TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định 'Mẹ đã đi chợ về' của Lê Minh Quốc

'Mẹ đã đi chợ về' của Lê Minh Quốc


Mẹ đã đi chợ về là tập tùy bút dày hơn 250 trang của nhà thơ Lê Minh Quốc, do NXB Trẻ ấn hành.

Tạm gác những thổn thức về tình yêu, những câu chuyện về các mối quan hệ trong gia đình, giữa tình chồng - vợ, cách ứng xử giữa đàn ông - đàn bà vốn là sở trường sáng tác trong các tác phẩm quen thuộc, nhà thơ Lê Minh Quốc lần này dành nhiều thời gian lắng đọng để nhớ về mẹ, về cha, về người anh, người chị đã mất.

 Những năm tháng cuối năm càng khiến anh cồn cào nhớ những giây phút ấm áp từng có bên người thân ruột thịt. Còn gì đau buốt hơn khi cha, mẹ, anh chị em ruột lần lượt bỏ ta lại cô đơn trên cõi đời này, phải gắng gượng sống tiếp trên đường đi vạn nẻo.

Lê Minh Quốc đã chọn cách viết, trút hết nỗi lòng vào từng con chữ như một cách níu giữ tất cả những gì ngọt ngào và thiêng liêng nhất của tình cảm với mẹ cha, với gia đình ruột thịt.

Xen kẽ các bài tùy bút là những bài thơ ngắn đầy xúc động của nhà thơ Lê Minh Quốc. Đọc Mẹ đã đi chợ về để cùng tận hưởng cảm giác ấm áp những ngày tháng có mẹ bên đời.

Lucy Nguyễn

(nguồn: Báo Thanh Niên ngày 29.1.2018)

trong-doc-dai-nho-me1Rtrong-doc-dai-nho-me2R(nguồn: Báo Tuổi Trẻ ngày 1.2.2018)


Mẹ đã đi chợ về: nỗi niềm trong dọc dài nhớ mẹ

TTO - Nhà báo Lê Minh Quốc vừa có một tập tùy bút thật đặc biệt mang tên Mẹ đã đi chợ về.

Tùy bút đặc biệt không chỉ ở nhan đề như một tiếng reo quen thuộc của bất cứ đứa trẻ thơ nào - Mẹ đã đi chợ về - mà gói ghém qua từng trang sách là biết bao nỗi niềm của đứa con với gia đình: mẹ, ba, và anh, chị.

Tập sách như một quyển nhật ký gia đình được hình thành qua sự mẫn cảm và tinh thần nâng niu từng mảnh ký ức của một người con là Lê Minh Quốc.

Chính điều đó đã khiến cho các trang viết về chuyện gia đình vượt thoát khỏi không gian riêng tư, nhập vào từng mảng miếng của quê hương, của chuyện đời.

Và thật nhiều trang viết dành cho người mẹ. Cảm xúc trống vắng khi người mẹ tác giả vừa giã biệt cõi đời như vẫn còn rất đậm trong tập sách này.

Không chỉ nâng niu kỷ niệm, trước sự ra đi không đột ngột mà vẫn ngỡ ngàng của người mẹ rất mực yêu thương, Lê Minh Quốc đã tỉ mẩn soạn lại những kỷ niệm về mẹ trong "tàng thư ký ức" của mình để góp thành tập sách, chọn nhan đề như tiếng reo hồi bé thơ của mình với mẹ, và gửi nó cho đời.

Những câu chuyện của một bà mẹ xứ Quảng được chính Lê Minh Quốc thuật tả qua nhiều tầng cảm xúc.

Có những chuyện từ hoài niệm về món ăn quê hương, có chuyện là cám cảnh trước hiện thực cuộc đời, ký ức và thời sự đan xen, chuyện mẹ ở quê và mẹ ở Sài Gòn quấn quít vào nhau, chuyện tàu lửa rút ngắn hành trình khiến cho khả năng "ngủ một đêm là được về quê" cũng trở thành cảm hứng để Lê Minh Quốc viết về quê, về mẹ.

