Lời thưa,
Nếu không có dịp di Hà Nội dự Đại hội Nhà văn trẻ toàn quốc lần IV (ngày 26.4.1994), tôi đã không cùng bạn thơ Phan Hoàng đến Trường Viết văn Nguyễn Du. Nếu không đến đó ắt không có tập sách này. Đêm ấy cúp điện, ngồi trên sân thượng cùng các bạn còn đang theo học khóa ấy như Đặng Thanh Hương, Phạm Tường Vân... tôi đã nghe nhiều câu hò vè truyền miệng. Nghe và ghi chép. Về TP.HCM, tôi viết bài đầu tiên "Thơ dân gian ở Trường Viết văn Nguyễn Du" và gửi đăng trên Tuổi Trẻ Cười. Lúc đó, nhà báo Nam Đồng phụ trách tòa soạn. Dần dà, tôi cứ viết mãi và in thành sách. Mỗi lần in lại bổ sung thêm... Còn khá nhiều thơ dân gian như thế, nhưng chưa viết...
LÊ MINH QUỐC
VIII.2012
Lê Minh Quốc và những chuyện cười làng văn
Với cuốn “Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam”, Hoàng Thiếu Phủ (bút danh của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan) đánh giá rằng đây là một “công trình sinh thú” và “được giới thiệu bằng bút pháp sở trường”. Lời khen tặng ấy quả không quá lời.Tặng cuốn Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam (NXB Phụ nữ -2005) cho tôi, nhà thơ Lê Minh Quốc hình như “ngứa tay” ghi thêm dưới dòng đề tặng mấy câu thơ “xuất thần”: Mai sau còn lại gì không/ Vẫn còn cát bụi phiêu bồng chân mây/ Cười lúc tỉnh, khóc lúc say/ Tỉnh say ai biết rằng ai vui buồn?!.
Cái chuyện “cười lúc tỉnh, khóc lúc say” nghe có vẻ rạch ròi quá, dường như nó không đúng với cái “tạng” của Lê Minh Quốc, một con người mà tôi biết: tỉnh say, buồn vui lẫn lộn. Cũng lắm khi cười lúc say mà khóc thầm lúc tỉnh ấy chứ!
Vốn là dân đất Quảng nên coi bộ Lê Minh Quốc rất “ưu tiên” cho quê nhà. Trong tập sách Tiếng cười dân gian hiện đại Việt , phần “Tản mạn về tiếng cười đất Quảng” đọc rất “đã”, có khi cười chảy nước mắt, cười rồi chợt rưng rưng một nỗi nhớ đồng quê lam lũ. Ngay từ hồi còn nhỏ, sống ở làng quê, tôi biết mấy người đàn bà đi cấy là hay kể chuyện tục lắm. Kể nghe để vui cười, để quên đi mệt nhọc. Chuyện tục nhưng tâm trong, hồn nhẹ… Tất cả bay lên cùng tiếng cười.
Phần “Đùa với bút danh văn nghệ sĩ” cũng rất thú vị, hình như cũng có người thử làm rồi, nay Lê Minh Quốc “thống kê” lại với mong muốn bạn đọc cùng góp vào… cho vui. Này nhé: Tý có nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý; Sửu có nhạc sĩ Hoàng Sửu, có nhà nghiên cứu Lê Quí Ngưu; Dần có nhà thơ Trần Dần, nhà thơ Phạm Hổ, nhà nghiên cứu văn học Phan Văn Hùm; Mẹo có nhà thơ Vũ Mão v.v và v.v… Lại thêm sắp xếp văn nghệ sĩ theo… cân đo đong đếm và theo thứ tự từ 1 đến 12. Dù biết đây là công việc “không đáng”, mà cốt chỉ để… cho vui, nhưng “cho vui” chẳng phải cũng là vui hay sao?!
Theo Lê Minh Quốc thì chuyện làng văn có không biết bao nhiêu chuyện cười. Từ chuyện làng cười, Trạng cười Việt Nam đến chuyện những nhân vật hài hước trên báo chí 60 năm về trước; hay chuyện vua hề Sáclô đến Việt Nam thăm chơi và có trả lời phỏng vấn của nhà văn Thạch Lam (năm 1937); rồi chuyện quảng cáo bằng thơ nữa.
