*Đứa con bên kia chiến tuyến
Năm 1954, ông Lưu Quý Kỳ - nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí (Ban Tuyên huấn Trung ương), Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam rời miền Nam tập kết ra Bắc. Trong thế sự rối ren lúc ấy, ông buộc lòng để lại 2 đứa con ở miền Nam và thầm mong 2 năm sau sẽ quay trở lại. Nhưng sự bội ước của chính quyền Ngụy và Mỹ đã khiến cho ngày trở về kéo dài đến 21 năm. Một trong hai người con ấy là nhà báo Lưu Đình Triều.
Cha mẹ tập kết ra Bắc để anh và một người chị ở lại miền Nam. Chuyện gì đã diễn ra sau đó cho tới ngày 30/4?
- Hai mươi mốt năm tất nhiên là nhiều chuyện. Tôi tạm gói gọn thành câu chuyện dài 7.600 ngày mồ côi. Nói mồ côi vì trong tờ khai sanh của tôi hồi ấy ghi rõ "cha chết, mẹ chết". Ngoại tôi xuống Cà Mau (khu căn cứ kháng chiến) đón hai cháu về nuôi ở Biên Hòa. Bà là một phụ nữ đơn thân, nghèo khó, chỉ chạy chợ kiếm sống qua ngày. Có thêm 2 cháu nhỏ bà càng cực nhọc, vất vả hơn. Lúc xuống miền Tây mua khô, cá... về bán. Lúc lên chợ Gò Dầu, Tây Ninh mua nhang, dầu Miên, xà bông về bỏ mối, kiếm ít tiền lời. Những ngày ngoại đi vắng, hai chị em dựa vào sự đùm bọc của họ hàng bên ngoại cùng bà con lối xóm.
Như cây hoang, cỏ dại, những năm tháng tuổi thơ của tôi cứ lần lượt trôi qua. Bạ ai chơi đó, bạ đâu ăn đấy. Bảy, tám tuổi tôi đã theo bạn bè trong xóm ra chợ "đá cá lăn dưa" (ăn cắp vặt)... Lớn hơn chút nữa đã biết lận lưng bộ bài nhỏ xíu đi đánh cắc-tê kiếm tiền ăn bánh mì, uống xirô...
Nghe sặc mùi hư hỏng như thế vì sao anh vẫn vào được đại học?
- Đúng là tôi có thể trở thành một kẻ lêu lổng bụi đời nếu như không may mắn gặp được các cô chú bên nội. Chú tôi là hiệu trưởng, cô tôi là giáo viên của trường tiểu học lớn nhất thành phố Buôn Ma Thuột. Cô chú đã đón hai chị em lên đấy. Một giai đoạn mới trong đời tôi thật sự mở ra từ sinh hoạt cho đến học hành. Tôi bắt đầu làm quen với việc đánh răng, ăn sáng trước khi đến trường, cũng như ủi quần áo thẳng nếp khi đến lớp. Ngoài giờ học, tôi không còn được chạy rong ngoài đường phố mà ru rú trong nhà phụ làm những việc linh tinh, rồi ôn tập bài vở, đọc truyện dưới sự chỉ dạy của cô…
Thế nhưng như cách nói của ngoại "phần số của ngoại chắc bị nặng nợ với hai đứa con...". Chỉ ba năm sau, chú tôi bị động viên vào lính, còn cô lấy chồng là công nhân ở Sài Gòn, chị em tôi lại thu xếp đồ đạc quay về Biên Hòa. Cảnh cũ, điều kiện sống như cũ, nhưng trong chúng tôi có một thay đổi lớn là sức học căn cơ hơn. Và năm 1971 tôi bước chân vào Đại học Luật. Hồi ấy ngoại tôi mừng đến chảy nước mắt. Bà có ngờ đâu niềm vui ấy rồi bị tắc nghẽn nhanh chóng.
Năm 1972, trước sự tiến công mạnh mẽ của quân giải phóng, lực lượng quân đội Sài Gòn hao tổn khá nặng. Chính quyền Thiệu tạm đóng cửa các trường đại học, hạ bớt tuổi được hoãn quân dịch của sinh viên. Tôi giờ mới nhận ra bi kịch trong chuyện làm giấy Thế vì khai sinh ngày trước. Với cái tuổi giả lớn hơn tuổi thật dù chỉ một tuổi cũng đủ buộc tôi ngưng học.
