BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: Nước Mỹ, lần đầu trong mắt tôi

LƯU ĐÌNH TRIỀU: Nước Mỹ, lần đầu trong mắt tôi

Mục lục
LƯU ĐÌNH TRIỀU: Nước Mỹ, lần đầu trong mắt tôi
Kỳ 1: Ngỡ ngàng New York
Kỳ 2: Đối mặt 126 triệu mẫu vật
Kỳ 3: Miền Tây không hoang dã
Kỳ 4: Lạc vào cõi thần tiên của thế giới hoạt hình
Tất cả các trang

TTO - Sân bay quốc tế John F. Kennedy hiện ra dưới mắt tôi hơi… bị quen. Có lẽ do cái nét hao hao của những sân bay Mỹ mà tôi đã từng nhìn thấy trên nhiều bộ phim.
trieu_1_anh_bua

Đặt chân lên đảo Tự Do, đa số du du khách chỉ lòng vòng bên dưới vì không đăng ký trước để được đến gần nữ thần


Hẳn có nhiều người Việt như tôi, tuy lần đầu đến Mỹ nhưng đã có phần biết và quen thuộc với đất nước, con người Mỹ khá lâu. Biết qua phim ảnh, sách báo, lời kể của bạn bè. Riêng tôi, cái sự biết về con người Mỹ đã bắt đầu ngay độ tuổi thiếu niên. Hồi đấy, sống tại khu vực Ngã ba thành - Biên Hòa, chiều chiều đám trẻ chúng tôi thường chạm mặt nhiều lính Mỹ từ sân bay mò ra đây giải trí, vui chơi… Dù sao những cái biết đó vẫn cứ thiếu thiếu, vẫn chưa sống động bằng những cái nhìn ngay tại “hiện trường”.

Cơn choáng ngợp trước sự tấp nập, nhộn nhịp của sân bay trung tâm quốc tế hàng đầu của New York và cả Hoa Kỳ chưa kịp lắng xuống đã sớm tan biến. Thay vào đó, trong tôi là một cảm giác ngỡ ngàng khi xe rời khu vực sân bay theo đường dẫn về trung tâm.



Kỳ 1: Ngỡ ngàng New York

 

Đường xưa phố cũ…

Thành phố lớn nhất của Hoa Kỳ, nơi có nhiều tòa nhà cao nhất thế giới mà lại như thế này sao? Những con đường cũ kỹ, không rộng lớn, thỉnh thoảng lại ùn ứ; những khu chung cư có phần cổ lỗ sĩ khoác toàn màu áo nâu buồn tẻ… Một du khách đi cùng rất văn nghệ, ngân nga: Thành phố buồn, lắm tơ vương/ Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn… Ấy là lúc xe chạy ngang qua một nghĩa trang khổng lồ - những ngôi mộ chi chít, xếp hàng bên nhau, trải dài, trải dài như những ngôi nhà tĩnh lặng trên một con phố dài chừng vài cây số thiếu bóng người.

Như thấu hiểu được sự “vỡ mộng” của khách, hướng dẫn viên Lưu Bá Côn, Công ty du lịch Hoàn Mỹ, giải thích: New York là thành phố được xây dựng chủ yếu từ thế kỷ 18 nên đường phố khá cũ kỹ. Ai từng nghe, nghĩ về một New York hiện đại, hào nhoáng sẽ dễ hụt hẫng. Tôi cảm điều này rõ hơn, khi cuối chiều từ New York qua New Jersey, xe chui qua hầm, ai nấy đều ngỡ ngàng. Hầm chật hẹp, cũ kỹ và… xấu xí. So với hầm Thủ Thiêm nó phải gọi bằng bố. Nhưng làm sao có thể cân đo khi hai cái hầm được xây cách nhau cả gần trăm năm.

 

trieu_6_my

Một kiểu quán độc đáo dưới mặt đường ở khu trung tâm của New York


Trưa đầu tiên ở New York, cả đoàn đi vào phố Tàu ăn phở Việt với cái giá rất ư là Mỹ: 10 USD/ tô. Thịt bò Mỹ đúng là khó chê, nước lèo thơm ngọt. Nhưng cọng bánh thì nửa phở nửa hủ tiếu nên ăn cứ lơ lửng “nửa ta nửa Mỹ”. Ăn xong, tôi thả bộ ra ngoài xem thử cái phố Tàu rất nổi tiếng này ra sao. Điều lạ là nhiều ngôi nhà hai ba tầng đều có cầu thang thoát hiểm bằng sắt phía trước trông rất kém thẩm mỹ. Hỏi thăm mới biết đó là những dãy phố xây lâu đời, lên xuống chỉ một đường. Cháy một phát là chịu chết, nên phải trổ cầu thang bên ngoài để có gì còn chạy.

Thả dọc con đường mang tên Baxter với cảnh quan rất giống nhiều đường ở thành phố ta. Càng giống hơn là một số sạp lề đường cũng bày bán đủ thứ tá lả. Trên một sạp ở sát ngã tư cũng cắm miếng carton viết bút lông nguệch ngoạc, ghi giá bán hai loại trái cây là nhãn và thanh long. Nhiều người đi đường tạt vào, hăm hở chọn lựa dù giá so với Việt Nam đắt gấp hai, ba lần. Có lẽ đây là đường được phép lấn chiếm vỉa hè. Chứ ngay đường vào bến tàu qua thăm tượng Nữ thần Tự do, tôi tận mắt chứng kiến nhiều người bán buôn lề đường nháo nhào gom đồ chạy vì có cảnh sát tuần tra. Phố Tàu có một chi tiết khiến tôi rất bất ngờ là cũng có… ổ gà (Mỹ làm đường nổi tiếng thế giới mà sao vẫn có ổ gà nhỉ?). Lôi cái máy ảnh ra để chụp cận cảnh mấy “em gà” sát lề thì bất ngờ một chiếc xe tải nhỏ trờ tới, làm bắn tung tóe nước bẩn lên. Tôi nhảy thụt vào… Đã muộn!

 

triu_2_My

Những ổ gà ở khu phố Tàu - Ảnh: L.Đ.T.


Luôn phải ngước nhìn


New York được “phục hồi uy tín” khi tôi bắt đầu đi sâu vào khu Hạ Manhattan. Những con đường khá rộng lớn. Nhiều tòa nhà cao vút, chen nhau tìm chỗ đứng mà cao nhất là tòa tháp Empire State - 381m, 102 tầng. Từ xa, tòa tháp này tựa như một ống kim chích mà mũi kim là chóp nhọn của anten và cột thu lôi trên đỉnh.

