TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Dư luận về 2 tập sách TÌNH ÉO LE MÀ LÝ OÁI OĂM & NGÀY TRONG NẾP NGÀY của LÊ MINH QUỐC

Dư luận về 2 tập sách TÌNH ÉO LE MÀ LÝ OÁI OĂM & NGÀY TRONG NẾP NGÀY của LÊ MINH QUỐC

Mục lục
Dư luận về 2 tập sách TÌNH ÉO LE MÀ LÝ OÁI OĂM & NGÀY TRONG NẾP NGÀY của LÊ MINH QUỐC
* Nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc: Tinh tường và khờ khạo
Nhà thơ chuyên viết... văn xuôi
Tình éo le mà lý oái oăm
“Cú đúp” của Lê Minh Quốc
Tình éo le mà lý oái oăm
Nhà thơ Lê Minh Quốc ra “bộ đôi” sách
* TÌNH ÉO LE MÀ LÝ OÁI OĂM - CÁI NHÌN RẤT ” TÌNH ” VỀ PHỤ NỮ CỦA LÊ MINH QUỐC
* Lê Minh Quốc- Tình éo le mà lý oái oăm
* Khóc cười với “Tình éo le mà lý oái ăm”
* Tình éo le mà lý oái oăm
* Lê Minh Quốc 'giải mã tình và mình'
Tất cả các trang

hahai_bia_sach_moi_Le_Minh_Quoc

 

Tinh-tuong-va-kho-khao



Nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc: Tinh tường và khờ khạo

(Thethaovanhoa.vn) - Lê Minh Quốc vừa cùng một lúc đã có hai tập sách mới: Tình éo le mà lý oái oăm (NXB Phụ Nữ) và Ngày trong nếp ngày (NXB Hội Nhà văn). Cả hai tập sách dày gần 1.000 trang in, sở dĩ “hoành tráng” như thế vì anh muốn đánh dấu thời điểm anh đã tròm trèm 30 năm theo nghề.

Nói đến Lê Minh Quốc, ắt nhiều người thừa nhận rằng, anh là cây bút khỏe khoắn, có thể đề cập đến nhiều lãnh vực khác nhau.

Ngòi bút cần cù…

Với tập tùy bút Tình éo le mà lý oái oăm, anh cho biết cuốn sách này vẫn tiếp tục khai thác đề tài về tình yêu, hôn nhân, chuyện vợ chồng như các tập đã xuất bản: Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà, Khi tổ ấm nhảy Lambada.

Kinh nghiệm ở đâu mà anh có thể liên tục viết cả hàng trăm tình huống, câu chuyện lôi cuốn bạn đọc? Chẳng hạn, lần này, anh hào hứng bàn luận những chuyện: Rắc rối từ khi có đàn bà, Cưới xong là mất tự do, Đàn ông yếu bóng vía, Khóc ngoài biên ải (!?), Tự chữa “vết thương lòng”, Hục hặc trên giường, Tung chiêu “cấm vận”…


le-minh-quoctinhtuiong_va_kho_khao
Lê Minh Quốc vẫn được gọi là “cây bút khỏe khoắn”

Vẫn là văn hài hước, có nhiều nhận xét tinh tế mà anh tự bạch trong Lời nói đầu: “Nếu tự đánh giá về mình, tôi sẽ nói thế nào? Xin thưa: Đó là người cần cù bù thông minh, cũng có nhiều thói xấu khác nhưng lại có ưu điểm rất đáng khen là luôn luôn dại gái”.

Có thể xem đây là một “tự trào” của nhà thơ có quá nhiều kinh nghiệm từ những chuyến tác nghiệp báo chí chăng? Điều này, có thể đúng, vì anh đã công tác lâu năm tại tờ báo dành cho nữ giới.

Khi đánh giá về phẩm chất của anh, NSND Bạch Tuyết có nhận xét: “Quốc thật thà - ranh mãnh; Quốc tinh tường - khờ khạo; Quốc chiêm ngưỡng - hững hờ và rất thật là một Lê Minh Quốc khát khao kiếm tìm, khám phá cái đỉnh cao: “Đẻ là sự sáng tạo. Đàn bà là kẻ sáng tạo. Họ sáng tạo ra vũ trụ này…”.

Với nữ giới, Lê Minh Quốc một lòng trân trọng họ vì họ "sáng tạo ra vũ trụ này". Trong tập Tình éo le mà lý oái oăm, anh lại ra sức bảo vệ phụ nữ như mọi lần: “Nghĩ về đức tính của họ, tôi luôn xác tín rằng, dù vài ngàn năm sau nữa khoa học kỹ thuật của nhân loại tiến bộ đến cỡ nào, có thể định cư trên sao Hỏa, chơi golf trên Mặt Trăng, thay đổi quan niệm về Cái Đẹp thì cũng không thể lý giải được về đức tính thủy chung của phụ nữ. Đố ai có thể khám phá và lý giải ngọn ngành. Mãi mãi là một bí ẩn. Ngay từ lúc oe oe chào đời, sự bí ẩn ấy đã hình thành từ trong máu thịt họ rồi”.

