Bản in Điêu tàn năm 1996 của Hội Nhà văn theo bản in năm 1937. Tư liệu L.M.Q
Màu sắc là một yếu tố quan trọng, góp phần làm nên thế giới nghệ thuật của một tác phẩm. Con đường tạo nên sự độc đáo của tác giả trong việc chiếm lĩnh hiện thực có khi khởi đi từ màu sắc. Không có sự dung nạp nào về màu sắc vào trong tác phẩm lại mang sự trung tính cả. Bảng màu của một tác giả ở một thời kỳ sáng tác nhất định đều phản ánh cái nhìn nghệ thuật của người nghệ sĩ đó về cuộc đời, về nghệ thuật.Màu sắc trong tập thơ Điêu tàn đã phản ánh một thế giới nghệ thuật riêng biệt của Chế Lan Viên trước 1945, tạo nên con đường không giống với bất cứ nhà thơ đương thời nào của trào lưu văn học giai đoạn 1930-1945.
Quả vậy, màu sắc là nét độc sáng của Điêu tàn.
Điêu tàn ra đời năm 1937. Đây là thời kỳ phát triển “rực rỡ” của chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực giai đoạn 1930 - 1945. Khác với những tác phẩm đồng thời, thường khai thác chủ đề tình yêu, Điêu tàn đi vào ngả rẽ của hư linh ma quái. Ở đó, con người hoàn toàn vắng mặt. Một thế giới ngập chìm bóng đêm xuất hiện. Nỗi buồn thương về nỗi sầu vong quốc bị đẩy đi quá xa, không thấy đâu là ánh ngày và tương lai. Nhiều chi tiết, nhiều hình ảnh mang trạng thái u uất được thi vị hoá, nhiều hình tượng mang dáng dấp của cuồng loạn, nhục thể ra đời:
- Thịt cứ chiều theo thú dục chua cay !
(Ta)
- Ta cởi truồng ra ! ta cởi truồng ra
Ngoài kia trăng sáng chảy bao la.
- Ai cởi dùm ta ? Ai lột dùm ta ?
Cho loã lồ thịt còn nằm trong da !
- Vừa dâm dục ôm trăng vờ vật ngủ
(Tắm trăng)
- Rồi trần truồng, ta nằm trên điện ngọc
(Ngủ trong sao)
Điêu tàn chìm đắm trong bóng tối cô đơn, lạnh lẽo với những cơn mê sảng của tâm hồn, với những triết lý cao đạo, xa vời, với những phù chú ảo thuật về ngôn từ. “Tài thơ Chế Lan Viên như một ngôi sao vụt sáng, một thứ ánh sáng nhiều màu nhưng có phần xa lạ với cuộc đời” (Phan Cự Đệ - Hà Minh Đức, Nhà văn Việt Nam, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội 1979, trang 647).
Thống kê các màu của tập thơ, ta thấy bảng màu ở đây không phong phú và đặc sắc như thơ ca cổ điển. Trong 36 bài, Chế Lan Viên sử dụng 9 màu, chủ yếu là trắng, xanh, đen mờ.
Mặc dù màu sáng chiếm ưu thế 37/52, nhưng xét chung nó chỉ là những yếu tố minh hoạ cho chủ đề điêu tàn của tập thơ.
Tư tưởng siêu hình là tư tưởng chủ đạo, chi phối toàn bộ Điêu tàn. Chế Lan Viên đã dựng lên một hệ thống hình ảnh nhằm minh hoạ cho tư tưởng này. Những “âm giới”, "cõi chết”, "hư vô”, "cõi xa xôi”, cùng những "sọ”, " xương”, "tuỷ”, "thi thể”, "đầu lâu” ... đã tạo nên ở Điêu tàn một thế giới siêu hình, ma quái. Thế giới đó không ngừng đi đến diệt vong. Ở đấy, mọi khả năng và nỗ lực của con người cứ tiêu thất dần. Chung quanh thế giới đó là những tiếng mõ cầm canh trong đêm vắng, tiếng chó sủa ma trơi, tiếng cô hồn từ cõi chết trở về than thở.
Dòng sông Linh hư ảo được xem như biểu tượng của thời gian và trên dòng sông nhân chứng đó, Chế Lan Viên cho sống lại những tà dương nắng xế, những đêm mờ sương lạnh, những hồn ma lẩn tránh ánh bình minh.
Màu sắc được sử dụng cũng chỉ để cụ thể hoá những đường nét của thành quách, tháp đổ, ngàn lau, sọ trắng và những chiều thẫm máu hồng.