Du khách dễ chia sẻ niềm kiêu hãnh của dân Mỹ về tòa nhà này không chỉ về chiều cao - đứng dưới chân tháp ngước nhìn lên muốn chóng mặt và trặc cổ, mà còn vì nó được xây dựng từ năm 1931 và ngự trị trên đỉnh cao nhất của thế giới cho đến 1972.

Ngang qua vị trí khu Trung tâm Thương mại Thế giới bị đánh sập vào năm 2001, tôi nhìn thấy sự bừa bộn sắt thép của những  công trình mới đang được thi công. Trong đó nghe nói trung tâm thương mại số 1 thế giới sẽ là tòa nhà cao nhất tại Hoa Kỳ, với độ cao 541,32 m. New York mãi sẽ là một thành phố luôn đòi hỏi du khách phải ngước nhìn!

Đúng là thành phố đông dân nhất Hoa Kỳ. Mặc cho hệ thống xe điện ngầm New York đã tải biết bao nhiêu cư dân đi lại, nhưng trên lối dẫn vào khu Phố Wall người ta như cứ phải chen nhau mà đi. “Phố Wall là một trung tâm tài chính quốc tế bề thế kể từ Đệ nhị Thế chiến và là trung tâm điều tiết thị trường tài chính, tiền tệ, nơi đặt sàn giao dịch chứng khoán New York”. Đó là điều tôi được biết đã lâu. Tôi chỉ hơi bị thiếu biết về chú bò tót (có người gọi là trâu vàng) – biểu tượng của Phố Wall. Không rõ thực tế sàn giao dịch chứng khoán nơi đây ảnh hưởng đến nền kinh tế, tài chính thế giới tới đâu, chứ còn tác động của chú bò tót với tất cả khách quốc tế đều rất rõ. Tướng tá hùng dũng, chú bò nặng hơn 3.000 kg này đứng chễm chệ ở ven lề đường dẫn vào Phố Wall đã 24 năm. Du khách bất kể nước nào, đi ngang thường đều dừng lại chụp hình cùng chú. Chụp xong thì dùng tay chạm vào điểm “vuốt lấy hên”. Chính vì thế mà toàn thân bò được đúc đồng màu vàng chỉ riêng nơi hạ bộ là gỉ xám vì cọ sát quá nhiều bàn tay lạ.

 

trieu_3_my

Có du khách chỉ thích chụp ảnh phía sau bò tót để có thể ‘ vuốt lấy hên' - Ảnh: L.Đ.T.


Tại sao nước Mỹ  lại chọn con bò tót của nhà điêu khắc người Ý Arturo Di Modica mà không là voi hay sư tử cho hùng dũng hơn nhỉ? Phải chăng với tư thế chồm tới sẵn sàng lao mạnh về phía trước, chú bò thể hiện ước muốn lao vọt, tăng nhanh, phát triển cực lẹ của thị trường chứng khoán? Riêng một bạn đồng nghiệp giải thích: bullish tiếng Anh là làm tăng giá cổ phiếu, nên chọn bò tót (bull) là phù hợp.

Dạo trong Phố Wall  rất… mau chán. Những tòa nhà to cao nặng nề lâu đời, kiến trúc cũng đẹp nhưng cứ na ná. Những cao ốc chọc trời đã bóp hẹp không gian lại, các con đường nhỏ như hẻm. Một xe police  4 chỗ chầm chậm lướt qua cũng đã đủ chật đường. Người ta bảo đi trên các con hẻm này chỉ nhìn thấy mặt trời vào giữa ngọ, bởi lúc đó nó không bị che khuất vì treo thẳng đứng trên đầu. Sự sôi động của phố Wall ẩn vào các sàn giao dịch bên trong. Tự an ủi, giá trị của việc tham quan ở đây có lẽ chỉ như được “giấy chứng nhận” do… mình cấp cho mình: “Tôi đã đặt chân đến khu Phố Wall nổi tiếng thế giới”. Thế thôi!

 

trieu_5_my

Phố Wall người đông đường nhỏ


Sức sống mãnh liệt  cho một Times Square


Nếu tượng Nữ thần Tự do là một biểu tượng mang chất cổ kính thì quảng trường Thời Đại (Times Square) mới đích thực là hình ảnh New York lộng lẫy mà tôi từng vẽ ra. Cầm ly “cà phê mang đi”, tôi thả dọc đại lộ Broadway, vừa nhâm nhi vừa kiểm nghiệm sức sống của một quảng trường nổi tiếng trên thế giới. Về mặt bằng xem ra Thời Đại chẳng thuộc vào hàng “đỉnh”. Các mặt tiền thì ứ hự những cửa hàng sang trọng, từ đồng hồ, mắt kính tới quần áo, giày dép. Lác đác bên đường vẫn có những người bán dạo vé xem kịch mời chào.

Ấn tượng nhất và khác với nhiều quảng trường mà tôi từng qua chính là khoảng không gian bên trên. Đủ loại màn hình quảng cáo khổng lồ, nhấp nháy. Đang là buổi chiều, nắng vàng dù rực rỡ vẫn không lấn át được sắc màu lộng lẫy, cực nét của những đoạn trailer quảng cáo. Ngày đã thế nói gì đêm, bầu trời nơi đây như có hàng trăm vì “tinh tú” lộng lẫy tụ về góp thêm sức sống mãnh liệt cho New York - thành phố không bao giờ ngủ.

 

CA_PHE_VIA_HE

Cà phê vỉa hè trong khu quảng trường Thời Đại


Có lẽ vì vị trí và sự náo nhiệt của mình mà quảng trường Thời Đại được chọn làm ngoại cảnh cho rất nhiều phim nhựa và là nơi tổ chức nhiều sự kiện độc đáo. Chẳng hạn, cựu sáng lập viên nhóm tứ quái Beatles Paul McCartney đã bất ngờ tổ chức một mini-concert tại đây chỉ trong 15 phút. Độc đáo hơn, vào một tối đẹp trời tháng 8 năm nay, nhiều  chàng trai, cô gái “dũng cảm” ở nhiều nước đã đổ về đây thi nhau… cởi bỏ quần áo bên ngoài, nhằm lập thêm kỷ lục mới về số người mặc nội y tập trung ở ngoài trời đông nhất thế giới.

Mà có khi ngược lại không nhỉ? Chính những sự kiện độc đáo đã góp phần tôn lên sức sống mãnh liệt cho một Times Square?