 

hahai_bia_sach_moi_Le_Minh_Quoc
Hai tập sách vừa ra mắt của Lê Minh Quốc

 

Và nhật ký “của chúng ta”

Với tập Ngày trong nếp ngày, gồm 112 tạp bút được anh viết duới dạng nhật ký về văn hóa - xã hội trong khoảng thời gian gần đây. Ở đó, chúng ta thấy rất rõ vai trò của một nhà báo khi tích lũy thông tin thời sự hằng ngày. Sau đó, Lê Minh Quốc chắc lọc và suy ngẫm, liên tưởng sâu hơn.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền, ghi nhận: “Viết nhật ký chỉ dành riêng cho mình đọc, không khó. Nhưng viết nhật ký cho nhiều người khác cùng đọc thì khó. Vì nếu chỉ viết về “cái tôi riêng tư” thì ai mà thèm đọc, nên còn phải viết về “cái chúng ta quan tâm” để bạn đọc chia sẻ. Lê Minh Quốc đã chọn cách viết khó, và đã đưa nhật ký của anh lên mạng xã hội để bạn đọc góp ý, trước khi in thành sách. Anh đã khôn khéo khi viết về “cái tôi riêng tư”, nhiều khi bằng những bài thơ tự sự nên bạn đọc dễ cảm thông”.

Còn nhà biên kịch Đoàn Tuấn, nguời từng đi bộ đội với Lê Minh Quốc thời trai trẻ, nhận xét: “Trong Ngày qua nếp ngày, người đọc thấy đời sống đã chắt lọc của quá khứ, đời sống bộn bề của hiện tại và một đời sống với khát khao thanh lọc chính mình. Những lời tâm sự với thời gian mỗi ngày vừa trôi qua của tác giả khiến mỗi chúng ta quý trọng hơn đời sống hiện tại của mình. Ngày trong nếp ngày là một đóng góp mới vào dòng văn học ghi lại dấu vết thời gian. Câu “Trăm năm thì ngắn, một ngày dài ghê” trong thời đại công nghệ và kỹ thuật số này càng ý nghĩa biết bao!”.

Hoàng Nhân
(nguồn: Báo Thể thao & Văn hóa số Chủ Nhật, 14/06/2015 / http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nha-bao-nha-tho-le-minh-quoc-tinh-tuong-va-kho-khao-n20150614061214608.htm)


chuyen-trong-lang-RRRR


Tình éo le mà lý oái oăm

PN - Nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc vừa ấn hành tập sách mới: Tình éo le mà lý oái oăm (NXB Phụ Nữ), Công ty Văn hóa Phương Nam phát hành.

Tập sách này vẫn tiếp tục khai thác đề tài về tình yêu, hôn nhân, chuyện vợ chồng như các tập đã xuất bản là Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà, Khi tổ ấm nhảy Lambada. Lần này, anh hào hứng bàn luận chuyện Rắc rối từ khi có đàn bà, Cưới xong là mất tự do, Đàn ông yếu bóng vía, Khóc ngoài biên ải (!?) Tự chữa “vết thương lòng”, Hục hặc trên giường, Tung chiêu “cấm vận”, Đẩy nhau vào chân tường, Tiết kiệm lời khen, Chuyện bé xé ra to, Cưới xong là mất tự do, Đàn ông yếu bóng vía, Đắng lòng tình phí v.v…

Nhìn chung, chủ đề xuyên suốt của anh vẫn là sự bênh vực cho phụ nữ, và anh cảnh báo, nếu người đàn đàn ông không thay đổi nhận thức ắt ặp nhiều tình huống sẽ xẩy ra, chẳng hạn: “Bằng sự can thiệp, trợ giúp của khoa học kỹ thuật họ vẫn có thể sinh con mà không phải đánh đổi bằng sự “nâng khăn sửa túi” suốt đời cho một gã đàn ông vô tích sự. Thiết nghĩ, đã đến lúc đàn ông phải nhận thức lại về vai trò của mình. Vai trò ấy không còn có giá trị tuyệt đối như trước, bởi người phụ nữ thế kỷ này đã khác trước nhiều lắm. Họ đã được trang bị nhiều tri thức và nhất là trách nhiệm cộng đồng đã quan tâm đến họ nhiều hơn, chu đáo hơn”.

Lâu nay, trong quan niệm cũ, người phụ nữ có trọng trách “gánh lấy san san nhà chồng”. Biết bao nhiều công việc, nghĩa vụ nhà chồng đã trút hết xuống đôi vai gầy guộc như cánh vạc, nay, nhà thơ Lê Minh Quốc nhấn mạnh: “Tùy vào nhận thức, mỗi người phụ nữ có trách nhiệm với gia đình chồng. Họ thực hiện theo cách của họ mà vẫn tròn đạo dâu con. Vì thế, chúng ta đừng đem quan niệm xưa cũ làm tiêu chí phán xét về đức hạnh, tư cách của họ. Một khi quan niệm “Làm gái giữ đạo tam cang/ Lấy chồng gánh vác giang san nhà chồng” không thay đổi thì đừng bao giờ chúng ta mở miệng ra nói về chiến lược nâng cao chất lượng sống cho người phụ nữ. Tôi hoan hô các chị em tự ý thức thay đổi trách nhiệm về “giang san nhà chồng”, dám vượt qua dư luận xã hội dẫu đã lỗi thời nhưng vẫn còn tồn tại trong thế kỷ XXI này”.