Gần gũi chan hòa với chỉ huy hải quân trong dịp ra công tác 20 ngày tại Trường Sa - ảnh N.C.T
Ngoại tôi lại có những đêm mất ngủ: "Ông trời sao quái ác, đẩy thằng Triều vào cảnh cầm súng chống lại cha mẹ mình?!". Loáng thoáng trong vài lần trò chuyện giữa ba bà cháu có nhắc đến chuyện trốn lính. Nhưng rồi với một chàng trai mới lớn sống không lý tưởng, không quen cân nhắc thận trọng trước những vấn đề lớn và sợ chuyện tù đày, tôi rơi vào tư tưởng yếm thế: thôi kệ, đến đâu thì đến (!).
Sau một thời gian huấn luyện ở Trường sĩ quan dự bị Thủ Đức, dù cận thị gần 4 diop tôi vẫn bị tống về một sư đoàn bộ binh ở miền Tây. Đi qua những ngày nắng cháy da, những đêm mưa ẩm ướt, những cuộc hành quân vất vả chán chường mà nhiều lúc tôi chỉ mong ước khùng điên là được bị thương nặng đủ để giải ngũ, về đi học tiếp.
Sau một vài lần suýt chết, những vết thương mà tôi nhận lãnh lại chẳng khác gì những cú leo trèo, té ngã thuở nhỏ. Nhưng dẫu sao chúng cũng giúp tôi cuối năm 1974 có cớ để xin chuyển về ngay Biên Hòa chăm lo cho người giám hộ (tức ngoại) nay đã già. Để rồi vài tháng sau khi nghe tin xe tăng quân giải phóng đã về tới Long Thành, tôi vội trút bỏ bộ đồ lính, ở luôn tại nhà.
Ngày thống nhất đất nước cũng là ngày sum họp gia đình, tâm trạng của anh lúc đó như thế nào?
- Những ngày đầu sau giải phóng tôi sống trong tâm trạng hai chiều. Vừa chán nản, vừa hy vọng. Trong tôi lóe lên tia sáng cuối đường hầm là mình sắp nhìn thấy những người ruột thịt nhất của mình. Suốt hai chục năm, phải nói thật lòng là tôi thèm lắm - thèm thèm lắm - cái tiếng gọi "ba ơi, má ơi" và luôn nặng trĩu mặc cảm về cách nói của một số người: cái thằng không cha không mẹ! Khoảng một tuần sau giải phóng, tôi "liều mạng" chạy xuống Sài Gòn, lân la dò hỏi về ba tôi, nhà báo Lưu Quý Kỳ… Nhưng cũng có những lúc tôi hoang mang lo sợ mình là thiếu úy ngụy nên có khi sẽ trở thành đứa con bị chối bỏ trong mắt ba má tô i- những người cách mạng lâu năm.
Có một chiều, tôi cùng những bạn học cũ, đứa là viên chức, đứa là lính gom tiền lại mua bia về nhậu lần cuối. Cái cách tuyên truyền của chế độ cũ khiến tất cả chúng tôi đã ngoài tuổi 20 rồi mà vẫn cả tin rằng với chính quyền mới sẽ không có vui chơi, giải trí gì cả, nói chi đến chuyện bia bọt. Trong cuộc nhậu thực tế không là lần cuối đó, cả đám thay nhau hé lộ những tin đồn quái chiêu đủ dạng. Nghe cho đã, để rồi kết thúc, cả đám chia tay nhau với lời từ biệt bi thương "mai rồi đời mình sẽ tiêu".
Mười lăm ngày sau khi đất nước thống nhất, một chiếc Commăngca đổ kịch trước đầu hẻm nhà ngoại. Tôi đã chạy đến cầm lấy cánh tay ba, mân mê, nhưng không dám ôm lấy ông và cũng chẳng tiếng "ba ơi" nào bật ra trong nước mắt như bao lần tôi đã nằm tưởng tượng .
Lúc đó, trong tôi mặc cảm và nỗi lo sợ đang trào dâng, lấn át cả niềm vui, hạnh phúc của sự hội ngộ…
Cha, mẹ của anh đã nói gì khi biết anh tham gia vào quân đội Sài Gòn?
