Mục lục |
---|
Bàn về tiếng ta trên báo TRI TÂN |
Đôi nét về tạp chí Tri Tân |
* Bài nghiên cứu về sử & tiếng ta của HOA BẰNG, NGUYỄN VĂN TỐ |
Tất cả các trang |
Hơn mười năm trước, lúc tòa soạn Báo PN còn ở 188 Lý Chính Thắng, có một nhóm bạn sinh viên Khoa Báo chí trường Khoa học Xã hội - Nhân văn đến gặp tôi. Các bạn có nhờ tôi xem qua công trình khảo sát một số báo, tạp chí trước 1945 do các bạn thực hiện. Qua trao đổi, hầu như tôi không góp ý gì nhiều, chỉ hướng dẫn một vài chi tiết trong đề cương để các bạn tiếp tục làm tốt nhất công việc khó khăn này. Không rõ sau đó, công trình về báo chí Việt Nam của các bạn đã đến đâu?
Chiều nay, sắp xếp lại tài liệu, tôi tình cờ tìm lại được. Đọc kỹ, thấy hữu ích nên công bố cho mọi người tham khảo. Xin cám ơn các bạn sinh viên đã tin cậy trao tôi tài liệu này. Và tôi sẽ post lần lượt dần, không biên tập gì thêm. Tất nhiên, người đọc có thể trao đổi thêm điều này điều kia, nhưng giá trị ở đây là các bạn đã tiếp xúc tư liệu gốc nên rất đáng tin cậy. Thiết nghĩ, việc làm đáng khâm phục của các bạn sinh viên có thể giúp ích cho nhiều người - nhất là những ai quan tâm đến sự hình thành và phát triển của nền báo chí nước nhà.
Cẩn chí,
L.M.Q
Tạp chí TRI TÂN do một nhóm trí thức chủ trương, là những vị cựu học uyên bác, vừa có tân học thông thạo, do Nguyễn tường Phượng làm Giám đốc, chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tạp chí ra số 1, ngày 3/6/1941; số cuối cùng là số 217, ngày 16/9/1946.
Phi lộ, đăng ở số 1 viết: nhằm cá đích “ôn cũ, biết mới!” “Tri Tân riêng đi con đường văn hóa”, không đề cập đến chính trị.
Là một cơ quan ngôn luận về các vấn đề văn hóa theo nghĩa rộng, Tri Tân đăng những bài viết về nhiều mặt trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn chủ yếu trong lịch sử dân tộc ta, một phần nói đến lịch sử văn hoa đông, tây.
Tri Tân được nhiều nhà văn hóa nổi tiếng trong cả nước tham gia biên tập và cộng tác: Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Đào Duy Anh, Biệt Lam Trần Huy Bá, Chu Thiên Hoàng Minh Giám, Hoàng Thiếu Sơn, Dương Tạ Quán, Kiều Thanh Quế, Phạm Mạnh Phan,…Tạp chí xuất bản hằng tuần vào ngày thứ ba (có mấy số cách nhau từ 10 ngày đến 20 ngày, tết có 2 số nhập 1 tập).Tòa soạn: 394, phố Huế, Hà Nội.
Ngày 13/9/1946, Chủ bút Nguyễn Phượng Tường được yết kiến chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch nói: Văn hóa với chính trị rất có liên lạc với nhau. Có chính trị mới có văn hóa. Xưa kia chính trị bị đàn áp thì văn hóa cũng bị đàn áp, nên văn hóa của ta vì thế mà không nẩy nở ra được. Nay nước ta đã độc lập, tinh thần được giải phóng. Những tinh thần cơ bản mà quí báo nêu ra từ trước vẫn tốt, nhưn hiện nay vẫn phải có một nền văn hóa hợp với khoa học và hợp với nguyện vọng của dân…
NƯỚC TA CÓ SỬ TỪ ĐỜI NÀO? AI VIẾT VIỆT SỬ TRƯỚC TIÊN?
Đáp câu hỏi đó, trước giờ nhiều người vẫn cho rằng nước ta có sử từ đời Trần (1225-1399) và ông Lê Văn Hưu (1230-?) là người vâng mạng vua Trần Thái Tông (1225-1258) đầu tiên đứng biên soạn bộ “Đại Việt Sử Ký”. Nhưng thật ra, trước bộ “Đại Việt Sử Ký” ấy, nước ta chắc cũng đã có những bản biên niên (annales) ghi chép mọi việc đại yếu trong nước rồi.