Có nhiều chỗ tác giả tự đặt mình lùi xa khỏi ngôi thứ nhất để tự xưng bằng y, và thương nhất là lúc Lê Minh Quốc nhớ lại những món ngon mẹ nấu: món mì Quảng tự chế, ăn bánh tráng "kiểu quê mình", uống nước chè xanh mà như "uống cả non xanh nước biếc vào trong cuống họng"...

Và tất cả như một dọc dài những nỗi niềm không bao giờ dứt, như thể Lê Minh Quốc đã từ chuyện riêng của mẹ mình khéo léo đưa người đọc theo anh đến một "cảnh giới" dẫu đời thường nhưng an nhiên không dễ gì có được:

Tôi về ngoảnh lại Nghìn Sau Thấy lau sậy trắng bể dâu luân hồi

Bỗng nhiên tôi gặp lại tôi

Từ lòng mẹ bước Vào Đời an nhiên.

NGUYÊN TRỰC

meoingayay-nay-dau

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 2.2.2018)

 

Rưng rưng đọc "Mẹ đã đi chợ về"


Trong cuộc đời vốn đầy bão giông, ai cũng có riêng mình một người mẹ hiền luôn chấp nhận những hy sinh, thiệt thòi để đong đầy tình yêu thương cho con cái.

Và với mẹ Lê Minh Quốc cũng vậy. Tuy nhiên, mẹ của anh hạnh phúc hơn người khác khi có đứa con là "dân văn chương" nên dễ trải lòng hiếu thảo ra trang giấy. Như chính Lê Minh Quốc thú nhận trong tác phẩm tùy bút "Mẹ đã đi chợ về" vừa ấn hành: "Viết về cha, với nhiều người là điều khó khăn, trong khi viết về mẹ dễ dàng hơn nhiều. Nhìn bóng cây sừng sững giữa trời đất, ít ai nhận ra vẻ đẹp uy nghi, an nhiên tự tại dám đối mặt với mưa sa bão táp. Cha vững như cây, mẹ như là rợp mát…".
Rưng rưng đọc Mẹ đã đi chợ về - Ảnh 1.

Điều đặc biệt nhất là những kỷ niệm với mẹ và gia đình, rất lạ, dù ở độ tuổi nào anh đều nhớ kỹ đến từng chi tiết. Anh viết về "những đêm mẹ lặng lẽ ngồi bên ngọn đèn dầu leo lét khâu, vá lại chiếc áo của anh Hai cho em. Chỉ tiếc trên túi áo một vết mực tím đã loang, mẹ giặt mãi vẫn không sạch. Mẹ lại bảo: "Anh Hai con học giỏi, con mặc áo anh Hai thì chắc là hên lắm đây…". Hay câu chuyện "trước lúc ở căn nhà trên đường Triệu Nữ Vương, thuở mới hồi cư về Đà Nẵng, ba mẹ ở chung với ông bà ngoại, dì, cậu trong khu nhà rộng… Nhớ về căn nhà ấy, trong lòng y luôn luôn nhớ về cái giếng nước ngay đầu sân nhà. Với y, tuổi thơ đã có những vạt mây trắng....". Cho tới khi đã trở thành đứa trẻ nhiều tuổi, anh vẫn muốn gần gũi với mẹ để học hỏi và chính mẹ anh trong những năm tháng quý giá cuối đời cũng chấp nhận vào Sài Gòn để cùng anh hủ hỉ sớm tối...

Nhà thơ tâm sự: "Được ở chung nhà với mẹ, nghe những câu chuyện kể với y cực kỳ lý thú, bởi lẽ cũng là một gợi mở để tìm hiểu về phép ứng xử của người Việt ngày trước... Âu cũng là một sự gắn kết của tình làng nghĩa xóm, bà con láng giềng trong dòng tộc".

