TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định LÊ MINH QUỐC: TRUYỆN TRANH DANH NHÂN VIỆT NAM

LÊ MINH QUỐC: TRUYỆN TRANH DANH NHÂN VIỆT NAM

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: TRUYỆN TRANH DANH NHÂN VIỆT NAM
* Truyện tranh danh nhân: Cuộc trở lại ngoạn mục
* Danh nhân Việt Nam cho thiếu nhi
Tất cả các trang

 

Lời thưa,

 

bachdangRr

 

Từ những năm 1997, tôi bắt đầu viết một loạt Truyện tranh Danh nhân Việt Nam. Do nhiều lý do, các tập truyện tranh này không duy trì được lâu. Nửa chừng bỏ cuộc do: 1. Các họa sĩ Việt Nam không am tường văn hóa cổ xưa nên không thể tái hiện lại hình ảnh, trang phục...; 2. Cách vẽ và viết truyện tranh đã khác trước mà họa sĩ và nhà văn VN không đáp ứng nổi cách thưởng thức của bạn đọc nhỏ tuổi. Tuy nhiên, lúc bấy giờ loạt truyện tranh này đã được báo chí khen ngợi nhiều.

Nhân đang viết phần lời 10 tập truyện tranh về danh nhân Việt Nam cho Công ty Đông A, tôi post lại bài viết trao đổi, nhận định về công việc mà tôi đã làm từ hơn 15 năm trước. Và cũng nói luôn, cách làm truyện tranh của ta hiện nay đã khác thời tôi làm bộ Truyện tranh Danh nhân Việt Nam. Tuy nhiên, một suy nghĩ nhỏ nhân đọc truyện lịch sử nhân Việt Nam vẫn không khác trước.

Lê Minh Quốc

VI.2013


 

truyen-tranh-cuoc-tro-lai


Truyện tranh danh nhân: Cuộc trở lại ngoạn mục


Giữa thời buổi truyện tranh nước ngoài đang thắng thế, tại sao các anh lại trở lại với một thể loại truyện tranh danh nhân?

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Truyện tranh nước ngoài đang áp đảo thị trường, chủ yếu là của Nhật Bản và Trung Quốc, trong khi các NXB chỉ làm truyện tranh danh nhân ở mức độ cầm chừng. Vô hình trung, các NXB đã gián tiếp nhường thị trường này cho mảng truyện nước ngoài. Tôi thấy cuộc đời của những danh nhân nước ta đủ sức hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi, nếu làm được một kế hoạch dài hơi thì ngoài việc giải trí, các em cũng được giáo dục lịch sử thông qua một cách thể hiện dễ tiếp thu hơn.

Họa sĩ Quang Toàn: Xung quanh sự nghiệp của những danh nhân có những mẩu chuyện đời thường rất sinh động mà độc giả nhí rất thích những chi tiết kiểu này.

Cụ thể là như thế nào?

Ô. Trần Thức: Chúng tôi quan niệm loại truyện này sẽ không chiếm lĩnh thị trường một cách ồ ạt mà sẽ thấm dần vào các em, đây là loại ấn phẩm văn hóa sẽ có lời về sau. Cái lời ấy là các em thấm nhuần truyền thống văn hóa dân tộc, cao hơn giá trị vật chất mà chúng tôi có thể thu được.

H.S Quang Toàn: Vẽ truyện tranh danh nhân không dễ như các loại truyện tranh khác vì không thể “phăng” được. Độc giả thiếu nhi những năm gần đây đã quen với cách thể hiện pha nhiều chất dí dỏm vui vẻ. Các danh nhân đều chết một cách anh hùng, có vị bị xử chém, xử bắn, rất khó thể hiện các chi tiết này vì nếu không sẽ tạo ép-phê ngược cho các em.

NT. Lê Minh Quốc: Viết kịch bản cho thể loại này buộc nhà văn không có quyền hư cấu, mà trẻ nhỏ thì khá mặn mà với những yếu tố hoang đường. Đó là một điều khó nhưng không thể không thực hiện cho hay được.

Tủ sách này có thể xuất hiện sớm hơn thời điểm này, nhưng…

H.S Quang Toàn: Ý tưởng thì rất nhiều người có nhưng không NXB nào muốn làm dài hơi vì… nghi ngờ tay nghề của các họa sĩ VN. Trước đây ta cũng có truyện tranh nhưng lại thuộc dạng truyện có tranh minh họa, đọc mau chán vì in ấn kém. Chọn cách thể hiện mới cho loại truyện này là sự cân nhắc của chúng tôi, các bạn sẽ chờ xem và cho ý kiến.