Cái chuyện quảng cáo bằng thơ này xem ra rất hay và rất… mắc cười. Trong lịch sử văn học Việt thì nhân vật nào được xem là “ông tổ” của nghệ thuật quảng cáo bằng thơ? Thì đó là Xuân Tóc Đỏ trong tiểu thuyết Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, với những câu thơ quảng cáo cho loại thuốc “nhức đầu giải cảm” y đã làm cho một “thi sĩ” phải… xách dép chạy. Nguyên văn bài thơ quảng cáo ấy như sau: Dù già cả, dù ấu nhi/ Sương hàn nắng gió bất kỳ biết đâu/ Sinh ra cảm sốt nhức đầu/ Da khô, mình nóng, âu sầu, ủ ê/ Đêm ngày nói sảng nói mê/ Chân tay mỏi mệt khó bề yên vui/ Vậy xin mách bảo đôi lời/ Nhức đầu giải cảm liệu thời dùng ngay”.
Ngày nay, những câu sologan quảng cáo như: “Uống đã vẫn thèm”, “Còn chờ gì nữa”, “Bản lĩnh của đàn ông thời nay” v.v… theo Lê Minh Quốc là rất “ngớ ngẩn” và không có gì là… thơ cả. Anh minh họa một bài thơ quảng cáo thuốc “đại bổ Cửu Long hoàn” tại số 8 Hàng Ngang - Hà Nội vào những năm 1930: “Chị ơi! Chị đẹp lắm rồi/ Duyên do chị nói vài lời em nghe/ Tình riêng chị mới dám khoe/ Cửu Long thuốc ấy ai dè nó hay/ Càng uống nhan sắc càng thay/ Hồng hào thớ thịt mặt mày sáng tươi!”. Quảng cáo thế mới là… quảng cáo chứ!
Trần Vệ Giang
Theo nguồn văn nghệ công an - 28/08/2005
http://huongsenviet.vn/?tab=detail_news&catid=Mjk=&id=NDE3NQ==
6:00, 18/08/2005
"Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam" - Những thang thuốc bổ
Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ. Bạn đang mệt mỏi hay cảm thấy buồn rầu? Hãy nghe một câu chuyện và cất tiếng cười sảng khoái. Nỗi buồn rồi sẽ nguôi ngoai và sự mệt mỏi kia cũng dường như tan biến. Cuốn sách "Tiếng cười dân gian và hiện đại Việt Nam" của tác giả Lê Minh Quốc (NXB Phụ nữ) sẽ đem lại cho bạn cảm giác thật thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng
(Bản in lần thứ hai)
Có lẽ chẳng đâu như ở Việt Nam - xứ sở này không chỉ có những ông trạng cười, mà còn có cả làng cười, địa phương cười. Tác giả Lê Minh Quốc đã đem đến cho bạn đọc những tiếng cười sảng khoái. Mọi gian khổ, buồn giận ... trong cuộc sống đều bị xóa mờ, chỉ còn tiếng cười và niềm vui lấp lánh.
Những Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh với những trò lố lăng, học đòi Âu hóa khi xưa cho tới chuyện người lính ngoài chiến trường, chuyện vợ chồng hay là những chàng sinh viên ngày nay có “chữ ký đẹp vì nhiều lần ký nợ”! đã được tác giả dày công sưu tầm.
Người xứ Nghệ ưa nói chữ, chơi chữ để tạo nên những tiếng cười trí tuệ, sâu cay. Trong truyện "Con cá gỗ", họ dám cười chính những thói bị coi là "xấu" của mình. Ở truyện "Bán chó hơn quan", tiếng cười vui vẻ mà thâm trầm, đánh thẳng vào đám tham quan ô lại.
Tiếng cười xứ Quảng lại thể hiện một cá tính mạnh mẽ, không rào đón, che đậy, nghiêng về cãi lý hơn là chữ tình nhưng cũng không kém phần thâm thúy. Ví như chuyện danh nhân đất Quảng - "Ông Ích Khiêm" kể rằng: sau khi vua Tự Đức băng hà, quần thần chẳng ai lo việc nước. Ông làm cơm mời các quan. Cuối bữa, chưa có nước uống, ông mắng người nhà: "Chúng bay chỉ cắm mặt vào ăn, chẳng đứa nào chịu lo việc nước cả!"
