Nhà thơ Lê Minh Quốc trong thế giới trẻ thơ
GD&TĐ - Quen biết nhà thơ Lê Minh Quốc đã lâu, nhiều lần định viết về anh, song lại băn khoăn “Viết gì đây?”, bởi sự nghiệp viết lách của anh khá phong phú.
×
Anh viết đều, viết khỏe, hướng tới nhiều đối tượng độc giả khác nhau - nam phụ lão ấu đủ cả, viết nhiều thể loại - từ tư vấn tình yêu hôn nhân đến những chuyện chính sử đòi hỏi sự chính xác, nghiêm cẩn và kiến văn rộng.
Nhà thơ Lê Minh Quốc sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, từng là bộ đội ở chiến trường K (1977 - 1982), nguyên Trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2020 - 2025).
Anh là cây bút đa tài và sung sức của làng văn, làng báo, đã xuất bản hàng chục đầu sách ở nhiều thể loại: Thơ, văn xuôi, biên khảo. Một số giải thưởng văn chương: Giải Nhất thơ kỷ niệm 10 năm Thành lập Lực lượng Thanh niên Xung phong (1985), Giải thưởng thơ Hội Nhà văn TPHCM, Giải C Giải thưởng sách Quốc gia năm 2020 với tập thơ “Chào thế giới bây giờ con đã đến”...
Song tất nhiên, thể hiện rõ nhất con người cá nhân Lê Minh Quốc vẫn là qua thơ. Ở góc độ này, Quốc tự do tung tẩy, đa dạng về sắc thái biểu đạt: Khi đớn đau, cô độc, kiêu ngạo đấy rồi lại dịu dàng; lúc tinh tế sau những ồn ào, lúc nén khát khao sau rất nhiều đổ vỡ.
“Em” trong thơ Quốc có thể là những bóng hồng cụ thể, có thể là một miền đất mà anh gắn bó sâu nặng, có thể chính là đời sống đang diễn ra này, hiện thực trước mắt này, phút giây đang hiện hữu này. Và “em” cũng là Thơ.
Nhan đề các tập thơ đã xuất bản của Lê Minh Quốc phần nào cho thấy sự nồng nàn khắc khoải mà anh dành cho cuộc đời, thơ ca: “Ngày mai còn lại một mình tôi” (NXB Trẻ, 1990), “Thơ tình Lê Minh Quốc” (NXB Trẻ, 1995), “Tôi vẽ mặt tôi” (NXB Văn hóa Thông tin, 1994), “Yêu em Đà Nẵng” NXB Trẻ, 1994), “Tôi chạy theo thơ” (NXB Trẻ, 2003)…
Có giai đoạn Quốc in thơ và viết tạp văn hối hả, bạn bè nghĩ anh được truyền cảm hứng từ những người đẹp. Nhưng thật ra không hẳn. Đằng sau vẻ ngoài bụi bặm, cách nói cười vô tư lự, thì anh luôn làm việc chăm chỉ, có kỷ luật như một người lính, cặm cụi với những biên khảo về tiếng Việt, tìm hiểu các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa cùng những câu chuyện về các địa danh vùng miền đất nước. Bên cạnh làm báo, sáng tác, anh còn làm công việc của một người nghiên cứu văn hóa, với nhiều đầu sách được xuất bản và tái bản.
Thành đạt, có sự nghiệp, song Lê Minh Quốc luôn cảm thấy bất an. Chân dung tinh thần Quốc, vì thế cũng chênh chao.
Rồi đến một thời điểm, Quốc chuyển sang trạng thái hoàn toàn mới. Đó là lúc anh tuyên bố với cả thế giới:
các nàng tiên phai dần trong trí nhớ
bây giờ anh quay lại cõi đời
với om, xoong, niêu, nồi
với mỗi ngày niềm vui giặt tã
bận rộn cùng bỉm sữa
ầu ơ ru con trẻ
cái ngủ mày ngủ cho ngoan
(Niềm vui giặt tã)
Lê Minh Quốc lấy vợ, sinh con gái đầu lòng ở tuổi suýt soát nghỉ hưu, cộng cả tuổi mụ vừa tròn một vòng hoa giáp. Niềm vui như vỡ òa, bởi quá bất ngờ, quá lớn lao.
Bao năm qua, anh luôn khao khát một đời sống bình dị, những bữa cơm sum họp, tiếng khóc tiếng cười con trẻ, tiếng cãi nhau, tiếng cằn nhằn chồng vợ. Hạnh phúc, với anh thật giản dị:
“là sáng Chủ nhật phóng xe xuống phố
chở vợ vào siêu thị mua sắm
đưa con đi bộ ở công viên
sau cơm chiều nằm thong dong đọc báo
vợ ngồi xem truyền hình
con lật trang vở học
trong giấc mơ phiêu lãng nắng
bình minh”
(Hành trình của con kiến)
Trong câu chuyện cùng bạn bè thân, đặc biệt trong từng trang viết, Quốc chẳng ngại ngần bày tỏ niềm mong mỏi ấy, thậm chí mắng mỏ mình, dằn vặt mình. Có bài thơ anh tặng cháu mà ngỡ như viết cho con.
