TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định LÊ MINH QUỐC - Trong tình yêu tôi là người quá trẻ con

LÊ MINH QUỐC - Trong tình yêu tôi là người quá trẻ con

 

     Làm báo là công việc đòi hỏi sự cụ thể, tính chính xác, thế nhưng làm nghệ thuật ngược lại, nghệ sĩ phần đông khá ngẫu hứng, tính ngẫu hứng mang đến cho họ sự thăng hoa trong sáng tác và đôi khi trong cả cuộc sống. Trong làng báo Việt Nam có khá nhiều người xuất thân từ nghệ sĩ, với những nhà báo-nghệ sĩ này, dường như có một sự tách bạch giữa hai con người nhà báo và con người nghệ sĩ. Không phủ nhận, những bài báo của những người có “máu văn nghệ sĩ” thường dễ đọc hơn, sâu sắc hơn, song cũng chính vì thế nhược điểm của họ là đôi khi mang tính cảm tính nhiều hơn. Nhà thơ Lê Minh Quốc, một trong số những nghệ sĩ làm báo, hiện đang là Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ của báo Phụ Nữ TPHCM.

 

     Anh là một nhà thơ, điều đó quá rõ; anh là một nhà báo với không ít bài viết sắc sảo, điều này cũng nhiều người đã biết. Anh còn là nhà nghiên cứu với không ít tác phẩm về những danh nhân Việt Nam, về văn hóa... Anh viết ký, viết tiểu thuyết, vẽ tranh, làm M.C, làm giám khảo… Quá nhiều thứ trong một con người Lê Minh Quốc đủ để có cảm giác anh là một người có sức làm việc ghê gớm, một người luôn tất bật, bận rộn.

     Thế nhưng thỉnh thoảng bắt gặp anh trong những buổi họp báo, những chuyến công tác, trông anh lại rất nhàn tản.

   Thắc mắc với anh điều này, anh nói: “Thật ra, bất kỳ ai cũng có thể làm việc được như thế hoặc hơn cả thế, nếu họ tự lập một thời khóa biểu và tuân thủ nghiêm ngặt. Trong một bài thơ, tôi tự thú: “Một ngày của anh mưa nắng đã lập trình/ phải chạy đua cùng khoảnh khắc bình minh/ mười ngón tay gõ phím/ mười ngón tay quen đếm/ bao nhiêu niềm vui lọt xuống sàn nhà”. Càng ngày, tôi càng nghiệm ra rằng, khi được làm công việc mà mình yêu thích thì sẽ gặp được những niềm vui vô bờ bến. Cứ thế, từng ngày trôi qua tôi đã “trình làng” được khá nhiều tác phẩm…”.

    Với hội họa... “Chỉ là một dịp mà tôi đánh thức “hạt giống” trong tâm hồn mình. Ai cũng có những hạt giống nghệ thuật tiềm ẩn, vấn đề là phải có điều kiện để đánh thức nó và nuôi dưỡng nó”.

    Với văn chương... Mới gần đây nhất, bộ sách “Kể chuyện danh nhân Việt Nam” của anh ra mắt công chúng. Đối với Lê Minh Quốc, viết là “kỷ luật” mà anh phải chấp hành trong cuộc sống của mình: “Tôi nào dám dậy sau tiếng gà/ rạng sáng đã lao vào bàn viết/ gió thổi ngoài sân/ chim reo mùa tết/ nhắm mắt bịt tai quên hết/ viết rồi lại viết/ uống cà phê cầm hơi/ trán toát mồ hôi/ viết”. Anh bảo: “Dù đôi khi chẳng biết “viết” để làm gì, nhưng tôi vẫn cố gắng “chấp hành kỷ luật” đó. Có thể do sống nhiều năm trong quân ngũ, môi trường này đã “rèn” tôi như vậy chăng?”.

    Có người hỏi anh: “Sắp xếp công việc như thế nào?”, anh nói: “Thì, thời nào việc nấy. Không đem công việc ở nhà vào cơ quan và ngược lại”.

ngoai-tinh-voi-hoi-hoa

    Nhà thơ Lê Minh Quốc “đánh thức hạt giống hội họa trong tâm hồn mình”. (Ảnh: NS cung cấp).