Chứng cớ?
Thì từ đời Triệu Đà (207-137 T.CN) đã có chức nội sử. Trong bức thư của Triệu Đà gửi cho Hán Văn Đế, có nói đến nội sử Phan. Vậy Phan (chắc là họ) đó là một sử quan đời Triệu, không còn phải ngờ nữa.
Đến đời Lý (1010-224) đã có ít sách về loại hiến chương như “Ngọc diệp”, “Hình như”,… thì Lý chắc cũng đã có sử thần làm việc biên chép những sách ấy.
Chẳng qua vì đời xưa sinh hoạt đơn giản, ít khi có những sự biến hằng xảy cần phải ghi chép, nên dầu có sử thân cầm bút nhưng trên trang “biên niên”, cũng chỉ lưa thưa ít nét, chứ lấy đâu được có những bộ sử dày dặn và to tát như đời sau.
Lại vì cuộc thế biến thiên “thẻ” cũ, “là” xưa đã bị gặm mòn dưới “răng” thời gian và tản mát sau những cơn binh lửa nên, về sau, không thể biết rõ “sử” của nội sử Phan đời Triệu và “Ngọc diệp” (chừng là phả ký của hoàng gia) của đời Lý ra sao.
Còn Lê Văn Hưu? Phải chăng ông là người làm sử đầu tiên ở đời Trần?
Không phải! Trước ông đã có Trần Tấn.
Trong An nam chí lược, quyển XV, tờ 6b, tác giả Lê Tắc chép: “Trần Tấn, được vua Trần Thái Tông (nguyên văn nói là Thái Vương) dùng làm Tả tàng, rồi thăng lên chức Hàn trưởng, có làm (tác) Việt Chí”.
Cùng tờ sách trên, dưới việc Trần Tấn, Lê Tắc nói đến Lê Văn Hưu: “Lê Văn Hưu tu (sửa) Việt Chí”.
Xét thứ tự trong sách trên, ta thấy tác giả An nam chí lược nói việc Trần Tấn trước, rồi đến việc Lê Văn Hưu sau. (Hai nhà sử thần ấy đều là người đồng thời với nhau, cùng sống dưới triều vua Trần Thái (1225-1258).
So sách tác với tu, ta thấy công việc của Trần Tấn là khởi đầu làm ra; còn việc làm của Lê Văn Hưu là sửa sang. Như thế, trước Văn Hưu, còn có Trần Tấn, một sử thần đời Trần, đã đứng làm Việt Chí, tức là Việt Sử rồi.
Bộ sử do Lê Văn Hưu đứng làm đây, theo lời tựa của Ngô Sĩ Liên trong bộ “Đại Việt Sử Ký toàn thư”, thì chỉ là công việc trùng tu (refonte).
Khi làm bộ “Đại việt Sử Ký” ấy, sử thần Văn Hưu, một tay đại thủ bút đời Trần, tìm nhặt tài liệu ở các sử cũ và trong mọi sách vở, biên thành 30 quyển: trên kể từ đời Triều Vũ Đế, dưới chép đến đời Lý Chiêu Hoàng (207 T.CN – 1224 S.CN). Mãi đến tháng giêng năm Trần Thánh Thiệu Long thứ 15 (Février 1272), bộ sử ấy của Nhân Uyên hầu (tước của Lê Văn Hưu) mới nên trọn.
Sở dĩ Ngô Sĩ Liên gọi việc làm sử của Văn Hưu là “trùng tu”, có lẽ là vì trước đó đã có những bản “biên niên” cũ, thưa thớt lặt vặt, mỏng mảnh sơ sài, chưa thể gọi được là sử, bây giờ Văn hưu mới thâu nhặt tài liệu trong những bản cũ ấy và tham khảo trong các sách vở nhất là của Tàu mà làm thành một bộ sử đầy đủ, dày dặn, có đầu mốc, có thứ tự, có lời bàn, tức là bộ “Đại Việt Sử Ký” làm căn cứ cho các sử thần sau này đấy.