Lê Minh Quốc từng là người lính chai sạn ở chiến trường nhưng về với đời sống thường nhật, anh lại là con người rất tình cảm. Năm lên 8 tuổi, anh đã có những câu thơ chân thành, mộc mạc nhưng nhói lòng về mẹ: "Mẹ dậy từ sớm tinh sương/Mưa rơi nặng hạt con thương vô cùng/Trong chăn con nghĩ mông lung/Mai sau xa cách vẫy vùng với ai/Mẹ tìm về chốn thiên thai/Quy y Đức Phật trên đài hoa sen"…để rồi bây giờ chính những dự cảm tuổi thơ đó lại trở thành sự thật: "Không gì bất hạnh hơn khi ta cài lên ngực đóa hồng/để suốt đời nhớ mẹ/dù thế nào ta cũng là đứa trẻ/một đứa trẻ cô đơn/suốt đời cô đơn".

Đọc những trang sách của Lê Minh Quốc, nhiều lúc con chữ cứ như nhòe đi, cảm động: "Rồi sáng ngày cuối cùng tiễn mẹ về nghĩa trang Hòa Sơn, lúc dừng lại làm lễ Tế đầu trung, anh em y thắp nén nhang. Khói nghi ngút bay… Lúc ấy đột nhiên lại thấy một con chuồn chuồn bay là đà ngay trước mắt, buột miệng kêu lên: "Mẹ đã về"...

Anh viết: "Trong tiếng Việt có một thành ngữ, dù không được dạy/học nhưng bất kỳ đứa trẻ nào cũng đã từng trải qua: "Chờ như chờ mẹ đi chợ về". Suốt đời y sẽ không thể nào quên được nỗi chờ đợi ấy".

Và ở cõi trần gian tạm bợ này, Lê Minh Quốc vẫn ngồi chờ, anh - đứa trẻ nhiều tuổi - luôn bị ám ảnh nỗi sợ hãi bởi câu nói "mẹ lượm con từ gốc mít", vẫn vò võ trong niềm tuyệt đối suốt đời, rằng ở đâu đó mẹ của anh vẫn đang đi chợ xa sắp về…

(*) "Mẹ đã đi chợ về", tùy bút của Lê Minh Quốc. NXB Trẻ vừa ấn hành

Lê Công Sơn

(nguồn: Báo Người lao động ngày 4.2.2018)


phunucietnam-me-da-di-cho-ve1R

Mẹ Đã Đi Chợ Về

" Mẹ đã đi chợ về

Hồng tươi con cá quẫy

Như câu thơ ngũ ngôn

Nhịp nhàng và mềm mại "

Ai dám chắc một thời, bản thân mình không ngồi chờ mẹ đi chợ về, chờ thấy bóng mẹ thấp thoáng dưới những ánh nắng trưa chói chang với một niềm hân hoan vô hạn ?

Tác giả kể về mẹ của mình , một người mẹ yêu con vô bờ bến , hi sinh cho con thầm lặng . Và ở đó , thấp thoáng bao hình ảnh của những bà mẹ Việt Nam . Tôi nhìn thấy hình ảnh của mẹ, và rồi của tôi , nơi miền kí ức xa thật xa ngày tôi còn bé bỏng.

Tác giả như sống lại một lần nữa tuổi thơ tươi đẹp, tuổi thơ khi vẫn còn có mẹ cạnh bên, tuổi thơ có mẹ trong từng giấc ngủ.

Xuyên suốt tác phẩm là những câu chuyện nhỏ về gia đình của tác giả, về người cha, người bà, người chị và đặc biệt là hình ảnh người mẹ kính yêu . Là những bài thơ mà trong đó chứa chan bao tình cảm dạt dào của tác giả dành cho mẹ của mình. Là những món ăn quen thuộc, dân dã mà có thể bắt gặp ở bất cứ một gia đình Việt Nam nào. Sau tất cả những bộn bề cuộc sống, những ganh đua tầm thường thì nhà vẫn là nơi ôm ấp chúng ta vào lòng.

Một áng văn dịu dàng, nhẹ nhàng và đằm thắm. Một món quà tuyệt vời để tìm về những thời xưa cũ, một món quà tuyệt vời để cảm ơn mẹ. Một sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai muốn tìm hiểu thêm về văn hóa, văn học Việt Nam.

Vẫn là một tác phẩm tuyệt vời của văn học Việt Nam.

Trần Lan Hương

(nguồn: https://obook.co/tran-lan-huong/review/me-da-di-cho-ve)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com