Dùng chuyện xưa để nói chuyện nay, kết hợp dân gian và hiện đại, tác giả Lê Minh Quốc thậm chí đã đặt tên cho từng chuyên mục của mình: Từ "Nghệ thuật quảng cáo bằng thơ", đến "Thị trường thuốc và thơ"; cả "Chuyện sinh viên", đến "Định nghĩa Vợ - Chồng"... vừa mang tính giải trí thú vị vừa mang tính giáo dục cao.
Cuộc sống quả thực luôn đầy ắp tiếng cười, quan trọng là ta có khám phá được hay không? Hãy cùng khám phá thế giới của tiếng cười cùng với "Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam".
Việt Dũng
(Nguồn: http://www.vtv.vn/vi-VN/thegioisach/2005/8/62967.vtv)
Từ đằng xa đã thấy anh cười
"Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam" là tập sách mới nhất của nhà văn, nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc. Nụ cười là ấn tượng dễ cảm mến mà Lê Minh Quốc dành cho mọi người, nói như nhà văn Hoàng Thiếu Phủ thì “Gặp anh, ngay từ đằng xa đã thấy anh cười. Cả đôi môi lẫn đôi mắt đều chung một cái cười có vẻ chân thật và hồn nhiên như trẻ thơ”. Có thể nói, tập sách là một công trình “cười”.
Phần lớn những mẫu sưu tầm trong tuyển tập này là sáng tác truyền khẩu của nhiều tác giả khuyết danh. Anh đã dày công tập hợp, hệ thống hóa và giới thiệu bằng bút pháp sở trường của mình như: Có bao nhiêu kiểu cười, Đôi nét về làng cười, Trạng cười Việt Nam, Những nhân vật hài nước trên báo chí 60 năm trước, Vua hề Sac-lô cười gì khi đến Việt Nam, Tản mạn về tiếng cười đất Quảng, Chuyện cổ tích dành cho thầy cô, Cười với con cháu bác Ba Phi, Đùa với bút danh văn nghệ sĩ, Cùng cười với sinh viên, Từ những vần thơ “não tình” trong lưu bút mùa hè xanh… cả đến chuyện Cấm đàn ông đọc và Chuyện phòng the… Bạn đọc dễ dàng cảm thụ được một loại văn học trào phúng dân gian trẻ trung, dí dỏm, trí tuệ và sinh động ngay ở trong sinh hoạt thường ngày của mình.
Có thể nói, trước nay những gì mà Lê Minh Quốc trình làng với người đọc bao giờ cũng được chăm chút rất kỹ vì anh không hề chạy theo số lượng, tập sách này cũng thế, anh đã chuẩn bị nó từ rất lâu rồi… Mỗi ngày một chút, sự dày công của anh đã khiến cho người đọc khâm phục. Trong lời giới thiệu, nhà văn Hoàng Thiếu Phủ tâm đắc viết: “… Với Lê Minh Quốc, mọi gian khổ, thương hận, bất bằng gì cũng có thể xóa mờ, chỉ còn những tiếng cười hào sảng, khinh khoái đọng lại trên tâm hồn và những trang sách của anh. Với hơn 300 trang sách, anh đã gửi đến bạn đọc không biết bao tín hiệu màu xanh, màu hồng mà anh đã ghi nhận được từ hiện trường của cuộc sống, kể cả những cuộc sống không dễ gì cười nổi của người lính ngoài mặt trận, của những “giáo chức dứt cháo, thầy giáo tháo giày” hay những chàng sinh viên có “chữ ký đẹp” vì nhiều lần ký nợ… Với Lê Minh Quốc, tôi mong rằng công việc không chỉ dừng lại ở bấy nhiêu trang sách này mà những điều “kỳ lạ”, cuộc sống muôn màu muôn vẻ sẽ còn được anh tiếp tục khám phá…”
Sách trình bày trang nhã, ấn tượng. NXB Phụ nữ ấn hành. Giá: 30.000 đồng.
Song Minh
(nguồn: báo Giáo dục TP.HCM 28.7.2005)
Điểm sách
Thứ ba, 27/03/2012, 11:57
Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam của Lê Minh Quốc
Đọc sách báo cũ, đi công tác, du lịch, bên cuộc nhậu với bạn bè... đi đâu, làm gì, Lê Minh Quốc cũng nghe ngóng, ghi chép các truyện hài, thơ, hò vè, khẩu ngữ dân gian. Anh in sách chia sẻ với bạn đọc những tiếng cười, kiểu cười cho đời thêm vui.