Bên cạnh đó, còn là nhiều đề tài khác nhau được thể hiện bằng giọng văn hài hước, nhẹ nhàng và cũng là những tình huống xẩy ra trong đời sống lứa đôi. Đúng như nhà thơ Ý Nhi đã từng nhận xét: “Với Lê Minh Quốc, người phụ nữ là hiện thân của cái đẹp, là nguồn cội của tình yêu, là người sáng tạo thế giới và, cũng là người chịu đựng nhiều nhất những tai ách, những bất hạnh, những đau đớn của kiếp người. Tôi nghĩ, nếu không có tình yêu thương, không có nỗi cảm thông, không có sự hiểu biết và những trải nghiệm sống, Lê Minh Quốc khó viết nên những trang văn nồng nhiệt, tha thiết, có khi đắm đuối như vậy, về một đề tài đã được nhiều người luận bàn".


C.Đ

Nguồn: http://phunuonline.com.vn/nguoi-yeu-sach/sach-moi/tinh-eo-le-ma-ly-oai-oam/a145120.html)



“Cú đúp” của Lê Minh Quốc


Lê Minh Quốc không xa lạ với bạn đọc, đều đặn mỗi năm, anh lại hào hứng chào đón “đứa con tinh thần”.

Không chỉ một mà có lúc “sinh đôi” nên khiến nhiều người ngạc nhiên về bút lực của anh. Năm ngoái, cùng một lúc anh đã có tiểu thuyết “Đời, thế mà vui”, tập tùy bút “Khi tổ ấm nhảy Lambada” thì năm nay anh lại có “Ngày trong nếp ngày” song hành cùng “Tình éo le mà lý oái oăm”.


9-sach-ghep-1434986282718

 

Với “Ngày trong nếp ngày” (NXB Hội Nhà văn), điều thú vị đây chính là nhật ký của Lê Minh Quốc đã ghi chép trong năm 2013. Theo nhà văn Đoàn Thạch Biền, đó không phải là suy nghĩ riêng tư mà tác giả còn biết ghi nhận, bình luận các sự kiện văn hóa, xã hội đang diễn ra. Do đó, Lê Minh Quốc không còn là viết cho riêng mình: “Một trong những “cái chúng ta quan tâm” là ngôn ngữ Việt vì “tiếng ta còn, nước ta còn”. Anh đã chịu khó tra cứu những từ cổ và từ mới, giúp bạn đọc hiểu rõ ngữ nghĩa để sử dụng chính xác”.

Điều thú vị, tập sách “Ngày trong nếp ngày” vừa phản ánh thời sự nhưng cũng đề cập những vấn đề văn hóa có tính chất lâu dài. Lê Minh Quốc cho biết anh luôn cố gắng tìm tòi cách thể hiện mới để có thể chia sẻ từ việc làm đến suy nghĩ hằng ngày của riêng mình mà vẫn được bạn đọc tìm đọc.

Trong tập “Tình éo le mà lý oái oăm” (NXB Phụ nữ), anh lại tiếp tục những câu chuyện, tình huống về hôn nhân, tình yêu, những “ca” khó gỡ trong đời sống vợ chồng, dù mình là người độc thân.

Đề tài này, anh đã đeo đuổi từ nhiều năm nay qua các tập như “Tôi và đàn bà”, “Gái đẹp trong tôi”, “Khi tổ ấm nhảy Lambada”. Nói như NSND Bạch Tuyết, khi Lê Minh Quốc viết đề tài này, “là một lối thư giãn đầy chữ nghĩa của Lê Minh Quốc để sau đó, anh ngồi lại vào bàn, miệt mài, tận tụy, say mê giải phóng nguồn năng lượng sáng tạo không biết mệt mỏi”.


Đoàn Tuấn

(nguồn: Báo Người Lao Động số ra ngày 23.6.2015)


Tình éo le mà lý oái oăm

 

Lê Minh Quốc rất đa tài, anh vừa là một nhà báo, nhà thơ, họa sĩ, nhà nghiên cứu có nhiều tác phẩm xuất sắc. Khi làm họa sĩ, chủ đề chính trong các bức tranh của anh luôn là phụ nữ. Khi sáng tác văn chương, phụ nữ tiếp tục đóng vai trò quan trọng với hàng loạt tác phẩm như Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà, Khi tổ ấm nhảy Lambada… Và mới đây, tác phẩm mới của Lê Minh Quốc lại tiếp tục lấy chủ đề về phụ nữ với nhan đề Tình éo le mà lý oái ăm do Công ty sách Phương Nam liên kết cùng NXB Phụ Nữ thực hiện.

Phải nói rằng các tác phẩm của nhà văn Lê Minh Quốc khi viết về phụ nữ đều có tính thống nhất rất cao. Về mặt nội dung, nếu các tác phẩm trước viết về giai đoạn đang yêu, gia đình thì trong tác phẩm mới nhất, Lê Minh Quốc lại viết về chuyện xảy ra sau khi tình yêu kết thúc hay chính xác hơn là những vấn đề tình cũ, tình mới. Về thể hiện, tác giả luôn đặt người đọc dưới góc độ người đàn ông nhìn về người phụ nữ. Lê Minh Quốc thừa biết không có cách nào để hiểu phụ nữ và việc lý giải về họ là vô nghĩa, nhưng cách mà họ ứng xử về các vấn đề liên quan đến đàn ông, nhất là người đàn ông của họ thì luôn có điểm chung. Và đó là những gì mà Tình éo le mà lý oái ăm muốn đem đến cho bạn đọc.