Một địa chỉ nổi tiếng khác mà du khách đến New York hiếm ai bỏ qua. Thật ra từ trước đến nay, ở bất cứ nơi đâu ai cũng có thể nhìn rõ dung nhan tượng Nữ thần Tự Do qua ảnh và đặc biệt qua máy tính càng rõ đẹp, đầy đủ góc cạnh. Tuy nhiên đi rồi mới biết thêm đôi điều chi li hơn. Chẳng hạn chuyện lên tàu ra đảo Lliberty (nơi đặt tượng, tên cũ Bedloe), cũng phải qua kiểm tra an ninh khá chặt chẽ, gắt gao. 15 phút tàu chạy thì rất thi vị. Trời mờ xám. Biển vẫn xanh. Gió nhẹ nhàng. Không khí khá mát mẻ tạo cảm giác yên bình, nhàn nhã. Tàu chạy từ từ và sau hơn 10 phút, tượng nữ thần lớn dần, lớn dần trong mắt khách.

Nhìn toàn cảnh, khách phát hiện gần Bedloe có thêm một đảo nhỏ với tòa nhà theo kiến trúc cổ, 3 tầng lầu sơn màu huyết dụ, lại thêm 4 ngọn tháp hình cầu. Hỏi thăm mới biết đó là đảo Ellis -  cửa ngõ đón nhận hàng triệu người nhập cư vào Hoa Kỳ từ 1892-1954. Vẫn là Nữ thần Tự do đường bệ, đồ sộ, uy nghi, đứng trên đài cao nhìn ra cửa biển, khách muốn lên gần hơn – ngay dưới chân tượng thì phải đăng ký trước nhiều ngày. Thế cho nên du khách phải đứng dưới thấp, hơi khum người xuống, hất máy ảnh lên mới có thể chụp được người thân và toàn tượng nữ thần…



Kỳ 2: Đối mặt 126 triệu mẫu vật

trieu_1_a

Giữa trưa nắng ở Công viên lịch sử quốc gia Độc Lập của cố đô nước Mỹ vẫn có những người biểu diễn thể dục dưỡng sinh


Cố đô yên bình

Dù cũng là một trong những thành phố cổ nhất Hoa Kỳ, nhưng vẻ đẹp của phố xưa nhà cũ không chỉ được gìn giữ và bảo tồn mà còn kết hợp hài hòa với các tòa nhà cao tầng hiện đại xây bằng kính và kim loại. Những hàng cây xanh ven đường góp vào một không khí trong lành, gợi cảm giác yên bình, nhàn nhã. Chất cố đô thể hiện nhiều nơi, nhưng nổi bật nhất là ở Công viên lịch sử quốc gia Độc Lập, nằm ngay trung tâm thành phố.

Gần trưa, dưới cái nắng chói chang dòng du khách vẫn kiên trì xếp hàng chờ đặt chân vào tòa nhà Độc Lập, nơi mà năm 1776, 13 đại biểu của các tiểu bang thảo luận và cùng ký bản Tuyên ngôn độc lập. Tòa nhà này được xem là một điểm đắt khách của “bảo tàng mở” Lịch sử quốc gia Độc Lập.

Qua 3 tòa nhà, 4 dãy phố, du khách bị cuốn vào dòng chảy quá khứ, chạm mặt những nhân vật lịch sử Hoa Kỳ qua tranh ảnh, tượng; đứng chân ngay trên các “địa chỉ đỏ” như tòa nhà Graff House – nơi tổng thống Jefferson viết bản Tuyên ngôn độc lập hoặc nhẹ nhàng hơn, ngắm nghía… chiếc ghế ngồi của Benjamin Franklin, một trong những người thành lập đất nước, xem có khác gì với chiếc ghế mà Tổng thống Obama hay ngồi tiếp các nguyên thủ quốc gia hôm nay…

Trong những chỗ dừng chân ấy, náo nhiệt nhất là nơi đặt quả chuông Tự do. Theo lời giới thiệu, quả chuông này đã gióng lên những tiếng vang báo hiệu ngày tàn của chế độ nô lệ. Quả chuông được làm cách nay 261 năm, bằng đồng và thiếc, nặng 900 kg. Giờ đây nếu chuông được gióng lên thì tiếng vang của nó chắc bị rè, vì một vết nứt khá dài khoảng gần 2/3 chiều cao. Mặc “dung nhan” chuông xuống cấp, du khách vẫn cứ nhào vào, đứng kề bên chuông chụp ảnh kỷ niệm.

Chuông Tự do là một mẫu vật ít ỏi được săm soi tại cố đô.

 

trieu_2_b

Quả chuông Tự do dù chẳng độc đáo lắm nhưng vẫn được nhiều người tìm đến vì ý nghĩa lịch sử của nó

 

Còn ở Washington D.C, thủ đô nước Mỹ, chỉ cách Philadelphia vài giờ chạy xe, thì có hàng trăm triệu mẫu vật được trưng bày làm ngơ ngẩn người xem.

 

Nơi thiên nhiên tụ hội


Cách nay vài năm tôi có xem phim Đêm ở viện bảo tàng (Night at the museum). Do đó, vào tham quan Viện Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia (National Museum of Natural History) ở Washington D.C, tôi cứ ngờ ngợ khi thấy Tyrannosaurus, con thú to lớn nhất thời tiền sử, rất giống con khủng long đã “diễn” trong phần II của Đêm ở viện bảotàng.

Rảo một chập nữa mới thấy nhiều mẫu tượng và hiện vật trong bảo tàng này cũng “quen quen”. Theo thông tin từ báo chí, thì ngay sau Đêm ở viện bảo tàng I , với cảnh quay tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở New York, được trình chiếu, thì bảo tàng này tăng vọt lượng khách đến tham quan. Không biết phần II, với một số cảnh quay ngay tại “thủ đô  bảo tàng" này, chẳng biết đã góp thêm sức hút với du khách cỡ nào, nhưng dẫu trưa nắng gắt người ra vào Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia ở Washington D.C vẫn nườm nượp.

 

trieu_3_b

Chú voi khổng lồ tạo ấn tượng thu hút hút khách ngay từ khi bước vào Viện Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia

 

Ngay từ sảnh chính, tôi đã có phần choáng ngợp bởi không gian rộng lớn. Ừ, nếu các bảo tàng lịch sử tự nhiên ở Mỹ không to rộng như thế thì làm sao anh chàng Larry trong phim có thể phóng xe môtô ba bánh chạy vun vút, bẻ cua quẹo trái, quẹo phải một cách thoải mái được. Kiểu thiết kế trang trí ở ngay sảnh vào khá hoành tráng, lộng lẫy, gợi tôi nhớ đến một khách sạn 5 sao rực rỡ ở Macau từng ghé qua năm nào. Nét độc đáo của viện bảo tàng này là ngay cái tiền sảnh trông rất ăn chơi đó, một chú voi hoang dã cao to đứng sừng sững, thu hút nhiều người vừa xem vừa chụp ảnh kỷ niệm.