Cười hay khóc là những hoạt động không thiếu được trong cuộc đời một con người. Có tác giả thích viết về nỗi buồn, về nước mắt, về những số phận nổi nênh, cũng có người thích xem cuộc đời là chuyến du hí với đầy ắp tiếng cười. Lê Minh Quốc tâm sự, từ nhiều năm nay, anh vẫn dành thời gian sưu tầm "lời ăn tiếng nói", những câu vần, mẩu chuyện hài hước, tiếu lâm... vì với anh đó là những giá trị gần với "sự thật". Những câu chuyện đầy ắp tiếng cười, sự trào phúng thường phản ánh đúng bản chất sự vật một cách khách quan.
Đầu cuốn sách Tiếng cười dân gian hiện đại, Lê Minh Quốc làm cái việc khá hài hước là... ngồi đếm xem có bao nhiêu từ gọi tên, mô tả bản chất tiếng cười. Gần ba trang sách, anh liệt kê một loạt từ như thế: cười vang, cười vo, cười vãi đái, cười vô duyên, cười vu vơ, cười vô tội vạ, cười rôm rả, cười ran, cười ré, cười the thé... Hàng trăm tiếng cười đi cùng đời sống con người, biểu thị đầy đủ sắc thái tình cảm, và còn bộc lộ cả nội tâm của chủ sở hữu nụ cười đó.
Với tinh thần "Thấy gì cũng chép cũng ghi/ Không biết thì hỏi tự ti làm gì?", mỗi khi có dịp đi xa, đi công tác hay lục tìm sách báo cũ bắt được tư liệu, tài liệu quý về tiếng cười dân gian, lục tìm trên mạng được mẩu truyện cười tâm đắc, Lê Minh Quốc vui như bắt được vàng... Anh làm công việc lượm lặt, ghi chép và sưu tầm tiếng cười với tất cả sự thích thú, say mê rồi sắp xếp lại và chia sẻ với bạn đọc "liều thuốc bổ tinh thần" quý giá ấy.
Bìa cuốn "Tiếng cười dân gian hiện đại" của Lê Minh Quốc biên soạn.
Trong tập Người Quảng Nam, Lê Minh Quốc từng nói về tiếng cười của người Quảng, còn trong cuốn sách mới, anh giới thiệu tiếng cười của nhiều vùng miền, tiếng cười từ Nam chí Bắc, từ mọi ngành nghề, mọi đối tượng trong xã hội... Tiếng cười của mỗi vùng, mỗi thành phần, mỗi người, mỗi lĩnh vực nghề nghiệp... đều có nét đặc trưng riêng, cái duyên riêng.
Tiếng cười dân gian Việt Nam rất đa dạng, nhân vật, tác giả trào phúng thì có: Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Xiển Bột, Ba Giai - Tú Xuất... trong sân khấu có hề chèo bỡn quan, Mẹ Đốp... Nhân vật hài hước trên báo chí Việt gần 100 năm trước có: Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh...
Lê Minh Quốc sưu tầm trên báo Phong Hóa, nhà văn, nhà báo Thạch Lam từng phỏng vấn vua hài Charlie Chaplin nhân dịp vua hài thế giới đến Hà Nội cùng người vợ mới cưới. Những bài báo, ảnh minh họa sự kiện này được dẫn lại cho thấy phẩm chất hài hước vốn có của người Việt Nam, hòa quyện với cái hài của bạn bè thế giới.
Tác giả cuốn sách còn giới thiệu đến bạn đọc tiếng cười hiện đại, mà không kém phần hóm hỉnh. Đó nét duyên hài của nhà văn, nhà báo Nguyễn Hữu Tùng, cha của nữ nhà văn Bích Ngân. Ông Nguyễn Hữu Tùng người có những câu thơ thấm đậm chất hài hước, đọc là cười, kiểu như:
"Qua nhà cha vợ lần đầu
Bước vô, chú rể hỏi chào rất xôm
Bận ra, sửa bộ cho ngon
Quýnh nhè nói ngược: "Thưa con, ba về!".
Tiếng cười dù từ giới hàn lâm hay giới bình dân, đều để lại dấu ấn nếu đó là tiếng cười hóm, không dung tục mà vẫn giữ được sự tinh quái, hài hước làm người đọc thấy thích thú, tạm quên đi cái mệt nhọc của cuộc mưu sinh hàng ngày.