Ai cũng có một (hoặc nhiều) mối tình và khi yêu bao giờ cũng là những phút giây nồng ấm, hạnh phúc. Vấn đề là khi tình yêu kết thúc, một tình yêu mới bắt đầu; đặc biệt là khi tình yêu sau tiến đến hôn nhân, giải quyết những kỷ niệm của tình yêu trước như thư từ, hình ảnh, kỷ vật… lại là một vấn đề. Trả cho người xưa? Người xưa cũng có người mới, bắt họ chịu gánh nặng giải quyết là sự thiếu trách nhiệm mà người đàn ông không nên làm. Nhưng giữ lại cũng không phải là việc hay nếu để người yêu, người vợ mới của mình thấy được. Hay như người xưa lâm bệnh, vào thăm cũng là cả một vấn đề… Cái hay nhất trong Tình éo le mà lý oái ăm cũng chính là ở những chi tiết này. Là một nhà báo công tác nhiều năm tại một tờ báo vốn nổi tiếng với các chuyên mục giải đáp những vấn đề gia đình như Báo Phụ nữ TPHCM, Lê Minh Quốc có cái nhìn rất thực tế, vấn đề không chỉ ở phía cá nhân mà còn phải nghĩ đến người khác, đó có thể là vợ (chồng) của người xưa, là vợ, chồng (hay người yêu) của chính mình hôm nay. Không thể trách nếu họ nghi ngờ, không thể bảo rằng mình trong sáng và bắt mọi người tin theo. Cuộc sống trong Tình éo le mà lý oái ăm thực tế hơn rất nhiều.

Tình éo le mà lý oái ăm vì thế không dành cho những người mới yêu, những tình đầu. Đây là cuốn sách dành cho những người đã yêu ít nhất là đến lần thứ hai. Cũng chính vì vậy nếu nhìn dưới góc độ khác, tác phẩm là những lời khuyên, những kinh nghiệm thực tế của từ chính tác giả hay từ trong công việc để giúp những người đang yêu có thể giữ gìn, bảo vệ hạnh phúc của mình.

XUÂN THÂN

(nguồn: Báo Sài Gòn Giải phóng 24.6.2015/ http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/sachvacuocsong/2015/6/387804/#sthash.KSC8RPgV.dpuf)


Nhà thơ Lê Minh Quốc ra “bộ đôi” sách

PN - Cứ “im lặng lâu lâu”, nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc lại khiến bạn văn và độc giả bất ngờ. Hơn một lần anh cho ra mắt cùng lúc hai cuốn sách, mà cuốn nào cũng đáng đọc. Lần này cũng vậy, Tình éo le mà lý oái ăm (NXB Phụ Nữ) và Ngày trong nếp ngày (NXB Hội Nhà văn) đủ để độc giả có thể thưởng thức, chia sẻ và suy nghĩ cùng anh.

Ngày trong nếp ngày dày gần 500 trang với 112 bài viết mang tính nhật ký của Lê Minh Quốc trong hơn một năm qua. “Viết nhật ký dành cho mình đọc không khó. Viết nhật ký cho nhiều người cùng đọc thì khó. Vì nếu chỉ viết về “cái tôi riêng tư” thì ai mà thèm đọc, nên còn phải viết về “cái chúng ta quan tâm” để bạn đọc chia sẻ.

10-anh-bia-sach-le-minh-quoc

Anh đã khôn khéo viết về “cái tôi riêng tư” bằng những bài thơ tự sự nên bạn đọc dễ cảm thông. Anh còn chịu khó tra cứu những từ cổ, giúp bạn đọc hiểu rõ chữ nghĩa để sử dụng chính xác. Chỉ một điều nhỏ đó thôi cũng đáng để chúng ta tìm đọc Ngày trong nếp ngày” - nhà văn Đoàn Thạch Biền, người bạn văn thân thiết và cùng thời với nhà báo Lê Minh Quốc đã nhận xét về cuốn sách.

Rất hiếm có những quyển tạp văn được in dày cộm như thế, Ngày trong nếp ngày không thể là cuốn sách đọc vội, phải nhẩn nha từng mẩu và đọc mỗi ngày một ít để ngấm cùng với những con chữ. Người ta thường nói, may mắn của nhà văn là được viết, được trải những cảm xúc của mình lên trang giấy bằng tất cả sự chân thật.

Lê Minh Quốc bày suy nghĩ của mình trong từng mẩu nhật ký nhỏ nhưng tổng hợp lại trong cùng một quyển sách bỗng trở thành một góc nhìn lớn với đầy đủ cung bậc về mình, về đời, về người.

Trong khi đó, Tình éo le và lý oái ăm lại là một cuốn sách không chỉ thích hợp cho độc giả nữ mà phái mạnh cũng cần quan tâm. Thời gian công tác tại báo Phụ Nữ TP. HCM có lẽ đã đủ nhiều để Lê Minh Quốc viết về phụ nữ với nhiều góc nhìn và lý giải khá thú vị. Đọc chỉ có thể “tẩm ngẩm mà cười” với diễn đạt của tác giả thôi.

