Bài viết của nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa đã khắc họa cho chúng ta thấy được tâm thế của người lính Cụ Hồ trong những ngày chiến đấu tại Quảng Trị.
Là người sưu tập sách cũ, tôi đang giữ tập sách Những ngày dài trên quê hương in năm 1972, trong đó in các bài bút ký của nhà văn, ký giả chiến trường ở miền Nam như Dương Nghiễm Mậu, Đoàn Kế Tường, Huỳnh Văn Phú, Hồng Phúc, Người Xứ Huế, Phạm Văn Bình, Phan Nhật Nam, Phan Huy, Sao Bắc Đẩu, Vũ Hoàng. Họ cũng viết về năm tháng đó. Sách dày 300 trang, có hình ảnh.
Cũng viết về năm tháng đó, còn có tập thơ Đầu gió, sách dày 560, in thơ của nhiều tác giả miền Nam, có tranh minh họa. Nếu có dịp, đọc kỹ, so sánh, ta sẽ thấy tâm thế của hai lực lượng đối kháng. Trước mắt, tôi trích một đoạn thơ ngắn để thấy suy tư người lính anh em của những ngày ở chiến trường Quảng Trị:
Đã từ lâu
Tôi không còn nước mắt
Dù tôi vẩn khóc thầm
Trên những đồng lương bán mạng
Trên những nắm cơm lùa vội
Trên những bước chân súng đạn nặng nề
Ôi những giọt lệ khô
Khóc một đời buồn bã
Đã từ lâu
Tôi chán ngán cảnh ra đi
Mà sao vẫn phải tiếp tục lên đường
(tr. 232 - 234)
L.M.Q
XI.2012
Quảng Trị nằm ở phía bắc kinh thành Huế. Mảnh đất này, do vị trí địa - chính trị nên luôn được nhà Nguyễn, bắt đầu từ Gia Long, đã quan tâm và cho xây thành đắp lũy. Thành cổ Quảng Trị xây theo kiểu Vauban, dạng hình vuông, bốn góc thành có 4 pháo đài canh giữ. Thành có các cửa: Tiền, Hậu Tả, Hữu, xây hình vòm cuốn, trên có vọng lâu. Bên ngoài thành là một hệ thống hào bao quanh, có độ sâu 3,2m, rộng 34,85m. Nội thành có nhiều công trình kiến trúc quan trọng, như hành cung, dinh tuần vũ, dinh án sát, dinh lãnh binh, ty phiên, ty niết, nhà kiểm học,…
Năm 1885, trên đường ra Tân Sở, vua Hàm Nghi đã dừng lại ở Thành cổ, kêu gọi các tầng lớp nhân dân, đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.
Suốt gần 140 năm, kể từ 1809 đến Cách mạng tháng Tám 1945, Thành cổ Quảng Trị là trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa của tỉnh Quảng Trị và là phên dậu phía bắc, bảo vệ kinh đô Phú Xuân.
Kháng chiến chống Pháp, nhất là kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị được xem là chiến trường dữ dội và khốc liệt nhất Đông Dương, nơi diễn ra nhiều cuộc đụng độ nảy lửa giữa ta và địch. Từ sau 1954, Quảng Trị là cửa tử đối với quân đội Mỹ. Đặc biệt, năm 1972, Thành cổ Quảng Trị với 81 ngày đêm rung chuyển đã để lại dấu ấn khó phai mờ trên nhiều phương diện, trong đó có văn học nghệ thuật.
Quảng Trị với những địa danh như sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, Đường Chín, Khe Sanh, Cam Lộ, Đông Hà, Ái Tử, Gio Linh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, sông Thạch Hãn,… đã tạo nên một dòng sông thơ ca trong văn học hiện đại Việt Nam.
Con sông Bến Hải, nói như Nguyễn Tuân, sông tuyến đó là giới tuyến của hai bờ Nam - Bắc, hai miền phân ranh suốt 21 năm. Con sông đó đã trở thành biểu tượng của khát khao thống nhất đất nước và đã trở thành niềm thao thức nơi bao trái tim của nhiều văn nghệ sĩ.