- Lúc đầu, ba tôi chẳng hề chạm tới khối đá lý lịch đang nặng trĩu trong tôi. Để rồi, có một tối, khi ba cha con đang trò chuyện chơi, bất chợt ba hỏi tôi là đeo lon thiếu úy từ khi nào? Trước đó hai chị em có biết ba má là dân cách mạng nòi không? Khi nghe tôi trả lời có lần đọc được bài viết của một nữ ký giả Ý có nhắc đến ba ở Hà Nội, ba hỏi gặng, đã biết vậy mà sao con vẫn cầm súng chống lại ba má? Sau khi nghe tôi nói đã từng bàn với ngoại chuyện trốn lính mà cũng chẳng biết trốn nơi nào cho chắc ăn, không bị bắt, ba thở dài một cái và hé lộ rằng lúc Đà Nẵng vừa được giải phóng, ba vào, gặp chú Dũng - em út của ba, chú kể chuyện tôi là sĩ quan ngụy, ba đau lòng lắm. Về Hà Nội ba giấu má mấy ngày rồi mới nói thiệt. Má tôi khóc suốt cả tuần... Ông kết thúc câu chuyện bằng lời dặn dò: "Thôi, thương ba, thương má, từ rày về sau con cố ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức lối sống, chuộc lại lỗi lầm".
Sau này khi tôi đang học cải tạo, ba tôi vào Sài Gòn công tác, được trưởng trại mời lên bàn chuyện bảo lãnh. Ông từ chối và muốn rằng tôi có thời gian học tập, rèn luyện như những người khác. Ông cũng từ chối sự ưu ái được thăm con không theo quy định mà chỉ viết một lá thư nhờ chuyển. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in là mình đã cầm lá thư, chạy ra vườn rau, lặng lẽ vừa đọc thư, vùa khóc. Tôi giận, thầm trách ba tôi đã không thương tôi, lại bỏ tôi "bơ vơ" như thuở nào… Tôi đã xé lá thư ấy để rồi mãi sau này mới cảm nhận ra rằng đó là một cách thương con, rèn con của riêng ba tôi.
Đâu là bước rẽ quan trọng để anh hòa nhập với chế độ mới?
- Với tôi, 30.4.1975 là ngày đổi đời. Một bước ngoặt lớn mở ra về quan hệ gia đình, về sự nghiệp. Hai mươi hai tuổi, coi như tôi đặt lại bước chân vào đời lần 2.
Nghĩ về một bước rẽ quan trọng nhất, thật tình tôi có sự băn khoăn trong xác định. Ba tuần sau ngày giải phóng, một mình lặng lẽ tôi xách túi đến nơi tập trung cải tạo với với bao dấu chấm hỏi về tương lai. Dẫu sao mặc lòng, lúc ấy, tôi tự nhủ mình cần phải thẳng thắn đối mặt với thực tế khi bước vào khúc quanh của đời mình dù có bằng bước chân cô đơn. Những ngày tháng học cải tạo, là thời gian giúp tôi có nhận thức đúng đắn hơn về đất nước, về cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc, về những điều sai trái tôi đã làm - dù là bị ép buộc. Trong trại, tôi có điều kiện hiểu thêm về những người cộng sản, thông qua một anh quản giáo tên Lợi. Có những tối, anh xuống lán của tôi ngồi tâm sự nhiều về đời anh, từ chuyện học hành cho đến chuyện yêu đương… Anh cũng mạnh dạn bảo lãnh cho tôi được ra khỏi trại để gặp em gái tôi từ Hà Nội vào thăm. Những giọt nước mắt chia sẻ của anh khi nhìn thấy hai anh em tôi ôm nhau khóc ròng trong lần đầu trùng phùng, đã đeo bám dai dẳng trong đầu tôi. Cả chục năm sau đó, tôi vẫn nhớ và viết về nhân vật này, một bộ đội trẻ, đảng viên, người giúp tôi có cái nhìn đầy đủ hơn về tình người.
Chuyện vừa học cải tạo ra, xin đi làm để rồi trở thành người biên chế của nhà nước cũng là một ngã rẽ quan trọng. Rồi chuyện tôi thi đậu vào lớp đại học báo chí của trường Tuyên huấn T.Ư cũng là một bước rẽ quan trọng không kém.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|