Vậy nay có thể kết luận: Nước ta, từ đời Triệu Đà đã có chức Nội sử, đời Lý đã có những sách thuộc loại hiến chương; còn sử thì đến đời Trần Thái Tông đã có bộ Việt Chí. Mà nhà sử thần Trần Tấn chính là người lính tiên phong trong đội quân sử ký Nam Việt.
Tiếc rằng bộ Việt Chí do Trần Tấn làm đó không truyền, nên về sau người ta chỉ thấy có bộ “Đại Việt Sử Ký” của Lê Văn Hưu, là người có công lớn với sử học giới Nam Việt.
Hoa Bằng
(Số 6, ngày 8-7-1941)
BÀN VỀ TIẾNG TA
Nhà xuất bản “Đời mới” vừa cho ra một cuốn sách của ông Ngô Quang Châu đề là Luận về tiếng Nam (tìm một lối làm giầu tiếng) trong chia ra làm năm bài, in vào giấy 13 x 19, thành 95 trang. Bài thứ nhất nói tiếng Nam là một thứ tiếng dồi dào, bài thứ hai nói về bổn phận của những ngươi đặt ra những tiếng mới, bài thứ ba nói về các lối đặt tiếng mới của người Tàu và người Pháp, bài thứ tư (là bài dài hơn cả) nói về lối đặt tiếng mới của người mình; bài thứ năm là bài kết luận.
Trong bài kết luận ông Ngô quang Châu nói rằng: muốn đặt ra những tiếng mới, nên dùng tiếng Nam của mình ghép lại, không nên mượn của Tàu, thí dụ như “đường phân giác” có thể nói là “đường chia góc”, “hình trụ” có thể nói là “hình ống”, “tốc độ” có thể nói là “độ nhanh” hay “sức nhanh”…
Đối với những tiếng nào không thể ghép tiếng Nam lại được, thì ông Ngô Quang Châu bàn rằng: nên đặt ra một âm mới, hoặc lấy tiếng của nước ngoài, không cứ nước nào, tiện thì dùng, nhưng cần phải cắt ngắn lại, chỉ lấy một âm chính thôi: thí dụ nhà “ga”, nhà “băng”, bẻ “ghi”, “lốp” xe,…
Cái lối này rất phải: xét ra tiếng nước nào cũng thế, nếu không đủ, thì phải mượn tiếng nước ngoài, nhưng phải biến hóa đi, để giữ lấy tinh thần của tiếng nước mình; sự biến hoá ấy do dân chúng, chứ không phải do một người hay một hội nào: như chữ “xa” thành chữ “xe”, chữ “trà” thành chữ “chè”, chữ “nickel” thành chữ “kền”, chữ “aluminium” thành chữ “nhôm”,…, toàn là những chữ “vô danh” không biết tự ai đặt ra trước tiên.
Nhưng có một điều khó, là đã có tiếng sẵn rồi, có nên mượn chữ nho nữa không? Đã có tiếng “hết lòng”, có nên mược chữ “tận tâm” hay chữ “tận tụy” không? thí dụ “Cúc cung tận tụy với nghĩa vụ” : Đã có tiếng thương yêu, có nên mược chữ “ái ân” không, như trong Kiều có câu: “Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”?
Về việc này tôi thiết tưởng không nên câu nệ quá; hễ xét chữ nho bóng bẩy hơn, thì cứ mượn, miễn là đừng làm mất cái đặc tính của tiếng nước nhà đi thì thôi. Vả lại, có nhiều chữ đã thành tiếng ta rồi, như chữ người có “chí khí” ngang nhiên “không chịu khuất” ai, hay chữ “vô cớ mà bắt người ta” :không nên đặt lại là “không có cớ gí mà bắt người ta”.
Tiếng nào mượn của chữ Tây cũng thế: như chữ ô-tô, Trung kỳ và Nam kỳ quen gọi là xe hơi, ông Ngô Quang Châu nói có thể gọi là xe máy, nhưng sợ thế thì lẫn với xe đạp. Cũng không nên bắt chước chữ Tàu, gọi là tự động xa!
Nói tóm lại, chữ nào đã gọn gàng mà công chúng đã công nhận, thì không nên đổi nữa. Còn những tiiếng mới, thì không phải một hay vài người đặt ra được, phần nhiều là việc vô danh: Có tiếng thì ở nhà buôn, có tiếng thì ở xưởng thợ xuất ra, đông người dùng đến thì tự nhiên công chúng theo.