Một ngày về lại cầu Hiền Lương, vẫn cây dương liễu vươn cao, vẫn cây bạch đàn bóng mát, vẫn đồng ruộng sum vầy, vẫn dòng sông chảy ngày đêm không nghỉ, chỉ có con đò cứ bến vắng, không còn lối sang ngang, xúc cảm giữa cảnh ấy, nhà thơ Tế Hanh viết:
Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị
Tận chân trời mây núi có chia đâu
(Nói chuyện với Hiền Lương)
Hiền Lương, nơi đó có bà mẹ chèo đò, đưa quân sang bên kia vĩ tuyến, đi qua những hố bom, đi qua những hàng cây cháy đen, qua "những nơi bến cũ đường xưa" trong Người mẹ của Nguyễn Đình Thi. Quảng Trị trong thơ Chế Lan Viên là những ngày, những đêm thương nhớ về một nơi sinh ra mình, nơi có mộ mẹ… Nam Hà có bài thơ dài "Chào đường chín anh hùng" nói về con đường của "máu đỏ phu làm đường… đã nhuộm thắm đồi chè, bãi sắn quê hương" và cả "tiếng hát của những người tù đi đày Pha Lan, Lao Bảo, vẫn còn nghe ngân vọng mãi giữa Trường Sơn". Đường chín của "Ôi Cam Lộ, Gio Linh đói nghèo, ôi rừng thiêng Khe Sanh", "đất đau thương sẽ là đất anh hùng". Đó là:
Con đường của tâm hồn ta,
ta nô nức đi giành cuộc sống
Con đường của cuộc đời ta,
ta đi giành độc lập tự do
Con đường của thời đại ta,
ta đi giành hạnh phúc ấm no
Con đường đi giữa tim ta,…
Một cách nhìn khác, trong Nước non ngàn dặm, Tố Hữu đã viết:
Xe lên đường 9 cheo leo
Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau
Cây khô, chết chẳng nghiêng đầu
Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh…
Vẫn là đường Chín, vẫn là con đường đầy những hoa lau trắng nhưng sự dữ dội và hủy hoại của chiến tranh đã khiến những cành cây khô, xương xẩu như hàng nghìn ngón tay, cháy đen thành than, rạch lên bầu trời xanh, vẽ nên một cảnh tượng đầy bi tráng của những ngày rực lửa của chiến trường Quảng Trị. Những câu thơ mang đậm tính tượng hình đã để lại nơi người đọc những ám ảnh khó phai về đường Chín - con đường máu, như cách gọi của số nhà quân sự thế kỷ XX.
Vũ Ngàn Chi, nhà thơ gắn liền đời mình với chiến trường Trị - Thiên, có tập thơ trữ tình mang tên Đêm Quảng Trị (NXB Văn nghệ Giải phóng, 1975).Tập thơ có 2 phần, phần I. Đất gọi, phần II. Sớm nay về. Những đia danh ghi dưới các bài thơ như: Hải Lăng, Xê-kôi, Hướng Hóa,… cho thấy sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với Quảng Trị anh hùng:
Đêm Quảng Trị dắt ta vào trận đánh
Thủ pháo rung rung đầu kíp nụ xòe
Đêm kỳ diệu quen nhuộm màu đen nhánh
Đêm nghìn đời đất thánh vẫn trùm che
Ta nghe đêm nay đôi bờ sông Thạch Hãn
Rặng mít bên Cùa, dặm cát Phương Lang
Đêm Quảng trị giục canh gà gọi sáng
Cờ ta bay đỏ rực lũy tre làng…
Đọng trong tâm trí nhiều thế hệ, đó là 81 ngày đêm chiến đấu tại Thành cổ, từ 28-6 đến 16-9-1972. Ngày nay, cuộc chiến đã lùi vào quá khứ. Đất nước đã sang trang mới. Màu xanh đã phủ lên những hố bom xưa. Dòng Thạch Hãn đã trong xanh lại. Song, những vần thơ về Thành cổ, về Ngã ba Long Hưng vẫn gợi nên bao bùi ngùi, thương cảm. Số bom ném xuống Quảng Trị khoảng 328 nghìn tấn, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima, Nhật Bản (1945). Thị xã Quảng Trị là một đống gạch vụn. Nơi ấy, hàng nghìn người con ưu tú của Tổ quốc, tuổi mười tám đôi mươi đã ngã xuống, nằm lại trên các nẻo đường của Quảng Trị, của Thành cổ:
Đồng đội tôi nằm lại cả Binh đoàn
Đội ngũ chỉnh tề hàng ngang hàng dọc
(Đặng Trung Hội, Viết ở nghĩa trang Trường Sơn)
Dòng sông Thạch Hãn, nơi bao người chiến sĩ vĩnh viễn không về:
Đò xuôi Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm
(Lê Bá Dương)
Nguyễn Đức Mậu, nhà thơ - chiến sĩ, có nhiều bài thơ về Quảng Trị, đó là: Đêm Thành cổ 1972, Tráng khúc Quảng Trị, Hoa lau đường Chín, Ở vùng quê Quảng Trị, Chép lại một chân dung,…Thơ ông chạm khắc chân dung người lính vào những thời điểm thử thách của cuộc đời, đó là cảnh:
Sau tiếng thét Bường lịm dần rồi tắt
Tôi gọi hoài tên nó, gọi tàn hơi
hoặc:
Mùi tóc cháy, mùi thịt da khét lẹt
Ngọn gió qua đồi hóa ngọn gió mồ côi
Khuôn mặt bạn cháy đen, chỉ còn đôi mắt nhìn tôi
không chịu khép
Như hai hốc đất sâu, hai vết thủng vòm trời…
Phạm Đình Lân có bài thơ Tấc đất Cổ thành khá cảm động. Về lại chiến trường xưa, nơi đồng đội yên nằm dưới cỏ, nơi "mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật / Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào":
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng.