Ô. Trần Thức: Truyện tranh danh nhân là kho đề tài vô tận. Ai cũng biết được điều ấy nhưng đây là mảng sách cần phải đầu tư nhiều và phải làm bền bỉ thì mới có tác dụng.

Sẽ có chuyện “ăn theo” nếu bộ truyện đắt hàng. Các anh tính như thế nào về chuyện này?

Ô. Trần Thức: Chúng tôi chấp nhận sự cạnh tranh lành mạnh vì đây thật sự là một cuộc đua về chất lượng, chỉ sợ nạn ăn cắp bản quyền…

 

Nhóm PV Văn hóa thực hiện

(nguồn: Sài Gòn tiếp thị số ra ngày 12.7.1997)


 

* Về tủ sách truyện tranh

Danh nhân Việt Nam cho thiếu nhi


Mấy năm gần đây, truyện tranh của Nhật Bản, Trung Quốc… làm mưa làm gió trên thị trường sách. chúng ta đã từng lên tiếng về sự “lợi bất cập hại” của nó, bởi trong đó yếu tố bạo lực quá đậm nét, không phù hợp với mục tiêu giáo dục trẻ em. Thế nhưng, chúng ta cũng cay đắng nhận ra rằng, truyện tranh nước ngoài hấp dẫn trẻ em VN vì nó được xây dựng thành nhiều tập, nhiều tuyến nhân vật, nhiều tình huống, nhiều hành động… trong khi đó truyện tranh của ta chưa đạt được những yếu tố đó. Những nhân vật như Đô-rê-môn, Nôbita, Chaien hoặc Yawara… đã đi vào trí nhớ của trẻ em VN - thậm chí đã trở thành “thần tượng” của các em. Trong khi đó, nhân vật nào trong truyện tranh VN được trẻ em VN yêu thích nhất? Câu hỏi này vẫn chưa có lời giải đáp.

 

truentranh-danh-nhan-VN

 

Trong tình hình này, chúng ta vui mừng khi thấy NXB Trẻ đã cùng phối hợp với Công ty VHTH Q.11 (TPHCM) thực hiện tủ sách Truyện tranh Danh nhân Việt Nam. Hiện nay trên quầy sách đã bày bán các tập Bạch Đằng giang dậy sóng (Ngô Quyền), Lam Sơn tụ nghĩa (Lê Lợi), Lửa hồng Nhật Tảo (nguyễn Trung Trực), Bóng ma trên sông Như Nguyệt (Lý Thường Kiệt), Hùm thiêng Yên Thế (Hoàng Hoa Thám), Bình Tây đại nguyên soái (Trương Định), Dựng cờ Cần Vương (Phan Đình Phùng)… Tác giả lời thoại, nhà thơ Lê Minh Quốc phát biểu: “Qua đó, chúng tôi muốn các em đừng quên lịch sử của nước nhà. Và thông qua những nhân vật lịch sử, chắc chắn các em sẽ ý thức được lòng tự hào của dân tộc”. Quả thật vậy, do tuân thủ nghiêm ngặt những chi tiết có thật của lịch sử nên hầu như tác giả đã không hư cấu gì thêm nhiều. Tác giả đã để những sự kiện lịch sử dẫn người đọc đi qua từng trang sách. Hai họa sĩ minh họa Quang Toàn và Kha Qua Châu đã thể hiện bằng những nét cọ với màu sắc khá đạt và sống động hấp dẫn.

Có thể nói, thực hiện tủ sách này là một cố gắng rất đáng ghi nhận của NXB Trẻ. Với thể loại này, việc giáo dục lịch sử, truyền thống cho trẻ em không còn là những bài học khô khan mà thật sự hấp dẫn với những chi tiết, xung đột, đối thoại và với những tính cách được thể hiện sinh động qua nét vẽ. Được biết tủ sách Danh nhân Việt Nam sẽ tiếp tục cho ra những tập tiếp theo về những nhân vật lừng lẫy như Hai Bà Trưng, Đinh Bộ Lĩnh, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão…

Hy vọng việc làm nghiêm túc này sẽ tạo được “chỗ đứng” trong thị trường sách tranh truyện. Hơn bao giờ hết, giữa lúc đất nước mở cửa và giao lưu với nhiều nền văn hóa khác thì việc giáo dục lịch sử cho trẻ em thông qua truyện danh nhân lịch sử là điều cần thiết.

 

Phạm Văn Thông

(nguồn: Thanh Niên số ra ngày 7.2.1998)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com