"Nếu biết rằng em đã lấy chồng
Không buồn, không trách, chỉ ước mong
Đãi được chồng em nhậu một bữa
Để cảm ơn chàng lãnh giùm gông"
(thơ cải biên)
Nói về tập sách Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển chia sẻ: "Viết văn cười, nghiên cứu về nụ cười tạo ra tác dụng tích cực về nhiều mặt. Bản thân tác giả đạt được niềm vui khi nhìn mọi hoạt động xã hội dưới cái nhìn hài hước, trào phúng. Người đọc cũng nhận được niềm vui, có nơi giải trí và giải tỏa tâm hồn. Không có gì đáng sợ hơn nếu hàng ngày ta phải đọc và suy nghĩ về những thông tin xấu của cuộc sống. Cho nên, kiếm được một nụ cười, đọc được cái đáng tức cười là điều hết sức quý giá đối với bạn đọc".
Thất Sơn
(nguồn:
Thứ Sáu, 06/04/2012, 02:17 (GMT+7)
Cười cùng Lê Minh Quốc
TT - Tiếng cười dân gian Việt Nam hiện đại (NXB Văn Hóa - Văn Nghệ) là tập sách do nhà thơ Lê Minh Quốc viết, tức "phục dựng hiện trường" từ những truyện cười dân gian, lẫn tìm trong sách vở.
Là một người Quảng Nam, vốn thiên bẩm trí nhớ về truyện cười, lại sở hữu nhiều tài liệu độc đáo nên cái cách viết truyện cười của Lê Minh Quốc cũng có nét riêng.
Ảnh: T.N.T
Không chỉ kể chuyện để cười mà tác giả còn cung cấp nhiều thông tin thú vị, như chuyện nhà văn Thạch Lam từng phỏng vấn Charlie Chaplin (Sạclô) trên báo Phong Hóa (số 185, ngày 1-5-1936) khi Sạclô qua Việt Nam; hay chuyện quảng cáo thuốc tây bằng thơ đã có từ những năm 1930...
T.N.T.
nguồn:
http://tusach.tuoitre.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=485697&ComponentID=1
Lê Minh Quốc góp nhặt tiếng cười
Nếu đã gặp nhà thơ Lê Minh Quốc ngoài đời, hẳn nhiều người sẽ có chung nhận xét đó là gã đàn ông vẻ ngoài xuề xòa nhưng lại rất có duyên.
Có lẽ cái duyên đó có được là nhờ giọng nói sệt Quảng, những phương ngữ rặt miền Trung và những câu chuyện tiếu lâm của ông làm người nghe cười lăn cười bò. Tưởng những câu chuyện cười đó chỉ để Lê Minh Quốc tếu táo lúc trà dư tửu hậu, thế nhưng anh đã cất công sưu tầm, hệ thống thành tập sách Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam (NXB Văn hóa-Văn nghệ).
Tác giả gom góp tiếng cười từng địa phương, vùng miền; từ tác phẩm của từng con người cụ thể qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Tiếng cười được thu thập từ các làng cười, trạng cười, cả những nhân vật hài hước xuất hiện trên biếm họa của báo chí: Lý Toét, Xã Xệ…
Những lời ăn tiếng nói “lề đường” như tiếng rao bán thuốc diệt chuột, những trang lưu bút học trò hay các dòng thơ quảng cáo sản phẩm mà Lê Minh Quốc cho là bôi bác thơ lục bát cũng xuất hiện trong tập sách...
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cảm thấy thú vị với những câu chuyện tiếu lâm, hài hước, những câu nói có vần, có điệu nhưng rồi sau đó quên ngay để đuổi theo guồng quay cuộc sống. Chỉ có Lê Minh Quốc bỏ công sưu tầm lại, cất thành một giá trị phản ánh những suy nghĩ chân thật phổ biến trong dân gian thời đại đã qua và thời đang sống.
TRÀ GIANG
(nguồn:
LÊ MINH QUỐC VÀ TIẾNG CƯỜI DÂN GIAN HIỆN ĐẠI
Trong những thái độ ứng xử trước cuộc đời, ứng xử bằng nụ cười được coi là thái độ hiền triết nhất, dễ chịu nhất. Giả thiết rằng, cuộc đời không có gì là nghiêm trọng và nếu có nghiêm trọng, người ta vẫn giải quyết được. Tất nhiên, có nhiều cách để giải quyết nhưng chọn cách giải quyết bằng nụ cười vẫn luôn luôn là thái độ khôn ngoan.