Nhưng trước khi đặt những tiếng mới, phải sưu tập cho hết những tiếng cũ, nhất là ở hương thôn, mỗi vùng có một thứ tiếng: thí dụ cái mai của người làm ruộng đào cỏ, có nơi gọi là cái chép, có nơi gọi là cái dầm (hai tiếng này chưa thấy tự vị nào có). Lại trong các nghề thợ, nghề buôn nghề gì cũng có tiếng riêng (là tiếng chuyên môn, chứ không nói chi đến tiếng lóng tiếng lái), nên góp nhặt lại, còn quyền lựa chọn ở công chúng và nhà làm văn.
Những lời tôi bàn đây, các sách Tây nói về ngôn ngữ học đã bàn đến cả; duy có mấy điều về lịch sử nước ta, tưởng nên xét lại cho kỹ .
Một là, có phải ông Hàn Thuyên chế ra chữ nôm không? Bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục (quyển 7, tờ 26a) chép rằng: “Năm Thiệu bảo thứ tư (1282) đời Trần Nhân Tông, mùa thu tháng tám, có cá ngạc đến sông Phú Lương (Nhị hà; Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, tờ 4b chép là Lư giang). Vua sai Hình bộ thượng thư là Nguyễn Thuyên làm văn ném xuống sông (vi văn đầu chi giang), cá ngạc tự nhiên đi. Vua truyền việc ấy giống việc của Hàn Dũ, nên cho Nguyễn Thuyên là họ Hàn. Nguyễn Thuyên người Thanh Lâm (Hải Dương), đỗ thái học sinh đời Trần Thái Tông (1225-1258), thườg làm thơ phú bằng quốc ngữ(tức là chữ nôm), nhiều người bắt chước, nên về sau thơ quốc âm gọi là Hàn luật bắt đầu từ đấy.”
Xem như thế thì không phải ông hàn Thuyên đặt ra chữ nôm. Sách Nam sử tập biên (viết bằng chữ nho, bản sao của Trường Bác cổ, số a12, quyển 1, tờ 1b) chép rằng: “Vua Lạc Long (2800 trước kỷ nguyên) thường ở thủy phủ, hễ dân có việc gì thì gọi: “Bô ơi ở đâu?” (Bô hồ hà tại) thì vua đến ngay… nước ta hồi xưa gọi vua là bô, về sau mới gọi là vua, hiện nay ở hương thôn hãy còn hai tiếng ông bô, gốc từ đấy”.
Nếu cho đoạn sử ấy là hoang đường, thì lấy Khâm định Việt sử (tiền biên, quyển 5, tờ 25b-26b) có đoạn nói rằng: “Năm tân Mùi (791) mùa hạ, tháng 4 là năm Trinh Nguyên thứ bảy đời Đường, người làng Đường Lâm ở Châu Phong là Phùng Hưng khởi binh đánh giữ phủ đô hộ; đến khi mất, chúng lập con là Phùng An lên làm đô phủ quân, tôn Phùng Hưng là Bố cái đại vương; (chú thích) tục gọi là cha là bố, mẹ là cái; tôn Phùng Hưng làm bố cái, nghĩa là coi Phùng Hưng như là cha mẹ”. Nam sử tập biên (quyển 1, tờ 33b) chép: “Tục xưa gọi bố cái nghĩa là che chở. Tiếng gọi cha là bố, hiện nay hãy còn, tiếng gọi mẹ là cái, thì hiện nay không còn nữa. Nhưng xét đến câu ca dao: “Nàng về nuôi cái cùng con, để anh trấn thủ nước non Cao Bằng”, thì rõ ràng tiếng cái là mẹ”.
Theo hai đoạn sử chữ nho này, thì trước HÀn Thuyên 3.000 năm đã có tiếng bô la chữ nôm trước 500 năm đã có tiếng bố cái cũng là chữ nôm. Vậy thì ông Ngô Quang Châu nói HànThuyên chế ra chữ nôm thì không đúng.