Theo thông tin từ viện bảo tàng này, hiện đã có hơn 126 triệu mẫu vật được sưu tầm và trưng bày. Một con số đáng nể phục. Tưởng chừng như trong thế giới thiên nhiên có gì là nơi đây có đủ: từ động vật, thực vật, sinh vật biển, côn trùng cho đến xương, gỗ hóa thạch, đá quý, quặng mỏ địa chất… Điều thú vị nữa là bảo tàng còn trưng bày các đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động cổ xưa như túi giữ lạnh, bình tích lạnh, túi giữ nhiệt, các loại thuyền độc mộc... cùng cách thức và mô hình  sử dụng… Vô số “hàng” sẵn sàng đáp ứng cho thị hiếu của khách, ai thích gì thì chọn từng khu vực chuyên biệt để nhìn cho đã mắt hoặc tìm hiểu sâu hơn. Rất nhiều khách vì tò mò, len lén chạm tay vào voi, khủng long sờ sờ, nắn nắn. Đúng là bộ da thật, còn bên trong được nhồi bằng chất liệu gì thì chịu thua. Chỉ biết rằng các con thú nhồi này được thực hiện rất tỉ mỉ, chi tiết, nhìn khá sống động. Đứng xa mà ngắm cứ ngỡ hàng chính hiệu…

Lúc xem bảng hướng dẫn ở ngay lối vào, tôi đã chủ quan cho rằng chắc chẳng mấy người ghé thăm khu trưng bày đá. Đá thì có gì mà xem nhỉ? Tôi đã lầm. Những viên đá hoang sơ nằm trong các hốc đá, kết vào nhau thành từng chùm trông cũng rất lạ mắt. Rồi thì quy trình làm biến đổi chúng thành món hàng trang sức ra sao cũng được giới thiệu.

Trong số những viên đá làm đồ trang sức, nổi bật là viên kim cương mang tên Hi Vọng. Ngắm nhìn kỹ, viên đá quý này lấp lánh nhiều sắc màu mà nổi nhất là màu xanh nhạt. Rất nhiều người đã đổ dồn, vây quanh lồng kính đặt viên kim cương. Có lẽ do lời giới thiệu về nó khá hấp dẫn: nặng 45,52 carat, trị giá 250 triệu đôla, có biệt danh “viên đá giết người”. Dò hỏi “giết người” là sao mới biết xuất phát từ lời nguyền là ai mang hoặc làm chủ viên kim cương này thì sẽ chịu sự bất hạnh và dễ… chết bất ngờ. Với giá trị quá lớn, viên đá được trưng bày và bảo vệ kỹ. Khách chỉ nhìn ngắm nó qua lớp kính dày. Khác hẳn với viên đá mang về từ Mặt trăng – lẽ ra cũng phải giá trị lắm chứ, được trưng bày ở Bảo tàng Hàng không và không gian (National Air and Space Museum), tôi cứ tha hồ lấy tay vuốt nó một cách thoải mái như thể đang ở cung trăng.

 

Hàng độc: 1903


Nhà Bảo tàng Hàng không và không gian quốc gia cũng là loại có “số má” ở Washington D.C. Như đúng tên gọi Hàng không và không gian, nơi đây lưu giữ đủ loại máy bay dân dụng, quân sự từ cổ lỗ sĩ đến hiện đại, các thiết bị về thám hiểm không gian và là một trung tâm nghiên cứu về lịch sử ngành hàng không, phi hành trong vũ trụ. Trong mắt tôi, những chiếc máy bay Boeing, Air Bus thì quá quen thuộc. Nhưng còn chiếc máy bay của anh em nhà họ Wright chế tạo năm 1903 thì đúng là “hàng độc”, không thể lướt qua. 1903 chẳng giống chiếc máy bay hôm nay chút nào. Nó như hai miếng ván dài hình chữ nhật, nằm song song, nối kết với nhau bằng những thanh sắt đứng hoặc đan chéo. Phi công ngồi giữa, trống hoác, chỉ có một “cái bửng” che phía trước… Tuy quá thô sơ nhưng 1903 vẫn là chiếc phi cơ đầu tiên trên thế giới bay thành công, mặc dù nó chỉ bay được chưa tới… 1 phút.

 

trieu_4_b

Máy bay chen cánh trong Bảo tàng Hàng không và không gian


Washington D.C - thành phố được ví như là “thủ đô bảo tàng” của Mỹ,  có rất nhiều bảo tàng, lại chất lượng cao mà vào xem miễn phí. Khác với nhiều bảo tàng ở châu Âu, các bảo tàng ở đây mở cửa đến 364 ngày trong một năm. Du lịch ở Washington D.C mà không đi bảo tàng là coi như chưa đến Washington D.C. Nhưng để đi hết các bảo tàng thì bất cứ du khách nào cũng chào thua vì không đủ thời gian. Thế cho nên đành cất lời ca “hẹn lại kiếp sau" với Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia, Bảo tàng Quốc gia thổ dân da đỏ, Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật Phi châu, Phòng triển lãm Arthur M. Sackler và Phòng triển lãm Nghệ thuật Freer (tập trung về văn hóa và nghệ thuật châu Á)...


Kỳ 3: Miền Tây không hoang dã

Saint Louis, miền Trung - Tây, là một thành phố độc lập và lớn thứ 2 của tiểu bang Missouri Hoa Kỳ. Khu đô thị Saint Louis nằm hai bên bờ sông Mississippi và Missouri khá thơ mộng. Du khách đến rồi đi, nhưng đọng lại sâu nhất trong ký ức là Gateway Arch (cổng vòm).

 

nuoc_my_trong_toi_1

Một 'chòi' phục vụ bên ngoài của nhà nghỉ thuộc khu vực Texas


Cổng vào miền Tây

GateWay Arch được tạo từ những miếng thép thẳng có diện tích bằng nhau. Bàn tay tài hoa của nhà thiết kế đã tạo ra một dáng hình và công dụng mới cho những miếng thép. Ngoài, Gateway Arch cứ như là một thanh thép khổng lồ được uốn cong lại hình vòng cung. Trong, Gateway Arch rỗng hoàn toàn và đủ khoảng không gian cho một hệ thống xe điện đưa khách lên đỉnh cao 192m, ngắm cảnh thành phố. Ngày, cổng vòm chỉ là một biểu tượng lạ không đụng hàng của cả nước Mỹ. Đêm, nó như một cầu vồng lấp lánh, lộng lẫy giữa bầu trời.

