Năm 2008, lần đầu tiên tôi được nhà giáo, nhà nghiên cứu Lê Hưng gửi tặng tập sách Nghiệm lý phong hòa thủy tú (NXB TP.HCM). Nay, thỉnh thoảng có sách mới, ông lại gửi tặng. Vây mà giữa tôi và ông chưa có dịp gặp nhau, dù Sài Gòn - Bình Dương nào có xa xôi gì. Ông hơn tôi tròn 20 tuổi, khi tôi được một tuổi, ông đã dạy học các trường ở Bình Dương. Từ năm 1990, ông là thầy thuốc và được phong Thầy thuốc Ưu tú năm 2001.
Nhà giáo, nhà nghiên cứu Lê Hưng
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi vui mừng giới thiệu cùng bạn đọc trang web www.leminhquoc. vn bài viết của TS Trần Thúy Anh viết về ông.
L.M.Q
XII.2012
Có một nghề cao quý dạy người được gọi là Thầy giáo; có một nghề khác cao quý không kém, chữa bệnh cứu người là Thầy thuốc. Dường như Trời cao đã “lập trình” sẵn định mệnh cho ông Lê Hưng VKD là “2 trong 1”. Cả hai công việc ấy, ông đều song hành thực thi suốt cuộc đời mình, ngay từ thời trai trẻ thanh xuân, và chưa bao giờ ông dừng lại…
Cha tôi (giáo sư Trần Quốc Vượng) là người quảng giao, nhiều bạn, nhiều học trò. Nhưng tri âm tri kỷ không nhiều! Từ lâu lắm rồi, tôi đã thấy tên ông nhiều lần trong câu chuyện của cha mẹ tôi. Cha tôi nhắc đến Lê Hưng VKD với sự tôn trọng và đặc biệt quý mến. Ông là một trong số những người bạn mà cha tôi gọi là chí thiết. Tình bạn của ông và cha tôi trở thành niềm tự hào của mọi thành viên trong gia đình tôi. Với riêng tôi, tôi kính trọng và ngưỡng mộ ông có phần vượt hơn anh trai và em gái của mình, bởi những vấn đế ông nghiên cứu và tác nghiệp, khiến tôi đặc biệt thích thú và cũng bởi tôi là đứa con may mắn được cha tôi hợp, thương và chiều hơn cả.
Do vậy, tôi rơi nước mắt khi ông gọi điện cho tôi, sau một thời gian khá dài tôi ít biết tin ông. Ông hỏi thăm, chúc mừng tôi được giải thưởng (công trình nghiên cứu của Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam) và cho tôi sách của ông. Cứ 1, 2 tháng ông lại viết vài dòng cho tôi trên những cuốn sách ông tặng và gửi qua đường bưu điện. Tôi thấy lòng mình rưng rưng mỗi khi nhận được quà tinh thần của ông như thế. Tôi bớt đi cảm giác mồ côi, thiếu vắng cha mẹ. Tôi thấy trong ông, qua ông: hình ảnh của cha tôi và cả một “thế hệ vàng” quý hiếm, vô cùng đáng kính, nhiều tài và đầy phẩm cách của nước Việt.
Ông có lối hành văn đặc biệt, thấu suốt trong: “Tâm thiền lẽ Dịch xôn xao”, “Nghiệm lý hệ điều hành Âm Dương”, “Biết mình, hiểu người - Hài hoà cuộc sống” đều như vậy. Tôi bị cuốn hút bởi lối diễn đạt vừa hàn lâm, bác học trang trọng, vừa giản dị pha hóm hỉnh, xen lẫn từ vựng hiện đại với lối nói xưa cũ, xa xôi, sâu sắc (vốn là màu sắc riêng có, thuộc về thế hệ của ông). Bà giáo Vương Kim Dung, (phu nhân của ông) nhắc tôi là cứ thẳng thắn nếu thấy cách viết của ông khó hiểu, nhưng tôi lại không cảm nhận như vậy!
Các vấn đề ông đề cập tuy không hề dễ hiểu, nhưng đã được ông “đơn giản hoá mọi điều phức tạp”. Ông trình bày Linh khu đồ như phương trình toán học lịch sử về con người, ông dùng toán thống kê, toán tập mờ để lập trình cách an hiện các dữ kiện và thông số đời người. Ông diễn giải Phong thuỷ, Tử Vi, Dịch học, Y học: kết nối lý luận với những ví dụ thực tiễn thú vị, đến nỗi một kẻ dốt Toán như tôi cũng hiểu ra nhiều điều cơ bản.
Ông hướng dẫn độc giả cách kết hợp khoa học kỹ thuật mới với những tri thức cổ xưa, đặng tìm ra cách xử lý và chữa bệnh thể xác, bệnh tinh thần cho con người. Phối hợp tri thức tổng quát qua các sách đã (và sắp) xuất bản của ông, người đọc được mở dần từng cánh cửa để hiểu và trân trọng cuộc sống, để hiểu và trân trọng cá nhân mình, để được sống nhiều và sống lâu, để cuộc đời được tăng cường cả về số lượng và chất lượng sống.
Tôi mê nhất và cứ lẩm bẩm “Ơ rê ka” khi ông viết nhiều đầu sách chuyên đề Linh Khu thời mệnh lý, bởi lẽ tôi vốn là dân Ngữ Văn, dạy về giao tiếp và thích tìm hiểu về trí tuệ cảm xúc (EQ). Tôi đã tìm ra lời giải và nhiều bài học sâu sắc từ những kết quả nghiên cứu uyên thâm của ông về vấn đề này. Trí tuệ mẫn tiệp và lối trình bày logic (ông vốn là nhà giáo Toán học) ấy, đem đến sự cống hiến đặc biệt của ông cho lớp hậu sinh chúng tôi (và các thế hệ trẻ tiếp nối) để họ có thể ứng dụng với ý thức chủ động “am lịch sự cố, canh lịch sự biến, luyện lịch sự tình”, để đi tìm thành công và ý nghĩa cuộc sống đời mình!
Thế hệ của ông và cha tôi nói chung, ông và cha tôi nói riêng, đều là những con người suốt đời theo đuổi lý tưởng sống lớn lao và duy nhất: dâng toàn bộ sức lực và trí tuệ cho Tổ Quốc của mình, với tinh thần tận hiến.
Ông là Thầy thuốc ưu tú & Nhà giáo mẫu mực: Lê Hưng VKD, (người bạn tri kỷ đáng kính của cha tôi!) người Thầy “2 trong 1”!
Hà Nội, ngày 20/11/2012
TS. Trần Thuý Anh
(CBGD, Khoa Du Lịch Học - Trường ĐHKHXH & Nhân Văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|