Anh có tập thơ “Nếu không còn cổ tích” (1995) dành cho lứa tuổi thơ, với giọng điệu trìu mến, ấm áp, cả chút thảng thốt khi nghĩ đến sau này các em lớn lên “không còn cổ tích”. Trong bài “Thư gửi người lớn”, anh viết:
“Những đứa trẻ nhắm mắt ngủ
Mỗi gương mặt đều hóa thiên thần
…
Các em hồn nhiên như suối như sông
Chảy triệu tiếng cười xuống đời tôi
mát mẻ”
Đó là lúc Lê Minh Quốc tuổi 30, rời trường đại học, nhập vào dòng đời làm báo làm thơ, mang trong mình ám ảnh chiến tranh với “những mùa khô trong trí nhớ”(1), tự vẽ chân dung mình “thằng uống rượu say ăn mày kỷ niệm”, “thằng ươn hèn không nịnh hót ai” (2), hoài nghi trước đời sống, “thất vọng về niềm tin”, nhưng “Nhìn trẻ em thì cảm thấy yên tâm/ Nhìn trẻ em thì mọi điều nghi ngại/ Đều hóa thành số không” (3).
Ba mươi năm sau, Lê Minh Quốc tràn đầy hạnh phúc khi lần đầu được làm cha, hân hoan “chào thế giới bây giờ con đã đến”. Một Lê Minh Quốc như đã lột xác, sống một cuộc sống khác, bằng con mắt của tin yêu hy vọng.
“nay, anh xếp chữ gieo vần
hát ru con ngon giấc
gieo trồng từ mặt đất
một mầm xanh
anh ru lại lòng anh
nhẹ nhàng lật từng trang
với bắt đầu những câu thơ mới mẻ
với mỗi ngày niềm vui giặt tã”
(Niềm vui giặt tã)
Vốn chẳng mấy người cha giặt tã lót cho con, vì ngại dơ, vì mặc định đó là công việc của phụ nữ. Song với Quốc, đó là một trải nghiệm đầy thú vị và thi vị. Hãy tưởng tượng một người đàn ông tuổi trung niên, tóc đã bạc, râu đã bạc, ngồi trước chậu quần áo tã lót trẻ con, vừa giặt giũ, vừa mỉm cười, và thầm thì đọc thơ.
Bằng tuổi anh, nhiều người đã có cháu nội cháu ngoại, đồng nghiệp cùng tuổi anh đeo kính lão, thong thả nhấp ly cà phê và đọc sách mỗi sáng, có thể họ sẽ nhăn mặt, lắc đầu ái ngại. Nhưng đâu biết, đâu hiểu, trong anh có những tiếng chuông đang ngân lên:
“Lòng reo vui rất chân thành
Từ đây, hoa trái ngọt lành từ đây
Thời gian lọt thỏm kẽ tay
Bao dung níu lại, còn may diệu kỳ”
(Thơ trở dạ)
Làm một người cha bình thường ở bên con - đó là điều tuyệt vời nhất mà nhà thơ Minh Quốc thấm thía, sau nhiều mất mát, vụn vỡ. Cảm giác được trưởng thành, được tái sinh một đời sống khác:
“Trái tim reo nghẹt thở
Hôm nay mới trưởng thành
Giấy chứng minh nhân dân
Xác nhận đang người lớn”
(Thơ viết trong Bệnh viện Từ Dũ)
“Cỗi cằn nương lấy mầm xanh
Mai con khôn lớn, dỗ dành ru ba”
(Lần đầu ru con)
Được làm cha khi đã quá nửa đời người, đã mong ước và thất vọng quá nhiều, thế nên nhân vật trữ tình trong thơ Lê Minh Quốc đầy ắp cảm xúc, đầy ắp sự mới lạ.
Lần đầu tiên được áp tai mình lên bụng vợ lắng nghe nhịp tim con rộn ràng, lần đầu ẵm sinh linh bé nhỏ trong vòng tay, lần đầu khai sinh cho con, lần đầu tắm cho con, lần đầu hát ru cho con, lần đầu nghe tiếng bập bẹ gọi ba… Những lần đầu ấy đầy ắp xúc động, nghẹn ngào. Niềm xúc động quá đỗi thiêng liêng, vô giá, mở ra bao điều kỳ diệu.
.