Màu sắc ở đây là màu sắc của chết chóc. Mọi sự vật đều đi đến cánh cửa của sự huỷ diệt. Cảnh âm ty, tịch liêu, hoang vắng, ma rợn đó đều được điểm tô của màu sắc. Chế Lan Viên cũng sử dụng màu xanh, nhưng màu ấy lại gắn liền với những chuỗi ngày tàn tạ, với những “tàn xanh ngày chiến tượng trở về”, với những đỉnh tháp gầy mòn trong mong đợi:
- Chuỗi ngày xanh hùa theo nhau phai lạt (Những nấm mồ)
- Cũng đương chôn lặng lẽ chuỗi ngày xanh (Những nấm mồ)
- Hay rừng xanh lăn nhẹ khói u sầu (Chiến tượng)
Có lúc, nhà thơ muốn ngước lên, hỏi vọng “Trời xanh ơi hỡi, xanh không nói” (Đọc sách). Cùng thời, nhưng Tố Hữu có những cách cảm, cách nghĩ về màu xanh rất khác. Trong tập thơ Từ ấy, màu xanh gắn liền với vẻ đẹp của quê hương, đất nước:
- Đồng xanh gợn nhớ quê hương (Tiếng hát đi đày)
- Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng (Xuân đến)
- Đâu từng ô mạ xanh mơn mởn (Nhớ đồng)
- Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh (Trăng trối)
Với Điêu tàn, trong cõi chiều tà, đêm sâu ấy, màu trắng là màu tang chế, ghê rợn nhất. Ở đây, không gợn lên chút gì của tinh khiết và trong lành. Ta chỉ thấy “một khớp xương ma rợn trắng” một “nền giấy trắng như xưa trong bãi chém” và “những thành sọ trắng của ma thiêng” hoặc những “khớp xương ma trắng tựa não cân người”`.
Có thể nói, trước và sau Điêu tàn, không một tác phẩm nào của nền văn học nước ta lại có những kiểu nói như thế. Cái chết, mà tượng trưng là màu trắng, cứ chập chờn trên từng trang thơ. Lẫn trong trí của người đọc là hình ảnh của cái chết với xương, sọ, tha ma và huyệt lạnh. Hơn 2/3 (7/10) số lần có mặt của màu trắng đều gợi lên cảm giác đó. Xưa nay, nói về chết chóc, người ta vẫn thường dùng màu trắng nhưng không ai lấy nó làm đối tượng để tỏ bày cảm xúc, tâm tình cả :
- Trên đầu mi não trắng, rũ nhau tuôn (Xương khô )
- Lắp cho ta lấy những thành sọ trắng (Đầu mênh mang)
- Nền giấy trắng như xương trong bãi chém (Tiết trinh)
Trong Điêu tàn, màu đen chỉ xuất hiện một lần (Trong màn đen huyền bí. Ta bảo lòng là câu thơ trong bài tho Bóng tối - mà thay vào đó, ông dùng hình dung từ “mờ”. Nó là màu tranh chấp giữa đen và nhờ nhờ tối.
Giữa hư vô và thực tại, giữa bóng đêm và ánh sáng, giữa âm giới và trần gian, nó đứng ở giữa. Do đó, những câu thơ có hình dung từ này, đều dẫn dắt người đọc đến một cõi xa xôi nào đó, đã mất đi trong quá khứ và dĩ vãng xa mờ. Trên tấm lụa bạch điêu tàn, nó đính vào các hình ảnh, làm nên ý nghĩa của hủy diệt, của sự chết :
- Hay mi nhớ những đêm mờ rùng rợn (Cái sọ người)
- Này nghe chăng những đêm sâu mờ mịt (Bóng tối)
- Dòng sông Linh nước mờ không dám chảy (Tiếng trống)
- Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ (Những sợi tơ lòng)
- Đừng có để những đêm mờ vắng vẻ (Đầu rơi)
- Nước non Chàm không bao giờ tiêu diệt
Tháng ngày qua vẫn sống với đêm mờ (Bóng tối)
Trong 15 lần xuất hiện thì đến 12 lần hình dung từ này gắn với thế giới về đêm. Đó là những “đêm mờ”, “trăng mờ”, “sương mờ”, “ánh mờ”… Hầu hết là gắn chặt với những đề tài về sọ người, về đầu rơi, về bóng tối, về trăng đêm.
Giữa cõi mờ mờ, hư ảo đó, không một sự vật nào mang đường nét rõ ràng, cụ thể cả. Tất cả đều hoang dại. Chế Lan Viên đã đẩy những hình ảnh này đến biên độ cực đại của siêu hình. Biết bao lần, nhà thơ nghĩ :- Trời hỡi trời, hôm nay ta chán hết
Những sắc màu, hình ảnh của Trần Gian ! (Tạo lập).
- Tạo hóa hỡi ! Hãy trả tôi về Chiêm quốc !
Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian !
Muôn cảnh đời chỉ làm tôi chướng mắt !