Đoàn Xuân Hòa, người lính chiến đấu tại Quảng Trị, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ghi lại một kỷ niệm cảm động, ngày ấy, giữa khói bom của trận đánh, "Em hát tặng tôi dưới tầm đạn pháo / Dìu dặt lời thương cởi áo cho nhau/ Gương mặt em đánh thức ánh trăng rằm". Vậy mà, tiếng hát trong trẻo của người con gái tuổi mười tám, em đã không còn nữa trên đời:
Con chim họa mi ơi
Sao em không về với rặng tre ngà bên bờ Thạch Hãn
Bài hát ngày qua hát lại cho mình
Sao em không về với con đường lợp xanh bóng lá
In trong chiều kỷ niệm gót chân xinh…
(Vầng trăng thời gian đi qua)
Trong nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi, nơi trang cuối cùng, anh binh nhì Nguyễn Văn Thạc, đã ghi: "Kính chào hậu phương - Chào gia đình, và người tôi yêu. Đêm nay tôi đi-Nhất định có ngày trở về Thủ đô yêu quí của lòng tôi. 3-6-1972 - Ngã ba Đồng Lộc ".
Không. Không, anh không trở về Hà Nội nữa. Ngày 30-7-1972, anh hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị, lúc tròn 20 tuổi. Những gì anh viết trong Lời mẹ dặn, về người mẹ của mình, chỉ là hoài niệm:
Này buổi sáng tinh sương, mẹ cựa mình thức suốt
Nổi lửa hồng gọi mặt trời lên…
Những vần thơ tặng Như Anh như Đêm trắng, Nhớ trường chỉ còn lại là những hồi ức xa xăm.
Quảng Trị, mảnh đất cằn khô, hạnh phúc khó mỉm cười với con người. Nơi ấy, những ngọn gió Lào thổi suốt cả mùa hạ, thổi suốt một đời, đến nỗi Chế Lan Viên như gào lên:
Ôi gió Lào ơi! ngươi đừng thổi nữa
Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ
Những đồi sim không đủ quả nuôi người
Cuộc sống gian lao ít tiếng nói cười…
(Kết nạp Đảng trên quê mẹ)
Vậy mà, đó là nơi gửi về bao thương nhớ của những người con tha phương cầu thực. Mỗi khi bão gió, lũ lụt xô về miền Trung, đi qua các làng quê nghèo của Quảng Trị, đều gợi nên nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi nơi những đứa con xa quê. Tạ Nghi Lễ là một hồn thơ như thế.
Thơ Tạ Nghi Lễ là tiếng lòng của kẻ tha hương phương Nam, đau đáu, dằn vặt, xót xa khi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Nhiều bài thơ không nén nỗi cảm xúc, "Có nơi mô như ở quê mình / Bưng bát cơm ăn sao đắng cả lòng / Có nơi mô như ở quê mình / Mẹ đợi con tóc hóa ngàn lau trắng / Có nơi mô như ở quê mình/Khúc ruột thắt giữa hai miền đất nước.(Quê mình). Quảng Trị trong thơ Tạ Nghi Lễ là khung trời thị xã yên bình, là kỉ niệm làng quê ngày thơ dại, là khói lửa chiến tranh, là món quê hương thèm đến nao lòng, là em cuối chân trời trôi dạt, là tiếng cầu kinh tha thiết, trầm buồn:
- Chiều thị xã, hương sầu đông thơm ngát
Tiếng ve khô, cong ngọn gió Nam Lào
- Tôi chú bé ngày xưa trọ học
Phượng rụng vai người xao xác mùa thi
(Về)
Có một bài thơ được Nguyễn Phú Yên phổ nhạc, Quang Linh hát và nhiều người yêu thich. Bài thơ có tên Chị ơi, sao nghẹn ngào, đau xót đến tận cùng như thế ở trên cuộc đời này ! Người chị ở quê. Tuổi bốn mươi mới in thiệp cưới. Thiệp cưới in xong, chưa kịp gửi về. Cơn lũ lớn đi qua. Khắc nghiệt thay, "Lũ cuốn trôi nhà và chị… chị ơi!". Thế là hết. Màu trắng của mưa và màu trắng khăn tang:
Cha cố nuốt nước mắt vào trong,
không nói nên lời
Cả nhà phủ một màn mưa trắng
Mưa trắng trời hay trắng cả con tim?
Em không về kịp nữa chị ơi!
Mưa trắng cả một trời Quảng Trị.
Nhiều bài thơ viết về Quảng Trị của Tạ Nghi Lễ được phổ nhạc, như Quê mình, Nhớ về Quảng Trị, Thị xã tôi về, Quảng Trị trong tôi, Quảng Trị, quê hương tôi,… được các ca sĩ Thu Hiền, Vân Khánh, Quang Linh, Thiên Bảo,Tú Anh,… thể hiện, làm nên một nét riêng, đậm đà, tha thiết, một tiếng lòng với vùng gió Lào cát trắng.
Quảng Trị, vẫn là nơi tha thiết đi về của bao tâm hồn, vẫn là nơi neo đợi những chờ mong, lưu luyến. Dòng sông thơ về Quảng Trị vẫn ngày đêm chảy giữa đôi bờ thương nhớ!
HUỲNH VĂN HOA
< Lùi | Tiếp theo > |
---|