Nhà thơ Lê Minh Quốc ra “bộ đôi” sách
PN - Cứ “im lặng lâu lâu”, nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc lại khiến bạn văn và độc giả bất ngờ. Hơn một lần anh cho ra mắt cùng lúc hai cuốn sách, mà cuốn nào cũng đáng đọc. Lần này cũng vậy, Tình éo le mà lý oái ăm (NXB Phụ Nữ) và Ngày trong nếp ngày (NXB Hội Nhà văn) đủ để độc giả có thể thưởng thức, chia sẻ và suy nghĩ cùng anh.
Ngày trong nếp ngày dày gần 500 trang với 112 bài viết mang tính nhật ký của Lê Minh Quốc trong hơn một năm qua. “Viết nhật ký dành cho mình đọc không khó. Viết nhật ký cho nhiều người cùng đọc thì khó. Vì nếu chỉ viết về “cái tôi riêng tư” thì ai mà thèm đọc, nên còn phải viết về “cái chúng ta quan tâm” để bạn đọc chia sẻ.
Anh đã khôn khéo viết về “cái tôi riêng tư” bằng những bài thơ tự sự nên bạn đọc dễ cảm thông. Anh còn chịu khó tra cứu những từ cổ, giúp bạn đọc hiểu rõ chữ nghĩa để sử dụng chính xác. Chỉ một điều nhỏ đó thôi cũng đáng để chúng ta tìm đọc Ngày trong nếp ngày” - nhà văn Đoàn Thạch Biền, người bạn văn thân thiết và cùng thời với nhà báo Lê Minh Quốc đã nhận xét về cuốn sách.
Rất hiếm có những quyển tạp văn được in dày cộm như thế, Ngày trong nếp ngày không thể là cuốn sách đọc vội, phải nhẩn nha từng mẩu và đọc mỗi ngày một ít để ngấm cùng với những con chữ. Người ta thường nói, may mắn của nhà văn là được viết, được trải những cảm xúc của mình lên trang giấy bằng tất cả sự chân thật.
Lê Minh Quốc bày suy nghĩ của mình trong từng mẩu nhật ký nhỏ nhưng tổng hợp lại trong cùng một quyển sách bỗng trở thành một góc nhìn lớn với đầy đủ cung bậc về mình, về đời, về người.
Trong khi đó, Tình éo le và lý oái ăm lại là một cuốn sách không chỉ thích hợp cho độc giả nữ mà phái mạnh cũng cần quan tâm. Thời gian công tác tại báo Phụ Nữ TP. HCM có lẽ đã đủ nhiều để Lê Minh Quốc viết về phụ nữ với nhiều góc nhìn và lý giải khá thú vị. Đọc chỉ có thể “tẩm ngẩm mà cười” với diễn đạt của tác giả thôi.
Viết về phụ nữ, giải mã tâm lý phái đẹp không dễ dàng chút nào, nhưng có lẽ từ Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà, Khi tổ ấm nhảy lambada, nay tiếp tục là Tình éo le mà lý oái ăm, anh đã “làm được điều gì đó thật kỳ lạ”. “Đọc xong những tập sách này có 99,99% độc giả nữ cười toe toét mà rằng: ông nhà thơ Lê Minh Quốc viết thuyết phục quá ta. Còn đàn ông thì sao?” - tác giả hỏi vui.
Cuộc tranh luận - nếu có - phải dành cho những độc giả vẫn dõi theo và yêu mến những cuốn sách.
SONG GIANG
(nguồn: báo PN TP.HCM phát hành ngày 26.6.2015)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|