Viết về phụ nữ, giải mã tâm lý phái đẹp không dễ dàng chút nào, nhưng có lẽ từ Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà, Khi tổ ấm nhảy lambada, nay tiếp tục là Tình éo le mà lý oái ăm, anh đã “làm được điều gì đó thật kỳ lạ”. “Đọc xong những tập sách này có 99,99% độc giả nữ cười toe toét mà rằng: ông nhà thơ Lê Minh Quốc viết thuyết phục quá ta. Còn đàn ông thì sao?” - tác giả hỏi vui.

Cuộc tranh luận - nếu có - phải dành cho những độc giả vẫn dõi theo và yêu mến những cuốn sách.

SONG GIANG
(nguồn: báo PN TP.HCM phát hành ngày 26.6.2015)


TÌNH ÉO LE MÀ LÝ OÁI OĂM - CÁI NHÌN RẤT ” TÌNH ” VỀ PHỤ NỮ CỦA LÊ MINH QUỐC


Chắc hẳn ai đã quen với lối viết sắc sảo, có phần lém lỉnh, triết lý nhưng lại rất bình dân của Lê Minh Quốc qua các tác phẩm trước đây như GÁI ĐẸP TRONG TÔI, TÔI VÀ ĐÀN BÀ, KHI TỔ ẤM NHẢY LAMBADA, thì giờ đây có thể hồi hộp trông ngóng cuốn sách mới của vị tác giả này qua tác phẩm TÌNH ÉO LE MÀ LÝ OÁI OĂM.

“…Với người phụ nữ dù Tây Thi, dù Thị Nở, dù nhan sắc, hình thể bên ngoài thế nào tôi vẫn luôn nghĩ đến sự nhẹ dạ của họ. Dù cứng rắn, dù thùy mị, đoan trang, dịu dàng và dù gì đi nữa bản thân họ cũng không thể “chống chọi” lại sự biểu hiện tình si của đàn ông. Biểu hiện đó khiến họ mềm lòng thương hại. Chết là chỗ đó. Mà có khi họ phải đánh đổi nhiều thứ. Người đàn bà “lý tưởng” nhất, theo tôi:

lạ lùng sao và cũng kỳ diệu sao

em có thật như là không có thật

là dáng mẹ tảo tần – chiều nay anh gặp

lúc đang nằm ốm sốt với cô đơn

và khi em độ lượng đặt môi hôn

anh gặp sự dịu dàng – người chị

em lại hoá thành người vợ chung thủy

khi đi bên anh đến cuối đất cùng trời…”

Vẫn giữ lối viết sắc nhẻm đó của mình để bàn về phụ nữ, lần này là đề tài tình – phụ nữ. Anh bày tỏ cả sự khờ dại của họ trong bản tính “mềm lòng thương hại” đối với đàn ông, lẫn sự kính nể họ ở bản tính thủy chung trong tình yêu khó có thể lý giải ngọn ngành: “Nghĩ về đức tính của họ, tôi luôn xác tín rằng, dù vài ngàn năm sau nữa khoa học kỹ thuật của nhân loại tiến bộ đến cỡ nào, có thể định cư trên sao Hỏa, chơi golf trên Mặt Trăng, thay đổi quan niệm về Cái Đẹp thì cũng không thể lý giải được vể đức tính thủy chung của phụ nữ”.
tinh-2

Ở đây, Lê Minh Quốc còn nhắc tới “số phận”. Nó được viết nên bởi niềm tin xác thực của tác giả, khi đã chứng kiến hoặc nếm trải cái “số phận” đó trong chuyện tình cảm, chứ không phải sự mê tín mù mờ. “Đến với một người, có thể ăn đời ở kiếp với nhau và sinh con đẻ cái, gìn giữ nòi giống ắt phải có duyên nợ với nhau”. “Nếu không, làm sao ta lý giải ở thời điểm nọ, ta có thể chết chỉ vì cái nguýt mắt, hắt hơi của người đó. Mà sau đó, mọi sự liên quan đến người ấy ta lại dưng dửng cứ như thể người dưng nước lã chưa từng gắn bó máu thịt?”.
tinh-3

Viết tiếp cái nhìn về phụ nữ, nhưng nó chẳng làm cho mọi người chán, lại sinh ra cảm giác thích thú. Bởi Lê Minh Quốc viết rất thực, cái sự thực đến trần trụi của phụ nữ, của tình yêu. Nhưng nó làm ta thức tỉnh, nhận ra được nhiều điều và thêm quý, thêm yêu một nửa thế giới đang song hành cùng ta.

Anh nói sẽ có những câu chuyện được viết tiếp, “có lẽ thế? Không, chắc chắn thế.”. Vì “Nếu tự đánh giá về mình, tôi sẽ nói thế nào? Xin thưa: Đó là người cần cù bù thông minh, cũng có nhiều thói xấu khác nhưng lại có ưu điểm rất đáng khen là luôn luôn dại gái.” Lê Minh Quốc sẽ viết tiếp, viết về cuộc sống đang trôi hoài này, viết về người phụ nữ anh “dại” nơi tình đời và viết để chia sẻ cảm xúc cùng mọi người.

Demi Vo

(nguồn: http://sachhay.bookbuy.vn/sach/sach-van-hoc/van-hoc-viet-nam/tan-van-van-hoc-viet-nam/tinh-eo-le-ma-ly-oai-oam-cai/)


Lê Minh Quốc- Tình éo le mà lý oái oăm

 

Tác giả Lê Minh Quốc và công ty văn hóa Phương Nam vừa giới thiệu hai cuốn tùy bút mới: Tình éo le mà lý oái oămNgày trong nếp ngày.