Gateway Arch còn có tên gọi Cổng vào miền Tây (Gateway to the West), để kỷ niệm việc mở rộng Hoa Kỳ về phía tây.  Chính từ cổng vào này chúng tôi đã làm một cuộc hành trình, hướng về miền Tây, tìm về Texas - nơi mà từ thuở niên thiếu tôi đã biết đến qua truyện tranh Luky Luke và bộ phim truyền hình nhiều tập Miền Tây hoang dã (The wild wild west).


nuoc_my_trong_toi_5

Mặt tiền trạm dừng chỉ gợi chút bóng dáng miền Tây ngày trước


7 giờ sáng, Saint Louis vẫn còn chìm trong bầu trời mờ xám. Dù đã từng một lần lái xe rong ruổi đến Texas, nhưng vừa ngồi vào tay lái, anh Đinh Sang, Việt kiều  Mỹ đã vài chục năm, vẫn phải bật ngay định vị GPS để đảm bảo… không lạc đường. Đường đến Austin - thủ phủ bang Texas, dài khoảng 1.300 cây số, đồng hồ định vị thông báo thời gian đi dự kiến khoảng hơn 14 tiếng.

Nếu bạn có dự định dạo qua phía tây  
Hãy lên đường cùng tôi 
Đó là con đường tuyệt vời nhất  
Hãy ghé qua đường số 66…

(Lời bài ca Route 66)

Trước đây, Route 66 là một con đường nổi danh thế giới, xa lộ đầu tiên của nước Mỹ, nối liền 8 tiểu bang, bắt đầu từ Chicago, chạy ngang qua Illinois, Missouri, Kansas, Oklahoma, Texas, New Mexico, Arizona và California (chấm dứt ở Los Angeles). Giờ đây Route 66 trở thành đường cổ dành cho dân đi phượt muốn thăm thú những hình ảnh, dấu tích xưa - những bưu điện, cây xăng, quán nhỏ ven đường bị bỏ hoang. Xe chúng tôi đi vào xa lộ Liên tiểu bang 44 - một trong 5 xa lộ được xây dựng để tránh quốc lộ 66 cũ. Tùy đoạn mà có từ 6 tới 12 làn xe ngược xuôi. Ở những đoạn 12 làn xe, có lúc tôi cảm giác như mình bị hoa mắt, những nhánh đường uốn éo như đan vào nhau, những chiếc xe như dàn hàng ngang từ trước lao ập tới…

 

Đâu rồi hình ảnh cao bồi


Ký ức của con người cũng kỳ lạ, có những vùng đất lần đầu tiên đến nhưng đã có cảm giác quen thuộc. Với tôi, lúc về miền Tây nước Mỹ cũng trong tâm thế đó. Tại sao? Bởi các tập truyện tranh mà tôi đã xem từ nhỏ. Đó là hình ảnh chàng cao bồi gầy còm Luky Luke ngồi trên lưng ngựa cô độc rong ruổi qua những con đường bụi đỏ, trong bối cảnh miền Tây từ mấy thế kỷ trước. Nơi đó có những chuyến tàu hỏa hối hả băng qua vùng hoang mạc, cố trốn chạy những tên cướp bịt mặt, những chiến binh da đỏ mặt vẽ rằn ri, của một vùng đất hoang dã.

nuoc_my_trong_toi_7

Một góc thiên nhiên miền Tây hôm nay - Ảnh: L.Đ.T.


Chàng Luky Luke lạc vào thế kỷ 21 này chắc chỉ có nước ghì dây cương đứng bên đường, kinh ngạc nhìn cháu chắt cưõi xe hàng trăm mã lực, nối đuôi nhau phi vun vút. Vẫn còn đó những ngôi sao cảnh sát, nhưng hiếm hoi lắm mới nhìn thấy một xe cảnh sát nhấp nháy đèn làm nhiệm vụ. Mở nhẹ cửa kính tìm cảm giác của chàng cao bồi xưa giữa thiên nhiên: gió rít ào ào cọ xát da mặt gây gây, nhưng chẳng có đám bụi nào cuốn theo sau chiếc xe có hơn trăm con ngựa (mã lực) của chúng tôi.

Xe vào Oklahoma - vùng đất người da đỏ ngày nào. Chẳng còn bóng dáng túp lều nào. Chỉ  những ngôi nhà gỗ khang trang ở vùng ngoại ô. Riêng ở khu vực trung tâm, các tòa nhà cao tầng ngạo nghễ, hiện đại đan xen những con đường trên cao chồng chéo lên nhau 3, 4 tầng… Xe qua những cánh đồng. Một màu xanh mát mắt trải dài thay cho hình ảnh đất đá, bụi gai khô cằn trong cảnh phim cao bồi đánh nhau cùng da đỏ. Thi thoảng lắm mới gặp vài chú bò lững thững, còn thường chỉ có những đụn cỏ khô cuộn tròn, to đùng nằm rải rác, để dành làm thức ăn cho súc vật vào mùa đông.

Về miền Tây hôm nay muốn tìm khung cảnh đá núi cằn cỗi mà hùng vĩ hay những hẻm núi nhỏ e rằng phải… tránh xa xa lộ mới có cơ may nhìn thấy. Như một bức ảnh chụp khu vực đá đỏ Sedona, bang Arizona mà tôi xem được trên mạng: một đường bêtông nhỏ quanh co, kề bên một vách núi hai tầng nâu vàng nhô lên từ sa mạc dựng đứng... Chẳng trách gì giới làm phim Hollywood hay chọn nơi này làm bối cảnh để quay những bộ phim cao bồi…

 

Những nhà nghỉ có gắn sao


Trong phim về miền Tây xa xưa, tôi luôn thấy các chàng cao bồi sau khi làm một hành trình dài thường ghé vào một thị trấn nhỏ, cho ngựa uống nước, còn chủ vào quán rượu, với các vũ nữ nhảy múa trên sân khấu, với các bàn cờ bạc, những cuộc ẩu đả... Trên lộ 44 hôm nay, những “thị trấn nhỏ” nằm rải rác dọc đường. Tại những cây xăng, như Luky Luke ngày xưa, anh Đinh Sang phải tự tiếp “nước” cho chú ngựa trăm mã lực của mình với thẻ tín dụng. Những quán hàng bán thức ăn nhanh, đồ uống và cả hàng bách hóa trên đường có nhiều và cách nhau cũng khá xa. Nhưng độc đáo nhất, trong mắt nhìn của tôi, là những trạm nghỉ khá tiện nghi, phục vụ cho “cao bồi đường xa” hoàn toàn miễn phí.

