Khóc cười với “Tình éo le mà lý oái ăm”
Trong cuộc sống vợ chồng, tình yêu đôi lứa, có không ít những tình huống tréo ngoe, khiến người trong cuộc khó giải quyết một cách thấu tình đạt lý. Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc có cái nhìn riêng về vấn đề này trong tập sách "Tình éo le mà lý oái ăm", do NXB Phụ Nữ và Phương Nam Book phối hợp phát hành quí II-2015.
Sau các tác phẩm viết về gia đình: "Gái đẹp trong tôi", "Tôi và đàn bà", "Khi tổ ấm nhảy Lambada"… Lê Minh Quốc lại tiếp tục khai thác chủ đề này trong "Tình éo le mà lý oái ăm". Lần này, không còn giọng văn nhẹ nhàng tươi tắn, anh thể hiện cái nhìn riêng bằng những bài bình luận, có phân tích, dẫn chứng cụ thể. Những bài viết không giáo điều mà như những lời nhắn nhủ chân tình của tác giả gửi đến mọi người.
Những vấn đề Lê Minh Quốc đặt ra là những chuyện phổ biến, xảy ra thường ngày. Đó là: liệu có tồn tại tình bạn mãi mãi giữa hai người khác phái khi một trong hai người bước vào đời sống hôn nhân? Ai cũng biết là rất khó để duy trì sự thân thiết như xưa bởi sẽ khiến bạn đời nghi ngại, hàng xóm bàn ra tán vào… Tác giả cho rằng "Sự bền vững trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng đều có những đặc thù riêng mà mỗi người phải thay đổi cách ứng xử đặng phù hợp với hiện tại" ("Mãi mãi là tình bạn" – trang 37). Nói về tình yêu, tác giả đề cập đến "tình phí", đến những lời tỏ tình mật ngọt chết ruồi, về sự níu kéo của người cũ khi mình đã có người mới… Trong những tình huống như vậy, chỉ cần một phút yếu lòng hay nhẹ dạ, cả tin thì người trong cuộc dễ dàng tự đưa mình vào rắc rối, đánh mất hạnh phúc trước mắt.
Được đề cập nhiều nhất là những rắc rối tế nhị trong đời sống vợ chồng mà những người đã kết hôn ít nhiều từng trải qua. Đó là sự thay đổi của người bạn đời trước và sau khi cưới gây hụt hẫng, thất vọng (Cần gì phải giữ kẽ nữa?). Vợ hoặc chồng được thăng quan tiến chức nhưng niềm vui kéo dài chẳng bao lâu bởi người kia luôn bứt rứt, khó chịu bởi cảm giác bị "lép vế" (Vui buồn "thăng quan tiến chức)… Có những chuyện được làm với mong muốn người bạn đời của mình đẹp hơn, hạnh phúc hơn nhưng lại phản tác dụng? Vì sao? Vì những lời khen hay tâng bốc quá lố về chồng hoặc vợ trước mọi người khiến người khác dị ứng, khó chịu (Đội nhau lên đầu); vì sắm sửa, chưng diện cho vợ, cho chồng đẹp hơn nhưng lại quên mất đối phương có vừa ý không (Tân trang quá lố); vì muốn thể hiện tình yêu với nhau mà đi đâu vợ chồng cũng có đôi có cặp mà không nghĩ có phù hợp với môi trường, hoàn cảnh và cả đánh giá của những người xung quanh (Phải "dính như sam")…
Đặc biệt, trong những trang viết của mình, Lê Minh Quốc luôn dành cho người phụ nữ sự ưu ái, yêu thương. Tác giả bày tỏ sự bức xúc với quan niệm người phụ nữ khi lấy chồng là phải "gánh vác giang san nhà chồng"; sự thông cảm khi vì những cuộc vui của chồng và bạn bè mà người vợ phải nai lưng ra nấu nướng, dọn dẹp từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc (Oải quá rồi!); hay bênh vực và đề cao chị em khi cánh máy râu thắc mắc "Tại sao không có Ngày Đàn Ông?"…
49 bài viết là những sắc màu phong phú, hấp dẫn khiến "Tình éo le mà lý oái ăm" không chỉ thuyết phục người đọc bởi cái lý, cái tình mà còn đem lại những giây phút thư giãn qua những câu chuyện hài hước, ý nghĩa.
Cát Đằng
(nguồn: Báo Cần Thơ http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=78&id=167063)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|