Ông nói cái lối ta đọc chữ nho “là một cái quái thai của tiếng quan thoại” cũng không lấy gì làm đúng, vì có một người Thụy Điển tên là Bernhard Karlgren nghiên cứu về lối phát âm của Tàu (Etudes sur la phonologie chinoise) nói rằng đến tận khoảng đầu đời Đường (năm 618) chữ Tàu vẫn đọc có một lối mà thôi, mãi sau mới có tiếng Quảng Đông, tiếng Quảng Tây, tiếng quan thoại,… Xét ra tiếng nho của ta cũng giống tiếng Tàu đời Đường. Thí dụ như chữ nhị, chữ tam, chữ tứ, ta đọc như thế, thì chữ nhị là vần trắc, chữ tam là vần bằng, chữ tứ là vần trắc, đem so vào tự điển Tàu cũng đúng vần và đúng bằng trắc; thế mà người khách Quảng Đông lại đọc là nhì, xám, xây, thì có phải là sai hết cả bằng trắc không? Tuy vậy, trong khi làm văn thơ người Tàu vẫn theo bằng trắc ở tự điển. Nếu có phải sau đời Đường mới chia ra thổ âm, như lời ông Harlgren nói, thì quan thoại với thổ âm mới là “quái thai của tiếng Tàu đời Đường. Nhưng thực ra thì sự thay đổi ấy do sự di dân và sự biến hóa, chứ không thể gọi là “quái thai” được: xem như tiếng Nam kỳ với tiếng Bắc kỳ khác nhau thế nào, cũng đủ biết.
Ông Ngô Quang Châu nói những tên làng tên đất không nên mược chữ nho nữa. Hiện nay ở Bắc kỳ còn nhiều làng có tên nôm, xét ra không dính dáng gì với tên chữ, như Thụy Hương (Hà Đông) gọi là làng Chèm, Đông Ngạc (Hà Đông) gọi là làng Vẽ, Lực Canh (Phúc Yên) gọi là làng Dâu. Xuân Cảnh (Phúc Yên) gọi là làng Chầm, Phú Gia (Hà Đông) gọi là làng Gạ, Phú Xá (Hà Đông ) gọi là làng Xú,… Ở Trung kỳ thì làng nào cũng có tên nôm; nhưng vì viết vào công văn không tiện (trước kia công văn làm bằng chữ nho), nên mỗi làng có một chữ nho. Song những lời bàn của ông ngô Quang Châu về việc đặt tên làng mới (như làng Phú Mỹ đặt là làng Giàu Đẹp, Bạch Liên trang đặt là trại Xen Trắng), cũng nên theo.
Tiếng nước Nam cũng như tiếng nước khác, có thể ví như một con sông lớn, nước sạch có nước bẩn có, sau cùng đến chỗ chắt lọc là cửa bể, cửa bể ấy là công chúng với nhà văn.
Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố
(Số 85, ngày 4-3-1943)
KHẢO VỀ TIẾNG TA
Ông Trà Ngân Lê Ngọc Vượng mới ra một quyển Khảo cứu về tiếng Việt Nam, do nhà xuất bản Cộng Lực in trong bộ “Khảo cứu tùng thư”. Sách dày 230 trang 12 x 19 chia ra làm bốn phần: phần thứ nhất nói về “những nguyên tắc chung: cơ bản của cách nói”, phần thứ hai kể những “phẩm loại của tiếng nói”, phần thứ ba “lược khảo về từ chương”, phần thứ tư đề là “Văn học tạp luận” : “văn cũ ngừơi xưa” và dịch tiếng nước ngoài ra Việt ngữ”.
Tác giả nói nhiều câu rất là chính đáng như câu : “Còn gì khổ tâm cho bằng xem một đoạn văn nước nhà, người Việt Nam phải dùng những hai cuốn tự vị ngoại quốc: một Pháp – Việt, một Hán – Việt! Vậy thì cớ gì ta lại không muốn cho văn học nước mình có hẳn một tính cách của nước, là tính cách Việt Nam?” (trang V). Bàn như thế thật là hợp lẽ, nhưng đôi khi tác giả cũng viết theo lối Tây, như chữ “hội ý” mà tác giả cắt nghĩa “ là sự mà một hình ảnh gây ra cho trí não những hình ảnh khác có liên lạc với nó hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp” (trang 19-20), thì dễ thường chỉ những người có tây học với nho học mới hiểu nổi.