nuoc_my_trong_toi_6

Bên trong một trạm nghỉ cứ như phòng tiếp tân của khách sạn


Tôi cứ nghĩ mình đang bước vào một khách sạn có gắn sao khi lách vào và bước theo vòng xoay cửa kính của trạm nghỉ ở ngay ranh giới giữa hai bang Oklahoma - Texas. Mà cũng giống khách sạn hai sao thật, khi trước mắt tôi là một quầy lễ tân với hai phụ nữ ngồi, mỉm cười chào khách và sẵn sàng giải đáp mọi thông tin. Góc nhà bên phải trưng bày đầy đủ những sản phẩm của Oklahoma, từ những viên đá cuội, quần áo cho đến quả bóng bầu dục, mũ cao bồi… Làm vệ sinh trong các phòng rộng sạch tựa như ờ các trung tâm thương mại xong, chúng tôi ghé qua góc giải khát. Một phút tự phục vụ theo sở thích, mỗi người cầm ngay ly trà hay cà phê còn nghi ngút khói, rồi sà xuống những băng ghế nệm đặt sát tường mà nhâm nhi…

Còn trong phạm vi tiểu bang Texas, chúng tôi ghé vào một ngôi nhà đá to rộng, mặt tiền được thiết kế khá lạ: hình ảnh  bánh xe ngựa lớn, với những ô cửa nhỏ xinh xắn, bên trên gắn hàng chữ Safety Rest Area (tạm dịch Khu vực nghỉ an toàn). “An toàn" vì ngoài phòng giới thiệu “lai lịch ngôi nhà”, phòng vệ sinh, còn có cả  phòng… tránh bão. Texas là vùng đất hay có bão mà. Bên ngoài nhà là một số chòi lộ thiên khang trang, xây kiên cố, có bàn ăn lớn bằng sắt, với mặt bàn đan lưới, mạ bạc. Như những khách qua đường khác, chúng tôi bày bánh mì thịt nguội, chả lụa, nước suối mua sẵn ra, làm bữa ăn gọn nhẹ. Ăn xong tự thu dọn, cho rác vào thùng, trả lại hiện trường như ban đầu. Ai thích nước giải khát thì bỏ tiền vào máy tự động làm một lon…

Thấy tôi có vẻ thích thú với những “quán bên đường" này, anh Đinh Sang thông tin thêm: tất cả các xa lộ liên bang đều có các khu nghỉ như thế, gọi là Rest Area. Tính trung bình thì cứ từ khoảng 50 đến 100 km, hai bên đường sẽ có những khu nghỉ đối diện nhau (chiều xuôi, chiều ngược). Tại các khu nghỉ đều có những thông tin cơ bản về các thành phố hoặc tiểu bang mà khách lữ hành đang đi qua và sẽ đến…

Quả thật những khu nghỉ miễn phí này làm tôi nghĩ lan man. Tôi nhớ đến châu Âu và chuyện đi tìm những nhà vệ sinh trên đường. Rất trần ai khoai củ mà lại bị thu phí nữa chứ. Rồi tôi lại nghĩ chẳng biết Mỹ có lập ra ban an toàn giao thông gì không, mà sao họ lo cho sự an toàn của khách đi đường thế. Từ chỗ nghỉ ngơi, ăn uống lấy sức cho đến cả phòng tránh bão. Quá cúc cung tận tụy thật!

 

Một góc miền Tây mới


Ngõ vào Austin xuất hiện dưới bầu trời xanh trong hòa cùng những tia nắng vàng rực rỡ. Liếc nhìn đồng hồ đeo tay, đã… 19g45. Ở đây cũng như một số nơi trên đất Mỹ, trừ mùa đông, ông mặt trời thường đi ngủ muộn, có hôm tới 21 giờ vẫn còn sáng như trời chiều Việt Nam. Là thủ phủ của tiểu bang Texas, ngoài những tòa nhà cao tầng hiện đại, đường sá rộng thoáng từa tựa các thành phố khác, tôi cảm nhận Austin còn là một thành phố rất gần gũi với thiên nhiên. Một thiên nhiên chẳng hoang dã như miền Tây trước đây.

 

nuoc_my_trong_toi_2

nuoc_my_trong_toi_3

Tòa nhà Quốc hội tiểu bang Texas vẫn giữ nét cổ kính như ngày đầu nhưng bên trong cũng đã có chỗ sửa chữa mang nét hiện đại


Austin có dòng sông Colorado, nhưng có thêm ba hồ nhân tạo cùng các ngọn đồi thoai thoải phủ màu xanh tươi của hoa lá, cây cỏ rất thơ mộng. Chúng tôi đã leo lên một ngọn đồi nằm ngay trung tâm thành phố, dựa lưng vào cây cổ thụ xòe bóng mát, thích thú ngắm nhìn một tòa nhà có phong cách Phục Hưng, mái vòm bằng cẩm thạch, tường xây bằng các loại đá granite màu hồng. Đó là tòa nhà Quốc hội tiểu bang Texas.

Qua cổng kiểm tra an ninh, chỉ 5 phút chờ đợi, người hướng dẫn (miễn phí) xuất hiện, tự giới thiệu tên: Brandon. Anh vui vẻ đưa chúng tôi lần đi theo hành trình lịch sử của bang Texas. Anh giải thích về những huy hiệu Texas theo sự phát triển từng thời kỳ của tiểu bang. Anh nói thêm về từng bức ảnh chân dung treo ngay sảnh lớn. Đó là những gương mặt đã có công tạo ra một Texas từ vùng đất hoang dã cằn cỗi của miền Viễn Tây thời đầu tiên. Trong đó có Stephen F. Austin, người có công lớn trong việc lập quốc gia Texas non trẻ, nên còn được gọi là  "cha đẻ của Texas". Brandon đưa chúng tôi lên lầu thăm nghị trường của các nghị sĩ. Chao ôi bàn ghế khá cũ kỹ - chắc giữ nguyên model của thời xưa. Chỉ có máy nhấn nút biểu quyết và micro trên bàn là dấu tích của nghị trường thời nay…

 

nuoc_my_trong_toi_4

Phòng họp của Quốc hội tiểu bang Texas vẫn giữ 2 tầng y như ngày xưa và tầng trên dành cho người dân vào trực tiếp 'theo dõi 'các nghị sĩ của mình