Dân tộc ta là một dân tộc có năng khiếu hài hước, trào phúng phong phú; có nụ cười lạc quan và nhân hậu. Năng khiếu ấy, nụ cười ấy phổ quát ở mọi nơi, vào mọi thời. Nụ cười từng là vũ khí chống lại chế độ quân chủ phong kiến, chống kẻ thù xâm lược, chống những biểu hiện sai trái trên đời. Nụ cười từng là phương tiện giải trí làm vui lòng người, góp phần xây dựng tinh thần lạc quan cho xã hội. Nụ cười làm nên ích lợi thiết thực, khiến con người đứng đắn lại, nhìn ra cái sai của mình và sửa sai.
Viết văn cười, nghiên cứu về nụ cười tạo ra tác dụng tích cực về nhiều mặt. Bản thân tác giả đạt được niềm vui khi nhìn mọi hoạt động xã hội dưới cái nhìn hài hước, trào phúng. Người đọc cũng nhận được niềm vui, có nơi giải trí và giải tỏa tâm hồn. Không có gì đáng sợ hơn nếu hàng ngày ta phải đọc và suy nghĩ về những thông tin xấu của cuộc sống. Cho nên, kiếm được một nụ cười, đọc được cái đáng tức cười là điều hết sức quý giá đối với bạn đọc. Bản thân nhà xuất bản hay tờ báo in chuyện cười cũng có được niềm vui khi biết mình đang góp tiếng cười cho cuộc sống.
Quyển sách Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam của tác giả Lê Minh Quốc bao gồm được những tố chất và những mục tiêu trên. Tác giả gom góp tiếng cười từng địa phương, vùng miền; từ tác phẩm của từng con người cụ thể qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, để làm nên nền tảng tiếng cười dân gian. Đọc quyển sách, người đọc nhận được cảm giác có niềm vui, thêm lạc quan và thêm yêu cuộc sống. Vượt xa hơn thế, quyển sách góp phần tôn vinh nền văn hóa cười của dân tộc.
Làm hề đã khó, làm hề trong văn chương càng khó hơn. Người viết hài hước cần đến một cái đầu tỉnh táo và một tấm lòng rộng rãi. Tôi nghĩ quyển sách này có được hai tố chất ấy của tác giả. Xin trân trọng giới thiệu Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam của Lê Minh Quốc đến toàn thể bạn đọc. Rất mong các bạn đọc và giới thiệu cho mọi người cùng đọc.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN
(nguồn:
Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam
Thứ ba, 01/05/2012, 23:16 (GMT+7)
Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc vừa giới thiệu cuốn sách Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam (NXB Văn hóa Văn nghệ).
Khác với nhiều tác phẩm về chuyện cười, cuốn sách mới này là một tác phẩm nghiên cứu nên hình thức trình bày mang đậm tính khoa học. Tập sách không dày, chỉ chưa đầy 300 trang nhưng tác giả đã đưa vào đó một số lượng tư liệu khá lớn, bao quát hầu hết các thể loại văn hóa hài hước trong nước từ trước đến nay như các làng cười, trạng cười, phong cách cười sinh viên, cười của lính, hài hước về vợ, về chồng, thơ cải biên, hài hề chèo, hài trên báo chí 100 năm qua…Nhận xét về tác phẩm này của Lê Minh Quốc, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho rằng: “Đọc quyển sách, người đọc nhận được cảm giác có niềm vui, thêm lạc quan và thêm yêu cuộc sống. Vượt xa hơn thế, quyển sách còn góp phần tôn vinh nền văn hóa cười của dân tộc”.
X. THÂN
(nguồn:
Tiếng cười dân gian hiện đại qua lăng kính Lê Minh Quốc
Thứ Hai, 26/03/2012 22:27
Góp phần vào không khí sôi động của Hội sách TPHCM lần VII, nhà thơ - nhà khảo cứu Lê Minh Quốc cho ra mắt bạn đọc cuốn Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam (NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành).