    Anh cho biết, để mỗi sáng mai thức dậy viết một bài báo, viết một cái gì đó thì ban đêm anh thường nằm đọc trước tài liệu và sắp xếp bố cục. “Sáng mai, chỉ việc gõ bàn phím, nghĩ đến đâu viết đến đó. Đôi khi đi đường, có câu thơ nào chợt đến thì tôi nhẩm đi nhẩm lại cho thuộc, rồi “viết” tiếp câu khác, tất nhiên chỉ ở trong đầu; hoặc dừng lại ghi vào trong sổ tay. Với tôi, không có ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc ngày lễ. Ngày nào cũng như ngày nào với một thời khóa biểu từ nhiều năm nay không thay đổi. Thế có chán không chứ?”…

     Một M.C Lê Minh Quốc! Người ta thường bắt gặp nhà thơ Lê Minh Quốc trong vai trò là một MC của văn nghệ sĩ. Cứ ai ra sách mới là lại thấy anh xuất hiện để giới thiệu. Thì ra anh muốn “xắn tay áo” giúp đồng nghiệp của mình. Anh nói rất nhiều về điều này, giống như đây là những tâm sự chất chứa từ lâu trong anh: “Nhiều người khen tôi nói chuyện có duyên (!?), vì thế thỉnh thoảng HTV, VTV cũng mời tôi cộng tác trong một vài chương trình! Còn việc giới thiệu sách, từ nhiều năm nay tôi thường xuyên đeo đuổi vì nghĩ rằng, khi một tác phẩm văn học ra đời thì nên quan niệm nó là một giá trị vật chất. Do đó, nó phải cần có những động tác PR để “người tiêu dùng” biết đến nhiều hơn nữa. Thật lạ, khi Harry Porter chỉ mới “rục rịch” đến Việt Nam thì các NXB, đơn vị phát hành đã có khá nhiều động tác quan trọng để quảng bá đến bạn đọc. Thậm chí, còn có cả những cuộc thi như số lượng in bao nhiêu? Tựa tập sách như thế nào? v.v... Trong khi đó, một tập sách của nhà văn VN (dù nổi tiếng cỡ nào) cũng ít được “ưu ái” như thế. Mà không phải những người này không có fans ái mộ. Bằng chứng là buổi ra mắt những tập sách của nhà thơ, nhà văn như Đinh Thu Hiền, Song Phạm, Nguyễn Ngọc Mai, Mai Tú Ân, Trần Thị Hồng Hạnh... Tôi xúc động khi thấy độc giả xin chữ ký, tặng hoa cho tác giả và họ cũng bày tỏ sự chờ đợi ở tập sách tiếp theo. Nếu tập thơ viết tay trên giấy dó của các nhà thơ TPHCM không xuất hiện như thế, thì làm sao Hội Nhà văn TPHCM có thể bán đấu giá lên đến gần nửa tỷ đồng để giúp trẻ em chất độc da cam? Rõ ràng cần phải thay đổi một quan niệm về cách phát hành sách hiện nay. Ai đứng ra làm điều đó? Thôi thì, trước mắt chúng ta hãy “xắn tay áo” vì đồng nghiệp của mình. Tôi nghĩ đến lúc nhà văn có điều kiện gặp gỡ, trực tiếp giới thiệu sách đến người yêu sách để tạo ra một không khí giữa “người đọc - nhà văn - tác phẩm”…

      Rời công việc, Lê Minh Quốc trở thành một gã lãng tử đào hoa. Đồng nghiệp thường bắt gặp anh rủ rỉ, rù rì bên những bóng hồng. Những lúc đó, chúng tôi thường đùa bảo nhau: “Lê Minh Quốc đang đọc thơ tán gái”.

      Nói vậy thì tội cho anh. Anh làm thơ bằng những cảm xúc thật tự đáy lòng. Những bài thơ giản dị và thật thà như dáng vẻ bên ngoài của anh. Xung quanh có nhiều em gái, nhưng Lê Minh Quốc lại giống một người “lắm mối tối nằm không”. Anh cũng đã từng viết: “Ta tự đùa ta như đùa con rối/ lắm mối tối nằm không/ từ chỗ đang không/ bạt ngàn là có/ sa mạc tâm hồn mướt xanh những cỏ/ ta như nai ngơ ngác ngắm nhìn...”.

      Hỏi anh sẽ chọn lấy một người phụ nữ thế nào? “Với một người có tính cách quá trẻ con như tôi thì điều ấy thật khó nói. Tại sao? Vì khi đã được gặp một người phụ nữ với niềm tin: “Tin trong anh vẹn nguyên một nhan sắc/ một gương mặt/ vĩnh viễn tốt tươi/ mãi mãi từ đây yêu lấy một người/ chung sống đến long răng bạc tóc/ nhưng chỉ sớm mai thôi/ chỉ cần nghe gió hát trên môi/ mây trời bay thấp thoáng/ bóng hồng khác lại khiến anh choáng váng/ săn đuổi theo bằng cảm xúc huy hoàng/ như lần đầu tiên/ như lần thứ nhất...”. Thế có khổ không chứ? Thế không trẻ con chứ còn là gì nữa?”…

HÀ GIANG

(nguồn:

http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2009/6/194600/

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com