Qua Brandon, cùng một số thông tin tự tìm hiểu, tôi mới rõ hơn ý nghĩa, phạm vi của hai chữ miền Tây đã nhiều lần  thay đổi theo thời gian. Thời của chàng lãng tử Luky Luke có thể lấy dãy núi Appalachian (thuộc miền Đông) làm biên cương phía tây, sau đó nới ra đến sông Mississippi… Còn bây  giờ biên cương miền Tây được mở rộng hơn. Để rồi không chỉ tóm gọn một miền Tây mà còn Tây Nam (trong đó có phần đất Texas hiện nay), Tây Bắc, rồi Tây Bắc Thái Bình Dương…

Mà thôi câu chuyện “khảo cổ” miền Tây nước Mỹ xin dành cho các nhà sử, địa. Là một du khách tôi chỉ biết rằng hành trình của mình chỉ như một dải lụa vắt ngang lãnh thổ miền Tây. Dù vậy chuyến đi cũng giúp tôi hiểu rằng: Hết rồi! Hết thật rồi chất hoang dã của miền Viễn Tây ngày xưa mà tôi nhìn thấy trên phim, trên sách. Thay vào đó là một miền Tây hiện đại, hài hòa cùng vẻ đẹp thiên nhiên và lịch sử độc đáo của mình.


Kỳ 4: Lạc vào cõi thần tiên của thế giới hoạt hình

 

Những nhân vật trong Người sắt 3, Robot đại chiến, các chú minion trong Kẻ cắp mặt trăng 2 lừng lững bước ra khỏi màn ảnh, bước vào ngày vui "giải trí văn hóa tổng hợp" cho công chúng. Hàng chục nghìn du khách trẻ em lẫn người lớn có thể hòa nhập cùng các nhân vật phim ảnh khi rảo bước ở hai khu công viên giải trí nổi tiếng của Mỹ: Disneyland và Universal Studios Hollywood (bang California) trong những ngày hè rực nắng.

ldt_my

Những minion tinh quái luôn đắt khách trong nhiệm vụ làm người mẫu chụp ảnh cùng du khách. Ảnh: L.Đ.T


* Thế giới kỳ diệu

Dưới ánh nắng lung linh, những tòa lâu đài hoành tráng, xinh đẹp trong công viên giải trí Disneyland càng lộng lẫy hơn. Đường sá của “thành phố tuổi thơ” dù khá cổ kính, với hai làn xe điện cũ kỹ, nhưng vẫn phả ra hơi thở hiện đại với những tiệm kem, quán ăn nhanh, hàng quà lưu niệm cùng bao hình ảnh hào nhoáng được thiết kế từ công nghệ mới.

trieu_1

“Thiên đường giải trí “ Disneyland đầu tiên hiện ra vào năm 1955 tại Anaheim, California, khơi mào cho kỷ nguyên các công viên gia đình. Theo chân "ông anh", lần lượt 4 "người em" đã ra đời ở  Orlando - Florida, Tokyo, Paris và  Hong Kong. Còn Universal Studio đầu tiên ra mắt năm 1990 cũng tại California. Kế tiếp là ở Florida ( Mỹ), Nhật Bản và Singapore.

Giữa trưa nắng gắt, dù đã có bảng thông báo tạm dừng đón khách vì quá tải, nhiều gia đình vẫn kiên trì chờ đợi được trải nghiệm trong thế giới robot. Ảnh: L.Đ.T


“Đợi chút xíu” - 25 phút,  trước sân ga đường sắt New Orleans, chúng tôi chen lên tìm chỗ ngồi trên tàu Elevator 144. Tàu băng băng qua những đồi núi, thung lũng hoang dã, rừng rậm  huyền bí, vùng đất ma thuật… Dọc hai bên đường khi tỏ, khi mờ, khi tối sầm, một số nhân vật bất ngờ xuất hiện.

Mấy anh chàng da đỏ trong các bộ phim cao bồi xa lắc, ngồi trên lưng ngựa vẫy tay cười chào. Những chú khủng long vừa nhe bộ răng hô dài ngoằng, vừa gào rú man rợ, nhảy chồm tới như muốn tấn công  người… Các cô cậu bé ngồi trên tàu lúc thì cười sằng sặc,  lúc thì co rúm lại, nắm chặt tay bố mẹ…

Đúng là đi tàu nhanh. 20 phút đã xong vòng ngoài Disneyland. Sân chơi này xem ra quá mênh mông với hơn 60 điểm tham quan, giải trí. Từ thế giới cổ tích với công chúa ngủ trong rừng, Peter Pan biết bay, Nàng tiên cá… đến thế giới tương lai với các hiệp sĩ Jedi, Người sắt… và khu mạo hiểm phiêu lưu cùng chúa tể rừng xanh Tarzan, cướp biển vùng Caribê…

triue_2

Những loài sinh vật biển gần kề du khách trong chuyến thám hiểm cùng tàu ngầm - Ảnh: Triều Nam


Muốn khám phá, du khách phải sải chân tìm và dừng chân xếp hàng chờ "hơi bị lâu". Trong số 650 triệu du khách đã đến vui chơi tại Disneyland (con số hiện trên bảng điện tử ở tòa nhà thông tin) chắc hiếm có ai đủ thời gian - và sức lực nữa - để có thể khám phá hết các địa chỉ, hòa nhập vào tất cả những câu chuyện và nhân vật hoạt hình, điện ảnh...

Sự khám phá đôi khi lại diễn ra không đúng như ý định của du khách chỉ vì những con đường đan chéo chằng chịt, người đông, đôi lúc phải chen nhau như đi chợ và không phải khách nào cũng là tay xem bản đồ sành sỏi.

coi_chet

Marilyn Monroe sống lại biểu diễn ngay trong phim trường Universal - Ảnh: L.Đ.T.


Đã đặt chân vào vùng đất kỳ diệu, nhìn bản đồ, trực chỉ đến xứ sở thần tiên Alice, nhưng rồi chúng tôi lại rơi vào lớp học ngoài trời của những hiệp sĩ Jedi - người sử dụng thần lực cho các mục đích tốt trong bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao.  Đây là nơi cho thiếu niên, nhi đồng khoác áo choàng hiệp sĩ, tập dùng kiếm phát quang chiến đấu với những gã Sith hung ác. Rảo bước trong thế giới tương lai, du khách khó lòng bỏ qua “tòa nhà phát minh".