Tình éo le mà lý oái oăm là sự tiếp nối của những tập sách Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà và Khi tổ ấm nhảy Lambada. Tiếp nối cái gì? Tiếp nối sự “éo le” thú vị khi một nhà thơ độc thân lại “cả gan” lạm bàn chuyện đôi lứa. Độc giả dù đã quen với Lê Minh Quốc hay chưa vẫn sẽ bất ngờ với những tình huống đầy “oái oăm” mà tác giả đã nghe ngóng, “lụm lặt” trong quá trình… nhìn người ta xây tổ ấm. Từ cái thời còn Đắng lòng… tình phí đến lúc Ra mà xem, họ cưới nhau kìa, hay những khi Hục hặc trên giường, nếu không có duyên thì lại Đi bước nữa…, đời sống muôn màu muôn vẻ của lứa đôi, vợ chồng được phác họa bằng những nét rất nhẹ nhàng, tế nhị nhưng cũng rất sinh động, đầy hài hước, đủ khiến cho “người trong cuộc” phải suy ngẫm, còn “người ngoài cuộc” thì có cơ hội… hiểu thêm ít nhiều về đời sống hôn nhân.

Là một “người ngoài cuộc” nhưng lại đầy kinh nghiệm trong mối quan hệ “muôn thuở”, tác giả như thấu rõ tâm tư, tình cảm, cả những “thói hư, tật xấu” của cả đôi bên vợ - chồng. Thế mà anh lại thú nhận ở phần cuối sách rằng “mọi thứ hay ho nhất trên đời này, từ thơ ca, nhạc, họa đến điêu khắc kiến trúc v.v... cũng đều lấy cảm hứng từ phụ nữ”. Mọi thứ ở đây, có lẽ không ngoài quyển sách nhỏ này. Bởi vì dù có lúc than phiền rằng thế giới này “Rắc rối từ khi có… đàn bà”, nhưng tác giả lại không tưởng tượng ra rằng “một ngày kia thức giấc, trên trái đất này không còn một bóng hồng nào. Sự tệ hại ấy là một hiểm họa khủng khiếp không khác gì từ trời cao đã đổ xuống trận mưa, mà mỗi hạt mưa giấu trong đó một mầm bom nguyên tử”.

Mà có lẽ hiếm người đàn ông… độc thân nào có thể hiểu phụ nữ đến mức tự tin rằng: “Đọc xong những tập sách này, đã có đến 99, 99% độc giả nữ cười toe toét mà rằng: “Ông nhà thơ Lê Minh Quốc viết thuyết phục quá ta”. Còn đàn ông thì sao?Nếu có thấy làm sao thì xin mời cứ việc tranh luận vậy”.Vâng, cứ đọc rồi sẽ thấy, là đàn ông có thể sẽ liên tục… chột dạ, còn phụ nữ thì mát dạ vô cùng.

Trái với văn phong hài hước, hóm hỉnh khi kể và góp ý “chuyện của người”, Lê Minh Quốc trở nên đầy suy tư và chiêm nghiệm khi nói về chính mình. Gần 500 trang Ngày trong nếp ngày là gần 500 trang nhật ký của một nhà báo, nhà thơ, nhà văn, gọi chung là một y lúc nào cũng nặng lòng với nghề viết. Hơn 100 tản văn là hơn 100 ngày đầy những gì y viết, y đọc, y nghĩ, y làm. Lắm lúc, y muốn thoát ra khỏi cái nếp ngày chỉ có đọc và viết, chỉ có đối diện với trang sách, trang báo hay màn hình máy tính, nhưng rồi y vẫn nặng lòng đặt bút để những con chữ tuôn ra.

Cảm hứng đến từ khắp nơi, từ những gì rất nhỏ nhặt, tủn mủn hằng ngày. Một mẩu tin trên báo, một trang sách bất kỳ y đọc, một ngày kỉ niệm, một người còn sống, một người đã khuất, những chuyến đi… cũng đủ khiến y ngơ ngẩn, suy tư, nhớ về những gì đã qua, nghĩ về những gì sắp tới. Bắt đầu đọc một tản văn của ygiống như leo lên một con thuyền không biết đâu là bến đỗ. Y là người chèo chống, y sẽ dẫn mình đi đâu đây. Cuối cùng, thuyền cập bến, sẽ thấy tâm trí lăn tăn một chút vì hóa ra những gì mình nghĩ lại không phải như thế, sẽ thấy lòng rộng hơn một chút khi nghĩ về những điều nhỏ nhặt, đáng yêu xung quanh mình, hay lại thấy lòng nặng hơn một chút khi nghĩ về đời sống từng ngày thay đổi thì “con người hiện đại ngày càng cô đơn hơn”…

Cũng giống như y nói: “Cái thú đọc sách là chỗ đó. Cứ đọc lan man nhiều thông tin và tự mình tìm cho mình câu trả lời theo cách suy luận của mình. Đúng sai chưa rõ nhưng ít ra nó cũng buộc mình phải nghĩ ngợi đôi điều”, thì có thể coi quyển tản văn của y là một cuốn sổ tay ghi lại những sự kiện đang diễn ra, có những trang điểm sách, ghi lại một vài điều tâm đắc lẫn cần phải… suy nghĩ, lý giải, có những trang hồi tưởng về thời xa xưa, có những trang là nhật ký hành trình... Chung quy là những trang nhật ký của một người có trách nhiệm, những trang viết “gắn với cái chung của đời sống, sự quan tâm chung của mọi người, nếu không cũng chỉ là những ghi chép vụn vặt, tầm thường. Bạn đọc không cần những kể lể tầm thường đó, huênh hoang đó. Vậy y viết để làm gì? Thưa, chỉ là cách ghi lại những suy nghĩ trong một ngày. Suy nghĩ ấy có thể giúp ích người đọc một điều gì đó. Bằng không, cũng là lúc giúp họ giết thời gian vậy”.