Bìa cuốn Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam
Những tư liệu mang tính hài hước được Lê Minh Quốc sưu tầm, biên soạn, sắp xếp theo hơn 20 đề mục như những câu chuyện kể thú vị: Có bao nhiêu kiểu cười, Hề chèo bỡn quan, Xẩm chợ, Ngẫu hứng chuyện cười xứ Nghệ, Vua hề Sac-lô cười gì khi đến Việt Nam, Lính tếu, Táo quân Sài Gòn năm 1968, Cười cùng thơ cải biên, Định nghĩa về vợ, Định nghĩa về chồng, Chuyện cấm đàn ông đọc… Lê Minh Quốc cho rằng: “Những “thông tin” tưởng chừng tếu táo, bỡn cợt, thậm chí có người còn đánh giá “tầm thường” nhưng tôi nghĩ đó mới là sự phản ánh chân thực nhất về thời đại mà họ đang sống. Nó gần với sự thật, phản ánh đúng bản chất của sự vật”.
Nhạc sĩ - nhà báo Vũ Đức Sao Biển viết trong lời tựa cuốn sách: “Viết văn cười, nghiên cứu về nụ cười tạo ra tác dụng tích cực về nhiều mặt… Kiếm được một nụ cười, đọc được cái đáng tức cười là điều hết sức quý giá đối với bạn đọc… Cuốn sách này của Lê Minh Quốc bao gồm được những tố chất và những mục tiêu trên”. Còn đối với Lê Minh Quốc: “Một tiếng cười, dù là cười với tâm thế nào, cũng là điều cần thiết để giúp con người vui sống và hào hứng với cuộc sống này”.
H.Nguyên
Nguồn:
Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam
Lê Minh Quốc vừa xuất bản tập thơ “Thơ và Tuổi thơ” đầu năm 2005, giữa năm anh lại cho tái bản cuốn sách Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam với sự biên tập lại khá công phu.
Tái bản lần ba, cuốn sách Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam của Lê Minh Quốc cho thấy nhu cầu cười của người Việt Nam là vô tận. Nói về hiện tượng đứng được trong lòng độc giả của cuốn sách, Lê Minh Quốc cho biết, mỗi lần xuất bản anh đều có biên tập, bổ sung thêm cho phong phú để cuốn sách tới tay người đọc thực sự đem đến cho họ những thông tin đầy đủ hơn những gì đã biết. Là nhà thơ với 9 tập thơ đã xuất bản. Là nhà văn với 6 truyện dài và 4 tiểu thuyết lịch sử và cũng gần chục đầu sách thể loại khác, Tiếng cười dân gian hiện đại Việt Nam là một trong những cuốn “hút khách” nhất trong hành trang khảo cứu của anh. Những chuyện trong sách ta như thấy quen quen đâu đó, nhưng qua anh, nó được tăng phần duyên ý vị bởi cách sắp xếp hệ thống chặt chẽ theo từng chủ đề cuộc sống. Đó chính là điểm đặc biệt để sách cười của anh “không đụng hàng” những gì đã có trên thị trường.
Lê Minh Quốc là người mê đọc sách, sự ấy bình thường với mọi người làm nghề cầm bút. Nhưng anh còn có thú mê vào nhà sách… cũ, mua sách cũ. Trong nhà anh là một kho sách đủ làm kho tàng khai thác với những ai cầm bút. Có lẽ vì thế mà chuyện vui “Charlot đến Việt Nam” của anh mặc dù chỉ là chuyện cười nhưng có thể… tin được. Là nhà thơ nên dường như những truyện cười luyến láy thơ của anh đậm đà nhất, hấp dẫn nhất. Những mẩu chuyện dân gian truyền khẩu được anh sưu tầm, hệ thống hóa và giới thiệu bằng một giọng văn rất Lê Minh Quốc. Không ít những truyện cười mà qua bút pháp, nó sống động như được trải nghiệm bằng chính cuộc sống của anh vậy. Chỉ có điều cuộc sống ấy trải qua khi anh… chưa ra đời…
Có phải đau đáu vì nỗi tiếng cười văn nghệ hiện nay mang màu sắc trực quan, thiếu sự sâu sắc khiến người ta chỉ cười sau hồi suy ngẫm mà Lê Minh Quốc đã nặng công góp nhặt tinh hoa của mọi giới, mọi lĩnh vực… tạo nên những tiếng cười sâu sắc. Là người lính, anh mang đến những mẩu chuyện thú vị mà những ai từng cầm súng chắc sẽ suy tư nhiều sau mỗi nụ cười. Thế nhưng trước những chiêu thuật marketing thời nay, nụ cười quảng cáo thế kỷ trước chắc không thể không gây ấn tượng cho bạn đọc.
Dí dỏm, sinh động và trí tuệ, một cuốn sách cười đáng có không chỉ để cười.
Phương Chi
(nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam 25/8/2005)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|