Trong thơ Lê Minh Quốc, hình ảnh người cha giặt tã lót cho con được trở đi trở lại dịu dàng: “Bàn tay vò lấy tơ vàng/Nhẹ nhàng thôi nhé, nhẹ nhàng lụa thơm...”. Chạm vào lớp vải mềm mại ấy như thể chạm vào làn da non nớt, nghe được tiếng thở đều đều thơm ngát của con, và có thể, rất có thể người đàn ông ấy đã khóc:
“Ba ngồi giặt tã, đọc thơ
Có bầy chim hót vu vơ hiên nhà”…
...“Bao giờ trở lại ngày xưa
Nội giặt tã lúc ba vừa thôi nôi?
Thời gian quay ngược con ơi
Là ba cảm nhận trong lời ru con”
(Giao hòa).
Quá trình nuôi dưỡng con nhỏ cũng là quá trình xuyên không trở về quá khứ, nhìn thấy chính mình đang lớn lên trong hình hài của con. Những chi tiết đời thường của một gia đình có con mọn vốn bừa bộn, lộn xộn lại trở thành chất liệu của thơ ca, là sắc hương nuôi dưỡng tổ ấm. Tiếng khóc trẻ thơ trở thành giai điệu hạnh phúc, bản giao hưởng ắp đầy, ngân vang sự sống.
“Âm thanh ấy lẫn với mùi hương ấy
Nhắc nhở ba ý nghĩa của trăm năm”
“Mùi hương ấy” là mùi nước đái dầm con trẻ. Ai đó khó tính sẽ phàn nàn sao lại đưa nó vào thơ. Nhưng bản thân thơ rất cần những chất liệu đời thường. Mặt khác, nếu đặt mình vào vị trí người trong cuộc, sẽ hiểu, sẽ xúc động, vì Quốc - kẻ luôn bóc trần bụi bặm lòng mình song vẫn đầy trong sáng trước trẻ thơ.
“Bé bỏng ơi bông hoa tươi thắm
Đã cho mẹ cha một mái ấm gia đình”
(Hành trình cùng con)
Một đứa trẻ vào đời thường được giáo dục rằng cuộc sống này, mái ấm gia đình này có được nhờ cha mẹ, cần phải biết ơn và đền đáp. Nhưng nhà thơ Lê Minh Quốc lại cho rằng nhờ con trẻ, người lớn mới có được mái ấm, được trưởng thành.
Trong dân gian cũng có câu “Sinh con rồi mới sinh cha/ Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Biết ơn con trẻ sẽ giúp chúng ta sống thiện lương hơn, thế giới nhân ái hơn, mỗi người luôn “tỉnh thức” để cảm nhận và chăm sóc cho hiện tại.
“Mỗi sớm mai nghe gió hát thầm thì
Con sẽ nhớ đã cùng ba với mẹ
Đã gắn bó, đã nhân duyên san sẻ
Đã có nhau trong hơi thở từng giây”
(Phép lạ trong đời)
Lê Minh Quốc vốn là người làm thơ giàu năng lượng. Anh viết trước hết để đối thoại, chất vấn, thầm thì với lòng mình. Vì thế, câu chữ như từ lòng đi ra, đôi khi không chau chuốt chặt chẽ về cấu tứ, dường như cũng không cần điều đó.
.
Khi có con, anh viết thơ hàng ngày, như ghi nhật kí. Viết cho con, viết mọi thứ về con, về những trải nghiệm lạ lẫm, mới mẻ. Con là trung tâm, là lẽ sống, là hơi thở. Con là tất cả những điều tươi đẹp mà cuộc sống đã dành tặng cho anh và người bạn đời.
Những vần thơ của Quốc, từ đó lại bước ra đời sống, chạm tới tình cảm của những người mới làm cha làm mẹ, đánh thức lại cảm xúc của những bậc phụ huynh đã nuôi con lớn khôn. Trẻ con là sự sống. Và sự sống chính là trung tâm của Trái đất này.
Khi chưa có con, anh viết:
“Bất hạnh làm sao nếu không còn
cổ tích
Suốt đời làm người chỉ chập chững
biết đi”
(Nếu không còn cổ tích)
Có con rồi, anh viết:
“Ngày xửa ngày xưa
Có nhiều cổ tích
Riêng câu chuyện này
Không là cổ tích”
(Không là cổ tích)
Vậy nên, cổ tích không phải là hư cấu. Cổ tích chính là điều đẹp đẽ có thực giữa cuộc đời. Trong thế giới trẻ thơ, có một Lê Minh Quốc nhân hậu và hồn nhiên, thuần khiết!
ANH THƯ
(nguồn: Báo Giáo dục và thời đại - ngày 5.6.2023).
https://giaoducthoidai.vn/nha-tho-le-minh-quoc-trong-the-gioi-tre-tho-post641652.html?fbclid=IwAR0r7KgbhP8hTfFIGRLi-oQ9pdzH0Td9GrYm6iM3RksaEfKhh5H_GVLVtA4
Add comment