BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Tựa tập sách HẠNH PHÚC ĐAN GIỮA NGÓN TAY của MINH HƯƠNG.NGUYỄN

LÊ MINH QUỐC: Tựa tập sách HẠNH PHÚC ĐAN GIỮA NGÓN TAY của MINH HƯƠNG.NGUYỄN

tap_sach_cua_Minh_Huong

 

1.

“Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu”. Nhân vật của nhà văn Vũ Trọng Phụng đã thốt lên não nùng. Cay đắng. Có thật khi đầu đời mở mắt nhìn lấy trần gian muôn mặt, mỗi số phận đã được/ bị “lập trình”? Trả lời câu hỏi này thế nào? Rằng thưa, khi đọc kiệt tác Truyện Kiều với 3254 viên ngọc không tì vết, vô tiền khoáng hậu của đại thi hào Nguyễn Du, thiền sư Thích Nhất Hạnh cho biết ngài rất ghét một nhân vật. Sở Khanh? Tú Bà? Mã Giám Sinh? Không đâu, ngài ghét cay ghét đắng tên thầy bói. Ai đời, lúc nàng Kiều mới lớn, đang mơn mởn thanh xuân, đang yêu đời phơi phới, ngờ đâu lão ta đã phán:


Anh hoa phát tiết ra ngoài


Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa

“Ông thầy tướng này nguy lắm! Người ta còn con nít mà nói như vậy là gieo một hạt giống đau khổ thắc mắc và lo sợ vào trong lòng người ta! Người ta cứ yên chí rằng mình sẽ khổ suốt đời, đó là cái không hay”. Thầy Thích Nhất Hạnh nghĩ thế. Chúng ta cũng nghĩ thế. Nghĩ rằng, trong đời sống này, sự khổ đau hay sung sướng, hoan lạc hay sầu thảm cũng chính là từ lúc chúng ta tự ý thức gieo lấy hạt giống gì trong ngay trong lòng mình. Gieo niềm vui gặt tiếng cười. Gieo âu lo gặt phiền muộn. Gieo gió gặt bão. Xét ra, triết lý sống trong văn hóa Việt rất gần gũi với tinh thần của đạo Phật.

Và, bây giờ trên tay bạn với sách Hạnh phúc đan giữa ngón tay của doanh nhân Minh Hương. Nguyễn là quyển sách viết theo tâm thế này.  

2.

Mở đầu, ngay từ dòng trước nhất, ta đã thấy một tự tin, một quả quyết, một xác tín: “Đời không như là mơ nhưng ta vẫn cứ làm thơ”. Thơ là một cách nói về điều gì đó lạc quan và nhìn lấy cuộc đời qua sắc màu khác - tươi thắm hơn, dẫu cho trong đời, ta chưa thấy. Nhưng rồi, sẽ thấy.

Có lẽ ngay từ trang đầu đã tạo ra sự thiện cảm giữa tác giả và bạn đọc, chính là câu chuyện từ gia đình, từ thời còn thơ bé. Ngày tháng đó đã là dấu ấn đầu đời của Minh Hương.Nguyễn để biết rằng, “Yêu thương bằng cách chấp nhận người khác”. Âu cũng là một cách diễn đạt câu nói từ Truyện Kiều: “Mà trong lẽ phải có người có ta”. Biết như thế để từ đó hài hòa trong các mối quan hệ, với tác giả chính là “Thích ứng để đời bớt đau khổ”, là “Học cách xấu hổ và sửa chữa lỗi lầm”… Có như thế, con người ta mới từng bước hoàn thiện bản thân mình.

Khi đọc tập sách này, đôi lúc tôi dừng lại và nhớ đến bài học Chấp nhận cuộc đời của Luise Rinser qua bản dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê. Nhớ rằng, lúc đối mặt với hoàn cảnh hắc ám nhất, ta vẫn có thể vượt qua bằng cách: “Hòa giải với nó, tin nó, coi nó như bạn đồng hành, chấp nhận nó như một sự tất yếu, nhưng là một sự tất yếu hợp ý ta, hoàn toàn do ta định”. Đúng thế, dù thế nào đi nữa, tình huống đó vẫn do ta chủ động và quyết định, chứ không tuyệt vọng, buông xuôi.

Ở đây, Minh Hương.Nguyễn đã bàn đến, đi sâu vào nhiều tình huống khác nhau, qua đó nhằm trình bày các cách hòa giải. Nếu có những lúc như thế, phương cách nào có thể giúp ta? Minh Hương, Nguyễn ý thức như thế nào? “Có một thông điệp mà thiền hay mindfulness hay nhắc đến đó là khi giận dữ cơ thể tạo ra độc tố gây hại cho sức khoẻ; nếu ta cứ giận dữ ghét bỏ ai đấy thì cũng giống như mình uống thuốc độc rồi kêu người kia chết đi. Nói thế để thấy rằng khi bạn hòa giải với chính mình cũng là một cách để bảo vệ sức khỏe của bạn và đồng thời giúp hòa giải với người khác bằng những năng lượng trung tính hoặc tích cực hướng đến người đó”.