Nếu có duyên bước lên thuyền, hãy trả lời y: “Trên thuyền tôi em có nghe không/ Tiếng đời vỗ đục trong róc rách” (Thơ Cao Thoại Châu).

NGÂN HOA

(nguồn: http://nguoidothi.vn/vn/news/van-hoa-giai-tri/nghe-xem-doc/5781/le-minh-quoc-tinh-eo-le-ma-ly-oai-oam.ndt)


Khóc cười với “Tình éo le mà lý oái ăm”

Trong cuộc sống vợ chồng, tình yêu đôi lứa, có không ít những tình huống tréo ngoe, khiến người trong cuộc khó giải quyết một cách thấu tình đạt lý. Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc có cái nhìn riêng về vấn đề này trong tập sách "Tình éo le mà lý oái ăm", do NXB Phụ Nữ và Phương Nam Book phối hợp phát hành quí II-2015.

Sau các tác phẩm viết về gia đình: "Gái đẹp trong tôi", "Tôi và đàn bà", "Khi tổ ấm nhảy Lambada"… Lê Minh Quốc lại tiếp tục khai thác chủ đề này trong "Tình éo le mà lý oái ăm". Lần này, không còn giọng văn nhẹ nhàng tươi tắn, anh thể hiện cái nhìn riêng bằng những bài bình luận, có phân tích, dẫn chứng cụ thể. Những bài viết không giáo điều mà như những lời nhắn nhủ chân tình của tác giả gửi đến mọi người.


Những vấn đề Lê Minh Quốc đặt ra là những chuyện phổ biến, xảy ra thường ngày. Đó là: liệu có tồn tại tình bạn mãi mãi giữa hai người khác phái khi một trong hai người bước vào đời sống hôn nhân? Ai cũng biết là rất khó để duy trì sự thân thiết như xưa bởi sẽ khiến bạn đời nghi ngại, hàng xóm bàn ra tán vào… Tác giả cho rằng "Sự bền vững trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng đều có những đặc thù riêng mà mỗi người phải thay đổi cách ứng xử đặng phù hợp với hiện tại" ("Mãi mãi là tình bạn" – trang 37). Nói về tình yêu, tác giả đề cập đến "tình phí", đến những lời tỏ tình mật ngọt chết ruồi, về sự níu kéo của người cũ khi mình đã có người mới… Trong những tình huống như vậy, chỉ cần một phút yếu lòng hay nhẹ dạ, cả tin thì người trong cuộc dễ dàng tự đưa mình vào rắc rối, đánh mất hạnh phúc trước mắt.

Được đề cập nhiều nhất là những rắc rối tế nhị trong đời sống vợ chồng mà những người đã kết hôn ít nhiều từng trải qua. Đó là sự thay đổi của người bạn đời trước và sau khi cưới gây hụt hẫng, thất vọng (Cần gì phải giữ kẽ nữa?). Vợ hoặc chồng được thăng quan tiến chức nhưng niềm vui kéo dài chẳng bao lâu bởi người kia luôn bứt rứt, khó chịu bởi cảm giác bị "lép vế" (Vui buồn "thăng quan tiến chức)… Có những chuyện được làm với mong muốn người bạn đời của mình đẹp hơn, hạnh phúc hơn nhưng lại phản tác dụng? Vì sao? Vì những lời khen hay tâng bốc quá lố về chồng hoặc vợ trước mọi người khiến người khác dị ứng, khó chịu (Đội nhau lên đầu); vì sắm sửa, chưng diện cho vợ, cho chồng đẹp hơn nhưng lại quên mất đối phương có vừa ý không (Tân trang quá lố); vì muốn thể hiện tình yêu với nhau mà đi đâu vợ chồng cũng có đôi có cặp mà không nghĩ có phù hợp với môi trường, hoàn cảnh và cả đánh giá của những người xung quanh (Phải "dính như sam")…

Đặc biệt, trong những trang viết của mình, Lê Minh Quốc luôn dành cho người phụ nữ sự ưu ái, yêu thương. Tác giả bày tỏ sự bức xúc với quan niệm người phụ nữ khi lấy chồng là phải "gánh vác giang san nhà chồng"; sự thông cảm khi vì những cuộc vui của chồng và bạn bè mà người vợ phải nai lưng ra nấu nướng, dọn dẹp từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc (Oải quá rồi!); hay bênh vực và đề cao chị em khi cánh máy râu thắc mắc "Tại sao không có Ngày Đàn Ông?"…

49 bài viết là những sắc màu phong phú, hấp dẫn khiến "Tình éo le mà lý oái ăm" không chỉ thuyết phục người đọc bởi cái lý, cái tình mà còn đem lại những giây phút thư giãn qua những câu chuyện hài hước, ý nghĩa.