Trang VI, ông Trà Ngân nói “lối quốc văn trước là chữ nôm của Nguyễn Thuyên”; đến trang 21 ông cũng nói như thế: ông cho chữ nôm có từ nhà Trần, do Nguyễn Thuyên phỏng theo chữ Hán mà phác ra”. Chính thực, chữ nôm có đã từ lâu; không phải viện dẫn đến tục truyền ( vì có khi tục truyền không được chắc chắn) cứ lấy ngay những pho sử chữ nho ra xem, thấy năm 791 chép chữ “Bố cái đại vương” là tên hiệu – nửa nôm nửa chữ – của người Nam đời bấy giờ tặng ông Phùng Hưn là ngừơi đã đuổi được quân nhà Đường ra khỏi phủ đô hộ (muốn biết rõ truyện, xin xem Tri tân, số 83 và 85, trang 6). Bộ Đại việt sử ký toàn thư (quyển 5, tờ 4b) và bộ Khâm định việt sử thông giám cương mục (quyển 7, tờ 26a) chỉ chép thơ quốc âm (gọi là Hán luật) bắt đầu từ Hàn Thuyên, năm 1282, chứ không chép chữ nôm bắt đầu từ Hàn Thuyên (tức Nguyễn Thuyên).
Trang 22, có đoạn nói: “Đến khi người phương Tây tới nước Việt Nam thấy chữ nôm lắt léo và khó nhọc, bèn nghĩ ra cách mượn chữ La tinh chắp lại thành vần theo thổ âm. Mục đích của họ là cho dễ bề học tiếng Việt Nam, ngõ hầu chóng bước thẳng tới chí nguyện. Công việc đó đều do các cố đạo Pháp và Tây-ban-nha thực hành. Họ làm ra một cuốn sách bằng chữ Latinh và Việt Nam cho người mình, và một cuốn tự vị Việt La Bồ cho họ”. Tọi cho in chữ Bồ bằng lối chữ nghiêng để độc giả chú ý đến, về để tác giả chữa chữ “Tây-ban-nha” ở trên kia làm chữ “Bồ-đào-nha”: lối diễn âm của ta bằng chữ tây phương là lối chữ Bồ-đào-nha của mấy ông cố đạo Bồ-đào-nha đặt ra trước tiên. Ông Alexandre de Rhodes (dịch là A-lich-sơn Đắc-lộ) sưu tập lại trong một quyển “tự vị Việt Nam Bồ-đào-nha La-tinh” (Dictionarium annamiticum, lúusitanum, et latinum) in ở La-mã năm 1651. Ông có làm một quyển sách nữa bằng quốc ngữ với la-tinh, cũng in ở La-mã khoảng năm 1651, đề là Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào đạo thánh đức Chúc blời (nhà in không có chữ quốc ngữ cổ, nên tôi chép tên sách này không được đúng hẳn với lối chữ của tác giả). Xét hai quyển sách này, thì rõ ràng lối viết chữ quốc ngữ là lối Bồ-đào-nha, chứ không phải Tây-ban-nha. Chính trong bài tựa quyển tự vị Việt-Bồ-La, ông Alexandre de Rhodes cũng nói rằng ông nhờ được những tài liệu của hai ông cố đạo Bồ-đào-nha, là Gasparis de Amaral và Antony Barbosae: ông chỉ thu thập đính chính, nhưng ông cũng có công to, là sắp đặt có qui củ và đem in ra trước tiên. Mãi đến khi ông Pierre Pigneau de Behaine (dịch tất là Bá-đa-lộc) sang nước ta, mới dọn lại thành thứ chữ quốc ngữ hiện dùng bây giờ. Ông Bá-đa-lộc cũng làm ra một quyển tự vị Việt Nam La-tinh; đương sinh thời, ông không cho in, mãi đến năm 1838 ông A.J.L. Taberd mới đe ra xuất bản, đề là Nam Việt dương hiệp tự vị. Dictionarium anamiticolatinum, prumnus in eceptum ab illustrissimo e reverendissimo P.J.Pigneaux.
