Trái với giọng khẩn khoản, hồi hộp, lo lắng khi gọi nhờ tôi vào Bệnh viện Từ Dũ nuôi bé đêm đầu chào đời là tiếng ngáy pho pho của người cha sau chưa đầy 3 phút trải chiếu ngả lưng.
Người cha thản nhiên ngủ ngáy dưới sàn bệnh viện, cạnh chiếc nôi hồng ấy chính là nhà thơ Lê Minh Quốc. Đêm thì phải ngủ. Nhưng có quá nghịch lý không với người cha mấy chục năm vò võ mong con, giờ may phước được trời ban cho đứa con gái ở tuổi ngót nghét 60 lại… ngủ khò ngay trong cái đêm “lịch sử”? Trong tôi thoáng dậy lên dự báo sẽ “ra lò” một người cha “nai tơ”, hồn nhiên, thậm chí đểnh đoảng, vô tâm.
Nhưng may quá, tôi đã lầm. Chỉ người cha ấy thôi nhưng có khi là lính canh để “Lúc ta thiêm thiếp ngủ say/ Lính canh phải quạt hây hây chỗ nằm/ Lúc ta ngẫu hứng… đái dầm/ Thay tã nhiều lần nhưng mặt phải tươi”; có khi là nàng Tây Thi giặt lụa nơi bến nước Trữ La thôn (nhà thơ giặt tã vải cho con mà cứ mơ màng: “Có ba giặt lấy lụa thơm mỗi ngày”).
Rồi lúc “rảnh rỗi sinh nông nổi”, ông tắt điện thoại để hầu chuyện với bé, cứ tới tấp đặt ra các câu hỏi, đoạn quay ra đóng vai bé để trả lời (vì bé hãy còn tuổi nằm nôi, đã biết nói chi đâu).
2 chữ “làm cha” choáng ngợp khiến tri giác của nhà thơ chạy lung tung và bạn đọc cũng phải tạm gác tri giác kiểu “người ta thường tình” để hiểu, đúng hơn là để cảm.
Đưa vợ vào Từ Dũ
Ngước nhìn lên trời xanh
Trái tim reo nghẹt thở
Hôm nay mới trưởng thành
Giấy chứng minh nhân dân
Xác nhận đang người lớn.
Chẳng có chiếc đũa thần hóa phép mà một Lê Minh Quốc lãng tử bỗng tự nguyện “xếp càng” thành chồng ngoan, cha đảm. Nếu từng thấy cái dáng lom khom của ông giặt tã, pha sữa, dọn đống ói, dỗ con ngủ hay dắt con vào trường mầm non… mới hiểu sự chân thành nơi người cha này qua lời thừa nhận mộc mạc: “Khi có con, người ta thay đổi nhiều lắm”.
Câu nói ấy gợi nhớ lời bộc bạch của một người cha khác - cha của 2 con có cái tên độc là Bơ và Phờ - nhà báo Dương Thành Truyền. Trong buổi ra mắt sách Từng ngày ba mẹ thở theo con của nhà thơ Lê Minh Quốc tại Đường sách TPHCM vào đầu xuân Quý Mão 2023, nhà báo Dương Thành Truyền chia sẻ: “Có con, tôi thấm thía nhiều điều. Nếu hỏi người cha chuẩn bị gì khi có con, thực ra bọn đàn ông chúng tôi chẳng chuẩn bị gì đâu, chỉ biết sống theo bản năng.
Nhưng những người phụ nữ thì khác. Bằng thiên chức, họ dọn lòng và chuẩn bị bằng tất cả trái tim cho con mình… Con cái làm thay đổi ba mẹ. Có con, chúng ta sống đàng hoàng, tử tế hơn vì chính lối sống của ba mẹ là bài học trao gửi cho con cái”.
Cũng trong buổi ra mắt sách này, bé CoCo Mì tưởng vắng mặt vì bệnh sổ mũi, cuối cùng đã xuất hiện kịp lúc và còn “cướp diễn đàn” của ba, hào hứng đọc liên tù tì nhiều bài thơ, giọng trong trẻo pha những tiếng cười giòn. Bài ca dao Con chim manh manh Mì đọc nghe sao lạ quá! Thì ra, ba Quốc đã biến tấu nó khác đi, vì bài gốc có nội dung hơi bị bạo lực, sợ chấn động dòng sông tâm hồn trong ngần, êm ả của tuổi thơ.
Con ở những tháng tuổi đầu, ông gượng nhẹ tay bồng; con ở tuổi bắt đầu đi học, vẫn bàn tay gượng nhẹ và bước chân rón rén ấy, ông dắt con từng bước khám phá vũ trụ xanh. Trên trang sách và trên vạn nẻo đường đời, ông vẫn dặn dò con dù biết rằng ở tuổi mầm non, Mì sẽ không nhớ hết, hiểu hết điều ông nói; rằng con hãy sống thật hạnh phúc, hãy nhớ ơn dù người giúp không chờ đợi trả ơn.
Trên đường đời một lần tôi vấp ngã
Có cánh tay nâng đỡ giúp tôi ngồi
Tôi xuýt xoa. Quên cám ơn. Là lúc
Ngẩng mặt lên. Người ấy đã đi rồi.
4 câu thơ này được chọn trong đề thi tuyển sinh lớp Mười, môn văn của Sở GD-ĐT TPHCM, ngày 6/6/2023.
Chợt thấy quen quen như nhịp đập của trái tim người mẹ khi nghe người cha Lê Minh Quốc tả cận cảnh một lần đưa con đến trường. Hôm ấy, con phải tự đi vào lớp, không được cô dắt như mọi khi. Ông quay về nhà, cứ lóng ngóng, nhấp nhổm, lo sợ con bị lạc mất. Ông bèn nát óc tìm cách tiếp cận con và “cái khó đã ló cái khôn”: ông cầm con mèo bằng bông xin cô giáo cho vào lớp để tặng tận tay con gái. Ông chưa hết tự đắc vì mình “bỗng dưng… mưu trí” thì cô giáo đã ngăn lại vì quy định chung không cho phép.
Ông đành thú thật nỗi lo lắng của mình và cô giáo đã gật đầu, cười xòa, đưa ông vào tận lớp gặp cô công chúa.
“Con hãy là con. Đừng nghĩ về ba. Khi con 18, chững chạc vào đời, lúc ấy ba đã bước qua tuổi xưa nay hiếm, liệu thân xác mỏi mòn ấy còn có ích gì cho con nếu con ỷ lại, dựa dẫm? Con hãy cứ thản nhiên đi vào dòng đời. Cứ sống theo sự lựa chọn của chính con. Đừng sợ hãi. Đừng sợ sống. Cuộc sống này, con ơi ba cảm nhận rằng nó kỳ lạ mà mầu nhiệm…”.
(Trích trong sách Từng ngày ba mẹ thở theo con,
Lê Minh Quốc, Nhà xuất bản Kim Đồng, năm 2022)
Tô Diệu Hiền
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 26.6.2023).
Add comment