Niềm tin ấy, sự “hòa giải” ấy cũng chính là “hóa giải” đấy thôi.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ đến hình ảnh thánh thiện, rất đỗi đời thường trong truyện ngắn Chiếc là cuối cùng của nhà văn Mỹ O. Henry. Nghĩ cho cùng, không riêng gì Hạnh phúc đan giữa ngón tay, các tập sách về chủ đề này cũng là một cách hướng đến thông điệp nhân văn đó.

Với những mẩu chuyện nho nhỏ, sinh động được kể bằng giọng văn thân mật khiến người đọc cảm thấy gần gũi và dễ nhớ. Tôi đọc và có cảm giác như đang được người bạn mở lòng thủ thỉ, trải lòng chân tình về những gì mà bạn đã chiêm nghiệm, đã trải qua, chứ không hề giáo điều “lên gân”. Nhẹ nhàng và nhẹ nhàng. Từng câu chuyện cứ thế diễn ra như chúng ta cùng ngắm lấy bông hoa ngoài bờ rào đang nở, như cảm thấy tiếng chim reo đầu ngày nắng sớm…

Rồi, tất cả và tất cả trong tập sách này, điều khiến “tôi và chúng ta” tâm đắc nhất vẫn là nhằm đạt đến mục tiêu cuối cùng: “Kiến tạo phiên bản tốt nhất của chính mình”. Kinh nghiệm của Minh Hương.Nguyễn có thể tóm tắt trong vài “gạch đầu dòng” như: Bắt đầu từ lập mục tiêu và cam kết hành động. Cam kết với ai? Với chính mình. “Khi bạn hành động chính là lúc niềm tin của bạn được củng cố là bạn làm được, cứ thế mỗi hành động sẽ đưa bạn đến gần mục tiêu hơn. Hãy nhớ không hành động sẽ không có kết quả và cuộc sống chỉ tưởng thưởng khi bạn hành động chứ không phải cho kiến thức, suy nghĩ hay mong muốn của bạn.

Một tập sách đã mở ra, tùy đối tượng người đọc, mỗi người có thể chọn lấy vấn đề mà mình đồng cảm nhất. Thú thật, nếu chọn lấy một trong nhiều câu khác, tôi sẽ chọn câu này: “Hãy biết cách chủ động tạo niềm vui cho mình để không lẻ loi trông ngóng. Một bản lĩnh rất đáng ghi nhận, nhất là ở nữ giới. Ít nhiều đã phản ánh sự khác biệt ngay từ trong ý thức của phụ nữ thế kỷ này và trước đó.

Thấy rõ điều này, quay ngược lại với những gì đã đọc, ta càng thấy sự nhất quán ở một người ngay từ trẻ đã tâm niệm và thực hiện cho bằng được, như: “Đời công chức, chẳng nỗ lực thì đừng mơ thành công”, “Hiểu thêm mình từ thử thách mới”, “Tiến thêm một bước ra khỏi vùng an toản”… Và, thậm chí “Không có thất bại, chỉ là phản hồi”… Thế thì, sự trải nghiệm này không là lý thuyết mà chính chất liệu từ cuộc sống đó thôi.

3.

Trở lại với kiệt tác Truyện Kiều, về câu chuyện của thầy Thích Nhất Hạnh, tôi vừa nêu trên không rõ bạn nghĩ gì, nhất là sau khi đã đọc Hạnh phúc đan giữa ngón tay? Có phải bạn đang nghĩ đến câu: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”? Nếu thế, chúng ta đã đồng cảm tập sách của Minh Hương. Nguyễn.

Đồng cảm về suy nghĩ: Sống trên đời này, tôi và bạn, bất kỳ ai cũng có thể thay đổi số phận của mình để có một phiên bản hoàn thiện. Vì rằng, “Không ai yêu thương bạn hơn chính bạn vì vậy rất cần đầu tư phát triển tâm, thân, trí tuệ, mở rộng tầm mắt, trái tim đón nhận những điều tốt đẹp của cuộc đời. Càng phát triển ta lại thấy cuộc đời đẹp hơn, có nhiều điều muốn trải nghiệm, khám phá”.

Nói cách khác, phiên bản hoàn thiện ấy, ai cũng có thể, nếu dám vượt qua mình để thật sự trở thành chính mình: “Mọi thứ diễn ra trong cuộc đời là sự chọn lựa của bạn”. Nghĩ như thế, cũng là lúc ta lựa chọn lấy hạt giống hướng thiện và gieo trong lòng mình…

LÊ MINH QUỐC

(9.VI.2022)

(nguồn: Tập sách Hạnh phúc đan giữa ngón tay (NXB TH TP.HCM-2022) của Minh Hương. Nguyễn)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com