Cát Đằng

(nguồn: Báo Cần Thơ http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=78&id=167063)


Tình éo le mà lý oái oăm

KTĐT - “Tình éo le mà lý oái oăm" là sự tiếp nối của những tập sách "Gái đẹp trong tôi", "Tôi và đàn bà" và "Khi tổ ấm nhảy Lambada" - tiếp nối sự "éo le" thú vị khi một nhà thơ độc thân "cả gan" lạm bàn chuyện đôi lứa.

Độc giả dù đã quen với giọng của Lê Minh Quốc vẫn sẽ bất ngờ với những tình huống "oái oăm" mà tác giả đã nghe ngóng, lượm lặt trong quá trình… nhìn người khác xây tổ ấm. Từ cái thời còn "Đắng lòng… tình phí" đến lúc "Ra mà xem, họ cưới nhau kìa", hay những khi "Hục hặc trên giường", nếu không có duyên thì lại "Đi bước nữa"…, đời sống muôn màu muôn vẻ của lứa đôi, vợ chồng được phác họa bằng những nét rất nhẹ nhàng, tế nhị nhưng cũng rất sinh động, đầy hài hước, đủ khiến cho người trong cuộc phải suy ngẫm, còn người ngoài cuộc thì có cơ hội… hiểu thêm ít nhiều về đời sống hôn nhân.

Là người ngoài cuộc, nhưng đầy kinh nghiệm trong mối quan hệ muôn thuở, tác giả như thấu rõ tâm tư, tình cảm, cả những thói hư, tật xấu của đôi bên vợ - chồng. Thế mà anh lại thú nhận ở phần cuối sách rằng: "Mọi thứ hay ho nhất trên đời này, từ thơ ca, nhạc, họa đến điêu khắc kiến trúc... cũng đều lấy cảm hứng từ phụ nữ". Bởi, dù có lúc than phiền rằng thế giới này "Rắc rối từ khi có… đàn bà", nhưng tác giả lại không tưởng tượng ra "Một ngày kia thức giấc, trên trái đất này không còn một bóng hồng nào. Sự tệ hại ấy là một hiểm họa khủng khiếp không khác gì từ trời cao đã đổ xuống trận mưa, mà mỗi hạt giấu trong đó một mầm bom nguyên tử". Mà có lẽ cũng hiếm người đàn ông độc thân nào có thể hiểu phụ nữ đến mức tự tin rằng: "Đọc xong những tập sách này, đã có đến 99,99% độc giả nữ cười toe toét mà rằng: "Ông nhà thơ Lê Minh Quốc viết thuyết phục quá ta". Còn đàn ông thì sao? Nếu có thấy làm sao thì xin mời cứ việc tranh luận vậy". Cùng với "Ngày trong nếp ngày", "Tình éo le và lý oái oăm" do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành, Công ty Văn hóa Phương Nam giới thiệu quả là một cuốn sách khơi gợi trí tò mò và hấp dẫn bạn đọc thời gian này.

Anh Nguyệt

(nguồn: http://www.ktdt.vn/van-hoa/van-nghe/2015/07/8102da08/tinh-eo-le-ma-ly-oai-oam/)


Lê Minh Quốc 'giải mã tình và mình'


Khác với các tập tản văn trước đó như Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà, Khi tổ ấm nhảy lambada..., tản văn mới ra lò Tình éo le mà lý oái oăm của Lê Minh Quốc tập trung chủ yếu vào chuyện lứa đôi muôn màu, muôn vẻ trong quá trình xây tổ ấm.

Bằng văn phong dí dỏm nhẹ nhàng, hài hước nhưng cũng ân cần, nhà thơ độc thân này đã phác họa những mảng màu cuộc sống lứa đôi lúc rực rỡ tươi tắn, lúc sôi sục nguýt hờn, lúc sóng gió dữ dội, lúc lại trầm lắng chìm buồn. Với con mắt tinh tế, Lê Minh Quốc đã khéo léo và nhẫn nại, tỉ mẩn mà bao dung chia sẻ, bóc tách, phơi bày những “thói hư, tật xấu”, những tâm tư, tình cảm của cả hai phía (nam - nữ), nhằm giúp mỗi bên có được cái nhìn vị tha và bao dung hơn cho nhau. Tỏa ra trong từng câu chữ là niềm khát khao được yêu và được gầy dựng tổ ấm không thể che giấu của tác giả.

Còn gần 500 trang Ngày trong nếp ngày (ảnh) là gần 500 trang nhật ký của một nhà báo, nhà thơ, nhà văn, gọi chung là một y lúc nào cũng nặng lòng với nghề viết. Hơn 100 tản văn là hơn 100 ngày đầy những gì y viết, y đọc, y nghĩ, y làm. Lắm lúc, y muốn thoát ra khỏi cái nếp ngày chỉ có đọc và viết, chỉ có đối diện với trang sách, trang báo hay màn hình máy tính, nhưng rồi y vẫn nặng lòng đặt bút để những con chữ tuôn ra…

Ngọc Bi

(nguồn: Báo Thanh Niên 23.7.2105 http://www.thanhnien.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/le-minh-quoc-giai-ma-tinh-va-minh-588333.html)

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com