Trong đây trưng bày những mặt hàng thật gần gũi, từ chiếc gương trang điểm như một ống kính thu phát hình tại chỗ, cho đến mặt bàn ăn là một hồ cá, chạm tay vào mặt nước lăn tăn xao động… Nơi này có cả “xưởng” sáng tạo của Người sắt. Khách có thể đứng trước màn hình, vung tay điều khiển từng mảnh giáp, lắp ráp vào tay chân mình để thành một người sắt hoàn chỉnh và hệt như phim, bay vọt lên không trung...

* Bật mí phim trường

Ngay trên tấm vé vào cổng khu giải trí Universal Studio Hollywood nhỏ bằng nửa lòng bàn tay, chễm chệ hình ảnh chú robot đặt dưới hàng chữ Transformer, The ride - 3D. Tuy nhiên mấy gã robot không phải là đỉnh trong mùa hè 2013. Đập vào mắt du khách ngay khi bước qua cổng là cơn lốc màu vàng của những minion tinh nghịch trong bộ phim Kẻ cắp mặt trăng. Thấp béo, toàn thân vàng chóe, cặp kính to, tròn xoe - hình ảnh của các minion giờ hóa thân thành những chiếc mũ trùm đầu ngộ nghĩnh, những bình nước tiện dụng cho các gia đình du khách. Hơn thế nữa là mấy chú minion thật đứng ở một góc phố, trò chuyện, làm người mẫu cho mọi người chụp ảnh lưu niệm.

Từng bước, từng bước chậm dễ đến 2 km quanh co, mất 45 phút chúng tôi mới leo lên được chiếc tram - xe điện thấp thông thoáng 4 phía, tham quan khám phá phim trường. Xe thong thả qua các khu phố, những tòa nhà cao vút mà chỉ sau một cú ngoặt xe, khách đồng loạt ồ lên. Tòa nhà bề thế quá mức nhưng chỉ dày vài chục centimet. Dựng để lấy mặt tiền lên phim ấy mà.

triuenam

Đến với Disneylan thường là các gia đình, thậm chí có trẻ còn ngồi trên xe đẩy - Ảnh: Triều Nam

Xe ra khỏi phim trường thành phố. Những ngôi nhà ẩm thấp, cây cầu, vườn cây lướt qua. Bất chợt cơn mưa trút xuống, tiếng sấm gào thét. Đột ngột từ trong một dòng thác lũ đổ ào ra tung bọt trắng xóa… Chịu! Không hiểu người ta đã sử dụng kỹ xảo hay công nghệ 3, 4 chiều chi chi mà cảnh thật sống động. Từ phim trường để tạo cảnh đụng xe, máy bay rơi, cho đến cảnh động đất, khủng bố… đều như thật.

Hấp dẫn nhất là khi xe băng qua chiến trường đang long trời lở đất giữa king kong và khủng long… Lúc ấy trên màn hình của xe bật chiếu một đoạn phim King Kong và giọng hướng dẫn viên lại sôi nổi thuyết minh, giới thiệu cảnh quay tại phim trường mà khách đang có mặt, chứ chẳng phải ở một cánh rừng xa lắc nào.

* Nhập vào vai diễn

Nữ thủy thủ Holly tóc vàng óng ả, đeo kính râm màu trà, nổi bật khi đứng trên boong tàu ngầm Explorer 607. Nở một nụ cười tươi tắn chào khách, kèm một cái khoát tay điệu nghệ, cô mời chúng tôi xuống hầm tàu và không quên chúc một chuyến đi thú vị. Mà thú vị thật khi hai bên thân tàu nước sùng sục, mớ bong bóng bay ngược lên và tàu chìm dần (thật hay chỉ là cảm giác cũng khó biết chính xác. Tàu lướt như trôi và qua ô cửa kính, đại dương sâu thẳm hiện ra một cách quyến rũ. Chiếc loa trên tàu vang lên dìu dặt nhạc phim Đi tìm Nemo

ao_giao

Các bộ giáp của Người sắt luôn tạo ấn tượng cho khách tham quan. Ảnh: Minh Hương


Chuyến du hành dưới đáy biển có lẽ là cuộc phiêu lưu êm dịu nhất. Đa phần các cuộc phiêu lưu ở cả hai khu Disneyland và Universal là những trò chơi cảm giác mạnh đến mức muốn đứng tim. Chúng tôi đã trải nghiệm cảm giác đó khi phiêu lưu cùng những tên cướp biển Caribê, chằn tinh Shrek, gia đình Simpson…

Trong đó chuyến nhập vai vào bộ phim khởi đầu cho phim hành động kiểu mới năm 1991 Indiana Jones là ấn tượng nhất. Mò mẫm leo lên cầu thang dây, qua một động đá lớn trong ánh lửa leo lét, chúng tôi ngồi vào đúng cái xe bụi đời của tiến sĩ. Xe chạy lắc kinh khủng. Đôi lúc cứ tưởng sắp bị văng ra ngoài.

Có lúc xe đang chạy trong bóng đêm, bất ngờ những ánh chớp lóe lên, kèm theo tiếng nổ giòn giã, đạn bay vèo vèo sát bên mang tai. Không bảo nhau, theo phản xạ, tôi và hai người ngồi trước đều cúi rạp đầu xuống. Cuộc tấn công chấm dứt, xe tiếp tục đi tới, lại bất ngờ một hòn đá lớn như quả cầu tuyết khổng lồ từ trên rơi xuống, lăn nhanh về phía chúng tôi. Chiếc xe không trở lui kịp và bị quả cầu lao thẳng, chồm lên xe…

hiep_si

Để lớp học hiệp sĩ Jedi thêm hấp dẫn, một phi thuyền kích cỡ y như trong phim có thể chuyển động lên xuống được tạo dựng - Ảnh: Minh Hương


21g30 . Bùm... bùm..! Từng  chùm pháo hoa được bắn lên, tỏa sáng giữa bầu trời đêm Disneyland. Ngày vui "giải trí văn hóa tổng hợp" khép lại. Một thoáng chạnh lòng khi nghĩ tới cơ hội đắm mình trong thế giới giả mà như thật của trẻ nhỏ quê nhà. Đã từng có thông tin Hà Nội tính chuyện xây Disneyland ở Sóc Sơn (trong quy hoạch phát triển du lịch đến 2020), một dự án Disneyland ở Bình Thuận từ 2004.

Ở châu Á đã có Disneyland Tokyo (Nhật), Disneyland Hong Kong. Bao giờ cho đến… Disneyland Việt nhỉ?

 

LƯU ĐÌNH TRIỀU

(nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/577266/nuoc-my-lan-dau-trong-mat-toi.html#ad-image-0)

 

 

 

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com