Muôn Vui Tươi nhắc mãi vẻ điêu tàn.(Những sợi tơ lòng)
Do, “khi đã buồn hiện tại, thì quay vào tháp xưa” (Ngoảnh lại mười lăm năm), Chế Lan Viên đi triền miên trong những tháp, những tượng, những đền đài hoang phế đó. Ông đã đi quá xa cuộc đời thực này. Trần gian, với ông, là “ga sầu vĩ đại của đêm đen” (Vàng sao).
Có thể nói rằng, quy luật phân đôi đã chi phối sâu sắc hệ thống hình tượng và màu sắc của Điêu tàn. Giữa hai biên vực hiện tại và quá khứ, siêu hình và sự sống, mọi biểu hiện như bị chẻ ra, bị giằng xé, bị chia hai, và cuối cùng lực siêu hình, hư vô chiến thắng. Màu sắc của tập thơ bị chiết toả bởi nó. Do đó, ta không lấy làm ngạc nhiên là tất cả màu sắc đều biểu lộ cảm quan về tàn lụn và chết chóc. Chính đẩy đến bờ vực đó, màu biếc, màu hồng ... có lúc trở về với vẻ đẹp của trần gian, vẫn không thắng nổi màu trắng và đen mờ. Sau này, Chế Lan Viên đã nhận xét, với Điêu tàn, ông đã “đi tuốt ra khỏi cuộc đời về phía tha ma, về phía siêu hình” (Chế Lan Viên - Nghĩ cạnh dòng thơ - NXB Văn học. HN, 1982, trang 301).
Nhìn chung, thế giới quan, phương pháp sáng tác và cảm quan hiện thực của nhà thơ đã ảnh hưởng đến việc sử dụng màu sắc. Điêu tàn là một trường hợp điển hình. Màu sắc là một phương diện của cái nhìn nghệ thuật trong thơ Chế Lan Viên thời kỳ 1930 - 1945. Ở đó, ta có thể tìm thấy những biểu hiện gián tiếp của một thời đại thơ ca và của một hệ ý thức.
Sở dĩ có cái nhìn hắt hiu, tàn lụn về xã hội như ở Điêu tàn, một phần có những “góp mặt” của màu sắc. Từ bảng màu của tập thơ này, ta còn nhận ra màu sắc tình cảm, nhận thức của Chế Lan Viên và cũng là của thế hệ làm thơ trước 1945.
Màu vàng trong Lửa thiêng của Huy Cận, màu trắng trong Điêu tàn của Chế Lan Viên, màu xanh trong Từ ấy của Tố Hữu,… là những tín hiệu phản ánh tâm trạng của họ đối với cuộc đời. Tâm trạng đó cũng là tâm trạng của một thời đại.Những cơn thác loạn trong tâm hồn Chế Lan Viên đã để lại dấu ấn sâu sắc nơi màu sắc. Từ màu sắc, ta lại tìm thấy những suy tưởng siêu hình, dấu dưới những phù ảo ngôn từ của tác giả. Hai mặt ấy xoắn quyện nhau và dựng lên một chân dung: Điêu tàn. Mười lăm năm sau, Chế Lan Viên có dịp nhìn lại mình :
... Tôi đi giữa siêu hình
Như đất nầy lợm mửa
(Ngoảnh lại mười lăm năm)
Đó là hai câu thơ tả đúng nhất về thế giới của Điêu tàn. Nó không thể nào khác hơn, vì hình ảnh và màu sắc đã là như thế. Cho nên, dù sau này đi với cách mạng, Chế Lan Viên vẫn còn day dứt về cái “thuở chua cay của một thời thơ ấy”. Ta có thể hình dung những điều đã nêu ở sơ đồ sau :
Một lần nữa, sau ngày đất nước thống nhất, trong buổi nói chuyện với văn nghệ sĩ tại Sài Gòn (1976), Chế Lan Viên đã nói : “Khi Cách mạng tháng Tám đến, tôi mới vừa hai lăm tuổi. Nhưng đã già đi vì mang một cái gia tài đồ sộ của hàng triệu nỗi buồn …
Cơn mê thực là khó tỉnh, vì tôi đã là tác giả, nghĩa là bộ óc đã khá hoàn chỉnh trong cái mê của mình. Điêu tàn không phải là nở sinh, xây dựng. Và Vàng sao nghe thế, nhưng thực ra xa cách với Sao vàng” (Từ Gác Khuê Văn đến quán Trung Tân, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội 1981, trang 21, 22).
Với màu sắc, Chế Lan Viên đã dựng lên trong Điêu tàn một thế giới, thế giới đó, như nhà thơ đã viết: Đang lạc loài trong cõi chết xa xôi.
H.V.H
Cùng một chủ đề:
http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/suy-nghi-ve-tho/976-thu-tim-hieu-mau-sac-trong-tho.html
< Lùi | Tiếp theo > |
---|