TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định Chút thong dong tặng người bận rộn - * Cuộc hội ngộ giữa sách và sơn & Một quan niệm tiếp thị bằng văn hóa

Chút thong dong tặng người bận rộn - * Cuộc hội ngộ giữa sách và sơn & Một quan niệm tiếp thị bằng văn hóa

Mục lục
Chút thong dong tặng người bận rộn
* Cuộc hội ngộ giữa sách và sơn & Một quan niệm tiếp thị bằng văn hóa
* Từ những người trong cuộc
*Chút thong dong quý hiếm
* Thong dong trong bận rộn
Tất cả các trang

Cuộc hội ngộ giữa sách và sơn & Một quan niệm tiếp thị bằng văn hóa

“Chỉ những người bận rộn thật sự, bận rộn một cách có ích, mới có thể tìm thấy được sự thong dong thật sự trong những thời khắc được nghỉ ngơi, “Khi chúng ta tin vào những việc chúng ta đang làm có ý nghĩa cho mọi người và cho bản thân, khi trả lời được câu hỏi mình đang dùng cuộc đời vào việc gì, thì đó chính là chúng ta đã tìm được cái gốc của sự bình an tâm hồn”… Đây là những “triết lý về sự “thong dong”, mở đầu cho cuốn sách “Chút thong dong tặng người bận rộn”, một sản phẩm đang gây ngạc nhiên và thú vị cho cả giới kinh doanh lẫn những người viết sách bởi một chiêu thức mới mẻ trong tiếp thị: Dùng sách để tiếp thị sản phẩm sơn. Cuốn sách có tên: “Chút thong dong tặng người bận rộn” là món quà tặng thành ý của Công ty sơn ICI Việt Nam dành cho khách hàng.


thong-dong-1

 

Bận rộn - Thong dong: Hai định đề của hạnh phúc

Với những người quan niệm “đời là bể khổ”, hẳn cái sự bận rộn tít mù, như cách mà nhiều doanh nhân và những người “ưa bận rộn” khác đang lựa chọn, trông “đáng thương” và “cực hình” lắm. Gần đây, đã có nhiều lời “lên án” hoặc “đổ thừa” rằng cuộc sống bận rộng đã “cướp” mất rất nhiều giá trị tự nhiên và nhân văn, như thời gian dành để yêu thương, gia đình, con cái, bạn bè… Sự bận rộn cũng thường bị xem là thủ phạm làm cho đời sống tinh thần của người đời ngày càng nghèo nàn, đơn độc hơn. Có thực tội tình của sự bận rộn lớn đến thế không? Cũng không hẳn vậy.

Đối với những ai đã từng bận rộn đến ngộp thở thì mới thấy quý biết bao giây phút thong dong. Chính vì thế “Theo tôi, chính những người say sưa với công việc lại có một cuộc sống thong dong thật sự, bởi họ đang làm những điều mà họ thích và công việc cho họ niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao. Họ tìm thấy sự thư giãn tuyệt vời trong chính sự bận rộn đó. Họ là những người thong dong trong tâm thức, trong nội tại – thong dong ngay chính trong sự bận rộn và những giá trị mà họ tạo ra cho xã hội” - Đây là quan điểm được chuyển tải trong trang 16 - bài Để “sở hữu” hạnh phúc, của tác giả Giản Tư Trung (Chủ tịch Tổ hợp Giáo dục Pace), bài mở đầu của cuốn sách “Chút thong dong cho người bận rộn”. Đây cũng chính là quan điểm xuyên suốt của cuốn sách này: Chỉ những ai tìm thấy sự bận rộn hữu ích, mới mong có được hạnh phúc đích thực trong đời. Còn những người chỉ có sự an nhàn, hưởng thụ cả đời, chưa chắc đã được thong dong.

Nhưng nhiều khi, có nhiều người lại để cho sự bận rộn “kéo” mình đi, vô tình khước từ những hạnh phúc giản dị hiện hữu xung quanh mình, để rồi đến lúc khô cạn, mệt nhoài, sẽ đâm ra… ai oán cuộc sống. Lạ thay, trong những giây phút mệt nhoài đó, ta mới… giật mình nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống hiện hữu quanh mình. Vậy mà lâu nay mình đã… quên!

Thế nên mới có chuyện: “Một cô bạn gái làm việc trên lầu 8 của một cao ốc. Nơi ấy bốn mùa không thể lọt vào. Chỉ có máy lạnh và ánh sáng từ ánh đèn lạnh lùng tỏa. Bất chợt một buổi chiều, chị ngừng việc, đứng dậy, bước đến cửa sổ, vén rèm nhìn ra ngoài. Trời ơi! Mưa! Chị reo lên…” (trang 19, bài “Ngàn năm mây trắng” - Lê Minh Quốc). Một niềm vui, một sự tận hưởng giản dị, ai cũng được tận hưởng mà lâu nay chị đã… quên! Thế nên, mới có sự tiếc nuối của một người thành đạt về một thời xanh - một thời tuổi trẻ đã qua đi: “Hôm nay anh không đi ô tô đến công ty mà một mình chạy xe máy ngoài phố. Ánh mắt anh đang tìm một người bán kiểng dạo thôi mà sao trái tim anh lại hồi hộp, rộn ràng…” (trang 30, Thời xanh - Trần Nhã Thụy)… Anh hồi hộp bởi một điều rất giản dị: tìm lại cây xanh bé xíu mà anh từng ngắm nhìn nó như một sự thư giãn nhẹ nhàng - mà lâu nay vì quá bận rộn anh đã… quên! Thì ra giá trị của cuộc sống không gì to tát, có khi chỉ là lúc được thong dong ngắm nhìn một vẻ đẹp giản dị.