Trang 25, ông Trà Ngân nói tên tỉnh Bà Rịa, trong Nam kỳ, nguyên là chữ Cao-mên “Bareaga” mà ra: thế thì có lẽ nhầm, vì quyển Monographie de la province de Bà Rịa chép chữ Bà Rịa là tên một người đàn bà mở ấp Phước Liễu, thuộc tỉnh Bà Rịa, vào cuối thế kỷ thứ 18, hiện có đền thờ ở Phước Liễu và Núi Cô: xét ra chữ Baréage là chữ của người Cao-mên dịch âm chữ Bà-Rịa của ta, chứ không phải ta dịch theo chữ Baréage của người Cao-mên vì người Cao-mên gọi bà là “neak srei” hoặc “néang” (tiếng ta là nàng), chứ không gọi là “Ba”. – Tên tỉnh Mỹ tho (ông Trà Ngân viết nhầm là Mỹ Thọ) mới là tên Cao-mên dịch ra quốc âm: nguyên chữ Cao-mên là Mi-sâr (đọc là Mi-sôr), nghĩa là người con gái trắng, ta dịch là Mỹ Tho, thành “một thứ cỏ đẹp”. – Tên tỉnh Sóc Trăng cũng dịch âm theo chữ Cao-mên: quyển Monographie de la province Sốc trăng chép là chữ Srok Khléang. Srok là làng hoặc xứ: trong Nam kỳ có tiếng “sốc”, dịch âm chữ srok, nghĩa là làng xóm, thí dụ như “đi sốc”, “sốc mên”, “sốc sách”. Khléang là kho tàng. Ông Trà Ngân nói chữ Sốc trăng nguyên ở chữ Srok Tréang mà ra: thoạt nghe thì thuận lắm; chỉ vị không đúng với quyển địa dư trên kia; và lại ở tỉnh Takeo, xứ Cao-mên, có hạt Srok Tréang (gồm 16 làng, 41,931 người đóng thuế, xem Annuaire administratif de l’Indochine,1939-1940, trang 460), thì có lẽ họ không đặt trùng nhau như thế. – Tên tỉnh Trà Vinh, trước là Trà Vang, ở chữ Cao-mên (Prắc Pràbăng” (ao Phật) mà ra (Monographie de la province de Trà vinh). ông Trà Ngân nói là ở chữ Préa Trapéang, kể cũng có lý, vì Préa là Phật, trapéang là vũng ao, nhưng không đúng âm bằng chữ Prắc Pràbăng (viết là Préah Pràbăngcũng được).
Trang 26, ông Trà ngân nói chữ lịch sự “theo nghĩa tiếng Việt là giao thiệp khôn khéo”: có lẽ nhầm, vì ta có câu “ăn mặc lịch sự”, “nói năng lịch sự” “chẳng gì tươi tốt bằng vàng, chẳng gì lịch sự nở nang bằng tiền); thế thì chỉ có nghĩa là khéo, là đẹp. là nhã nhặn, chứ không có nghĩa là “giao thiệp”. – Ông cắt nghĩa chữ “tử tế theo tiếng Việt là chu đáo, kỹ càng”, thế thì thiếu nghĩa “tốt với hay”, nhưng câu ăn ở cho tử tế, người tử tế đi đâu cũng được quí trọng. – ông nói chữ “tha thiết theo nghĩa tiếng Việt là nồng nàn , năn nỉ”, cũng thiếu ; ví câu “tha thiết sự đời” hay “than khóc thiết tha”, phải cắt nghĩa là thương tiếc xót xa, chứ không cắt nghĩa là “nồng nàn, năn nỉ”.
Trang 32, có câu : “Không nên lầm những tiếng đồng họ với những tiếng địa phương, mặc dầu đọc hơi giống nhau. Ví dụ: … mướn mượn”. Hai tiếng này không phải là “tiếng địa phương”, vì lắm khi dùng khác hẳn nhau. Tiếng mượn có nghĩa là dùng tạm rồi phải trả lại, như mượn sách để học; lại có nghĩa nữa là nhờ, như mượn tiếng mượn tay người viết thạo, “Mượn màu son phấn đánh lừa con đen” (Kim Vân Kiều). Tiếng mướn không dùng vào những nghĩa ấy, chỉ dùng vào nghĩa thuê mượn, tức là chỉ giống tiếng mượn về nghĩa thuê: thí dụ mướn người làm, mượn thợ khéo; nhưng nói làm mướn, không ai nói làm mượn; đến nghĩa bóng lại dùng chữ mượn, chứ không dùng chữ mướn, thí dụ như câu “Ngày mượn thú tiêu dao cửa Phật” trong Cung oán. Về thi ca, thường không lẫn được, như trong Kiều có câu “May thuê, viết mướn, kiếm ăn lần hồi” và câu “Mượn điều trúc viện thừa lương”; ca dao có câu: “Đừng chê thiếp vụng thiếp về. Có tiền thiếp cũng biết thuê mướn người”.
