21 NĂM: CHIA LY & HỘI NGỘ
7.600 ngày mồ côi
Ngoại vừa đi “hóng chuyện” về, kêu hai chị em lại: “Tao nghe nói mai trên Sài Gòn làm lễ mừng chiến thắng lớn lắm. Có cả cán bộ ngoài Hà Nội dzô. Hay thằng Triều chạy xuống đó hỏi thăm tin tức ba má tụi bây coi sao”.
“Trời! Quá xá người, biết ai mà hỏi hở ngoại? Mà hỏi liệu người ta có biết ba má con là ai không?”. Giọng ngoại tôi có vẻ bực mình: “Lớn rồi mà sao ngu quá! Thì cứ nói ba tui là nhà báo tập kết hồi năm 54, tên Lưu Quý Kỳ. Có ba có má mà không biết đi tìm”.
Chị hai tôi nãy giờ im lặng giờ mới cất tiếng, giọng tủi hờn: “Ba má bỏ tụi con mà đi biền biệt. Giờ về, có thương có nhớ thì ba má phải đi tìm tụi con chứ”. “Con Hà đừng nói tầm bậy, cha mẹ nào mà lại không thương con. Biết đâu ba má tụi bây cũng đang đi tìm kiếm nhưng không nhớ nổi nhà mình thì sao”.
Rồi ngoại chuyển giọng, đổi cách xưng hô, như mọi lần khi bộc lộ tình cảm: “Hai đứa con biết không, từ hôm giải phóng đến giờ không đêm nào ngoại ngủ được. Ngoại cứ thầm cầu Trời khấn Phật sao cho sớm gặp lại ba má tụi con. Ngoại sắp 70 tuổi, cũng gần đất xa trời lắm rồi. 21 năm, ngoại cực khổ biết bao nhiêu nhưng không nề hà, chỉ mong cái ngày gia đình mình sum họp vui vầy là ngoại yên tâm nhắm mắt”.
Giọng ngoại nghẹn lại, nước mắt từ từ chảy ra trên gương mặt nhăn nheo. Cả hai chị em tôi không bảo mà cùng nhào tới ôm ngoại và... khóc.
Không biết ở độ tuổi lớn khôn nào đó chị Lưu Hà và tôi bắt đầu biết lờ mờ về lai lịch của mình. Theo lời ngoại, đâu cuối tháng 9-1954 bà được ba má tôi nhắn xuống Cà Mau gấp. Như thường lệ, bà mua vội một ít quà rồi tất tả ra đi. Mấy ngày ấy trời mưa liên tục và lòng người cũng không ngớt tuôn mưa. Bên dòng kênh Phó Sinh (huyện Sử), chốc chốc má tôi lại ôm chầm lấy mẹ, siết chặt hai con, nước mắt ràn rụa.
Bức ảnh chụp hai chị em (đang được bồng) trong khu kháng chiến vài ngày trước khi ngoại xuống đón về - cuối tháng 9-1954. Trong ảnh chỉ có người cha (đứng thứ sáu từ phải sang), còn mẹ không chịu ra chụp vì quá buồn rầu - Ảnh tư liệu.
Ngoại tôi cũng khóc, nhưng là mẹ nên phải ra sức vỗ về con mình: “Nín đi con, hai năm không là bao”. “Nhưng chắc gì hai năm về hở má?”. Má tôi nói và càng tuôn nước mắt. Lưu luyến, bịn rịn mãi rồi cũng đến lúc ngoại cắn răng, gạt nước mắt, tay ôm đứa cháu trai nhỏ 1 tuổi, tay dắt đứa cháu gái 3 tuổi đi lạch bạch xuống xuồng trở về... Và với một người đàn bà tuổi gần 50 như ngoại ngày ấy, hẵn đã phải nhiều vất vả, lo toan khi phải trở thành một người mẹ đơn thân, cùng hai con bé bỏng.
Trong khoảng sâu ký ức của mình, tôi chỉ lờ mờ nhớ rằng khi còn bé tối ngủ bao giờ ngoại cũng nằm giữa hai chị em tôi. Bà ru giấc ngủ hai cháu không phải bằng các câu chuyện cổ tích mà thay vào đó là những bài kinh Phật mà bà thường xuyên tụng ở tịnh xá Ngọc Bửu vào các ngày rằm.
Căn nhà gỗ lợp ngói rộng lớn ở ngã ba Thành, thành phố Biên Hòa (nhà hương hỏa bên ngoại) thường xuyên chỉ có ba bà cháu với nhau. Ngoại tôi là người đàn bà đơn côi, có con nhưng lại không chồng. Câu chuyện buồn đời bà, mỗi khi chúng tôi hỏi, bà luôn nạt lớn cho qua chuyện.
Không có nghề nghiệp gì, nay thêm hai miệng ăn , ngoại càng phải ra sức “lặn lội thân cò”. Bà chạy chợ khắp nơi , từ miền Đông, xuống miền Tây, rồi men đến biên giới Campuchia để mua đi bán lại đủ loại hàng hóa từ mắm, khô, cá... cho đến nhan đèn, xà bông mỹ phẩm… Những ngày ngoại đi vắng, hai chị em tôi cứ lê la “ăn chực, ăn chờ” ở nhà ông bà Sáu-em của ngoại hoặc một vài nhà hàng xóm tốt bụng. Những ngày ấy, chị em chúng tôi cứ chạy rong cho đến khuya mới về , vì sợ phải ở trong ngôi nhà vắng vẻ. Có những đêm hai chị em nằm thu mình lại trong cái mền phủ kín đầu, thấp thỏm chờ đợi một tiếng guốc vọng vang ngoài cửa.
Tuổi thơ của hai chị em tôi cứ vậy như cây hoang, cỏ dại. Bạ ai chơi đó, bạ đâu ăn đấy. Bảy, tám tuổi tôi đã biết kết bè kết bạn ra vựa trái cây, đứa đi trước lấy tay gạt trái cam, trái quít rơi xuống, đứa sau vờ thản nhiên đi tới dùng chân đá mạnh tới trước cho đứa kia nhặt... 9, 10 tuổi tôi đã lận lưng bộ bài nhỏ xíu đi đánh cắctê kiếm tiền ăn bánh mì, uống xirô...
Cũng chẳng biết tuổi thiếu niên của tôi rồi sẽ ra sao, nếu như một ngày kia trước sân nhà tôi không đổ xịch một chiếc xe Jeep và bước xuống là một ông đại úy mặc quân phục láng coóng.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|