủy triều dâng, có lúc cạn nguồn nước... C'est la VIE!

Mùa thanh minh 2016,
Lê Hưng VKD

Chú thích (1):

Câu chuyện "công danh bi lụy" giữa hai danh sĩ Ngô Thời Nhiệm & Đặng Trần Thường thời nhiễu nhương Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn (thế kỷ 18-19) qua vết tích văn học còn ghi lại, là câu đối nổi tiếng....nghệ thuật "chơi chữ":

- Vế đối của "quan tòa" Đặng Trần Thường:
AI CÔNG HẦU, AI KHANH TUỚNG, CHỐN TRẦN AI, AI DỄ BIẾT AI ?

- Vế đáp của "bị cáo chính trị" Ngô Thời Nhiệm:
THẾ CHIẾN QUỐC,THẾ XUÂN THU, GẶP THỜI THẾ, THẾ THỜI PHẢI THẾ !

Quan tòa "tím mặt" vì đối phương tuy thất thế (rơi vào “THẾ" thiên không, lưu hà, kiếp sát...chăng ?), mà vẫn ...coi thường mình ! và dĩ nhiên ...bị cáo "tội phạm phản loạn" phải chết (sau trận đòn 100 trượng phạt bằng ...gậy tầm vông nhiều gai nhọn!)
Dã sử ngoại truyện còn ghi lại: trước khi chết, sĩ phu Ngô Thời Nhiệm có làm bài ngũ ngôn cổ phong:

- Ai tai Đặng Trần Thường
Chân như yến thử đường
Vị Uơng cung cố sự
Diệc nhĩ-thị thu trường

Người viết mạn phép tiền bối Ngô Thời Nhiệm, xin chuyển ý theo thể thơ 6-8 như sau :

Thương cho bạn Đặng Trần Thường,
Sống trong nhà yến, lửa cuồng cháy thôi....
VỊ ƯƠNG: Hàn Tín đầu rơi !
Tai nghe mắt thấy: hỡi ơi sau này.....

Quả nhiên "dự báo" nhãn tiền 10 năm sau: sĩ phu Đặng Trần Thường,cũng bị vua Gia Long khép tội lộng quyền/ phản trắc và xử tử hình (1813), giống như lịch sử Trung Quốc xưa: Hán Vương Lưu Bang "chém đầu công thần " Hàn Tín tại lâu đài Vị Ương....

Lê Hưng VKD

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com