Trang 36, ông Trà Ngân viết một câu như thế này: “Có thể nói rằng viết theo tập quán, không có văn pháp. Là vì văn pháp không nói tới”, rồi ông “ví dụ chữ trời sao lại viết tr mà không viết chương ?” – Tại chữ tr ở chữ “blời” mà ra: chữ lời là chữ cổ, hiên còn in trên bìa quyển Phép giảng của ông Alexandre de Rhodes dẫn trên kia, về sau chữ “Chúa blời” thành chữ Chúa lời, hoặc Chúa trời. Phần nhiều những tiếng của ta ngày xưa mà ông Alexandre de Rhodes viết bằng chữ bl ở đầu chữ, thì nay viết là chữ tr : thí dụ “blở đi blở lại” (Dict, ann., cột 44) nay là trở đi trở lại; “blót ngày” (cột 45) nay là trót ngày, “nói blót blời” (cột 45) nau là nói trót lời (tức hết lời, … Xem như thế, thì lối viết chữ tr là theo lối đọc của số đông, và theo cỗi rễ từng chữ, chứ không phải theo thói quen: người Pháp gọi là phép viết theo chữ nguyên (étymologisme).
Trang 38, ông Trà Ngân lại nói: “Tiếng Việt Nam có mấy chữ d, gi, ch, tr, r, rất còn phiền phức, vì chưa phân biệt được cách viết nào là đúng. Nhưng những chữ ấy sẽ có một luật định riêng. Ấy là cách thông dụng. Ví dụ … trăn “: một loài rắn lớn”. – Ở đây cũng phải xét xem gốc ở đâu: quyển tự vị Việt Nam của ông Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651) viết là “con tlan” (cột 803); quyển tự vị Cao-mên của ông S.Tandart chép là “pôs thlan”, thế là ngày xưa người Nam với người Mên đều gọi là tlan hoặc thlan; chỉ khác nay người Nam viết là trăn, mà người Mên vẫn gọi là “pôs thlan”. Bao nhiêu những chữ tl ở lối quốc ngữ của ông Alexandre de Rhodes, ngày nay viết là tr: “tlán” (cột 804) nay là trăn, “thàng hột” (cột 804) nay là tràng hạt, “tlánh” (cột 805) nay là tránh hoặc lánh,…
Vậy có thể nói rút lại rằng những chữ mà ngày nay viết ra quốc ngữ bằng chữ tr, đều là có duyên cớ cả. Cớ thứ nhất là số đông người mình đọc rõ chữ tr như những người ở vùng Thái Bình thường nói rõ chữ “quả trứng”, không như phần đông người ở thành thị. Lại một lẽ nữa là có nhiều tiếng mượn của chữ nước ngoài, như tên “con trăn” bắt chước ở chữ “thlan” của người Mên cho nên về thời ông Alexandre de Rhodes viết là “con tlan”; không phải là ông không có vần tr tự vị của ông có đủ vần và có cả những chữ như “giả trá, nói dối” (cột 828), “một trận gió” (cột 830), “tràng an, kẻ chợ” (cột 831),… Ngày xưa, những chữ l viết sau chữ t, thì ngày nay viết là r, như chữ, như chữ “ở tlên blời” Dict ann., cột 809) nay là “ở trên trời”… : thế là viết theo lối đọc ngày xưa và cả ngày nay nữa.
Xét 40 trang trên, cũng đủ biết rằng quyển sách của ông Trà Ngân cần phải sửa lại cho kỹ, thì mới có ích cho người đọc. Hiện giờ, chưa có thể gọi là sách “khảo cứu” được, vì ông không dẫn chứng mà cũng không bàn đến những thuyết của các nhà làm sách về tiếng nước ta (L.Cadière, Henri Maspero J. Przylusky,…)
Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố
(Số 125, ngày 30-12-1943)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|