Không chỉ những khoảnh khắc “bừng ngộ” của những người từng “thiếu kiểm soát” với sự bận rộn, trong cuốn sách này, độc giả cũng có thể học hỏi những “kỹ năng” tạo sự thong dong rất hay, như cách Thư giãn tại gia (trang 83) của tác giả Lưu Đình Triều: “Sân nhà tôi là nơi để cu Rơm đặt công cụ thư giãn. Sáu tuổi nhưng Rơm đã có quá trình mê cá được vài năm. Thỏa lòng con, cả hai vợ chồng bỏ cả buổi sáng lùng mua một chậu gốm cao, giữa đặt một tượng người cầm bình tưới nước… Những tiếng cười giòn tan, hay ngược lại, những giọt nước mắt cũng lắm khi từ bồn cá ấy mà ra. Ấy là những lúc cá mới sinh con, hoặc có chú cá nào đó bỗng dưng nằm chỏng bụng trắng hếu…”. À! Buồn vui “nhỏ xíu” của cậu con trai mình cũng là niềm thư giãn nhẹ nhàng cho chính mình đấy thôi. Mà điều này, chắc chắn ai cũng cảm nhận, chỉ có điều lâu nay ta… quên! Tại sao quên? Thôi thì, ta cứ “đổ thừa” vì quá bận rộn. Những mẩu chuyện nhỏ mà thú vị như thế không hề thiếu trong tập sách này.

Những câu chuyện, những trần tình rất riêng hay “triết lý”chung, cũng đều nhẹ nhàng, như cuộc chuyện trò, tâm tình giữa những người bạn bên một góc vườn trong những sớm cuối tuần hay những buổi chiều về đầy thư thái. Các tác giả góp mặt là những cây bút nổi tiếng: nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà văn Trần Nhã Thụy, nhà báo Lưu Đình Triều, nhà thơ Thanh Thảo, bác sĩ Lê Thúy Tươi, dược sĩ Trương Tất Thọ, doanh nhân Giản Tư Trung và kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng đã khiến “người bận rộn” rất khó khước từ khi được tặng “Chút thong dong…” này.

 

“Lý lịch” kỳ lạ của một cuốn sách

“Một ngày đẹp trời, nhóm tác giả được “triệu tập” đến một cuộc gặp gỡ và đặt hàng: “Trong 30 ngày, phải hoàn thành một cuốn sách như thế, như thế…” - Lời trần tình khá dí dỏm, nhưng rất chân thành, của nhà thơ Lê Minh Quốc về “tiền đề” ra đời của cuốn sách này. Cụ thể hơn ý tưởng của phía “đặt hàng” như sau: Đó phải là một cuốn sách dành cho những người thành công bận rộn, giúp họ thư giãn về tinh thần, có thể tìm thấy những chiêm nghiệm thú vị, ý nghĩa về cuộc sống để họ thong dong hơn và hạnh phúc bởi họ xứng đáng vì những nỗ lực và đóng góp cho xã hội.

Trong thị trường mà người tiêu dùng gần như “bội thực” với tiếp thị và quảng cáo, một sản phẩm mới rất khó để tìm kiếm những công cụ đắt giá nhằm tiếp cận hiệu quả, đặc biệt là với đối tượng khách hàng bận rộn và có nhu cầu cao về thưởng thức. Chính vì thế, ý tưởng và quyết định thực hiện cuốn sách như món quà thành ý dành cho khách hàng của nhãn hàng Dulux Light & Space là một phương thức tiếp thị đúng.

Khi quyết định dùng một sản phẩm văn hóa để quảng bá cho nhãn hiệu và sản phẩm của mình, ICI cũng tỏ ra rất tinh tế trong hợp tác và thực hiện cuốn sách. Ở trên tấm bìa rất đẹp của cuốn sách, không có sự “tham lam” trong tuyên truyền sản phẩm, sự “bành trướng” của logo, nhãn hiệu nhằm tối ưu hóa hiệu quả truyền thông, cũng không phải là một cuốn sách phục vụ cho quảng cáo. “Chút thong dong tặng người bận rộn” đã là một cuốn sách đích thực để đọc và tặng cho nhau.

Ngọc Huy

(nguồn: báo Doanh nhân Sài Gòn số 1-7.1.2008)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com